Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Nhật trừng phạt kinh tế TQ, xoay trục sang ASIAN


 Nhật trừng phạt kinh tế TQ, xoay trục sang ASIAN

Đó là nhận định của ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty phân tích thông tin và dự báo nổi tiếng IHS ở Mỹ, trên trang DW của Đức. Ông Rajiv Biswas khẳng định các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc và ngày càng thiết lập quan hệ chặt chẽ với khu vực ASEAN sau khi quan hệ Nhật - Trung rơi vào căng thẳng.
Tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về một vùng nhận diện phòng không chỉ là một trong số nhiều lý do khiến leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á. 
Cảm giác khó chịu và hoài nghi lẫn nhau đã không chỉ dẫn đến sự suy giảm trong quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà còn có tác động đến đầu tư song phương.
 Ông Rajiv Biswas tin rằng Nhật đang xoay trục sang ASEAN
Ví dụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản (FDI) vào Trung Quốc trong nửa đầu của năm 2014 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cả năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 23,5% dù tổng FDI của Trung Quốc ở nước ngoài năm 2013 tăng 16,8 %.
Vậy nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản đang chảy đi đâu? Ông Rajiv Biswas cho rằng Nhật đang tái tập trung đầu tư của họ sang ASEAN và khẳng định khu vực Đông Nam Á có một số trung tâm sản xuất trở nên ngày càng hấp dẫn đối với Nhật Bản, đặc biệt là so với Trung Quốc.
Ông Rajiv Biswas gọi đây là chính sách xoay trục ASEAN của Nhật vì Nhật lo ngại về lâu dài, các khoản đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên mạo hiểm khi quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Hơn nữa, chi phí nhân công tại các tỉnh duyên hải miền Đông Trung Quốc ngày càng cao khiến Nhật phải xoay trục.
Trong khi đó, sản xuất chi phí thấp ở Đông Nam Á, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines, cũng như  tại các thị trường mới nổi khác như Ấn Độ, Brazil và Mexico khiến Nhật Bản càng có lý do xoay lưng với Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất khiến Nhật quyết xoay trục ASEAN là họ cảm thấy có thể tin tưởng được ASEAN. Việc một ASEAN giàu mạnh cùng Nhật chia sẻ mối lo Trung Quốc chính là điều mà Nhật trông đợi lúc này.
Anh Tú (lược dịch)

Nếu Việt Nam nhân nhượng, Trung Quốc sẽ lấn tới


 Nếu Việt Nam nhân nhượng, Trung Quốc sẽ lấn tới


Tại ngày cuối, ngày 26.7, của Hội nghị quốc tế biển Đông 2014, học giả các nước tiếp tục thảo luận để tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế những leo thang của Trung Quốc và nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa các nước đang có tranh chấp trên biển Đông. 

Luật rừng của Trung Quốc hay luật quốc tế
Dự kiến sẽ trao đổi bài tham luận vào ngày cuối tại hội nghị, nhưng cuối cùng ông Cao Qun, Trung tâm An ninh hàng hải và hợp tác, ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc vắng mặt. GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông thuộc Học viện quốc phòng Úc thay mặt đọc tham luận của ông Cao Qun, về quan điểm của Trung Quốc khi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển (UNCLOS). 
Trong tham luận, ông Cao Qun liên tục cáo buộc Philippines kiện Trung Quốc là không có cơ sở, vì Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của mình, đồng thời cho rằng Trung Quốc không hề vi phạm UNCLOS. 
Đồng thời, ông Cao Qun cho rằng, đường chín đoạn đã ra đời rất lâu, từ năm 1947, trước khi UNCLOS ra đời. Trung Quốc có quyền và cơ chế lịch sử, nên Philippines không thể phê phán Trung Quốc đi ngược với UNCLOS được.  
“Xa hơn, Philippines đã thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ trao đổi với Trung Quốc về tranh chấp”, ông Cao Qun viết.








 Ảnh: L.Quỳnh
Tại hội nghị, phản ứng khá gay gắt với tham luận từ phía Trung Quốc, ông Renato De Castro, đến từ ĐH De La Salle, Philippines, cho rằng Trung Quốc đang thể hiện một sự hung hăng rất lớn khi liên tục thay đổi bản đồ mà không dựa trên cơ sở nào. 
Theo ông Renato De Castro, việc Philippines kiện Trung Quốc là hành động phản ứng của nước này khi bị Trung Quốc dồn vào việc phải chấp nhận việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarboroug vào năm 2012.
Việc Trung Quốc cho rằng đã có đường lưỡi bò trước khi có UNCLOS là không có cơ sở. Nó được thực hiện bởi một cá nhân, mà một cá nhân thì không thể nào xác định được cương thổ quốc gia".
Ông Lê Vĩnh Trương, đến từ Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á.
Mọi buộc tội của Philippines với Trung Quốc đều có cơ sở. Trong vòng 17 năm quan, Trung Quốc luôn “làm ngơ” trước mọi yêu cầu cùng thảo luận về vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Philippines, cũng như chưa bao giờ chịu giải thích đường chín đoạn là như thế nào. Vì vậy, các quốc gia có chủ quyền buộc phải đưa Trung quốc ra Tòa án quốc tế. 
“Chúng ta phải tôn trọng hệ thống luật quốc tế chứ không thể dùng "luật rừng" như Trung Quốc. Những nước lớn cũng phải tôn trọng luật quốc tế. Quốc gia lớn hay nhỏ đều có lợi ích quốc gia của mình và đều cần được tôn trọng”, ông Renato De Castro nói. 
Cần kiện Trung Quốc, nhưng cái chính vẫn là tương quan lực lượng  
Chia sẻ quan điểm với Philippines, ông Lê Vĩnh Trương, đến từ Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á, việc Việt Nam dùng luật pháp quốc tế, cụ thể là kiện Trung Quốc theo UNCLOS, là phương pháp văn minh, giảm sự leo thang chiến tranh của Trung Quốc, giảm nguy cơ hoặc chấm dứt chiến tranh.
Trong suốt nhiều năm quan, Trung Quốc đã có những hành vi bắt bớ, giết chết ngư dân Việt Nam, cắt cáp, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam… Việt Nam đã nỗ lực thương thuyết 26 lần với Trung Quốc nhưng nước này vẫn bặt âm vô tín. 
Vì vậy, theo ông Trương, nếu Việt Nam tiếp tục chính sách thương thuyết với Trung Quốc thì sẽ phải hối tiếc về sau. Điều này khiến Trung Quốc sẽ ngày càng gây hấn với Việt Nam hơn, Việt Nam ngày càng nhượng bộ và yếu thế; sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của người dân Việt Nam lẫn quốc tế. 








GS Carl Thayer tại nơi trưng bày chứng cứ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bên ngoài hội nghị - Ảnh: L.Quỳnh
“16 chữ vàng hoặc 4 chữ tốt cũng chỉ là uyển ngữ, đang đi ngược lại tình hình chính trị trong khu vực hiện tại. Chúng ta cần dùng mọi biện pháp để giảm nguy cơ chiến tranh. Nếu chỉ dùng duy nhất biện pháp thương thuyết thì đó sẽ là nguy cơ xảy ra chiến tranh”, ông Trương nói.
Đồng thời, việc kiện Trung Quốc không chỉ là phương pháp chủ động trong ngoại giao, tạo ra những hình ảnh tích cực về chính sách và chính trị cho Việt Nam, mà nó còn là liệu pháp vắc-xin về kinh tế về lâu dài với Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi bị phụ thuộc vào Trung Quốc. 
Theo ông Trương, Việt Nam có thể gặp khó khăn về ngắn hạn, thậm chí trung hạn, nhưng về lâu dài Việt Nam có thể cân bằng về kinh tế, chính trị.
“10% của Việt Nam là xuất khẩu, nhập khẩu là 28%, Trung Quốc là một trong 7 quốc gia đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Nếu Trung Quốc cấm vận thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng 28%. Nhưng nhìn lại thời kì Việt Nam bị cấm vận 1975 – 1989, Việt Nam bị tác động đến 58%, nhưng sau đó, chỉ mất 2 năm, kinh tế Việt Nam đã phục hồi về xuất khẩu, tìm ra những thị trường khác như Châu Âu, Tây Âu, Châu Mỹ,…”, ông Trương dẫn chứng. 
Đồng quan điểm cần kiện Trung Quốc, trao đổi với Một Thế Giới, GS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế Viện đại học George Mason – nói: vấn đề là mình kiện gì thôi.
Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề Việt Nam kiện Trung Quốc cho thấy cũng có cái lợi và cái hại, nhưng Việt Nam có nhiều lí do để kiện Trung Quốc. “Việc kiện tương đối thuận lợi cho Việt Nam. Tôi không lo mình bị thất bại. Mình kiện để buộc thế giới phải lên tiếng, và nhất là kiện ra Toà án trọng tài quốc tế thì không có phủ quyết được”, GS Hùng nói. 
Tuy nhiên, GS Hùng cho biết thêm, luật pháp chỉ có tính tương đối. Trong trường hợp Việt Nam thắng kiện mà Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành vi gây hấn thì cũng khó làm gì được, vì luật quốc tế không có định chế để thi hành, thành ra nó chỉ có tính cách ngoại giao, cái chính vẫn là tương quan lực lượng.








 Học giả các nước tại hội nghị - ảnh: L.Quỳnh
Cần là một Asian thống nhất, tin tưởng nhau
Thảo luận tại hội nghị, ông Hitoshi Nasu, ĐH quốc gia Australia đề nghị, các nước tranh chấp thay vì ngăn cấm, thì có thể cùng ngồi lại và thống nhất những hành động nào là thù địch và gây thù địch cho đối phương. Điều này sẽ giảm nguy cơ chiến tranh rất lớn. 
Còn GS Carl Thayer cho rằng, trong tình hình hiện nay, bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) phải còn mất rất lâu, có thể cả chục năm, để hoàn thiện. Trong khi đó, thực tế khối Asian là một khối bị chia rẽ, với những quyền lợi khác nhau, ngay cả trong nhóm các nước đang tuyên bố bị tranh chấp trên biển Đông cũng bị chia rẽ, không thống nhất trong ứng xử.
Vì vậy, rất cần phải xây dựng được khu hàng hải chung, an toàn, không bị chia cắt, và luật quốc tế được áp dụng cho mọi khu vực hàng hải chung, cả Đông Nam Á, chứ không chỉ biển Đông. Đồng thời, luật pháp quốc tế cũng phải là một phần và lồng ghép vào COC. COC phải được áp dụng toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, có như vậy mới tăng được tính đoàn kết và giải quyết được những vấn đề khác. Các lí lẽ, lập luận khi đưa ra toà cũng vì thế mà mang tính thống nhất.  
“Thực tế, Trung Quốc đã tham gia nhiều đối thoại về tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, cũng đã có một số nhượng bộ, nhưng vấn đề là Trung Quốc ngày càng trở thành cường quốc, không ngừng hiện đại hoá quân sự của mình. Vì vậy, nếu muốn giải quyết vấn đề khu vực thì cần lùi lại, nhìn lại bức tranh tổng thể của Trung Quốc. Và cần tăng cường tính thống nhất để Asian mạnh hơn, tăng cán cân khi xử lý, thương thuyết thảo luận với Trung Quốc. Trung Quốc khi đó phải tuân theo quy định quốc tế chứ không thể đánh lẻ. Việc cần xây dựng một hội đồng bảo an chính trị của Asian cũng là đề nghị của tôi”, GS Carl Thayer giải thích. 
Lê Quỳnh

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Trung Quốc âm mưu đặt ống dẫn dầu dưới biển Đông

Trung Quốc âm mưu đặt ống dẫn dầu dưới biển Đông

Trung Quốc âm mưu đặt ống dẫn dầu dưới biển Đông

Trong việc khai thác dầu mỏ ngoài khơi biển Đông, kể cả ở những khu vực không thuộc đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, thậm chí vi phạm khu vực thuộc đặc quyền của nước khác, Bắc Kinh đối mặt với nhiều vấn đề về kỹ thuật: chuyển nhiên liệu khai thác về đất liền. Nhưng họ có thể giải quyết trở ngại này nếu lắp đặt được đường ống dẫn dầu dưới biển.
Trong bài "Trung Quốc hăm he đưa giàn khoan trở lại biển Đông" mà Một Thế Giới đã đăng hôm 24.7, chúng tôi đã phân tích:
"Nếu không có tàu FLNG để chiết xuất và hóa lỏng khí đốt, giàn khoan trị giá 1 tỉ USD của Trung Quốc dù có hoạt động cũng chẳng hiệu quả.
Đó có thể chính là lý do khiến Trung Quốc đem giàn khoan về lãnh hải của họ. Và khi bỏ ra cả đống tiền để có FLNG thì Trung Quốc sẽ khó để không con tàu này, mà phải dùng nó đi khai thác để bù lỗ".
Tàu FLNG giống như nhà máy hóa lỏng trên biển có thể chiết xuất khí đốt và hóa lỏng nó trước khi giao nó cho tàu chở dầu vận chuyển vào bờ.
Tuy nhiên, việc đóng tàu FLNG đòi hỏi nhiều tiền bạc và công nghệ cao. Nhanh nhất, Trung Quốc cũng phải mất vài năm mới có chiếc tàu FLNG có công suất đủ lớn để phục vụ công việc "khai thác" xa bờ. 
Ngoài phương án đóng tàu FLNG, Trung Quốc còn có một phương án khác mà công nghệ nằm trong tầm tay họ: đặt ống dẫn dầu. 
Nếu Trung Quốc thành công trong việc đặt ống dẫn dầu trái phép từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, rồi từ đó kết nối với các giàn khoan ngoài khơi ở khu vực khác trên biển Đông thì thực sự rất nguy hiểm.
 Trung Quốc rất mạnh trong việc xây dựng đường ống dẫn dầu
Phong Tần, kỹ sư trưởng của tập đoàn lọc dầu hàng đầu châu Á Sinopec Corp cũng đề cập đến chuyện xây dựng ống dẫn dầu, nhưng cho biết nó không tối ưu bằng việc đóng tàu FLNG phục vụ cho việc khai thác trên ngoài khơi.  
Cái khó của phương án dựng đường ống dẫn dầu không phải là kỹ thuật mà là an ninh. Phía Trung Quốc cho rằng với đường ống dẫn dầu dài thì việc đảm bảo an toàn sẽ khó khăn hơn nhiều so với hộ tống 1-2 chiếc FLNG.

Tuy nhiên, nếu như việc đóng tàu FLNG không tiến triển (cho đến giờ chưa hãng đóng tàu nào nhận lời tham gia dự án đóng tàu FLNG mà Trung Quốc mời chào), thì rất có thể phương án xây dựng đường ống dẫn dầu sẽ được tính đến.

Phương án này sẽ tốn khoản đầu tư ban đầu rất cao và đối mặt với các thách thức về an ninh nhưng giới chuyên gia Bắc Kinh cho rằng nó sẽ tiết kiệm kinh tế về lâu dài. Hơn nữa, dựng được đường ống dẫn dầu từ Hải Nam ra biển Đông thì Trung Quốc càng có cớ để "thể hiện chủ quyền" trên biển Đông.

Trong lúc này, Trung Quốc đang tích cực nạo vét tại một số đảo ở Hoàng Sa để thúc đẩy xây dựng các cơ sở hạ tầng tại đây. Sẽ không ngạc nhiên nếu họ xây dựng một nhà máy lọc dầu tại đó và chuyển thành phẩm khai thác được về đảo Hải Nam thông qua đường ống dẫn dầu. Những kịch bản dự báo mà báo chí phương Tây đưa ra là điều mà tất cả các nước trong khối ASEAN và cộng đồng quốc tế cần quan tâm, đề phòng trước khi mọi chuyện thành quá muộn.
Anh Tú (tổng hợp)

Việt Nam cần kiện ngay Trung Quốc ra Toà án Quốc tế

Việt Nam cần kiện ngay Trung Quốc ra Toà án Quốc tế

 Một Thế Giới 
Việt Nam cần kiện ngay Trung Quốc ra Toà án Quốc tế
Việt Nam cần tiến hành kiện Trung Quốc ngay ra Toà án Quốc tế là ý kiến của nhiều đại biểu trước thềm hội nghị quốc tế về biển Đông 2014, được khai mạc vào sáng hôm nay, ngày 25.7 tại TP.HCM.
 
Theo nhiều đại biểu, ngay lúc này là thời cơ thuận lợi để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc về nhiều vấn đề như gây cản trở khai thác và thiệt hại kinh tế dầu khí, an toàn lưu thông hàng hải, di sản biển, và việc cản trở, gây thiệt hại đến đời sống kinh tế của ngư dân Việt Nam trên biển…

Hội nghị quốc tế về biển Đông 2014 chủ đề: “Tranh chấp trên biển Đông dưới góc nhìn dân sự”, diễn ra trong hai ngày 25.7 và 26.7, do đại học Tôn Đức Thắng đăng cai tổ chức.
 
Hội thảo có 22 bài tham luận, được trình bày bởi nhiều học giả trong và ngoài nước đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học đơn vị nghiên cứu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế về biển Đông. 
 
Tại hội nghị, cuộc thi thiết kế công trình “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” đã được công bố.
Tại hội nghị, đặc biệt có các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về biển Đông như: GS Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu về biển Đông thuộc học viện quốc phòng Úc; GS Ramses Amer - nghiên cứu viên cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc đại học Stockholm (Thụy Điển); GS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế viện đại học George Mason…
 
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia sẽ đi vào trọng tâm xung quanh về chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp thông qua việc chấp hành luật lệ quốc tế; hay phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao, ôn hòa để giữ gìn biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
 
Tại hội nghị, cuộc thi thiết kế công trình “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” cũng được công bố, do tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trung ương đoàn thanh niên Việt Nam vận động tổ chức.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin các nội dung hội nghị quốc tế về biển Đông.
Lê Quỳnh

Mỹ phóng vệ tinh răn đe Trung Quốc

Mỹ phóng vệ tinh gián điệp, răn đe Trung Quốc từ vũ trụ


(GDVN) - Mỹ muốn phát đi thông điệp cho đối thủ về khả năng răn đe, bảo vệ trang bị không gian, cảnh cáo đối thủ có thể bỏ chạy nhưng sẽ không có nơi ẩn náu.

Tên lửa đẩy Delta-4 (nguồn floridatoday.com)

Tối ngày 23 tháng 7, một quả tên lửa đẩy Delta-4 đã phóng ở căn cứ không quân Canaveral, đưa 2 vệ tinh nhận biết tình hình không gian đồng bộ lên quỹ đạo, 2 vệ tinh này do đó sẽ trở thành lô vệ tinh nhận biết tình hình không gian đồng bộ đầu tiên được phóng lên. 

Có truyền thông phương Tây cho rằng, Không quân Mỹ phóng loại vệ tinh tiên tiến mới vào không gian nhằm theo dõi ngầm vệ tinh của nước khác, đồng thời có thể đáp trả mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào tàu vũ trụ của Mỹ. 

Như vậy, mục tiêu rốt cuộc là gì? Một số phương tiện truyền thông phương Tây và quan chức Mỹ tiết lộ, vệ tinh gián điệp mới của Mỹ có mục tiêu là Trung Quốc.

Tờ "Florida ngày nay" Mỹ ngày 23 tháng 7 cho biết, Không quân Mỹ vẫn chưa tiết lộ thời gian phóng chính xác, nhưng sẽ không muộn hơn 10 giờ tối ngày 23 tháng 7. 

Hãng AFP ngày 23 tháng 7 cho rằng, chương trình này luôn được giữ bí mật chặt chẽ, mãi cách đây không lâu mới công khai. 2 vệ tinh sẽ được đưa lên dải quỹ đạo đồng bộ Trái đất cách mặt đất khoảng 36.000 km, một số vệ tinh rất quan trọng của Mỹ hoạt động ở dải quỹ đạo này. 

Tư lệnh Bộ tư lệnh hàng không vũ trụ Không quân Mỹ William L. Shelton (nguồn stripes.com)

Tờ "The Stars and Stripes" Mỹ ngày 23 tháng 7 cho biết, thượng tướng William Shelton, Tư lệnh Bộ Tư lệnh hàng không vũ trụ Không quân Mỹ nói với phóng viên tập trung ở Lầu Năm Góc rằng: "Hai vệ tinh mới này sẽ giúp chúng tôi bảo vệ tài sản quý giá trên quỹ đạo trên không của Trái đất, ngoài ra chúng sẽ còn cảnh giác với ý đồ xấu của nước khác". 

Theo William Shelton, xét thấy khả năng cơ động được tăng cường, vệ tinh nhận biết tình hình không gian đồng bộ có thể có được góc nhìn tốt nhất để thu thập hình ảnh vệ tinh khác. 

Ông cho biết, so với vệ tinh khác mà Mỹ dùng để theo dõi vật thể bay quanh Trái đất, khả năng theo dõi của loại vệ tinh mới này có "bước nhảy lớn", "hiện nay, phương thức theo dõi mối đe dọa quỹ đạo đồng bộ Trái đất cơ bản là thông qua điểm sáng. Khi chụp hình ảnh trên bầu trời, chúng tôi biết vật thể di động là vệ tinh, vật thể tĩnh là sao trời. Thông qua điểm sáng và các biện pháp khác, chúng tôi mới có thể suy đoán một vệ tinh đặc biệt (nước khác) có thể làm gì". 

Ông nói, nhưng, vệ tinh nhận biết tình hình không gian đồng bộ "đem lại một loại khả năng cho chúng tôi, có thể đánh giá kỹ hình ảnh hoàn toàn nằm ở vật thể trên quỹ đạo đồng bộ Trái đất. Một hình ảnh còn hơn là một nghìn suy luận, bởi vì chúng tôi có thể thực sự nhìn thấy vệ tinh nước ngoài".
Tên lửa đẩy Delta-4 (nguồn stripes.com)
Hãng AFP cho rằng, thông thường, việc giám sát vũ trụ hiện nay chủ yếu được tiến hành trên mặt đất hoặc tiến hành ở khu vực quỹ đạo thấp cách mặt đất vài trăm km. 

William Shelton cho biết, Quân đội Mỹ hiện nay công khai phần chương trình theo dõi tình hình không gian đồng bộ là do “chính quyền Mỹ hy vọng phát đi một thông điệp cho quốc gia bí mật phá hoại hoặc làm cho mạng lưới vệ tinh Mỹ mất hiệu lực, không ngại tuyên truyền chương trình này chính là một loại “răn đe”, cảnh cáo đối thủ “anh có thể bỏ chạy”, nhưng không có nơi ẩn náu”. 

Tờ “Florida ngày nay” cho rằng, đầu năm 2014, Không quân đã công khai chương trình bí mật này, hy vọng dựa vào đó để hỗ trợ cho ngăn chặn các hành động mang tính tấn công tiềm tàng nhằm vào tàu vũ trụ của họ.

Đối thủ mà William Shelton nhắc đến rốt cuộc là ai? Tờ “The Stars and Stripes” cho rằng, những năm gần đây, Trung Quốc đang nhanh chóng nâng cao khả năng không gian và chống vệ tinh. 

Lầu Năm Góc lo ngại, trong các cuộc xung đột tương lai, Trung Quốc có thể bắn rơi hoặc làm tê liệt vệ tinh quân sự của Mỹ, trong khi đó, những vệ tinh này rất quan trọng đối với thông tin, thu thập tin tức tình báo và “khóa” mục tiêu.
Vệ tinh gián điệp Mỹ (ảnh tư liệu)

Hãng AFP cho rằng, quan chức cấp cao Mỹ ngày càng lo ngại vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc và các nước khác có khả năng làm tê liệt mạng lưới thông tin của Mỹ. 

Tướng William Shelton cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy vô số mối đe dọa chống không gian từ gần đường chân trời”. Ông nhấn mạnh, không gian đã không còn là một “thánh đường hòa bình”. William Shelton từ chối nói chi tiết về khả năng đánh bại vũ khí chống vệ tinh của kẻ thù mà Lầu Năm Góc đang phát triển.
Giáo sư Trương Triệu Trung, Đại học Quốc phòng Trung Quốc ngày 23 tháng 7 trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, Mỹ rất coi trọng quyền kiểm soát đối với vũ trụ, trước đây từng đưa ra kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” đối với vũ trụ. 

Những năm gần đây, do Trung Quốc đạt được tiến bộ rất lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, Mỹ cho rằng, điều này đe dọa sự kiểm soát của họ đối với vũ trụ, vì vậy lấy mục tiêu nhằm vào Trung Quốc. 

Ngoài ra, những năm gần đây, Chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh đầu tư chính phủ đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ, quân đội và cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cũng liên tục nhấn mạnh đến mối đe dọa vũ trụ từ Trung Quốc để nhận được kinh phí.

Vệ tinh gián điệp Mỹ (ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nói gì với tướng TQ


Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã nói gì với tướng Trung Quốc?


(GDVN) - Chúng tôi muốn Biển Đông là một khu vực hòa bình và mở cửa, nơi các tàu thuyền hàng hải qua lại khu vực này.

Ông Phạm Trường Long và Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia.

Bưu điện Jakarta ngày 25/7 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long sang thăm đã kêu gọi Trung Quốc hãy giữ hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Indonesia và khu vực đã chứng kiến những điều xảy ra được coi là sự gia tăng quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông khiến một số quốc gia trong khu vực không khỏi lo lắng, quan ngại.

"Indonesia không phải là 1 bên tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên với vai trò của Indonesia trong hợp tác đa phương, chúng tôi muốn Biển Đông là một khu vực hòa bình và mở cửa, nơi các tàu thuyền hàng hải qua lại khu vực này." Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh.

Ông Purnomo cho biết hai bên đã thảo luận về kế hoạch hợp tác quân sự song phương. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông và Hoa Đông cũng đã được đưa lên bàn đối thoại.

Xung quanh việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông năm ngoái, Purnomo cho biết ông đã đề nghị Trung Quốc thúc đẩy đàm phán hòa bình để tìm ra giải pháp. "Chúng tôi không muốn thấy xung đột bởi vì nó chắc chắn sẽ làm nhiễu loạn an ninh và ổn định trong khu vực".

"Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia lớn trong khu vực, chia sẻ lợi ích tương tự và trách nhiệm trong việc duy trì an ninh và ổn định. Vì vậy việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước là rất quan trọng, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng", Purnomo nói.

Quan hệ hợp tác Jakarta với Bắc Kinh đặc biệt hiệu quả kể từ khi lãnh đạo 2 nước ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược từ năm 2005, 2 năm sau Trung Quốc và Indonesia đã ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Nhiều tên lửa trong biên chế quân đội Indonesia hiện nay là do Trung Quốc sản xuất.

Thương lái ồ ạt mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Thương lái ồ ạt mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Mấy ngày qua, thương lái từ các tỉnh phía bắc ồ ạt mua gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với giá cao để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng.
 
 Thương lái ồ ạt thu mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc
Các tàu trọng tải lớn neo đậu trên sông Hậu gần khu vực cảng Mỹ Thới, An Giang để mua, chở gạo ra phía bắc - Ảnh: Mai Trâm

Ông T.V.T, chủ một doanh nghiệp (DN) xay xát lúa gạo tại Cần Thơ, cho biết chưa có năm nào tình hình mua lúa, gạo lại diễn biến lạ thường như năm nay. Nhiều thương lái từ các tỉnh phía bắc, trong đó có cả người Trung Quốc (TQ) đến tận kho để mua với giá cao hơn thị trường, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu.

Theo tổng giám đốc một DN xuất khẩu nông sản tại TP.Cần Thơ, trong khi lượng gạo xuất qua đường chính ngạch trung bình từ 300.000 - 700.000 tấn/tháng thì lượng gạo xuất tiểu ngạch rất khó quản lý, và điều này sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu của nhà nước. Riêng lượng gạo các thương lái đến các tỉnh miền Tây mua để xuất sang TQ ước tính khoảng 100.000 tấn/tháng.

Một số chuyên gia nhận định, TQ thường tận dụng mua gạo VN qua đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch. GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng đây là kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì”, ẩn chứa nhiều rủi ro cả trong việc xuất khẩu lẫn khâu thanh toán. Ông nói: “Khi họ mua hàng thì thương lái trong nước lại đổ xô đi thu gom, đến khi họ đột ngột ngưng thì lại xảy ra tồn hàng. Chẳng có hợp đồng hay giao ước gì được ký kết nên trục trặc, rủi ro xảy ra thì phần thiệt luôn thuộc về thương lái và nông dân mình”.
Mai Trâm - Đình Tuyển

Tập trận hải quân chung Mỹ - Nhật - Ấn

Bắt đầu tập trận hải quân chung Mỹ - Nhật - Ấn Độ


(Tin Nóng) Ngày 25.7, cuộc tập trận hải quân chung Malabar 2014 giữa hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ bắt đầu diễn ra ở cảng Sasebo, miền nam Nhật Bản.


Tàu chiến ở cảng Sasebo, Nhật Bản, nơi diễn ra tập trận Malabar 2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo báo India Times, cuộc tập trận thường niên này kéo dài đến 30.7, chia làm 2 giai đoạn: trên bờ (Sasebo từ 24 - 26.7), và trên biển (27 - 30.7). Ngày 24.7 đã diễn ra nghi lễ khai mạc.

Năm nay cuộc tập trận Malabar có sự tham gia của Nhật Bản.

Malabar là cuộc tập trận hải quân chung thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ, bắt đầu từ năm 1992. Thỉnh thoảng cuộc tập trận này có mời hải quân vài nước tham dự như Singapore, Nhật Bản.

Năm nay, Ấn Độ đã mời Nhật Bản tham dự tập trận chung Malabar, bất chấp sự phản đối trước đó của Trung Quốc khi năm 2007 cuộc tập trận này diễn ra ở vịnh Bengal có mở rộng thêm các nước Úc, Nhật Bản và Singapore.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều lo ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như hành vi của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Times of India. Để gia tăng mối quan hệ khắng khít, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ sớm thăm Nhật Bản trong năm nay.

Cuộc tập trận Malabar năm nay có sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay săn ngầm, tàu sân bay.

Tàu chiến Ấn Độ (phải) và tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận Malabar 2013 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Ấn Độ có 3 tàu chiến với 800 người tham dự, gồm khu trục hạm mang tên lửa điều khiển INS Ranvijay, tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik và tàu tiếp tế INS Shakti, cùng các trực thăng Kamov-28 và Chetak. Ba tàu Ấn Độ vừa hoàn thành tập trận chung với Nga ở Vladivostok đầu tháng 7.

Phía Mỹ có các tàu sân bay USS George Washington, tuần dương hạm USS Shiloh, khu trục hạm John S. McCain, tàu ngầm hạt nhân USS Columbus, các máy bay săn ngầm P-3 Orion và trực thăng MH-60R.

Hải quân Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có khu trục hạm JS Kurama và JS Ashigara, máy bay tuần biển US-2i ShinMaywa (đang chào bán cho Ấn Độ) và máy bay săn ngầm P-3C Orion.

Nhật Bản từng tham dự Malabar 2 lần trước vào năm 2007 và 2009.

Lầu Năm Góc ngày 24.7 cũng tuyên bố cuộc tập trận chung Malabar 2014 không nhằm vào Trung Quốc, theo Navy Times. Nhưng rõ ràng mục đích cuộc tập trận này là nhằm đối phó với sự phát triển hùng hậu của quân đội Trung Quốc, cũng như những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản, theo The Diplomat ngày 24.7.

Cuộc tập trận này cũng nhằm thể hiện sự quản lý và kiểm soát vùng biển rộng lớn từ tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik (Ấn Độ) tham gia tập trận Malabar 2014 - Ảnh: Times of India

Máy bay săn ngầm P-3C Orion của Nhật Bản mang tên lửa diệt hạm Harpoon dưới cánh - Ảnh: Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản
Tin Nóng

Trung Quốc làm thay đổi ngầm, cơ bản ở Việt Nam

"Chính Trung Quốc đang thúc đẩy thay đổi ngầm, cơ bản ở Việt Nam"


(GDVN) - Người Việt ngày càng xem Trung Quốc là một nguy cơ gây bất ổn nếu không phải là một mối đe dọa. Rõ ràng Trung Quốc đã phớt lờ thông điệp xây dựng lòng tin. 

Khủng hoảng giàn khoan 981 cũng là cơ hội thấy rõ nhất bộ mặt thật của Trung Quốc với tham vọng bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như quan hệ láng giềng bang giao. 

Tờ Eurasia Review ngày 23/7 đăng bài phân tích của tác giả Đỗ Thanh Hải, hiện đang là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng Đại học Quốc gia Úc bình luận, trò chơi có tổng bằng 0 của ông Tập Cận Bình đã làm tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng của quan hệ Việt - Trung.

Nền tảng cho sự ổn định của quan hệ Việt-Trung
Theo tác giả Đỗ Thanh Hải, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã ổn định quan hệ song phương thông qua hai trụ cột, đầu tiên là các cuộc đối thoại dày đặc, thường xuyên giữa 2 đảng cầm quyền và chính phủ 2 nước được thiết lập để mở rộng hợp tác, quản lý sự cố và giải quyết các tranh chấp, khác biệt thông qua đàm phán.

Thông qua các diễn đàn đối thoại này, Việt Nam nhận được sự đảm bảo của Bắc Kinh rằng, yên tâm không có mối đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề còn "sự khác biệt về lịch sử", cụm từ thường được sử dụng khi đề cập tới vấn đề lãnh thổ giữa 2 nước. Đổi lại, Việt Nam cam kết thực hiện một chiến lược không liên kết.

Thứ 2, Việt Nam và Trung Quốc tham gia vào các cơ chế đa phương do ASEAN lãnh đạo để thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Trên cơ sở 2 trụ cột này, niềm tin đã phát triển và hợp tác giữa 2 nước đã được mở rộng đều đặn. Vấn đề biên giới đất liền và biên giới trên vịnh Bắc Bộ giữa 2 nước đã được giải quyết trong những năm 1999, 2000.

Mặc dù đôi khi còn có những căng thẳng, bất đồng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chúng được cách ly có hiệu quả mà không gây ảnh hưởng tới mối quan hệ tổng thể Việt - Trung. ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), trong đó các bên cam kết thực hiện quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các bên cũng hy vọng Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.

Chính sách bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.

Trò chơi tổng bằng 0 của ông Tập Cận Bình ở Biển Đông
Kể từ giữa những năm 2000, mối lo ngại của Việt Nam ngày càng gia tăng khi Trung Quốc đã liên tục trở nên cứng rắn trên Biển Đông. Trong các năm 2006, 2007, Trung Quốc đã lặng lẽ đe dọa các công ty dầu khí quốc tế không được hợp tác với Petro Vietnam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã tìm cách thực thi (cái gọi là) quyền tài phán của họ với phạm vi mở rộng đến tận bãi cạn James Shoal, phía Nam quần đảo Trường Sa cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km.

Tháng 5/2009, Bắc Kinh đã thách thức Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng việc nộp yêu sách đường lưỡi bò lên Liên Hợp Quốc mà không có một lời giải thích nào. Kể từ đó, Trung Quốc liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở bãi cạn Scarborough (vốn do Philippines kiểm soát - PV), sau đó là bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).

Gần đây nhất, Trung Quốc di chuyển giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp Việt Nam. Trong con mắt của người Việt, đó là một hành động thay đổi hiện trạng trên thực địa, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, đi ngược lại thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước. 

Không những thế, Trung Quốc còn thách thức tự do hàng hải khi khoanh vùng bán kính 3 dặm xung quanh giàn khoan cấm tàu thuyền đi lại. Thậm chí Trung Quốc cố tình sử dụng bạo lực, bao gồm dùng mũi tàu đâm va, bắn vòi rồng công suất lớn vào tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam, thậm chí đâm chìm và xua đuổi tàu cá Việt Nam.

Vụ giàn khoan 981 đã cho người Việt thấy rõ 3 thực tế. Đầu tiên đó là sự cố ý của Trung Quốc, được chuẩn bị kỹ lưỡng và Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm xâm phạm vùng biển Việt Nam chỉ 6 tháng sau chuyển thăm của ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc tới Hà Nội.

Thứ 2, động thái này do chính quyền trung ương Trung Quốc trực tiếp hoạch định và chỉ huy bởi nó có một sự phối hợp liên ngành cao cấp. Thứ 3, việc cấm sử dụng vũ lực không ngăn cản các loại bạo lực. Trung Quốc đã sử dụng các lực lượng tàu thuyền công vụ, máy bay chiến đấu của không quân và tàu chiến hạm đội Nam Hải tham gia, điều này đã làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông.

Trung Quốc chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự để uy hiếp, đe dọa láng giềng, thay đổi "luật chơi" ở Biển Đông.

Phản ứng của Việt Nam
Ngay từ đầu khi nổ ra vụ giàn khoan 981, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm đối thoại song phương để xoa dịu căng thẳng, tuy nhiên 30 lần nỗ lực giao thiệp với Trung Quốc đều không nhận được phản hồi tích cực nào từ phía Bắc Kinh. 4 đường dây nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên nguội lạnh trong lúc cần thiết nhất.

Chuyến sang Việt Nam dự họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc của ông Dương Khiết Trì nói theo giọng điệu (kẻ cả, hỗn hào của) Bắc Kinh là để "dạy Việt Nam cách ứng xử" chứ không phải thiện chí tìm cách tháo gỡ bế tắc. Ngay trước chuyến đi của ông Trì, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Nam Hải 9 vào khu vực chưa phân giới trên cửa vịnh Bắc Bộ, nơi hoạt động đàm phán vẫn đang được tiến hành.

Việt Nam sau đó đã chủ động đưa ra một chiến dịch tuyên truyền tố cáo những hành động phạm pháp của Trung Quốc. 5 cuộc họp báo quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội công bố các bằng chứng về hành động hung hăng, gây hấn của Trung Quốc. Các nước ASEAN, G7 và một chục quốc gia khác lên tiếng bày tỏ lo ngại trước diễn biến tình hình. Mỹ, Nhật Bản và Úc coi chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông là gây mất ổn định và vô ích.

Trong kỳ Đối thoại Shangri-la năm nay tại Singapore, các quan chức Trung Quốc phải đối mặt với những lời chỉ trích nghiêm trọng và những câu hỏi chất vấn hóc búa.

Bước tiếp theo, Việt Nam đã đưa vấn đề này ra diễn đàn ASEAN. Tuy nhiên Việt Nam không thể đảm bảo sự đồng thuận tuyệt đối trong ASEAN để lên án hành động phạm pháp của Trung Quốc. Người Việt cũng thấy rõ không thể kỳ vọng vào ASEAN có thể hạn chế các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Cuối cùng, Việt Nam đã đưa vấ đề ra Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc cũng khởi xướng phản công tại diễn đàn này. Lần đầu tiên Trung Quốc dần kéo họ ra khỏi chính sách phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Việt Nam đã tạm thời không thể kiểm soát hiệu quả khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 (vì Bắc Kinh huy động lực lượng tàu hộ tống áp đảo, bao gồm cả 5 tàu quân sự - PV). Bây giờ giàn khoan 981 được Trung Quốc rút về vùng biển Hải Nam nhưng vẫn còn đó nỗi lo thường trực với người Việt, đó là nó có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Rõ ràng chỉ có số ít người tin rằng Trung Quốc dời giàn khoan 981 về Hải Nam là do các cuộc biểu tình phản đối của Việt Nam.

Những thay đổi ngầm cơ bản tại Việt Nam
Trung Quốc dường như đã quá liều lĩnh trong việc gây sức ép với Việt Nam, mặc dù cuộc khủng hoảng 981 đã được làm dịu, nhưng đã tạo thành một số thay đổi cơ bản có khả năng biến đổi hoàn toàn cảm quan chiến lược của Việt Nam.
Đâu tiên, người Việt ngày càng xem Trung Quốc là một nguy cơ gây bất ổn nếu không phải là một mối đe dọa. Rõ ràng Trung Quốc đã phớt lờ thông điệp xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-la 2013. Nó như 1 tín hiệu về sự tin cậy của Việt Nam với Trung Quốc đang xấu đi khi Bắc Kinh ngày một hung hăng và liều lĩnh.

Phát biểu mạnh mẽ khác thường gần đây của các nhà lãnh đạo Việt Nam như "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết", "bảo lưu quyền tự vệ", "không bao giờ đánh đổi chủ quyền lấy một thứ hữu nghị viển vông nào đó" là dấu hiệu cho thấy sự mất dần kiên nhẫn trước (các hành động khiêu khích, gây hấn của) Trung Quốc.
Rõ ràng Việt Nam sẽ khó có thể tìm thấy mối liên hệ với cái gọi là phát triển hòa bình của Trung Quốc. Chưa bao giờ phương châm 4 tốt, 16 chữ một thời tượng trưng cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung lại "tiêu tan nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông" đến thế.

Thứ 2, khủng hoảng 981 không chỉ đẩy 2 nước vào cuộc tranh cãi ngoại giao mà các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam đã nổ ra với quy mô chưa từng có. "Thoát Trung", tức làm thế nào để Việt Nam "thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc chi phối" đã trở thành chủ đề phổ biến trong dư luận. Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Xung quanh vấn đề xử lý căng thẳng Biển Đông bằng con đường pháp lý, lo ngại sự leo thang đến mức xung đột vũ trang hoặc một sự cố bất ngờ trong quan hệ Việt - Trung, Việt Nam đã thận trọng chờ đợi những hành động của Trung Quốc sau 15/8, thời hạn Bắc Kinh tuyên bố rút giàn khoan. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp hòa bình, nhưng vẫn chờ đợi đúng thời điểm.

Hiện chưa rõ liệu các giải pháp chính trị và ngoại giao để xử lý căng thẳng đã cạn kiệt hay chưa. Nhưng rõ ràng Việt Nam sẽ không khởi động tiến trình pháp lý cho đến khi chuẩn bị đầy đủ cho việc thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, học giả Đỗ Thanh Hải bình luận.

Vùng đặc quyền kinh tế dọc theo bờ biển của Việt Nam quan trọng không chỉ về tài nguyên thiên nhiên mà nó còn là một vùng đệm an ninh. Nếu những lá chắn ven biển bị xâm phạm bởi những kẻ hiếu chiến, miền Trung mỏng manh của Việt Nam khi thiếu đi chiều sâu chiến lược sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục bảo vệ bờ biển của mình ngay tại chỗ khi giàn khoan Trung Quốc rời khỏi.

Nếu Trung Quốc tiếp tục ép Việt Nam đến một lúc nào đó Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét chính sách không liên kết hiện tại của mình. Việt Nam có thể lấp lỗ hổng chiến lược của mình bằng việc tìm kiếm nguồn vũ khí hiện đại từ Hoa Kỳ để tăng tính răn đe. Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ sớm sang Washington để thảo luận các vấn đề liên quan.

Lịch sử đã cho thấy 2 bài học. Một là, Việt Nam không bao giờ biết khuất phục hay quỳ gối trước sức mạnh. Thứ 2, tình bạn được xây dựng lâu dài có thể nhanh chóng bị phá vỡ một khi niềm tin đã biến mất.

7 tháng, nạn nhân máy bay nhiều gấp đôi cả năm 2013

7 tháng, nạn nhân máy bay nhiều gấp đôi cả năm 2013


Với thêm một máy bay của Algeria rơi sáng 24.7, tính chung đã có 10 vụ tai nạn máy bay trong 7 tháng đầu năm 2014 làm 991 người chết và mất tích, cao gấp đôi con số 459 nạn nhân máy bay của cả năm 2013, theo Cơ quan ghi nhận tai nạn hàng không (B3A, Thuỵ Sĩ).

Máy bay Malaysia (chuyến bay MH17) bị bắn rơi ở đông Ukraine ngày 17.7.2014 làm chết 298 người. Hãng này mất 2 máy bay Boeing 777 trong năm 2014 làm 537 người chết và mất tích - Ảnh: AFP

Chỉ trong 1 tuần từ 17 – 24.7.2014, với 3 vụ rơi máy bay đã làm 462 người thiệt mạng, hơn cả năm 2013, theo trang tin CTVNews (Canada) ngày 24.7.

Cơ quan B3A thống kê rằng năm 2013 có 7 vụ rơi máy bay làm 459 người chết. Còn 7 tháng đầu năm 2014 có đến 10 vụ rơi máy bay làm 991 người chết và mất tích (tính luôn vụ máy bay của Malaysia số hiệu chuyến bay MH370 mất tích đến nay chưa tìm thấy).

Từ 17.7 - 24.7.2014, đã xảy ra đến 3 tai nạn hàng không làm 462 người chết, gồm máy bay Boeing 777 của Malaysia (số hiệu chuyến bay MH17) bị bắn rơi ở miền đông Ukraine làm chết 298 người. Tối 23.7, một máy bay ATR 72 của hãng TransAsia Airways (Đài Loan, chuyến bay GE 222) rơi trên đảo Bành Hồ làm 48 người chết, và sáng 24.7 máy bay MD-83 của Swiftair (Tây Ban Nha, bay thuê cho Air Algerie) rơi ở Mali làm 116 người chết.


Máy bay TransAsia Airways (Đài Loan) rơi chiều tối 23,7 ở đảo Bành Hồ làm 48 người chết - Ảnh: AFP

Máy bay MD-83 của Air Algerie rơi ở Mali sáng 24.7 làm 116 người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên các chuyên gia hàng không vẫn khẳng định đi máy bay vẫn là phương tiện an toàn ngày nay. “Tỉ lệ an toàn hàng không vẫn ở mức cao”, ông Ronan Hubert, sáng lập tổ chức B3A nói với CTVNews từ Geneva.
Ông Hubert nhấn mạnh rằng tỉ lệ tai nạn máy bay có giảm trong vòng 20 năm qua, và rất thấp vào những năm 2011 đến 2013.
Năm 2011 có 828 người chết vì tai nạn hàng không, năm 2012 là 800 và năm 2013 là 459, theo B3A.
Ông Hubert cũng cho biết thêm phần lớn tai nạn máy bay xảy ra với loại máy bay nhỏ, còn với máy bay lớn như của Malaysia Airlines là tương đối hiếm.
"Vì vậy bạn sẽ thấy tỉ lệ tử vong vì tai nạn máy bay là rất thấp, nhưng bất ngờ chỉ trong 1 tuần số người chết vì tai nạn máy bay nhảy lên đến hơn 450”, ông Hubert bình luận.
Còn chuyên gia tai nạn máy bay John Cox nói với kênh truyền hình CTV News ngày 24.7 rằng đa phần máy bay gặp nạn như trường hợp Air Algerie và TransAsia là chủ yếu vì thời tiết.
Tổ chức vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) cũng cho biết mỗi ngày có khoảng 100.000 lượt máy bay cất cánh mà không gặp tai nạn nào, và cả năm 2013 đã có hơn 3 tỉ lượt khách đáp máy bay.

Bản đồ mô tả các vụ tai nạn máy bay lớn nhất từ trước đến nay (màu xanh lá), tai nạn máy bay năm 2013 (màu xanh biển) và năm 2014 (màu đỏ) – Nguồn: CTV News

10 vụ tai nạn máy bay trong 7 tháng đầu năm 2014

11.2: Một máy bay vận tải quân sự C-130 của Không quân Algeria bị rơi tại tỉnh miền núi Oum El Bouaghi, đông bắc Algeria làm 77 người chết, 1 người sống sót

Hiện trường máy bay vận tải C-130 của Không quân Algeria bị rơi ngày 11.2.2014 - Ảnh: EPA
16.2: Một máy bay Twin Otter số hiệu chuyến bay 183 của Nepal rơi ở vùng núi cao Arghakhanchi, cách thủ đô Kathmandu 200 km, làm toàn bố 18 người chết
21.2: Một chuyến bay cấp cứu bằng máy bay vận tải quân sự AN-26 của Libya rơi tại Tunisia làm toàn bộ 11 người trên máy bay thiệt mạng
8.3: Máy bay Boeing 777-200ER của hãng hàng không Malaysia Airlines (chuyến bay MH370) mất tích ở nam Ấn Độ Dương với 239 người

Máy bay Boeing 777-200ER của Malaysia Airlines mất tích trên Ấn Độ Dương với 239 người - Ảnh: CNN
17.5: Máy bay quân sự AN-74 của Lào rơi gần tỉnh Xiangkhouang, cách Vientiane 470 km về phía đông nam làm 17 người thiệt mạng, trong đó có 2 bộ trưởng Quốc phòng, An ninh

Hiện trường máy bay của Lào rơi gần Xiangkhouang làm 17 người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
14.6: Một máy bay vận tải Il-76 của Ukraine bị quân ly khai bắn hạ khi đang đáp xuống sân bay Luhansk, 49 người thiệt mạng
5.7: Một máy bay chở 11 vận động viên nhảy dù bị rơi ở Czestochowa, Ba Lan làm 11 người chết, 1 người sống sót
17.7: máy bay Boeing 777 (chuyến bay MH17) của Malaysia từ Amsterdam về Kuala Lumpur bị bắn rơi gần Torez, Donetsk, miền đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng
23.7: Máy bay ATR 72 của TransAsia Airways (Đài Loan, chuyến bay GE 222) rơi trên đảo Bành Hồ làm 48 người tử vong
24.7: Máy bay MD-83 của Air Algerie với 116 người rơi ở Mali
Anh Sơn

Căng thẳng ở biển Đông có phần hạ nhiệt

Mỹ: Căng thẳng ở biển Đông có phần hạ nhiệt

(TNO) Căng thẳng leo thang liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng có phần hạ nhiệt và ít căng thẳng so với những tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24.7 cho biết.


Tàu Trung Quốc tại khu vực đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

Theo quan sát của Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông đã có phần “xuống thang”, không đưa ra những tuyên bố chủ quyền và không có những động thái làm leo thang căng thẳng, tờ The Philippine Star (Philippines) dẫn lời Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 24.7.

Bà Harf nói Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông có phần “khác biệt” và hạ nhiệt trong những ngày gần đây.

Nhưng bà Harf cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc thật sự vẫn đang tăng cường các biện pháp nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền và thay đổi nguyên trạng khu vực, dẫn đến căng thẳng”.

Trung Quốc ngày 15.7 đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuyên bố rằng hoạt động thăm dò tại đây đã hoàn tất.

Tờ The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 22.7 đăng tải một bài xã luận nhận định chính áp lực cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải kéo giàn khoan đi, nhưng cho rằng Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở đó.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Đại học New South Wales (Úc), nhận định Mỹ có thể đã thuyết phục Trung Quốc tại sự kiện Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (diễn ra ở Bắc Kinh) để kéo giàn khoan đi sau khi kêu gọi “đóng băng” tất cả các hành động gây hấn ở biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ từng lên tiếng hoan nghênh việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Việt Nam.

Washington kêu gọi các bên làm việc để đưa ra một Bộ quy tắc Ứng xử trên biển Đông, bà Harf nói.

“Chúng tôi động viên các bên làm việc với nhau và nỗ lực giải quyết các vấn đề mà không làm theo thang căng thẳng”, bà Harf cho hay.
Phúc Duy

Thủ tướng Ấn Độ thăm Nhật Bản đầu tiên

Thủ tướng Ấn Độ thăm Nhật Bản đầu tiên, sẽ có 1 liên minh mới?


(GDVN) - Ấn Độ đang bị quấy rầy bởi liên minh giữa Trung Quốc với đối thủ của New Delhi là Pakistan cũng như việc theo đuổi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Eurasia Review ngày 25/7 đưa tin, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ thực hiện chuyến công du Nhật Bản vào giữa tháng 8 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. 2 nhà lãnh đạo được cho là có mối quan hệ cá nhân khá gần gũi và quan điểm tương đồng về chính sách kinh tế, đối ngoại.

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Narendra Modi được lên kế hoạch vào tháng 7, nhưng sau đó đã bị hoãn lại vì trùng lặp với các phiên điều trần về ngân sách đầu tiên ở Ấn Độ, mặc dù lý do chính trị liên quan đến phản ứng của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Thủ tướng Ấn Độ chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ông đi thăm sau khi nhậm chức, trước khi sang thăm Mỹ vào tháng 9. Trước đó ông Narendra Modi công khai tuyên bố rằng một trong những ưu tiên cao nhất mà nội các của mình tập trung vào là thúc đẩy hợp tác, củng cố quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Modi, 2 nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, quyết đoán và có xu hướng dân tộc sẽ thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác về kinh tế và an ninh, trong đó bao gồm năng lượng hạt nhân dân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, đầu tư của Nhật sang Ấn Độ cũng như việc bán vũ khí Nhật cho Ấn Độ trong tương lai.

Hoạt động hợp tác quốc phòng và an ninh Ấn - Nhật sẽ chủ yếu tập trung vào đối phó với rủi ro đang ngày một gia tăng do sự phát triển sức mạnh quân sự cũng như thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực dự kiến sẽ là một trong những chủ đề được đưa lên bàn đối thoại.

Năng lượng hạt nhân đứng đầu chương trình nghị sự
Nhật Bản muốn tối đa hóa xuất khẩu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ năng lượng hạt nhân dân sự cho Ấn Độ. Thủ tướng Shinzo Abe xác định xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân và ký kết các hợp đồng béo bở với các nước muốn tận dụng kinh nghiệm của Nhật trong lĩnh vực này.

Mặc dù công chúng Nhật rất nhạy cảm với vấn đề hạt nhân, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn có khả năng và sẵn sàng thuyết phục quốc gia đối tác về độ an toàn, tin cậy và lợi nhuận hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Ông Shinzo Abe có thể giải trình trước Quốc hội Nhật Bản về vấn đề này.
Ông Shinzo Abe và Narendra Modi đã từng có 2 lần gặp gỡ trước khi có chuyến thăm chính thức sắp tới.

Trên thực tế gói hợp đồng hạt nhân trị giá hơn 60 tỉ USD vẫn đang bị đình trệ vì thỏa thuận hạt nhân dân sự vẫn chưa được ký kết giữa Tokyo và New Delhi. Vì vậy nếu Thủ tướng 2 nước có thể đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, làn sóng mới sẽ được mở ra cho các dự án xây dựng và kỹ thuật.

Một trở ngại trên con đường hợp tác giữa 2 nước là khung pháp lý phức tạp và không đầy đủ. Các nhà cung cấp dịch vụ hạt nhân nước ngoài đầu tư tại Ấn Độ dễ bị chính quyền địa phương gây nhũng nhiễu, thậm chí là các biện pháp độc đoán từ chính phủ trung ương có thể hạn chế lợi nhuận của họ mà muốn thu hút các nhà đầu tư, chính quyền Narendra Modi phải thay đổi.

Hợp tác an ninh
Từ lâu Washington đã thúc đẩy Nhật Bản chịu đựng các thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ mặc dù thực tế họ không phải thành viên hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong nỗ lực thiết lập một đối trọng ở châu Á trước sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Một khối đồng minh xung quanh Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng khác nhau có thể bao gồm cả năng lượng hạt nhân đươc cả Washington và Tokyo xem như trụ cột chính của chính sách chống rủi ro từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thúc đẩy đối thoại an ninh "tứ giác" giữa Nhật Bản, Ấn Độ với Mỹ và Úc.

Cả New Delhi và Tokyo đều xem hợp tác quốc phòng và hợp đồng vũ khí tạo nên một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn với các giao dịch sinh lời cùng với sự tin tưởng lẫn nhau, củng cố quan hệ đối tác lâu dài.

Gần đây Thủ tướng Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của mình, những thiết bị quân sự Nhật Bản chế tạo cho xuất khẩu đang phát triển. Ấn Độ đang rất quan tâm đến các xe lội nước cho hải quân, máy bay do thám, máy bau cứu hộ hàng hải và tàu ngầm do Nhật Bản chế tạo càng mở rộng tiềm năng hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương.

Thực tế thời điểm này Ấn Độ đang bị quấy rầy bởi liên minh giữa Trung Quốc với đối thủ của New Delhi là Pakistan cũng như việc theo đuổi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Những điều này kết hợp với tranh chấp biên giới Trung - Ấn có thể buộc Narendra Modi phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong những năm tới.

ASEAN thêm lựa chọn, Nga trả giá


ASEAN thêm lựa chọn, Nga trả giá cho “chiến lược nước đôi”?

Nhật Bản, Ấn Độ tham gia xuất khẩu vũ khí với thị trường tiềm năng là Đông Nam Á. Trong khi khu vực này đang là thị trường béo bở của Nga
ASEAN thêm lựa chọn, Nga trả giá cho “chiến lược nước đôi”?
Máy bay Su-30MK2 của không quân Việt Nam được mua từ Nga

Thị trường vũ khí Đông Nam Á
Một vài năm trở lại đây, các quốc gia trong ASEAN liên tiếp nâng cao chi phí quốc phòng của mình và đầu tư mua sắm hàng loạt vũ khí nhằm nâng cao sức mạnh quân đội của mình. 

Vì sao ASEAN, một khu vực tập trung nhiều quốc gia có nền kinh tế bình thường phải chi tiêu nhiều cho quốc phòng như vậy? Bởi lẽ, 4/10 thành viên của khối này có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, và sự gia tăng sức mạnh cũng như các hành động đơn phương ngang ngược mà Bắc Kinh biểu diễn thời gian qua đã khiến họ suy nghĩ đến những tình huống xấu nhất. 

Không riêng những quốc gia có tranh chấp, những quốc gia không tranh chấp cũng bắt đầu có cảm giác “ngồi trên đống lửa” khi không có gì chắc chắn Bắc Kinh sẽ chỉ dừng lại ở 80% Biển Đông mà tha không động đến vùng biển chủ quyền của họ. 

Không có gì khó hiểu khi một loạt các vũ khí hiện đại hiện diện tại các nước thuộc khu vực này, trong đó, không quân, hải quân được đầu tư hơn lục quân. 

Về hải quân, họ ưu tiên tiếp cận các lớp tàu chiến cỡ nhỏ, linh hoạt, cơ động và mang theo nhiều trang bị có thể phục vụ việc diệt hạm và chống ngầm, có khả năng tác chiến trong vùng biển chủ quyền của mình. Về không quân, họ chú trọng đến các chiến đấu cơ có khả năng tác chiến không đối không, không đối hải, được trang bị vũ khí có khả năng diệt hạm nhanh chóng, dứt điểm, các radar cảnh báo sớm… 

Có thể thấy, Đông Nam Á đang tập trung tài chính để hướng quân đội mình theo mô hình phòng thủ chủ động, và đối thủ của họ được xác định là những tập đoàn sức mạnh lớn, đa dạng từ tàu nổi, tàu ngầm, thậm chí là cả tàu sân bay của Trung Quốc. 

Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, người Nga đã dự đoán chính xác tình hình của Đông Nam Á hiện tại và có một chiến lược định hướng phát triển dài hơi.
Cho đến nay, họ bắt đầu được hưởng thành quả từ sự phán đoán đó khi trong hàng ngũ của các quốc gia Đông Nam Á, vũ khí Nga mang màu sắc chủ đạo. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vũ khí Nga đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mật ít ruồi nhiều, một Đông Nam Á ngày càng nóng đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tiêu biểu như Mỹ, Hàn Quốc, và nay thêm hai tay chơi rất mới: Nhật Bản, Ấn Độ.
Vì sao vũ khí Nga gặp thời và gặp… khó? 

Vì sao vũ khí của Nga được ưa chuộng ở ASEAN? Thứ nhất là yếu tố nắm bắt thị trường như đã nói ở trên. Thứ hai, không phải ASEAN không muốn mua vũ khí của nước khác, mà họ không thể mua. Ai cũng hiểu rằng thị trường vũ khí thế giới bị chi phối bởi hai “ông lớn” Nga – Mỹ. 

Tuy nhiên, để mua được vũ khí sát thương của Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm liên quan đến chính trị, xã hội, kinh tế… Và điều này là một trong những rào cản lớn nhất để ASEAN có thể tiếp xúc được với những loại vũ khí từ thái cực thứ hai này.

Chiến hạm Gepard 2.9 được Việt Nam mua và biên chế với tên gọi chiến hạm Đinh Tiên Hoàng
Chiến hạm Gepard 2.9 được Việt Nam mua của Nga và biên chế với tên gọi chiến hạm Đinh Tiên Hoàng

Với tình hình như hiện nay, sắp tới, có thể Nga sẽ không còn đất diễn ở khu vực này. Thứ nhất, về yếu tố nắm bắt thị trường, ASEAN vẫn cần những mẫu vũ khí như vậy, nhưng không chỉ mình Nga biết nghiên cứu thị trường. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera trong cuộc trao đổi với một số nhà thầu công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng đã nhấn mạnh, khi quyết định xuất khẩu vũ khí, thị trường được lựa chọn chính là Đông Nam Á. “Bởi Nhật Bản biết các quốc gia này cần gì, vũ khí của họ dùng để chống lại ai” – ông Onodera đã nói như vậy.

Trung Quốc thèm khát Su-35 hiện đại của Nga và đang rất gần với bản hợp đồng mua số lượng lớn loại chiến đấu cơ này
Trung Quốc thèm khát Su-35 hiện đại của Nga và đang rất gần với bản hợp đồng mua số lượng lớn loại chiến đấu cơ này

Còn Ấn Độ, họ sẽ chỉ bán vũ khí cho những quốc gia thân thiện với mình, đồng nghĩa đối đầu với kẻ thù của Ấn Độ là Trung Quốc. 

Trung Quốc một lần nữa được nhắc đến trong câu chuyện vũ khí này, thậm chí còn là vấn đề then chốt. Bởi kẻ đẩy ASEAN vào cuộc chi tiêu tốn kém này chính là Trung Quốc. 

Trong khi đó, Nga lại là quốc gia bơm máu tiếp sức cho sức mạnh quân sự của gã khổng lồ tham lam này nhiều và tận tụy hơn cả. 

Nếu xảy ra giao tranh chớp nhoáng, khi hai vũ khí đều là kiếm thì kẻ nào dùng kiếm giỏi hơn kẻ đó sẽ thắng. Nhưng đối đầu với một cuộc chiến tổng lực, chất lượng ngang nhau nhưng đối phương lợi thế số lượng, thắng thua đã rõ cho các quốc gia ASEAN dùng vũ khí của Nga.

Chiến đấu cơ tàng hình ATD-X của Nhật Bản (bên trái) sẽ được sản xuất hàng loạt để thay thế tiêm kích F-2 lỗi thời và rất có thể sẽ có phiên bản xuất khẩu.
Chiến đấu cơ tàng hình ATD-X của Nhật Bản (màu trắng đỏ) sẽ được sản xuất hàng loạt để thay thế tiêm kích F-2 lỗi thời và rất có thể sẽ có phiên bản xuất khẩu.

Trung Quốc chính là tử huyệt của Nga khi họ đang chơi ván cờ hai mang trên thị trường vũ khí Đông Nam Á. Nhưng thế độc tôn ấy sẽ dần mất đi khi Nhật Bản và Ấn Độ tham gia vào thị trường này sâu sắc hơn. Nếu không mua được vũ khí Mỹ, các nước ASEAN hoàn toàn mua được vũ khí của Nhật Bản, bởi họ phát triển trên nền tảng công nghệ Mỹ.

Nếu muốn giá rẻ, hiệu quả, họ có thể mua của Ấn Độ. Bởi Ấn Độ đã tuyên bố tham vọng đánh bại Trung Quốc trên thị trường vũ khí bởi chất lượng ngang nhau nhưng giá thành chỉ bằng 1/3, 1/4. Tức là Trung Quốc bắn vào ta 1 quả tên lửa, ta có thể trả lại 3 quả tương đương. Xét về bài toán kinh tế và thế lấy ít địch nhiều, rõ ràng vũ khí của Ấn Độ đang là một món hời đầy quyến rũ.

Nhưng trên hết, cả Ấn Độ và Nhật Bản sản xuất vũ khí dựa trên nguyên tắc khắc chế Trung Quốc. Hay nói cách khác, họ và ASEAN đang chung đối thủ.

Còn xét về yếu tố chính trị, lịch sử, Ấn Độ là một nước giữ đường lối trung lập. Họ có mối giao hảo truyền thống và tốt đẹp với Đông Nam Á. Còn Nhật Bản bằng những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, có lẽ cũng đã ân đền oán trả đầy đủ với các quốc gia khu vực này.

Thậm chí, quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản vừa được thông qua còn hứa hẹn một sự hợp tác chắc chắn và đảm bảo hơn bất kỳ hợp đồng vũ khí nào với các quốc gia Đông Nam Á có thiện chí với họ.

Từ đó để thấy, dù Nga còn đang giữ thế thượng phong trong cuộc canh tranh thị trường vũ khí Đông Nam Á. Nhưng ưu thế đó sẽ sớm kết thúc nếu Nga tiếp tục chơi trò nước đôi với Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trung Quốc lén lút tập trận

Trung Quốc lén lút tập trận, tố Nhật chuẩn bị chiến tranh

Trong khi tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn mà không thông báo, Trung Quốc lại tố cáo Nhật Bản đang chuẩn bị chiến tranh. 

Trung Quốc lén lút tập trận, tố Nhật chuẩn bị chiến tranh
Tàu hải quân Nhật Bản

Ngày 23/7, Hiệp hội Thúc đẩy Văn hóa Chiến lược Trung Quốc cho rằng diễn tập “đổ bộ lên đảo” và các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu khác của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “không chỉ là hành động khiêu khích và có tính đối đầu mà còn đồng nghĩa với việc sẵn sàng cho chiến tranh”.

Tổ chức này gồm những chuyên gia có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc và đây là báo cáo thường niên thứ 3 của họ về tiềm lực quân sự của Nhật Bản. Báo cáo cũng nhận định việc Nhật Bản gia tăng các cuộc diễn tập với Mỹ và các nước khác là đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh các tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku đang gia tăng.

Báo cáo của các chuyên gia Trung Quốc có đoạn: “Việc gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản rõ ràng là nhằm chống lại Trung Quốc và tính tới việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc”. Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo lại không đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào liên quan tới các cáo buộc này.
Chiến hạm của Nhật Bản tại căn cứ hải quân Sasebo
Chiến hạm của Nhật Bản tại căn cứ hải quân Sasebo

Trong khi “mượn mồm” các chuyên gia tố Nhật Bản chuẩn bị chiến tranh, Trung Quốc lại đang có những hành động “lén lút” tập trận quy mô lớn. Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” có trụ sở tại Hong Kong cho biết mặc dù không thông báo chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng việc hàng loạt sân bay đồng loạt bị ảnh hưởng do phải hủy hoặc hoãn chuyến bay trong khoảng thời gian 3 tuần tới là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy quân đội Trung Quốc tiến hành một đợt tập trận có quy mô rất lớn.

12 sân bay bị ảnh hưởng bởi đợt tập trận quy mô lớn trong 3 tuần tới của quân đội Trung Quốc
12 sân bay bị ảnh hưởng bởi đợt tập trận quy mô lớn trong 3 tuần tới của quân đội Trung Quốc

Theo tờ báo này, 12 sân bay ở Trung Quốc Đại lục, trong đó có nhiều sân bay vào loại đông khách nhất, sẽ bị ảnh hưởng bởi những vụ hoãn bay trên diện rộng cho tới giữa tháng tới do nguyên nhân được nhận định là các cuộc tập trận của PLA.

Cơ quan điều hành hàng không dân dụng của Trung Quốc Đại lục ngày 22/7 đã thông báo trên Đài Phát thanh Quốc gia nước này rằng các chuyến bay đến và đi khỏi miền Đông, bao gồm các thành phố Thượng Hải, Nam Kinh và Vũ Hán, sẽ bị ảnh hưởng từ ngày 20/7 đến ngày 15/8 tới bởi “các cuộc tập trận tần suất cao”. Trung Quốc không nói rõ lực lượng tổ chức các cuộc tập trận này là lực lượng nào, nhưng phần lớn ý kiến đều cho rằng đó chính là PLA.
Các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong một cuộc tập trận tại Tế Nam
Các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong một cuộc tập trận tại Tế Nam

Tờ báo Hong Kong dẫn ý kiến chuyên gia bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tập trung vào khu vực miền Đông của Trung Quốc là điều cần thiết bởi vì khu vực này có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên của bất kỳ cuộc tấn công nào mà các lực lượng nước ngoài tiến hành nhằm vào Trung Quốc. Việc làm gián đoạn hoạt động của 12 sân bay dân sự có nghĩa là các cuộc tập trận này được tiến hành trên phạm vi rất rộng.

Trước đó, hãng Tân Hoa Xã đưa tin rằng PLA đã tổ chức 10 cuộc tập trận bắn đạn thật cho các lực lượng mặt đất của họ tại 6 căn cứ ở các khu vực của Trung Quốc kể từ ngày 15/7 vừa qua.

Việc “lén lút” tập trận cũng có thể là hành động có ý đồ nhằm “tỏ ra nguy hiểm”, một chiến thuật vốn được Trung Quốc ưa dùng nhằm hù dọa đối phương.

Lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn gì ở biển Đông?

Lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn gì ở biển Đông?

Lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn gì ở biển Đông?
Trung Quốc cũng đã có hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay Liêu Ninh được tu sửa lại từ một tàu sân bay cũ của Nga

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm chức Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 năm 2012, thế giới liên tục chứng kiến những hành động được coi là gây hấn và chưa từng có từ trước tới nay của nước này ở biển Đông. Các học giả quốc tế có những nhận định khác nhau về những diễn biến này liên quan đến chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới. Việt Hà có bài tổng hợp và tường trình.

Những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về đường lối chiến lược của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới Tập Cận Bình, mặc dù trước đó đã có không ít những lạc quan về một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong khu vực, ít nhất cũng là so với thời gian trước năm 2012 với những nhà lãnh đạo cũ của Trung Quốc.

Lạc quan ngắn ngủi
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cho thế giới và nhất là những nước láng giềng châu Á nhỏ bé hơn mình thấy thiện chí muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thể hiện qua các chuyến viếng thăm của ông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Kế Cường tới các nước ASEAN  bao gồm các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhận xét về cử chỉ này từ các lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói:
Chúng tôi chưa bao giờ thấy trước đó, chỉ trong vòng một năm nhậm chức lãnh đạo, cả Chủ tịch và Thủ Tướng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm chính thức đến 10 nước ASEAN. Đây là một diễn tiến mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó
TS Hoàng Anh Tuấn
Hoàng Anh Tuấn: khi chúng tôi thấy các lãnh đạo mới của Trung Quốc nhậm chức vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013 với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Kế Cường, chúng tôi đã có hy vọng  và thậm chí có nhiều hy vọng hơn trong khu vực về một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian dài. Chúng tôi chưa bao giờ thấy trước đó, chỉ trong vòng một năm nhậm chức lãnh đạo, cả Chủ tịch và Thủ Tướng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm chính thức đến 10 nước ASEAN. Đây là một diễn tiến mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó.
Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng ông hy vọng thương mại hai chiều Trung Quốc ASEAN sẽ đạt mức 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2020, tức là tăng hơn 2 lần rưỡi so với con số 400 tỷ đô là vào năm trước đó.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Kế Cường đến Việt Nam vào tháng 10 năm 2013, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi hợp tác trên biển theo 3 nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau và từng bước. Hai bên thiết lập một nhóm làm việc về hợp tác và phát triển trên biển theo cơ cấu làm việc cấp chính phủ hiện có. Cả hai bên cũng cam kết sẽ sử dụng đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đến Trung Quốc vào tháng 6 cùng năm, lãnh đạo hai nước cũng đã nhất chí phải kiềm chế các hành động để không làm phức tạp thêm vấn đề tại biển Đông.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc: Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ông Surapong Towichukchaikul (trái) và người đồng cấp Trung Quốc của ông Bộ trưởng Wang tham dự một cuộc họp báo sau cuộc họp đầu tiên của họ tại Diaoyutai State Guesthous
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc:Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ông Surapong Towichukchaikul (trái) và người đồng cấp Trung Quốc của ông Bộ trưởng Wang tham dự một cuộc họp báo sau cuộc họp đầu tiên của họ tại Diaoyutai State Guesthouse ở Bắc Kinh ngày 29 tháng 8 , năm 2013.
Hành động của Trung Quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng mặt khác thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước
                                                                       TS Hoàng Anh Tuấn
Tuy nhiên, Việt nam và các nước trong khu vực đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động đặt giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước vào đầu tháng 5 vừa qua, và việc Trung Quốc huy động hàng trăm tàu các loại bao gồm tàu chiến để bảo vệ giàn khoan ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nói:
Hoàng Anh Tuấn: hành động của Trung Quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng mặt khác thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước. 
 
Trong hội thảo về biển Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC vào hai ngày 10 và 11 tháng 7 vừa qua, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam cáo buộc Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền bằng cách làm phức tạp thêm vấn đề tại biển Đông bằng nhiều hình thức. 

Trần Trường Thủy:  Trung Quốc đang gia tăng các đòi hỏi chủ quyền của mình qua phạm vi và bằng các biện pháp làm phức tạp thêm tình hình ngay tai hiện trường, qua chính sách ngoại giao và nội địa.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy cáo buộc Trung Quốc đang chuẩn bị các bước cần thiết để mở một vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông tương tự như vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách chia rẽ ASEAN như đã làm trước kia bằng cách đưa ra các lời hứa và cam kết hợp tác về kinh tế với các nước trong ASEAN vốn không có những tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại biển Đông. Theo tiến sĩ Trần Trường Thủy, những hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đã chuyển từ chiến thuật gây hấn do phản ứng lại sang chủ động gây hấn.

Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình
Có một số ý kiến được các học giả quốc tế đưa ra về mối liên quan giữa những hành động gần đây của Trung Quốc và chính sách của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình. Đáng chú ý là ý kiến của học giả Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Hoa Kỳ. Phát biểu trong một hội thảo gần đây về biển Đông, học giả Yun Sun nhận định:
Để cải thiện vị trí của mình trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai, Trung Quốc đã phải thay đổi quan niệm về hiện trạng không thân thiện của Trung Quốc… ở mức rộng và cao hơn, Trung Quốc đã có chiến lược quốc gia từ nhiều năm trước về xây dựng một cường quốc biển.
                                                                     Học giả Yun Sun
Yun Sun:  Trung Quốc thấy là sự kiềm chế hành động của Trung Quốc trong quá khứ đã không cải thiện được vị thế của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền một chút nào và việc Trung Quốc không hành động đã dẫn đến việc các nước khác gia tăng sự hiện diện và đòi hỏi chủ quyền của họ tại biển Đông. Vì vậy để cải thiện vị trí của mình trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai, Trung Quốc đã phải thay đổi quan niệm về hiện trạng không thân thiện của Trung Quốc… ở mức rộng và cao hơn, Trung Quốc đã có chiến lược quốc gia từ nhiều năm trước về xây dựng một cường quốc biển. Trong khi sự mở rộng của hải quân Trung Quốc gặp nhiều trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật bản và xuống tới Philippines. Biển Đông cho hải quân Trung Quốc một khu vực dễ dàng hoạt động hơn. 
 
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biển Đông hiện không có khả năng cạnh tranh về mặt trang bị quân sự với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước ASEAN vẫn tiếp tục chia rẽ về cách tiếp cận với Trung Quốc trong vấn đề này. 

Học giả về Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, ông Christopher Johnson, cho rằng, những hành động chưa từng có trước đây của Trung Quốc ở biển Đông thực ra đã nằm trong một chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Tuy nhiên ông thừa nhận, Chủ tịch Tập Cận Bình có cái nhìn về Trung quốc khác với những người tiền nhiệm. 

Christopher Johnson: Ông Tập Cận Bình có cái nhìn mang tính tư tưởng hơn so với những người tiền nhiệm trước đó về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới… 
 
Trong nhiều bài báo và phân tích gần đây trên thế giới, các học giả cũng nói đến học thuyết mới của ông Tập Cận Bình về cái mà ông gọi là ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc vào ngày 19 tháng 8 năm 2013, ông Tập Cận Bình đã nói ‘việc thực hiện Giấc mộng Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc’. Học thuyết mới này theo đánh giá của các học giả quốc tế xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khôi phục lại hình ảnh của một đất nước Trung Hoa vĩ đại trong quá khứ, và điều này có ảnh hưởng nhất định đến chính sách ngoại giao của nước này.
Ông Tập Cận Bình có cái nhìn mang tính tư tưởng hơn so với những người tiền nhiệm trước đó về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới
                                                                   Christopher Johnson
Để thực hiện những mục tiêu mà mình đưa ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện thâu tóm việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến các hoạt động đòi và bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Học giả Christopher Johnson cho rằng, những gì đã xảy ra gần đây trên biển Đông đều có sự đồng ý và chỉ đạo từ ông Tập Cận Bình. Điều này khác với những gì diễn ra dưới thời ông Hồ Cẩm  Đào, người bị chỉ trích là đã mất kiểm soát với các cơ quan phụ trách vấn đề chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Học Giả Christopher Johnson cũng cho rằng ông Tập Cận Bình là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn so với những các lãnh đạo Trung Quốc trước đó. Điều này kết hợp với việc thâu tóm quyền lực của ông Tập Cận Bình, học giả Johnson cho rằng sẽ rất khó để đoán biết được những hành động trong tương lai của ông ở các khu vực tranh chấp.

Trung Quốc vừa rút giàn khoan HD 981 khỏi vùng biển mà Việt Nam đòi chủ quyền, trước thời hạn mà họ đề ra là ngày 15 tháng 8. Cho đến lúc này, rất khó có thể đoán biết được những hành động tiếp theo của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả học giả Yun Sun và Johnson đều cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục duy trì một mức căng thẳng nhất định ở biển Đông, vừa đủ để không khiến Hoa Kỳ phải can thiệp mạnh nhưng cũng vẫn đủ để lãnh đạo Trung Quốc đạt được đích thắng lợi mà ông nhắm tới.