Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược

(Quốc tế) - Từ đầu tháng 5/2014 đến nay, nhiều nước châu Á đã tiến hành tập trận quân sự nhằm một mục đích duy nhất: đề phòng Trung Quốc xâm lược.
Mới nhất, ngày 19/5, Indonesia bắt đầu cuộc tập trận lớn liên binh chủng trên biển và vùng hải đảo sau khi Trung Quốc phát thành hộ chiếu có đường chín đoạn có cả vùng đảo Natuna của Indonesia.
Theo hãng tin Antara News của Indonesia ngày 19/5, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Moeldoko đã khai mạc tuần diễn tập từ ngày 19 đến ngày 24/5 ở Bogor, tỉnh Tây Java.
Tin cho biết, từ ngày 1 đến ngày 5/6 tới, Indonesia tiếp tục tập trận thực địa ở Asembagus, tỉnh Đông Java và cả ở Bali thuộc Ấn Độ Dương. Đây là lần tập trận lớn gồm cả ba binh chủng hải, lục và không quân. Đợt diễn tập này gồm nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng, trọng pháo và cả hệ thống phòng không. Phía hải quân có ít nhất 32 tàu các loại trong khi không quân Indonesia lần này sẽ trình diễn 40 chiến đấu cơ, gồm tám chiếc SU-27/30 Sukhoi, sáu chiếc F-16, 10 chiếc Hawk 100/200… Ngoài ra còn có nhiều máy bay vận tải như C-130 Hercule, B-737, F-28 Fokker, C-295, CN-235…
Trong tháng 5/2014, báo chí Indonesia cũng đưa tin Tướng không quân Fahru Zaini thuộc bộ phận chiến lược của Bộ Quốc phòng xác nhận có tin Trung Quốc “đưa vùng đảo Natuna vào đường chín đoạn của họ”. Điều này đã gây ra các phản ứng trong chính giới tại Jakarta, nước từ lâu nay vẫn có thái độ trung dung trong các tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á với Trung Quốc. Nhưng sau động thái của Trung Quốc cho in hộ chiếu với hình chín đoạn bao gồm cả vùng biển đảo của Indonesia, giới quân sự nước này đã có phản ứng.
Tướng Fahru phát biểu hôm 14/5 tại Natuna: “Điều Trung Quốc làm đã gây ảnh hưởng đến sự thống nhất quốc gia Indonesia. Vì thế, chúng tôi đến Natuna để tận mắt đánh giá các lực lượng vũ trang, sức mạnh chiến đấu của các đơn vị và để đề phòng trường hợp gì đó xảy ra trong vùng”.
Tướng Fahru nhấn mạnh rằng để bảo về sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia, điều quan trọng là phải tăng cường tính kết nối xã hội với các vùng xa như Natuna.
Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược
Cũng trong ngày 19/5, quân đội Ðài Loan khởi sự cuộc tập trận Hán Quang 30 với mục đích chính là trắc nghiệm khả năng tác chiến của quân đội khi phải bất ngờ đương đầu với một cuộc tấn công ồ ạt xuất phát từ hàng không mẫu hạm và hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Để sống còn, Đài Loan phải tự lực chiến đấu trước khi được Mỹ tiếp ứng.
Theo tuyên bố của một viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan, kế hoạch phòng thủ dựa theo kịch bản vùng bờ biển phía tây hải đảo đối diện với Hoa lục bị Trung Quốc dùng lực lượng máy bay của hàng không mẫu hạm tấn công. Ðể đối phó, một số loại vũ khí mới nhất của quân đội Ðài Loan, kể cả loại tên lửa Thunderbolt-2000, trực thăng vũ trang AH-64E Apache, và máy bay săn tàu ngầm P-3C mua của Mỹ, đã được huy động trong cuộc tập trận.
Nhiều nước tập trận đề phòng Trung Quốc xâm lược
Trước đó, từ ngày 5/5, gần 6.000 quân Mỹ, Philippines và biệt kích Úc đã tham gia một cuộc tập trận lớn kéo dài trong 10 ngày. Chiến dịch “Vai kề vai” khai diễn một tuần lễ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Manila và ký kết hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự song phương.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario, cuộc tập trận kéo dài 10 ngày là để “cải tiến khả năng tác chiến trên biển” đương đầu với những “thách thức” trong khu vực. Manila không gọi đích danh Trung Quốc nhưng cho rằng Philippines có nhu cầu đối phó với hành động hung hăng của nhiều láng giềng muốn làm thay đổi “nguyên trạng” tại Biển Đông.
Trong buổi lễ khai diễn cuộc tập trận mang tên Balikatan (Vai kề vai), Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh là căng thẳng ở châu ÁThái Bình Dương đã tăng lên trong những năm gần đây vì thái độ lấn chiếm chủ quyền biển đảo, muốn làm thay đổi nguyên trạng, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực”.
Cũng trong tháng 5 này, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc tập trận đổ bộ ở biển Hoa Đông, nơi mà nhiều hải đảo bị Bắc Kinh tranh giành và liên tục khiêu khích. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật được AFP trích dẫn thì lực lượng tham gia chiến dịch gồm 1330 quân nhân, bốn chiến hạm cùng nhiều máy bay thực tập tác chiến xung quanh quần đảo Amami, phía đông Okinawa.
Cuộc tập trận kéo dài gần hai tuần lễ, từ ngày 10 đến ngày 27/5, đặc biệt là trên hoang đảo Eniya. Báo chí Nhật dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng nước này cho biết cuộc tập trận này để tăng cường khả năng chiến đấu bảo vệ hải đảo trước sự hung hăng của láng giềng.
(Theo PetroTimes)

Nguy cơ chiến tranh ở châu Á

(Quốc tế) - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng châu Á có nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu những căng thẳng trong khu vực không được giải quyết một cách có trách nhiệm.

“Không nước nào muốn chiến tranh, tất cả các nước sẽ cố gắng tránh nhưng điều đó không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra”, tờ Business Times dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á ngày 23/5 tại Tokyo.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: Straitstimes
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: Straitstimes
“Sẽ có tình trạng căng thẳng và va chạm”, ông Lý nói. “Những vụ việc nhỏ có thể leo thang, những tính toán sai lầm có thể đẩy đến tình trạng xung đột không ai mong muốn”.
Nội dung của hội nghị tương lai châu Á năm nay, quy tụ các nhà lãnh đạo của khu vực, bị phủ bóng bởi tình trạng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giữa Trung Quốc với các nước ASEAN; và ở Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản.
Thủ tướng Singapore cho rằng châu Á có hai viễn cảnh trong hai thập niên tới. Một là châu Á trở thành khu vực hòa bình khi các nước cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích chung, hoặc ngược lại khu vực sẽ bất ổn nếu bị chi phối bởi các tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ trong nước.
Vì tương lai thịnh vượng, các thành viên của ASEAN có thể làm sâu sắc thêm hợp tác và hội nhập, duy trì một nền tảng trung lập để các cường quốc bắt tay nhau, ông Lý Hiển Long khẳng định.
(Theo Vnexpress)

Cần có công hàm của Chủ tịch nước gửi Trung Quốc


Thiếu tướng Lê Văn Cương
Tại Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 24 ở Myanmar và trong trả lời phỏng vấn tại Manila (Philippines) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ ràng Việt Nam kiên trì theo phương thức đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế – tức là phương thức thứ nhất, nhưng không từ bỏ phương thức nào cả. Chẳng hạn, năm 1979 khi Trung Quốc tấn công chúng ta thì chúng ta đáp trả.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần chuẩn bị cả bốn phương thức, nhưng lúc này phương thức đàm phán song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình vẫn còn dư địa, chưa khai thác hết. Với tư cách là người nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy dư địa rất rộng rãi, cần thúc đẩy mở rộng và nâng cao lên nữa.
Chúng ta cần phân biệt rõ: tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các diễn đàn vừa qua là tuyên bố ở cấp diễn đàn quốc tế nhưng không phải là một công hàm chính thức. Khi họ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là họ đã dùng cả Bộ Chính trị và Quốc vụ viện để quyết chứ không phải là CNOOC (Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc). Theo tôi, cần có một công hàm chính thức của Nhà nước, đại diện là Chủ tịch nước Việt Nam ký, gửi Chủ tịch nước Trung Quốc. Công hàm này cần nói rõ hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC), ba tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2011 đến nay… Thứ hai là công hàm đó cần nêu lên sự phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thứ ba là đề nghị cần có cuộc gặp cấp cao để thương thảo về vấn đề này. Sau khi gửi công hàm đi, ta có thể dịch ra các thứ tiếng khác nhau để đưa lên mạng.
Về phương án kiện, theo tôi, chúng ta rất nên chuẩn bị hồ sơ nhưng đợi lúc thuận lợi nhất. Nếu làm hết cách rồi mà Trung Quốc vẫn lảng tránh thì chúng ta làm tiếp. Chúng ta phải làm hết biện pháp theo phương thức đầu để không chỉ lãnh đạo Trung Quốc mà cả 1,3 tỉ người dân Trung Quốc và toàn thể thế giới cũng sẽ hiểu rằng Việt Nam đã thiện chí đến mức ấy rồi.
Thiếu tướng Lê Văn Cươngnguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an
                                                                                                                         (Theo Tuổi Trẻ)

Nhật Bản muốn coi quân đội nước khác là đối tượng viện trợ ODA

Quân đội ngày càng có vai trò quan trọng lĩnh vực phi quân sự, Nhật Bản cũng muốn tăng cường hiện diện kiềm chế Trung Quốc.


Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn hãng Kyodo Nhật Bản ngày 23 tháng 5 đưa tin, nhiều nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản vừa tiết lộ, chính quyền Shinzo Abe đã bắt đầu cân nhắc, sẽ coi chi viện cho quân đội nước khác là đối tượng viện trợ phát triển chính phủ (ODA).
Trước đây, căn cứ vào quy định của đại cương ODA, quân đội nước khác không thuộc đối tượng viện trợ, lần này sẽ tiến hành điều chỉnh đối với phương thức này. Đối tượng bỏ lệnh cấm sẽ giới hạn ở những lĩnh vực phi quân sự như đào tạo nhân lực cứu trợ thiên tai, cung cấp tàu tuần tra để nâng cao khả năng canh gác/phòng bị trên biển ở những tuyến đường trên biển.
Nhưng theo bài báo, điều này có thể gây lo ngại bị chuyển sang dùng cho mục đích quân sự.
Đại cương ODA hiện hành được xây dựng vào năm 2003 quy định, tránh áp dụng nó cho lĩnh vực quân sự và hỗ trợ cho tranh chấp quốc tế. Trước đây, chính phủ Nhật Bản tuân thủ nghiêm túc quy định này, sử dụng nguyên tắc không viện trợ ODA cho quân đội.
Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ấn Độ và Nhật Bản đã đàm phán để cung cấp loại thủy phi cơ này cho Ấn Độ.
Một khi bắt đầu viện trợ cho quân đội nước khác, chính sách ODA lấy các lĩnh vực kinh tế và dân sinh – như xây dựng hạ tầng cơ sở, xóa đói giảm nghèo – làm trọng điểm sẽ có sự thay đổi to lớn. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch đồng thời tiến hành bàn thảo về cách thức ngăn chặn chuyển sang dùng cho quân sự.
Được biết, sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, ông đã tham khảo kinh nghiệm hợp tác triển khai hoạt động cứu hộ giữa Lực lượng Phòng vệ và quân đội Mỹ sau cơn bão Haiyan ở Philippines, tập trung quan tâm đến một thực trạng, đó là: vai trò của quân đội trong các lĩnh vực phi quân sự như cứu trợ thảm họa/giảm nhẹ thiên tai ngày càng tăng lớn.
Ông Shinzo Abe cho rằng, cho dù ODA lấy quân đội làm đối tượng, cũng cần phải căn cứ vào nội dung viện trợ để tiến hành ứng phó linh hoạt. Theo bài báo thì ông Shinzo Abe còn có ý định nâng cao khả năng hiện diện của Nhật Bản, từ đó kiềm chế Trung Quốc.
Bài báo của Hoàn Cầu thời báo TQ thể hiện rõ thái độ ghen ghét, lộ rõ những lo ngại khi Nhật Bản có những bước chuyển mình nhằm ngăn chặn các tham vọng bành trướng lãnh thổ và những đòi hỏi phi pháp từ Bắc Kinh.
Hiện nay, chính quyền Shinzo Abe đang triển khai công tác sửa đổi Đại cương ODA, tranh thủ được thông qua tại hội nghị nội các vào cuối năm nay. Phương châm viện trợ cho quân đội nếu có thể được thông qua thì cũng sẽ cân nhắc đến việc – tiến hành phản ánh sự thay đổi này thế nào khi nó diễn đạt trong đại cương mới.
Hiện nay, Nhật Bản đã áp dụng chính sách xuất khẩu vũ khí mới, có thể xuất khẩu vũ khí và hợp tác nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị với các nước. Trong hình là tàu ngầm thông thường tiên tiến AIP lớp Soryu do Nhật Bản tự chế tạo.
Theo các nguồn tin, Nhật Bản và Việt Nam sẽ đẩy nhanh đàm phán về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông để đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.
                                                                                                                          (Theo Giáo Dục)

Tuần hành tại Zurich yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế

 Chiều 24/5, đông đảo học sinh, sinh viên, bà con Việt kiều và nhiều người Thụy Sĩ đã tuần hành dọc các tuyến đường chính ở thành phố Zurich đến tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thụy Sĩ để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Người Việt tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại Nhật Bản. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)
Người Việt tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại Nhật Bản. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)
Những người tham gia tuần hành đã giương cao các khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, lên án hành động hạ đặt giàn khoan nước sâu của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ký năm 1982 với 155 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, bà Anjuska Weil khẳng định hành động cũng như tuyên bố chủ quyền biển đảo của Chính phủ Trung Quốc đi ngược với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1992.
Cũng như nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Việt Nam mong muốn hòa bình và ổn định. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cần chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp chống lại các quốc gia láng giềng.
Kháng nghị thư gửi Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Zurich nêu rõ, là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng những hành động của Chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông gần đây, như hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc vùng chủ quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sử dụng tàu quân sự tấn công lực lượng cảnh sát biển sở tại là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 là rất đáng xấu hổ.
Cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ, Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ, chính thức lên tiếng phản đối những hành vi trái luật pháp quốc tế của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông với Việt Nam; yêu cầu Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường ngoại giao và trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam.
Trong màu cờ đỏ sao vàng, đoàn người giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Anh, tiếng Đức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khẳng định người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và không mong muốn chiến tranh.
Cuộc tuần hành này là lần thứ hai những Việt yêu nước tại Thụy Sĩ xuống đường phản đối Trung Quốc. Trước đó, ngày 21/5, hàng trăm bạn bè quốc tế cùng đông đảo sinh viên, Việt kiều cùng tụ họp tại khu vực quảng trường trước cổng trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva để thể hiện tình yêu đối với Việt Nam và phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông./.
(Theo Vietnam+)

Trung Quốc sẽ trả giá nếu từ chối hầu tòa

(Phản đối Trung Quốc xâm lược) - Trung Quốc sẽ tự gánh lấy rất nhiều tổn hại nếu tiếp tục từ chối tham dự một vụ kiện quốc tế khác như đã làm với Philippines.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) cản đường một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981  Ảnh: AFP
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) cản đường một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981 Ảnh: AFP
Liên tiếp trong mấy ngày qua, Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Bắc Kinh vẫn một mực không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trả lời báo giới quốc tế ngày 22.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Tại cuộc họp báo quốc tế sau đó một ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao) cho rằng sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang. Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 24.5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định: “Chúng ta đang củng cố hồ sơ làm cơ sở khởi kiện các nội dung có liên quan ra tòa án quốc tế, nếu Trung Quốc không có động thái rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ta phải có hành động”.
Nghĩa vụ bắt buộc
Đã có một số ý kiến chỉ ra một loạt trở ngại cho Việt Nam, trong đó có việc hầu như Trung Quốc chắc chắn từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế như vậy. Thế nhưng, các chuyên gia theo dõi vụ việc và có liên quan lại cho rằng Việt Nam không nên quá bận tâm về điều đó. Điểm cốt lõi là Việt Nam có thể tự quyết định con đường pháp lý cho chính mình để đưa ra phương án tối ưu, đặc biệt là trong bối cảnh Philippines vừa hoàn tất hồ sơ dày hàng trăm trang với những “chứng cứ thuyết phục” chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Manila đã nộp hồ sơ lên Tòa án Trọng tài quốc tế thường trực tại The Hague (Hà Lan) hồi tháng 3.2014. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tự mình kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc đồng khởi kiện với Philippines.
Trung Quốc cũng đã từ chối tham dự vụ kiện của Philippines này ngay từ đầu, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên xử. Giáo sư Alan Boyle, thành viên Hội đồng Cố vấn luật pháp cho Philippines trong vụ kiện trên, nói với Thanh Niên: “Việc Bắc Kinh tham dự hay không không quan trọng. Với tư cách là thành viên của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), Trung Quốc có nghĩa vụ chịu phân xử bắt buộc cho bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến cách diễn giải và áp dụng UNCLOS. Vụ kiện của Philippines, ít nhất là dưới luận điểm của nước này, cũng liên quan đến cách diễn giải và áp dụng UNCLOS. Phiên xử sẽ tiếp tục và đưa ra phán quyết bất luận Trung Quốc có tham dự hay không. Trung Quốc cũng không có quyền ngăn cản phiên xử diễn ra”. Giáo sư Boyle nhận định: “Phiên xử sẽ bắt đầu vào năm 2015, và từ đây tới đó vẫn còn rất nhiều thời gian cho  Việt Nam cân nhắc tham gia cùng Philippines khởi kiện Trung Quốc. Theo tôi, đó là giải pháp khả dĩ cho Việt Nam”.
Sẽ bị cô lập
Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện: “Bằng cách khởi kiện, Philippines đã cho thế giới thấy họ muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và con đường pháp lý. Bắc Kinh luôn ra rả nói về điều này, nhưng hành động của họ luôn chứng tỏ điều ngược lại. Nếu Việt Nam theo đuổi một vụ kiện tương tự – bằng cách tự mình khởi kiện hay đồng khởi kiện với Philippines – và Trung Quốc lại tiếp tục từ chối tham gia, họ sẽ càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia bắt nạt và thiếu trách nhiệm trong cam kết dùng các phương thức hòa bình để giải quyết bất đồng. Điều đó sẽ gây phương hại cho hình ảnh của Bắc Kinh; và dù gì thì họ cũng rất lo ngại hình ảnh của mình bị tổn hại”.
Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) cho rằng nếu Việt Nam đồng khởi kiện với Philippines, điều đầu tiên hai nước này sẽ đạt được chính là sự hậu thuẫn về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, “và điều đó có thể sẽ tác động đến các thẩm phán trực tiếp tham gia phiên xử, để họ đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Việt Nam và Philippines. Nhưng cũng nên nhớ là, Trung Quốc luôn nhìn nhận những phiên xử như thế này như một sự “can thiệp” của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ trong khu vực”. Tiến sĩ Valencia thông tin thêm, trước đây Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vào năm 1984 cũng từng xử vắng mặt chính quyền Mỹ vụ Washington hậu thuẫn phiến quân chống lại chính phủ Nicaragua và khai thác mỏ ở nước này. ICJ phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù Washington không tham dự phiên tòa.
Mỹ muốn mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam
Đó là khẳng định của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear với giới phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á ở thủ đô Manila của Philippines ngày 23.5.
Cụ thể, khi được hỏi liệu Mỹ có định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hay không, ông Locklear trả lời rằng Mỹ đang muốn có cơ hội mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, theo báo Philippine Daily Inquirer. Ông Locklear bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài khoảng 3 tuần qua theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Ông cũng kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm ngăn ngừa căng thẳng biến thành xung đột vũ trang.

CNOOC giở giọng ngang ngược về giàn khoan
Chủ tịch Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm mới đây đã có phát biểu ngang ngược về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển của Việt Nam.
Tại hội nghị cổ đông ngày 23.5 của Công ty CNOOC Ltd. trực thuộc CNOOC, đơn vị vận hành giàn khoan Hải Dương-981, ông Vương tuyên bố việc làm phi pháp trên đã được phê chuẩn bởi chính phủ Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Trong lần phát biểu công khai đầu tiên về vụ việc, ông này cũng tiếp tục thể hiện luận điệu ngang ngược và phi lý của giới chức Trung Quốc rằng giàn khoan nằm trong vùng biển không có tranh chấp và tuyên bố CNOOC sẽ quyết tâm hoàn tất việc khoan dầu tại đó dưới sự bảo vệ của chính phủ Trung Quốc.

Những thăng trầm trong quan hệ Việt - Trung

Những thăng trầm trong quan hệ Việt - Trung

Trong mối quan hệ lịch sử với Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần tự cường khi ở bên cạnh một nước lớn, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ với VnExpress.

ddd.jpg
Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Dương Danh Dy. Ảnh: Nguyễn Chung
- Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có những mốc nào đáng chú ý, thưa ông?
- Thời kỳ 1945-1954 chủ yếu là Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam, cả về quân sự và kinh tế. Trung Quốc cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam tham gia các chiến dịch biên giới, trang bị vũ khí, kinh nghiệm đánh. Quân đội chúng ta trưởng thành nhiều từ việc học hỏi Trung Quốc cách chia tổ mà đánh, diệt lô cốt, diệt xe thiết giáp của địch.
Về kinh tế, sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc của chúng ta được Trung Quốc hỗ trợ gang thép Thái Nguyên, nhà máy Cao – Xà – Lá, Hồng Hà, hóa chất Việt Trì, các nhà máy xay xát….
Ngược lại, Việt Nam cũng giúp đỡ Trung Quốc khá nhiều. Trong cuốn sách Phát triển quan hệ Việt - Trung 40 năm, tác giả Trung Quốc thừa nhận từ năm 1946 đến 1950, Việt Nam đã phái quân sang giúp Trung Quốc đánh Quốc dân đảng ở sát biên giới, tiếp tế lương thực cho quân đội Trung Quốc.
Có nguồn tin cho hay lúc ông Mao Trạch Đông khi đưa đoàn cố vấn quân sự sang giúp đỡ Việt Nam, đã nói rằng là để “trả món nợ mà cha ông đã mang với Việt Nam”. Lúc đó, tôi nghe cảm thấy rất cảm động.
Năm 1952, khi một đoàn của Việt Nam sang Trung Quốc cảm ơn bộ Giao thông Trung Quốc đã giúp Việt Nam các con tàu không số vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, họ trả lời: “Không, Việt Nam giúp đỡ chúng tôi trước”.
Cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, trong lần đầu đến thăm Việt Nam đã đến thăm đền Hai Bà Trưng, chứng tỏ họ biết rằng họ có lỗi với nhân dân và đất nước Việt Nam.
Thời kỳ Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc cũng giúp đỡ rất nhiều, hầu như tất cả thóc gạo, lương thực, hàng tiêu dùng, vải vóc đều do họ cung cấp.
Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất toàn lãnh thổ, lại là giai đoạn căng thẳng giữa hai bên. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia, đánh đuổi Pôn Pốt, nên Trung Quốc không hài lòng.
Thời kỳ này, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc tác động đến việc các nước phương Tây bao vây, cấm vận, cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ. Kinh tế Việt Nam điêu đứng, nhân dân lầm than vì thiếu đói, ngoại tệ không có.
Đến năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Hiện nay Việt Nam đang thể hiện sự độc lập chính trị và tự chủ về kinh tế, lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không bị ai bao vây, cấm vận như thời kỳ trước. Việt Nam đang có vai trò đáng kể trong khu vực và thế giới.
- Những sự kiện nào ông cho là đánh dấu nốt “trầm” trong quan hệ hai nước?
- Khi hội nghị Geneva diễn ra tại Thụy Sỹ năm 1954, nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho Đông Dương, Trung Quốc được mời tham dự với tư cách một nước lớn ở châu Á. Lúc đó Trung Quốc đã đưa Việt Nam ra để dùng làm con bài nhằm nâng cao vị thế của họ lên với phương Tây và chính quyền miền nam Cộng hòa. Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng lúc đó phản đối kịch liệt và làm lộ rõ âm mưu của Trung Quốc.
Thời kỳ 1967 -1968, khi Việt Nam đang lên kế hoạch đàm phán Hiệp định Paris với Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh, Trung Quốc đã tìm nhiều cách để ngăn cản Việt Nam tham gia. Tôi nhớ khi đó, một thứ trưởng phụ trách Việt Nam của Trung Quốc đã mời toàn thể nhân viên ở đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, trong đó có tôi, đến dự chiêu đãi, nhằm khuyên nhủ Việt Nam không tham gia.
Năm 1974, lợi dụng tình hình ở miền Nam Việt Nam và thế giới, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, một lần nữa Trung Quốc gây ra trận hải chiến trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đáng kể nhất, năm 1979, Trung Quốc bất ngờ đưa 60 vạn quân tấn công vào biên giới phía Bắc Việt Nam với luận điệu “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Trong những trận chiến này, Việt Nam đều thể hiện tinh thần quyết chiến, đẩy lui lực lượng của Trung Quốc.
- Ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam?
- Đây là một bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc. Cùng lúc Trung Quốc thực hiện hai mục tiêu. Đó là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam và bắt tay vào thăm dò tài nguyên ở Biển Đông. Biển Đông có vai trò rất quan trọng với Trung Quốc, nước này sau 30 năm phát triển như vũ bão đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trên đất liền. Bên cạnh đó, nội bộ Trung Quốc cũng có những bất ổn.
luatsu-1791-1399808660-7661-14-7546-1801
Tàu của Trung Quốc bắn vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tháng 5/2014. Ảnh: Reuters
- Ông dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đây?
- Trung Quốc tuyên bố là sẽ rút giàn khoan về vào giữa tháng 8 tới, nhưng tôi cho rằng họ không chịu rút lui một cách lặng lẽ êm xuôi. Họ sẽ còn gây sự nữa. Khó có thể dự báo những diễn biến cụ thể trên Biển Đông, nhưng chắc chắn ý đồ của Trung Quốc là chiếm trọn Biển Đông. Có ai dám chắc Trung Quốc không chiếm những đảo không có người ở Biển Đông không? Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rất rõ.
- Vậy Việt Nam phải làm gì để đối phó?
- Chúng ta tôn trọng vai trò nước lớn của Trung Quốc nhưng chúng ta không sợ họ. Ngày xưa cũng vậy, cha ông chúng ta từng bị thống trị 1.000 năm Bắc thuộc, nhưng chúng ta vẫn nổi dậy, bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Thời Nhà Minh của Trung Quốc, họ đánh sang nước ta là do nội bộ ta mất đoàn kết nên họ có cớ vào. Nhưng bây giờ chúng ta trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết thì không sợ gì cả.
Hơn nữa, như năm 1979, lúc đó điều kiện kinh tế của Việt Nam khó khăn, dân đói ăn, chúng tôi đi công tác mà phải tiết kiệm từng xu ngoại tệ. Khác hẳn với bây giờ, chúng ta đi đâu cũng có bạn, ai cũng muốn giao thiệp với Việt Nam.
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt phát ngôn mạnh mẽ về lập trường của Việt Nam tại Myanmar và Philipines. Thủ tướng đã thể hiện mong muốn của người dân là phát huy truyền thống của cha ông, tôn trọng Trung Quốc nhưng vẫn cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình.
Việt Anh (thực hiện)

Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc tức tối

HD-981: Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc tức tối

Trọng Nghĩa (RFI) - Một hôm sau khi Thủ tướng Nhật Bản tỏ ý quan ngại về những căng thẳng trong khu vực mà theo ông, bắt nguồn từ quyết định "đơn phương khoan dầu" của Trung Quốc, Bắc Kinh vào hôm qua 23/05/2014 đã lên tiếng chỉ trích Tokyo một cách gay gắt. Theo báo chí Nhật Bản, Tokyo không chỉ ủng hộ Hà Nội bằng lời nói, mà đang thúc đẩy kế hoạch cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương HD-981 trong thềm lục địa Việt Nam (DR)

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cảnh cáo Nhật Bản là không nên xen vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại vùng Biển Đông, để gọi là"bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng"

Đối với Bắc Kinh, các tuyên bố của Tokyo phản đối hành vi của Trung Quốc cắm giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là không phù hợp với thực tế và lẫn lộn giữa các sự kiện, "xuất phát từ động cơ chính trị là muốn can thiệp vào tình hình Biển Đông với một mục đích bí mật"

Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt kể trên sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, 24 tiếng đồng hồ trước đó, đã tuyên bố "quan ngại về tình hình căng thẳng trong khu vực do hoạt động khoan dầu đơn phương của Trung Quốc". Lãnh đạo chính phủ Nhật Bản đã nhận định như trên nhân cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tại Tokyo. 

Tuyên bố của ông Abe đã củng cố thêm phát biểu ​​của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ngay từ đầu tháng Năm này, đã tỏ ý quan ngại về hành vi đơn phương của Trung Quốc, đã làm cho tình hình khu vực căng thẳng hẳn lên. 

Ngoài việc chỉ trích hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, Nhật Bản cũng có dấu hiệu thúc đẩy mạnh mẽ hơn kế hoạch giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. 

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong cuộc họp hôm 22/05, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương trong việc đảm bảo an ninh hàng hải. Một số nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết là Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida dự trù sẽ ghé thăm Việt Nam vào khoảng cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy để thúc đẩy hợp tác trong việc bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Theo nguồn tin trên, tại Hà Nội, ông Kishida và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh có rất nhiều khả năng là sẽ đồng ý tăng tốc độ tham vấn lẫn nhau về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Mục tiêu là để đối phó tốt hơn với các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc trong vùng Biển Đông. 


Trung Quốc khiến người Việt đoàn kết hơn

"Hành động của Trung Quốc khiến người Việt đoàn kết hơn"

Liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các chuyên gia, học giả người Việt tại Đại học Harvard và Đại học Massachusetss Boston cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Các học giả cũng đánh giá cao các biện pháp phản ứng mà Việt Nam đã và đang thực hiện và nhận định về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Dưới đây là một số ghi nhận của phóng viên tại New York,
Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard nói: "Là một người Việt Nam, tôi cực lực phản đối hành động của Trung Quốc đã đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy? "
Theo tôi nghĩ, mục tiêu về kinh tế không phải là mục tiêu quan trọng mà mục tiêu chính trị có lẽ rõ ràng hơn. Trung Quốc có tham vọng rất lớn tại Biển Đông và 'đường lưỡi bò' là sự thể hiện rất rõ tham vọng bành trướng ấy.
Tại hội thảo về biển đảo do tôi đứng ra tổ chức tháng Một năm nay tại Havard, tôi đã mời các chuyên gia nước ngoài để nghe ý kiến của họ. Đường lưỡi bò không được ai thừa nhận cả.
Về cách phản ứng của Việt Nam trước hành động của Trung Quốc, tôi thấy có nhiều dấu hiệu rất đáng mừng."
Trung Quốc, Đại học Harvard, Boston, tòa án quốc tế, người Việt, hành động, đường lưỡi bò, Chính phủ Việt Nam
Mô tả
Riêng về sự cố đáng tiếc xảy ra do biểu tình tự phát bị lợi dụng, Tiến sĩ Ngô Như Bình cho rằng việc này đã gây ra hậu quả hết sức tai hại, nghiêm trọng về kinh tế và chính trị nhưng "rất mừng là Chính phủ Việt Nam đã khởi tố, nghiêm trị những kẻ cầm đầu."
Ông Bình cũng cho rằng thời điểm này là thời điểm Việt Nam có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế và nên tham khảo kinh nghiệm của Philippines và ý kiến các chuyên gia luật pháp quốc tế.
Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard cho rằng: "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) luôn đòi hỏi các bên thương nghị và cả hòa giải trước khi đem ra các thủ tục bó buộc. Vì thế các cuộc thương nghị ngoại giao song phương, đa phương phải luôn có. Nếu thương nghị song phương mà bá quyền lấn áp, phải dùng thương nghị đa phương qua ASEAN.
Theo luật sư này, một nền ngoại giao đa phương đã có thể làm chùn bớt hành vi hung hăng của Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc là áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc.
Trung Quốc, Đại học Harvard, Boston, tòa án quốc tế, người Việt, hành động, đường lưỡi bò, Chính phủ Việt Nam
Mô tả
Đây là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng các thủ đoạn vũ lực với lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam.
Ông cũng phân tích rất kỹ về các khả năng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và khẳng định để đưa ra vụ kiện, Việt Nam cần phải hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan và chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng pháp lý.
Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston nói: "Tôi có theo dõi báo chí từ khi Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, tôi rất vui khi thấy quốc tế nói chung không có cảm tình với hành động của Trung Quốc và rất đáng mừng là Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của thế giới.
Thêm vào đó, người dân cả trong nước và ngoài nước đã rất năng nổ trong việc chống lại hành động sai trái của Trung Quốc. Trước đó, đã có những hiểu lầm ở ngoại quốc là Việt Nam trao đất trao biển cho Trung Quốc. Nhưng quan điểm của chính phủ Việt Nam vừa rồi rất rõ ràng, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, sẽ có những biện pháp kế tiếp, và điều này đã xóa được những sự hiểu lầm trước kia và do đó nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam trên khắp thế giới.
Trung Quốc, Đại học Harvard, Boston, tòa án quốc tế, người Việt, hành động, đường lưỡi bò, Chính phủ Việt Nam
Mô tả
Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã tạo ra một phản ứng mạnh tại cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ lần đầu tiên thấy Trung Quốc trực tiếp xâm phạm hải phận của Việt Nam, hết sức ngang ngược và không có cớ gì để làm chuyện đó. Họ có trao đổi bàn luận nhiều trong cộng đồng, tất cả đều chống đối.
Ông cho rằng chính hành động vừa qua của Trung Quốc đã khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài gần gũi hơn với cộng đồng trong nước. Còn với giới học giả tại Mỹ nói chung và tại Boston nói riêng, họ đều thấy việc làm của Trung Quốc là không hợp lý. Vấn đề họ bàn thảo hiện nay là Mỹ nên làm gì để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thái độ hiện tại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất hợp lý, mình chọn con đường hòa bình trước, nếu không giải quyết được sẽ có biện pháp kế tiếp, chẳng hạn đưa ra tòa án quốc tế giống như Philippines đã làm. "Tôi tin chắc với lịch sử làm chủ các hòn đảo đó của Việt Nam trong quá khứ, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng," chuyên gia này khẳng định.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không ra tòa vì họ biết họ thua, nhưng cả thế giới sẽ thấy rằng quyết định của Trung Quốc là sai và Trung Quốc khó có thể tiếp tục dùng sức mạnh để đàn áp các nước khác tại Biển Đông
Quang Tuyến-Lê Dương/Theo New York (Vietnam+)

Tàu TQ hung hăng đâm tàu VN, 3 kiểm ngư viên bị thương

Tàu TQ hung hăng đâm tàu VN, 3 kiểm ngư viên bị thương

 - Khi áp sát giàn khoan trái phép gần 3,7 hải lý, 8 tàu chấp pháp VN đã bị hư hỏng do tàu TQ hung hăng đâm va. 3 kiểm ngư viên đã bị thương.
Theo Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, ngày 24/5, tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 có 127 tàu TQ, tăng 5 tàu so với hôm trước. Có tổng cộng 127 tàu, gồm 44 tàu hải cảnh, 18 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 50 tàu cá, 1 tàu chiến.
kiểm ngư, giàn khoan, Hải Dương 981
Dưới sự bảo vệ của tàu cảnh sát biển và kiểm ngư, bà con ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: TTXVN
Tàu hộ vệ tên lửa đã được đưa ra cách xa giàn khoan, neo ở phía đông nam đảo Tri Tôn và được ẩn giấu kỹ hơn trước.
Ngoài ra, 4 máy bay của TQ còn bay nhiều vòng trên khu vực lực lượng tàu VN hoạt động ở tầm cao 300-500m.
Đặc biệt, khi tàu kiểm ngư của VN theo nhóm đồng loạt cơ động, kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan ở khoảng cách 5,5-6,5 hải lý để tuyên truyền, có lúc đã áp sát giàn khoan ở khoảng cách 3,7 hải lý đã bị tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo, tàu vỏ sắt của TQ tăng tốc độ ngăn cản và tăng phạm vị ngăn cản hơn những ngày trước.
Cụ thể, TQ bố trí tàu kéo, tàu cá vỏ sắt đâm va, phun nước nhằm chia cắt, cản phá đội hình tàu VN làm 8 tàu chấp pháp của VN bị hỏng trang thiết bị nghe nhìn, ăngten, phần vỏ bị móp mép, 3 kiểm ngư viên bị thương nhẹ.
Cục Kiểm ngư cũng thông tin thêm, lực lượng tàu VN ngày 24/5 không có gì thay đổi. Các kiểm ngư viên vẫn kiên quyết đấu tranh, củng cố lực lượng, duy trì cường độ để tiếp cận giàn khoan gần hơn thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước.
Dưới sự hỗ trợ, bảo vệ của lực lượng kiểm ngư, bà con ngư dân vẫn an toàn và yên tâm bám biển sản xuất đồng thời kiên trì giữ vững ngư trường truyền thống.
                                                                                                                                   Bảo Hân

Philippines hợp tác chia sẻ tin tức tình báo với Việt Nam

(Tình báo - Gián điệp) - Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của cả Philippines lẫn Việt Nam, vì vậy 2 nước phải đương đầu ngay bây giờ, nếu không Bắc Kinh sẽ tiếp tục và chiếm.


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Manila Standard Today ngày 25/5 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thừa nhận, Manila quan tâm đến việc tăng cường trao đổi thông tin tình báo và khả năng liên kết hoạt động với Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận như vậy không nhất thiết phải nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào.
“Trên mặt trận quốc phòng, mục tiêu của chúng tôi là chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn và khả năng liên kết hoạt động trong khu vực. Chúng tôi càng có quan hệ đối tác chiến lược, bạn bè với nhiều nước, chúng tôi càng được giúp đỡ”, ông Gazmin cho biết.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, một mối quan hệ đối tác chiến lược như vậy có thể có ý nghĩa sâu sắc vì cả hai đều là thành viên ASEAN và chuẩn bị cho một Cộng đồng kinh tế duy nhất của khối vào năm tới. Nhưng quan hệ đối tác chiến lược như vậy sẽ được căn cứ trên thỏa thuận về các mục tiêu.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Philippines nói với Manila Standard Today với điều kiện giấu tên, thỏa thuận giữa 2 nước Philippines – Việt Nam sẽ tạo ra một hướng đi mới hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với hy vọng tăng cường khả năng phòng thủ mạnh mẽ hơn và thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Các nhà ngoại giao Philippines cũng nhấn mạnh, sẽ là sai lầm khi cho rằng một thỏa thuận hợp tác như vậy chỉ chủ yếu nhằm mục đích chống Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
“Mối quan hệ đối tác chiến lược được xây dựng dựa trên một sự tương đồng có phạm vi rộng: Mục tiêu chung, giá trị chung, các mối quan tâm chung”, nguồn tin nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
“Không phải quá lời khi nói rằng tôi mong muốn tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng 2 nước. Có thể tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng cả hai nước đều rất mong muốn cùng nhau xác định các điều kiện tiên quyết trong việc xây dựng một lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”, Tổng thống Philippines Aquino phát biểu sau buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dẫn lời giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ đại học George Mason, Mỹ, Manila Standard Today cho biết, Việt Nam và Philippines có lợi ích tương tự trên Biển Đông và đang phải đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc. Vì vậy hai nước hợp tác với nhau để tìm ra cách hỗ trợ lẫn nhau là chuyện hết sức bình thường và tự nhiên.
Tuy nhiên ông Hùng cũng cho rằng đó không phải một liên minh quân sự, bởi Việt Nam không có chính sách liên quan đến khia cạnh đó.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez thì cho rằng, Philippines và Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của nhau vì cả hai biết rằng mọi thứ được kết nối với nhau trong thế giới hiện đại. Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của cả Philippines lẫn Việt Nam, vì vậy 2 nước phải đương đầu ngay bây giờ, nếu không Bắc Kinh sẽ tiếp tục và chiếm đoạt tất cả.
Gloze đánh giá thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam không loại trừ hành động pháp lý chống lại sự bành trướng của Trung Quốc là một sự phát triển rất quan trọng.
(Theo Giáo Dục)