Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Ngô Sĩ Tồn: TQ sẽ không cần quan tâm

Ngô Sĩ Tồn: TQ sẽ không cần quan tâm đến phán quyết trọng tài


(GDVN) - Theo Ngô Sĩ Tồn, phán quyết trọng tài sẽ không có cơ chế thực hiện, "tư pháp hóa" vấn đề Biển Đông là một xu thế mới của tình hình Biển Đông hiện nay.

Ngô Sĩ Tồn - viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông - Trung Quốc
Tân Hoa xã ngày 21 tháng 6 đăng bài viết nhan đề vừa thách thức vừa xuyên tạc cho biết "Trung Quốc không nên tham gia trọng tài Biển Đông, có đầy đủ căn cứ luật pháp quốc tế".
Bài viết dẫn lời Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng, lập trường "không chấp nhận, không tham gia" Philippines đưa tranh chấp Biển Đông lên tòa án trọng tài quốc tế của Trung Quốc "có đủ căn cứ luật pháp quốc tế" (?), đồng thời "do trọng tài quốc tế hoàn toàn không có cơ chế thực hiện, bất kể cuối cùng đưa ra phán quyết như thế nào, Trung Quốc cũng không cần quan tâm".
Cùng ngày, trong thời gian Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ ba do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Ngô Sĩ Tồn trả lời báo chí cho rằng, căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, tranh chấp quyền lợi biển có liên quan đến "quy thuộc lãnh thổ" (sở hữu lãnh thổ) "đứng ngoài trình tự giải quyết tranh chấp mang tính cưỡng chế". Ngô Sĩ Tồn coi "tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoàn toàn không áp dụng được (với luật pháp quốc tế)".
Như vậy, Trung Quốc nhấn mạnh tranh chấp quyền lợi biển hiện nay là tranh chấp lãnh thổ và tòa án trọng tài không có quyền hạn phán quyết. Tuy nhiên, Philippines kiện nội dung Trung Quốc giải thích sai Công ước, chứ không kiện Trung Quốc về lãnh thổ, tất nhiên vấn đề Philippines kiện sẽ có lợi cho bác bỏ tuyên bố "đường lưỡi bò" bất hợp pháp của Trung Quốc.
Ngoài ra, Ngô Sĩ Tồn lý sự cho rằng, căn cứ vào Công ước, tiền đề của trọng tài cưỡng chế đơn phương là hai bên tranh chấp hoàn toàn không gạt bỏ cơ chế trọng tài bên thứ ba, "mà giữa Trung Quốc-Philippines hoàn toàn có thỏa thuận song phương, đã loại trừ cơ chế trọng tài bên thứ ba" (Nhưng, thực tế và rõ ràng là, Philippines đã thấy không thể đàm phán với Trung Quốc, nên họ quyết tâm kiện).
Theo Ngô Sĩ Tồn, điều 4 của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong đó có Philippines công bố năm 2002 quy định, tranh chấp Biển Đông do các nước đòi hỏi chủ quyền liên quan trực tiếp thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị, dùng phương thức hòa bình để giải quyết.
Ông Ngô Sĩ Tồn phán tiếp: Thứ ba, năm 2006, Trung Quốc đã căn cứ vào điều 298 của Công ước công khai tuyên bố, Trung Quốc tự động đứng ngoài trình tự trọng tài cưỡng chế trong các vấn đề như quy thuộc đảo đá liên quan, phân định ranh giới biển, quyền lợi lịch sử, hành động quân sự hoặc hành động mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra quyết định.
Sau 2 tháng Philippines đưa ra "cáo trạng" lên tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines, đầu tháng 6 năm 2014, tòa án trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc trình báo cáo phản hồi chậm nhất là vào ngày 15 tháng 12 năm 2014. Đối với vấn đề này, chính phủ Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh lập trường: Không chấp nhận, không tham gia.
Tàu chiến Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Theo Ngô Sĩ Tồn, tòa án trọng tài quốc tế này được thiết lập lâm thời dựa vào phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, vẫn chưa mở phiên tòa thụ lý, điều họ trước tiên phải làm là xem xét bản thân có quyền xử lý vụ kiện hay không. Chuyên gia Trung Quốc hiện nay đang theo dõi chặt chẽ vụ kiện này, đồng thời tập trung nghiên cứu vấn đề quyền xử lý vụ kiện của tòa trọng tài nhưng thực chất là đang tìm kẽ hở để đưa ra, biện minh cho những hành động ngang ngược của mình.
Ông ta cho rằng, mặc dù vấn đề Biển Đông được đưa ra phán quyết, do tòa án trọng tài quốc tế không có cơ chế thực hiện cưỡng chế, Trung Quốc "hoàn toàn không quan tâm"  đến phán quyết. Phía Philippines biết rõ điều này, họ "cố ý đưa ra vụ kiện với mục đích thực sự là tạo ra dư luận, bôi đen Trung Quốc" - Ngô Sĩ Tồn lo ngại.
Về tình hình khu vực Biển Đông hiện nay, Ngô Sĩ Tồn cho rằng, tình hình tổng thể của Biển Đông tuy "có thể kiểm soát", nhưng "tranh chấp" chủ quyền đảo đá và khai thác tài nguyên (thực chất là Trung Quốc đang ra sức xâm lấn Biển Đông, cho tàu chiến, máy bay quân sự... xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam...) làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên, triển vọng tiến hành hợp tác không hề lạc quan.
Ông Tồn tuyên truyền, việc "tư pháp hóa" vấn đề Biển Đông là một xu thế mới của tình hình Biển Đông hiện nay. Vấn đề Biển Đông đã có từ lâu, vô cùng phức tạp, không phải là chỉ thông qua cơ chế của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển là có thể giải quyết.
Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Ông Tồn nói: "Một số nước đơn phương đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra cơ chế bên thứ ba, chỉ có thể làm cho tranh chấp tiếp tục phức tạp hóa, khiến cho các nước liên quan tiếp tục đối đầu, cũng không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp".
Có lẽ, theo ông ta, Trung Quốc tìm cách biến đá ngầm của Việt Nam thành đảo, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bắn chìm tàu cá của Việt Nam, cắt đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough... thì đây là những hành động hòa bình, sẽ làm cho Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh? Đây đúng là bản chất "phát triển hòa bình", "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc!
Ngô Sĩ Tồn đưa ra đề xuất: Các bên ở khu vực Biển Đông tăng cường lòng tin, tích cực thúc đẩy hiệp thương để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), làm cho nó trở thành cơ chế kiểm soát khủng hoảng quan trọng của Biển Đông. Nhưng, ông ta quên rằng, ASEAN luôn mong muốn xây dựng cơ chế này, song Trung Quốc luôn làm chậm trễ nó và chỉ muốn làm dần dần, hòng kiếm thời gian từng bước xâm lấn, tạo hiện trạng mới có lợi cho họ, thực chất đó là những hành động vi phạm trắng trợn DOC.
Đối với hợp tác giữa các bên ở khu vực Biển Đông, Ngô Sĩ Tồn dụ dỗ và đánh lạc hướng cho rằng: Các bên cần "dần dần từng bước, từ lĩnh vực ít nhạy cảm quá độ sang lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn học tập kinh nghiệm thành công xử lý tràn dầu ở các khu vực như vịnh Mexico, xây dựng cơ chế phản ứng nhanh tràn dầu khu vực Biển Đông, ngăn chặn sự cố tràn dầu đe dọa môi trường sinh thái và an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông; xây dựng cơ chế tìm kiếm cứu nạn liên hợp trên biển; triển khai hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng hóa sinh học và lĩnh vực năng lượng.
Trung Quốc âm mưu biến đá ngầm thành đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Như vậy, Ngô Sĩ Tồn đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận, tìm kiếm hợp tác ở các lĩnh vực khác, trong khi vấn đề cấp bách trước mắt và vô cùng nóng bỏng hiện nay là Trung Quốc đang xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vấn đề cấp bách hiện nay là Trung Quốc rút giàn khoan 981 vô điều kiện khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam... chứ không phải làm những việc xa vời như ông ta kiến nghị.
Ông Tồn "dịu giọng" nói: "Trông đợi các bên phá vỡ cục diện bế tắc tranh chấp chủ quyền đảo đá và quyền quản lý biển hiện nay, lấy dũng khí siêu phàm và tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy tiến trình hợp tác khu vực Biển Đông, từ đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển khu vực này". Với lời lẽ này có lẽ ông Tồn muốn các nước ven Biển Đông phải lấy “dũng khí siêu phàm” để chịu đựng Trung Quốc bắt nạt và dùng “tầm nhìn chiến lược” để Trung Quốc lấn dần, không phản ứng, bảo đảm giữ “hòa bình” cho Trung Quốc “phát triển”?
Theo bài báo, diễn đàn hòa bình thế giới do Đại học Thanh Hoa Trung Quốc chủ trì thực hiện, Viện ngoại giao nhân dân Trung Quốc tham gia, là diễn đàn an ninh quốc tế cấp cao, phi chính thức đầu tiên do Trung Quốc tổ chức
.

Trung Quốc gia tăng "phá đám" tàu cá Việt Nam

Trung Quốc gia tăng "phá đám" tàu cá Việt Nam


(GDVN) - Trung Quốc vẫn tiếp tục những chiêu trò cũ, cho tàu vây ép, đâm va các tàu của Việt Nam, nhằm không cho tàu của ta tiến đến gần gian khoan 981

Thông tin mới nhất từ Cục kiểm ngư cho biết, trong ngày 21/6, giàn khoan 981 vị trí không thay đổi. Trung Quốc huy động 118 các loại tàu, trong đó có 43 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 17 tàu kéo, 38 tàu cá và 6 tàu quân sự. Các tàu này của Trung Quốc hoạt động cách giàn khoan 981 khoảng 6-9 hải lý.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam
Trong ngày, lực lượng kiểm ngư còn phát hiện có thêm hai máy bay trinh sát của Trung Quốc ở khu vực Tây Nam, cách giàn khoan từ 12-35 hải lý, bay 2-4 vòng độ cao 500-2000 mét. Lúc 11h07, xuất hiện thêm một máy bay tuần thám số hiệu CMS-B3843 từ Đông Bắc bay đến một vòng trên khu vực phía Nam, cách giàn khoan 12 hải lý ở độ cao 200-500 mét, sau đó rời khỏi khu vực theo hướng Tây Bắc.
Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu kiểm ngư vẫn tiếp tục công tác đấu tranh tuyên truyền, cách giàn khoan 10-12 hải lý.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm ngư luôn bị các tàu hải cảnh, hải giám, tàu vận tải, tàu kéo của Trung Quốc thường xuyên vây ép, tăng tốc độ đeo bám, lúc gần nhất cách tàu ta khoảng 30 mét. Các tàu kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh, đảm bảo an toàn.
Tàu cá Việt Nam vẫn đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Để “phá đám”, Trung Quốc huy động 38 tàu cá cùng sự hỗ trợ của 1 tàu hải cảnh, thường tổ chức dàn hàng ngang ngăn cản, đồng thời tăng tốc độ, ép tàu cá của ta ra xa, không cho tiến vào gần giàn khoan. Được sự hỗ trợ của kiểm ngư, các tàu cá của ta vẫn an toàn khai thác thủy sản
.

Đảo hóa trái phép Gạc Ma không giúp Trung Quốc có thêm 200 hải lý

Đảo hóa trái phép Gạc Ma không giúp Trung Quốc có thêm 200 hải lý


(GDVN) - Chính Trung Quốc lại đang phản đối Nhật Bản đòi áp dụng quy chế đảo cho 1 đảo nhân tạo ở rặng san hô Okinotorishima trên biển Philippines.

Trung Quốc đổ đất cát đắp nền trái phép tại đá Gạc Ma hòng biến nó thành đảo nhân tạo, phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Tờ Trung ương Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Quốc dân đảng Đài Loan ngày 21/6 dẫn lời chuyên gia quốc tế cho rằng, động thái Trung Quốc đang đảo hóa 5 trong 6 bãi đá ở Trường Sa (mà Trung Quốc xâm lược của Việt Nam, đồn trú trái phép từ năm 1988 đến nay, bao gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Su Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên - PV) là có thể đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bởi không luật nào cho phép làm điều đó.
Trước đó tờ The New York Times dẫn nguồn tin từ Philippines cho thấy, họ có bằng chứng về việc Bắc Kinh đang vận chuyển cát đá, vật liệu xây dựng đến đá Gạc Ma để chuẩn bị biến nó thành đảo nổi (bất hợp pháp) cho người sinh sống đã khiến Việt Nam, Philippines đặc biệt quan ngại và phản đối, đồng thời Washington cũng phải cảnh giác.
Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng sau khi đảo hóa (trái phép) 6 bãi đá ở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ đưa ra yêu sách đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, nhưng Bắc Kinh khó có thể thuyết phục được tòa án quốc tế, bởi đảo nhân tạo không có EEZ.
UNCLOS một mặt quy định rõ về vùng đặc quyền kinh tế, nhưng mặc khác cũng hạn chế việc xây dựng đảo nhân tạo và các thiết bị, kết cấu vốn không có trên các đảo, bãi đá. Sự tồn tại của các kết cấu này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc xác định vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Giáo sư Lawrence Juda chuyên về luật biển từ đại học tiểu bang Rhode Island cho biết, đảo nhân tạo không phù hợp với định nghĩa "đảo" trong UNCLOS, do đó không được hưởng các quy chế của đảo theo quy định của UNCLOS. Do đó việc Trung Quốc có đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế đối với 6 bãi đá ở Trường Sa là "không hợp lý, và sẽ không được thừa nhận".
Trong khi đó chính Trung Quốc lại đang phản đối Nhật Bản đòi áp dụng quy chế đảo cho 1 đảo nhân tạo ở rặng san hô Okinotorishima trên biển Philippines. Năm 2012, Nhật Bản đã đầu tư 600 triệu USD đắp đê, đổ đất xây dựng đảo nhân tạo ở đây.
Trung Quốc cho rằng, Okinotorishima không phù hợp với định nghĩa đảo trong UNCLOS nên không thể được hưởng quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS
.

Báo TQ xuyên tạc: Việt Nam dùng Cam Ranh dụ Nga

Báo TQ xuyên tạc: Việt Nam dùng Cam Ranh dụ Nga can thiệp Biển Đông


(GDVN) - Báo Trung Quốc lo ngại về hoạt động hợp tác dầu khí, hợp tác quốc phòng tăng cường giữa Việt-Nga trong bối cảnh Trung Quốc đang xâm lược vùng biển Việt Nam.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 6 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam không thể tự đối đầu Trung Quốc, muốn lấy vịnh Cam Ranh làm mồi nhử Nga can thiệp Biển Đông" xuyên tạc về quan hệ hữu nghị Việt-Nga.
Theo bài viết, súng trường tự động AK-47 do Liên Xô chế tạo từng được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam, đã giúp người Việt Nam chống lại có hiệu quả sự xâm lược của người Mỹ, hiện nay Việt Nam lại muốn "mượn sức" của Nga.
Bài viết cho rằng, Đại sứ Việt Nam tại Nga ngày 19 tháng 6 đã “gửi thư” cho phía Nga, cam kết Nga có quyền ưu tiên ở vịnh Cam Ranh – một quân cảng quan trọng của Việt Nam, trong khi đó biên đội 3 tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga vào ngày 20 tháng 6 cũng đã kết thúc tiếp tế hậu cần ở vịnh Cam Ranh.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố “vịnh Cam Ranh hoan nghênh tất cả các khách thương mại và quân sự”, điều này cũng được truyền thông Mỹ xem như là “cành ô liu” chìa ra cho tàu chiến Mỹ. Đại sứ mới ở Việt Nam do Tổng thống Mỹ đề cử kêu gọi Mỹ “xem xét hủy bỏ lệnh cấm bán và chuyển nhượng vũ khí sát thương cho Việt Nam”.
Tàu ngầm diesel-điện Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam, mua của Nga. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm với 6 chiếc thuộc lớp Kilo, hiện hải quân Việt Nam đã biên chế 2 chiếc.
Báo Trung Quốc xuyên tạc cho rằng, để “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, Việt Nam không tiếc lấy vịnh Cam Ranh để “lôi kéo” Nga, Mỹ, điều này đã đem lại lợi ích thực tế cho Nga, Mỹ, nhưng đồng thời cũng được xem là “mồi câu”.
Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc dẫn lời “học giả” Trung Quốc giấu tên võ đoán, lên giọng cho rằng, bất kể là “lôi kéo Nga kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông” hay có được vũ khí tiên tiến của Mỹ, “Việt Nam đều sẽ không được toại nguyện”.
Nga có quyền ưu tiên ở vịnh Cam Ranh
Hãng Itar-Tass Nga ngày 19 tháng 6 cho biết, trong cuộc họp báo về “Ngày văn hóa Việt-Nga” cùng ngày, Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết, hai bên Nga-Việt đang đàm phán thành lập công ty liên doanh cung cấp dịch vụ bảo trì cho các loại tàu dân dụng và quân dụng.
Khi nói về vịnh Cam Ranh, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết: “Một phần vịnh Cam Ranh là dân dụng, một phần khác là căn cứ quân sự. Trong tình hình tuân thủ thỏa thuận cần thiết, tàu chiến nước ngoài có thể đi vào khu vực này, nhưng chúng tôi có thể công khai nói, Nga có quyền ưu tiên ở đây. Hợp tác quân sự với Nga rất quan trọng”.
Hình ảnh về vịnh Cam Ranh của Việt Nam
Theo luận điệu phỏng đoán của bài báo, gần đây, tỷ lệ xuất hiện trên truyền hình Nga của Đại sứ Phạm Xuân Sơn rất cao. Báo Nga ngày 19 tháng 6 có bài viết nhan đề “95% vũ khí của Việt Nam mua từ Nga” cho rằng, khi trả lời phỏng vấn, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết, Việt-Nga không chỉ có rất nhiều hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, mà còn có hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, sản xuất máy bay trực thăng.
Hai bên đã hoàn thành đàm phán về việc phía Nga mua 49% cổ phần của Công ty dầu khí Việt Nam. Những công ty dầu khí lớn của Nga tiến hành thăm dò và khai thác ở thềm lục địa Việt Nam gồm có: Gazprom, Rosneft Oil, Lukoil và Zarubezhneft.
Báo Trung Quốc dẫn lời cái gọi là “học giả Nga” giấu tên phân tích cho rằng, Việt Nam không thể độc lập đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ”, vì vậy muốn “lôi kéo” Nga vào khu vực này, như vậy có thể làm “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Đối với vai trò của Nga trong tranh chấp Biển Đông, Đại sứ Phạm Xuân Sơn ngày 19 tháng 6 cho rằng, Việt Nam chủ trương cùng Trung Quốc căn cứ vào luật pháp quốc tế, thông qua biện pháp hòa bình giải quyết tất cả bất đồng. Ông đặc biệt nhấn mạnh lập trường khách quan của Nga trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ” Việt-Trung.
Ngày 16 tháng 6 năm 2014, bên lề Hội nghị Dầu khí Thế giới (WPC) lần thứ 21 tại Moscow - Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chứng kiến Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu ký biên bản ghi nhớ với ông Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn Rosneft và ông Sergey Kudryasov, Tổng giám đốc Tập đoàn Zarubezhneft về mở rộng cơ hội hợp tác tại các lô 125 – 126, một số lô mở và các lô hợp đồng khác tại Bể Phú Khánh, thềm lục địa Việt Nam.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn nói: “Việt Nam tán thành lập trường của Nga, căn cứ vào lập trường này, tất cả tranh chấp đều cần căn cứ vào luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, giải quyết thông qua hòa bình”.
Trong khi đó, trang mạng Rusnews ngày 15 tháng 4 từng đưa tin về thể hiện lập trường từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga: “Nga theo dõi chặt chẽ tình hình hiện nay ở Biển Đông. Nga hy vọng các bên có thể giữ kiềm chế, thông qua đàm phán giải quyết bất đồng”.
Theo báo Trung Quốc, truyền thông và học giả Nga rất quan tâm đến quan hệ Việt-Trung. Khi đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, “Đài tiếng nói nước Nga” cho rằng, cuộc đàm phán không đạt được tiến triển rõ rệt, nhưng hai bên đã đạt được đồng thuận “tiếp tục tiến hành tiếp xúc trên lĩnh vực này”.
Chuyên gia Vinogradov, Viện Viễn Đông, Viện khoa học Nga cho rằng: “Giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không hoàn toàn gián đoạn liên hệ, đặc biệt là ở cấp cao. Nếu không thể giải quyết vấn đề, ít nhất cũng có thể làm dịu xung đột. Ngoài ra, Hà Nội và Bắc Kinh cũng đều phải xem xét đến lòng dân của nước mình”.
Ngày 16 tháng 6 năm 2014 tại Moscow - Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Zarubezhneft Nga
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc tìm hiểu thông tin trên báo chí Việt Nam và để ý đến một số thông tin về quan hệ Việt-Nga, gồm có: “Hợp tác quốc phòng là lĩnh vực trọng điểm của quan hệ Việt-Nga”, “Việt-Nga tổ chức đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên”, “quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện giữa Việt-Nga đạt được tiến triển tích cực”…
Theo tờ báo này, hợp tác quốc phòng giữa Việt-Nga còn có cử đoàn đại biểu thăm nhau, đào tạo nhân viên và hải quân, nghiên cứu chiến lược, giao lưu kỹ thuật quân sự. Khai thác dầu khí ở Biển Đông là “quan trọng hàng đầu” của hợp tác Việt-Nga.
Ngày 18 tháng 6, cổng điện tử của Chính phủ Việt Nam đăng hình ảnh cho biết, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Zarubezhneft và Rosneft Nga ký kết bản ghi nhớ tiến hành hợp tác thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. 
Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, ngoài doanh nghiệp Nga, còn có các công ty dầu khí lớn quốc tế như công ty Exxon Mobil Mỹ, công ty Oil & Natural Gas Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam.
Một giếng dầu của Việt Nam trên Biển Đông

Nếu không có Mỹ, Trung Quốc gặp rắc rối hơn nhiều

Nếu không có Mỹ ở châu Á, Trung Quốc sẽ còn gặp rắc rối hơn nhiều


(GDVN) - Stephen Hadley đã ví những hành vi của Trung Quốc gần đây không khác gì thế kỷ 19, bao gồm những động thái khiêu khích ở Biển Đông.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 21/6 đưa tin, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W Bush, Stephen Hadley đã không nể nang chủ nhà khi thẳng thắn chỉ trích những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông đang khiến láng giềng lo ngại.
Sáng 21/6 Trung Quốc khai mạc diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 3 tại Bắc Kinh, hội thảo này do đại học Thanh Hoa phối hợp với hiệp hội Ngoại giao nhân dân Trung Quốc tổ chức, được cho là một diễn đàn an ninh quốc tế phi chính thức cấp cao nhất của Trung Quốc.
Năm nay, quan chức Trung Quốc cao cấp nhất tham dự hội thảo này là ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện. Hội thảo này là "sự nối dài" thực lực ngoại giao Trung Quốc từ chính thức đến phi chính thức, Bắc Kinh mời khá nhiều quan chức nghỉ hưu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nga tham dự, trong đó có ông Stephen Hadley.
Mặc dù là khách mời của Bắc Kinh, nhưng cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã không ngần ngại phê phán thẳng thắn và đích danh nước chủ nhà. Trong bài phát biểu với tiêu đề "Quan hệ nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và hòa bình khu vực", Stephen Hadley đã ví những hành vi của Trung Quốc gần đây không khác gì thế kỷ 19, bao gồm những động thái khiêu khích ở Biển Đông và đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông.
Stephen Hadley nói: "Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đương nhiên phải nghi ngờ mong muốn của Bắc Kinh về việc xây dựng mô hình mới của quan hệ nước lớn, mặc dù Trung Quốc có giải thích của riêng họ".
Ông cho rằng tại Trung Quốc hiện nay tồn tại một quan điểm gọi là "âm mưu luận", quan điểm này cho rằng Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đang hợp mưu đối phó với Bắc Kinh. Thậm chí một số người Trung Quốc cho rằng, không có Mỹ, quan hệ Trung Quốc với láng giềng sẽ tốt hơn nhiều. "Tuy nhiên tôi cần nhấn mạnh, nếu không có Mỹ, những vấn đề Trung Quốc phải đối mặt ở châu Á còn tồi tệ hơn nhiều."
Theo cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, sự hiện diện về mặt quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương có lợi cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế
.

Xin hãy giữ lửa

Có những khi tôi ngồi thẫn thờ, tự vấn với những tại sao, giá như, nếu mà…về việc chậm trễ thay đổi phản ứng từ phía Nhà nước đối với âm mưu, thủ đoạn, hành vi xâm lược của chính quyền Trung Quốc tại vùng biển đảo chủ quyền, những câu hỏi, tự vấn khó tìm lời giải nhưng cũng khó để đoán mò chủ quan, nghĩ xấu về tình hình, lại cố gắng rít cho hết điếu thuốc, lạc quan đi, tự tin đi, giữ lửa để điểm tin, để bình luận, để theo dõi, để thở dài và hy vọng….
    Có những khi tôi muốn dừng việc hóng hớt thông tin, điểm báo, lọc tin và bình luận về biển Đông vì có vẻ như đang được an bài mất rồi, có vẻ như Nhà nước đang khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp mạnh hơn, có sức nặng hơn, chí ít chưa lấy lại được Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm thì cũng có thể bằng sức mạnh nào đó, đẩy đuổi mớ giàn khoan kia ra khỏi vùng biển chủ quyền, chặn tay việc xây dựng trên đảo của ta bị nó cưỡng chiếm, hoặc kiện ngay ra tòa quốc tế để công khai về chủ quyền với thế giới và thể hiện ý chí mạnh mẽ của nước nhà…

Có những khi tôi thấy mình bị mù mịt thông tin, như rơi vào mê hồn trận với những giả định, những tình huống, những suy đoán mông lung mông lung, vô phương hướng, cứ như thuyền mất lái bơ vơ giữa biển mênh mông.
Có những khi tôi đứng nhìn ra trời đêm, nhìn ra biển đêm, cố đẩy tầm mắt vượt qua trùng trùng sóng vỗ để thấy được các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư, các phóng viên đồng nghiệp, các ngư dân họ đang làm gì ngoài đó, vui hay buồn, hy vọng hay thất vọng, và phía kẻ xâm lược, tàu bè của Trung Quốc có những âm mưu gì nữa vào ngày mai, ngày kia….
Nhưng không thể bi quan và nôn nóng, không thể sốt ruột và chán chường vào lúc này, vì dù sao, tình hình cũng đã thế, dã tâm của Trung Quốc thì đã quá rõ, sự lật lọng của nó cũng không còn che giấu, ngay cả những câu tuyên bố ra vẻ tôn trọng luật biển, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng hòa bình giờ cũng đã chảy toe toét như bãi … gặp mưa rồi, thối hoắc rồi, chỉ có điều là chưa tới mức xảy ra đụng độ, chiến tranh, mưa đạn.
Cố mà giữ không xảy ra chiến tranh, giữ tới mức nào đó có thể giữ, vì nếu xảy ra sự đụng độ chiến tranh, đất nước lại muôn trùng gian khó, muôn trùng đau khổ, muôn trùng mất mát, rồi bao nhiêu năm nữa để khắc phục hậu quả, để có lại được như…hôm nay?
Chiến thắng Bạch Đằng (9/4/1288)
Nhưng cứ chần chừ, dùng dằng, trể nãi, cò cưa, kìm nén, chịu đựng thế này thì cũng thấy nhục quá, hèn nữa, tìm kiếm đâu ra một giải pháp có thể trì kéo sự đụng độ của chiến tranh nhưng vẫn giữ được chủ quyền biển đảo? Nghe quá mâu thuẩn, quá bấp bênh, quá viễn vông trong tình hình này.
Thế thì chỉ còn cách là kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để gây sức ép thêm về dư luận, thu hút thêm sự chú ý, cộng hưởng thêm sự ủng hộ, kết dính thêm sự ủng hộ của nhiều quốc gia; bóc tách chính trị ra khỏi sự hợp tác lâu nay, nói với Trung Quốc rằng, anh xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thì tôi xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Việt Nam, không can dự, không lôi kéo, không dính líu, mỗi quốc gia một con đường, có thể còn lưu luyến với dòng chữ xã hội chủ nghĩa thì tạm giữ, nhưng phải thay dần trong ruột gan bản chất, thành một quốc gia dân chủ tiến bộ theo cách Việt Nam, của Việt Nam, có sao đâu?;
Chỉ còn cách hợp tác sâu rộng hơn nữa với những nước trong khối, trong khu vực, trên thế giới, tạo nên sự ràng buộc quyền lợi, khi có sự ràng buộc quyền lợi mặc nhiên phải bảo vệ nhau thôi, khi ấy Trung Quốc có lộng hành cũng khó, vì đụng đến Việt Nam là đụng đến sự liên kết, đụng đến quyền lợi các nước, thế cũng tạo thêm sức mạnh kép ngoài sức mạnh dân tộc; và cuối cùng là tự chủ, tự chủ trong hợp tác, trong giao lưu, trong quan hệ, tự chủ về bản lĩnh, về tư duy, về cơ chế; một khi làm được thế thì nước ta dù có nhỏ bé nhưng có nhiều điểm tựa liên kết sẽ trở nên vững mạnh.
Và trên hết là cần một sự minh bạch của Nhà nước với nhân dân, sự minh bạch rõ ràng trong tình hình ứng xử với Trung Quốc để nhân dân yên tâm, sự minh bạch qua phát biểu của các vị nguyên thủ như vừa qua vẫn chưa đủ, cần một sự minh bạch mạnh hơn, quyết liệt hơn, dứt khoát hơn bằng những thao tác kỹ thuật trong đối ngoại, trong hành động cụ thể với Trung Quốc, chỉ có như thế mới đoàn kết được sức mạnh toàn dân tộc, lúc nào và bao giờ xa rời sức mạnh nhân dân là xa rời độc lập tự do, là mất nước.
Vì thế nên chúng ta hãy giữ lửa, xin hãy giữ lửa, từng giờ, từng phút, mỗi người hãy giữ cho ngọn lửa yêu nước cháy thật rực rỡ, thật can trường, đừng để lửa tắt, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền còn dài lắm, rất dài, chúng ta phải vừa gỡ rối từng nút thắt một, vừa phải xây đắp một hướng đi mới, nên phải kiên nhẫn, chúng ta không chỉ giữ lửa cho chúng ta mà còn giữ lửa cho con cháu chúng ta.
Xin hãy giữ lửa.
Và Nhà nước hãy biết yêu quý, nâng niu, tôn trọng, biết ơn những ngọn lửa của từng người dân để tìm cách kết dính triệu triệu ngọn lửa ấy thành tòa tháp lửa bảo vệ chủ quyền của toàn dân nước Việt.
Ai rồi cũng phải chết.
Nhưng mỗi người có trọng trách xã hội cần nhớ rằng, khi chết, đừng để thế gian đạp chân vào ngôi mộ của mình rủa sả rằng, đây là mộ của một kẻ hèn, một kẻ bán nước.
Hãy giữ lửa, tôi và bạn và chúng ta: Việt Nam.
(Theo Blog Nguyễn Quang Vinh)

“Đường Chín Đoạn” – Hàng Nhái từ Học Thuyết Monroe


 Đừng mua thứ hàng nhái mà Bắc Kinh đang rao bán. Đường chín đoạn chẳng có tí gì giống như học thuyết Monroe của Hoa Kỳ.

Trong bài nói chuyện hôm thứ ba ở Newport, phóng viên quốc tế lỗi lạc Robert Kaplan đã kể lại một câu chuyện vốn đã trở nên quen thuộc trong những giao thiệp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (TQ). Kaplan kể rằng một sĩ quan cao cấp của PLA nhận xét rằng những gì mà TQ muốn đạt được ở biển Đông là “không khác gì” so với những gì Hoa Kỳ đã muốn đạt được trong vùng biển Caribbean và vịnh Mexico trong giai đoạn học thuyết Monroe.
Đường 9 đoạndo TQ vẽ ra
Bắc Kinh muốn nắm quyền quản soát các vùng biển nằm xung quanh TQ, trong khi sẽ sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ, sức mạnh hải quân vô địch hiện tại, ở những nơi khác trên bản đồ.
- Thấy không? Để tránh lòi ra cái đuôi đạo đức giả, Washington nên đứng tránh ra ngoài những tranh chấp trên biển giữa TQ với các nước láng giềng.
- Không. Tôi chẳng thấy điều đó. TQ đang bắt chước những phương cách mà người Mỹ sử dụng, vào lúc nào nhỉ? À, sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ (1861-1865). Trước 1880, Hoa Kỳ đã bắt đầu việc xây dựng một lực lượng hải quân lớn, mạnh hơn hải quân của bất kỳ quốc gia châu Âu nào, trong một vùng biển quan trọng là vùng Greater Caribbean. TQ cũng bắt đầu xây dựng một lực lượng hải quân lớn, được sử dụng trong hợp đồng tác chiến với các loại vũ khí ven bờ, có thể là mạnh hơn hải quân của các nước châu Á hay bên ngoài, trong các vùng biển quan trọng nằm xung quanh TQ.
Nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn về trìnhđộ kỹ chiến thuật chiến tranh của Edward Luttwak, ông đại tá đáng kính của TQ cũng có vài điểm đúng.
Tuy nhiên, như những lời khôn khoan của nhà văn Mark Twain, sự khác biệt giữa một từ gần đúng và một từ đúng cũng giống như sự khác biệt giữa lightning-bug (con đom đóm) và lightning (tia sét). Điều này cũng đúng với các biến cố tương tự trong lịch sử. Các nhà đàm phán TQ sẽ luôn bám vào những phép so sánh khập khiễng với lịch sử Hoa Kỳ, để thuyết phục người Mỹ đơn phương giải trừ vũ khí trí tuệ. Nếu người Mỹ đã làm điều đó ở Caribbean trong quá khứ, họ lấy tư cách gì để phản đối khi giờ đây TQ lặp lại nó ở Đông Nam Á?
Rất hợp lý. Nhưng ta hãy cẩn thận khi nói chuyện lịch sử với những đại diện của chính quyền cộng sản TQ, một chế độ đã thành công trong việc xoá sạch những lỗi lầm ghê gớm như Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa, và Quảng trường Thiên An Môn ra khỏi tiềm thức của xã hội và quần chúng, rồi lại bôi vẽ hình ảnh của nó thành kẻ thừa kế truyền thống Nho giáo mà chính nó đã từng cố công tiêu diệt. Những kẻ này được huấn luyện để làm cho chúng ta tin là con đom đóm và tia sét chỉ là một.
Mặc dù các phương pháp mà TQ sử dụng trong các vùng biển xung quanh nó có một số điểm tương đồng với các phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng vào cuối thế kỷ 19, mục tiêu của hai việc là hoàn toàn khác nhau. Trong khi mục tiêu của Hoa Kỳ là sự tự do hàng hải chung cho các bên, mục tiêu của TQ là sự cai trị của một cường quốc ven biển với vùng biển và vùng trời xung quanh nó. Tuy cả hai đều liên quan đến biển, nhưng sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó. Đó là sự giống nhau giữa con đom đóm và tia sét.
Học thuyết Monroe của Mỹ vào thế kỷ 19
Hoặc hãy thử một so sánh khác, sự khác biệt trong quan điểm giữa luật hàng hải của Hoa Kỳ và của TQ có thể tương đồng với sự khác biệt giữa nhà lý luận luật pháp quốc tế thế kỷ 17 của Hà Lan Hugo Grotius và đối thủ người Anh là luật gia John Selden.
Grotius khẳng định các vùng biển không phải là đối tượng của chủ quyền quốc gia – tức quyền sở hữu – trong khi Selden tuyên bố chủ quyền của Anh trên các vùng biển nằm xung quanh các hòn đảo thuộc Anh. Một thế kỷ trước, cũng như bây giờ, Grotius là bộ mặt của chính sách bảo vệ quyền lợi chung của Hoa Kỳ. Trong  khi Selden có thểđược xem là người khởi xướng cho luật biển của TQ.
Nếu bạn không tin tôi thì hãy nghĩ về điều này: Hoa Kỳ xử sự thế nào trong thời gian đang vươn lên để trở thành một sức mạnh vô địch trên biển? Hoa Kỳ đã sử dụng sức mạnh hải quân của mình vào việc gì? Ít nhất, Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên bố quyền sở hữu với Greater Caribbean, cho dù đã luôn muốn kiểm soát nó. Hoa Kỳ đã hoàn toàn không làm một điều gì tương tự như đường chín đoạn bây giờ của TQ.
Mặc dù thỉnh thoảng cũng ghé mắt vào Cuba và các đảo khác, Washington chưa bao giờ xem những viên ngọc vùng Caribbean này là tài sản hợp pháp của Hoa Kỳ. Cũng không hề có một giới học thuật nào về chính sách đối ngoại ở Hoa Kỳ xem vùng biển phía Nam như một phần lãnh thổ mở rộng hướng ra biển. Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ chính thức xem các vùng biển là lãnh thổ có chủ quyền của mình, hay “lãnh thổ xanh của quốc gia” như cách gọi phổ biến của TQ đối với các vùng biển xung quanh nó.
Thay vào đó, học thuyết Monroe chỉ là một mệnh lệnh đơn phương để ngăn các cường quốc châu Âu quay lại xâm lược các nước cộng hòa vừa giành được độc lập ở Mỹ Latinh. Học thuyết này đã được nhiệt liệt ủng hộ ở châu Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ. Ví dụ vào năm 1906, chính phủ Brazil đã xây dựng công trình vĩ đại Palacio Monroe ở Rio de Janeiro, để vinh danh những di sản của James Monroe trong dịp Hội nghị Liên Mỹ lần thứ ba.
Bạn có thể tưởng tượng một ngày nào đó Philippines sẽ xây một Palacio Tập Cận Bình tại Manila để ghi nhớ những hành động hiện nay của TQ ở Đông Nam Á? Tôi không nghĩ như vậy. Chỉ trong thập niên 1910, học thuyết Monroe bị mất uy tín ở Mỹ Latinh. Đó là khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã lạm dụng học thuyết này như là một cái cớ cho những can thiệp ngoại giao và quân sự, chứ không còn ý nghĩa của sự phòng thủ chung châu Mỹ.
Chính khách Hoa Kỳ cũng không bám chặt vào học thuyết Monroe, cho dù nó là một học thuyết rất được yêu thích về chính sách ngoại giao. Trong những năm 1920, Washington đã rút lại phần “phụ lục” Theodore Roosevelt trong học thuyết này; các tổng thống William Howard Taft và Woodrow Wilson phê phán phần “phụ lục” này như một giấy phép cho các can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia vùng Caribbean. Các tổng thống Herbert Hoover và Franklin Roosevelt sau đó đã dựng nên hệ thống phòng thủ liên-Mỹ tồn tại cho đến ngày nay.
Hoover và Roosevelt cũng đã quốc tế hóa học thuyết Monroe, tranh thủ các quốc gia châu Mỹ như những cộng tác viên trong việc bảo vệ an ninh ở Tây Bán Cầu. Bạn có thể tưởng tượng Bắc Kinh sẽ rút lại đường chín đoạn của mình bằng cách tương tự? Cứ hy vọng, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều vào điều đó.
Vì vậy, đừng mua thứ hàng nhái mà Bắc Kinh đang rao bán. Chỉ khi TQ từ bỏ tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” trên biển Đông, thay đổi chính sách lâu nay để quay sang ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển và trên không, và quan trọng nhất, là dành lại được niềm tin từ các nước láng giềng châu Á; chỉ khi đó tôi sẽ vui lòng chấp nhận những sự so sánh giống như cái mà ông đại tá TQ trong câu chuyên của Robert Kaplan đưa ra.
Cho đến lúc đó, hãy quên đi hàng nhái.
James Holmes
Theo blog Liem Nguyen (dịch từ The Diplomat)