Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Nga - Trung - Nhật bỗng nhiên "dịu giọng"

Nga - Trung - Nhật bỗng nhiên "dịu giọng" 


  Ngay sau khi Nhật-Trung mở đối thoại song phương, Nga cũng đã cho biết nước này sẵn sàng hợp tác bình đẳng với Mỹ khi Washington cũng sẵn sàng muốn thế. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/9 cho biết nước này sẵn sàng hợp tác bình đẳng với Mỹ khi Washington cũng sẵn sàng muốn thế.
Ông Lavrov nói: "Về một cuộc chiến tranh lạnh mới, tôi đã gặp nhiều đồng nghiệp và tổ chức khu vực. Họ nói với tôi rằng Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ chấm dứt và kẻ thắng sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực lợi dụng tình hình để phục vụ cho các quyền lợi địa chính trị của họ.
"Có thể làm gì để cải thiện quan hệ với Mỹ? Chúng tôi không chọc giận họ về đạo luật Magnitsky hay khi vụ việc Snowden bị phơi bày. Người Mỹ bị xúc phạm và quyết định hoãn chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
"Tuy nhiên, chúng tôi không làm trầm trọng thêm mối quan hệ (giữa hai nước) và đang làm mọi điều có thể để duy trì các kênh liên lạc. Không phải chúng tôi bãi bỏ ủy ban do hai người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Nga và Mỹ cùng điều phối mà chính là Mỹ đã cho dừng hoạt động của nhóm làm việc trong ủy ban trên."
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga vẫn khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác công bằng và bình đẳng".
Động thái này của của Nga diễn ra ngay sau khi Trung Quốc và Nhật bản thảo luận về hòa bình. Theo đó, tối 25/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận về các vấn đề song phương.
Phái đoàn hai nước đã gặp nhau trong hai ngày 23 và 24/9/2014 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và chủ yếu trao đổi quan điểm về vùng biển Hoa Đông.
Theo nhiều nguồn tin, tại cuộc họp ở Thanh Đảo, đôi bên đã thảo luận về khả năng hợp tác trên biển. Nhật Bản và Trung Quốc đồng ý sẽ nối lại các cơ chế tham vấn và liên lạc về vấn đề biển đảo giữa cơ quan quốc phòng hai nước. Phái đoàn Nhật - Trung cam kết sẽ tiếp tục đàm phán vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2015.
 Vân Nhi (tổng hợp)

Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS

Vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS?

(Dân trí) - Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu về dầu mỏ ở Iraq và thủ lĩnh nhóm “Nhà nước Hồi giáo”, gọi tắt là IS, đã khẳng định chúng đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc. Nhưng vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu?

Gần đây liên tục xảy ra các cuộc tấn công do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện ở Trung Quốc.
Gần đây liên tục xảy ra các cuộc tấn công do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện ở Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định có rất nhiều lý do đáng để Trung Quốc phải vào cuộc, thay vì vẫn thờ ơ với các cuộc thảo luận chống IS như hiện nay. Nền kinh tế của “người khổng lồ” châu Á phụ thuộc một nửa vào lượng dầu xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều vào dầu mỏ ở khu vực, thậm chí hơn cả Mỹ và là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dầu lửa ở Iraq.
Hơn nữa, giới chức Trung Quốc đã tăng cường cuộc chiến chống những phần tử ly khai Hồi giáo ngày một lớn mạnh ở tỉnh Tân Cương, miền tây nước này. Ngoài ra, các thủ lĩnh IS còn khoe khoang đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho tới nay đóng góp của Trung Quốc trong cuộc chiến quốc tế chống IS chỉ là lời đề nghị mơ hồ về “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự” do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra.
Giới phân tích cho rằng sở dĩ các nhà chức trách Trung Quốc vẫn lường lự, không tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS, là bởi có rất nhiều lý do, từ không tin tưởng ý định thực sự của Mỹ, tới việc lo sợ sa lầy quá sâu vào mớ hỗn độn ở Trung Đông.
Họ cũng bực dọc khi chính phủ phương Tây nghi ngờ về phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh đối với xung đột sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng quả quyết rằng chỉ có Liên hợp quốc mới có quyền cho phép tiến hành hành động quân sự ở trong một lãnh thổ nhà nước có chủ quyền.
Cũng lần đầu tiên trong tuần này, báo chí nhà nước Trung Quốc liên hệ phiến quân ở Tân Cương với IS. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn một nhân viên chống khủng bố không được nêu tên cho rằng, phiến quân Duy Ngô Nhĩ “muốn mở rộng liên hệ với các nhóm khủng bố quốc tế thông qua chiến trường thực sự, nhằm giành sự ủng hộ cho các hoạt động khủng bố ở Trung Quốc”.
Hồi tháng 7, một kẻ tự xưng là Vua “Nhà nước Hồi giáo”, Abu Bakr al-Baghdadi, khoe khoang rằng công dân Trung Quốc đã đầu quân cho nhóm này và cáo buộc chính phủ Trung Quốc “tra tấn dã man và loại bỏ người Hồi giáo”, ở “Đông Turkestan” – tên gọi mà các nhóm đòi ly khai đặt cho Tân Cương.
Bất đồng về quy kết nhóm khủng bố
Hơn 300 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ đã sát hại 31 người trong vụ tấn công bằng dao hồi tháng 3 năm ngoái ở nhà ga Côn Minh, đông nam Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chỉ đích danh thủ phạm là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Giới chức Trung Quốc đã bày tỏ giận dữ khi các chính phủ phương Tây lại không chia sẻ phân tích của họ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ETIM ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố quốc tế do còn nghi ngờ về bản chất và vai trò thực sự của nhóm này. Bên ngoài Trung Quốc, Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cũng được xem là nhóm nhân quyền thiểu số hòa bình, thúc đẩy cho độc lập của người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh không đồng tình với điều này. “Cuộc chiến chống khủng bố không được có tiêu chuẩn kép”, Li Shaoxian, phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cơ quan phân tích của lực lượng an ninh cho hay. “Nó phải tôn trọng quyền và mong ước của tất cả các nước liên quan”.
Theo nhà bình luận chính trị độc lập Zhao Chu, cùng lúc chính phủ Trung Quốc cũng không khỏi nghi ngờ ý định của Mỹ và nghi ngờ Washington và đồng minh vẫn đang tìm cách kiềm tỏa Trung Quốc.
Việc Trung Quốc vẫn còn cự nự gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu là “biểu tượng rất rõ ràng cho thấy nghi ngờ của Trung Quốc về mục đích của Mỹ”, ông Zhao nói.
Trong chia sẻ trên blog gần đây, ông Zhao cho rằng Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn để cho thấy “quan tâm của mình đối với trật tự và công bằng thế giới và trao cho lực lượng vũ trang của Trung Quốc cơ hội chiến đấu cùng quân Mỹ và học hỏi từ họ.
Khả năng giới hạn
Giới chức Trung Quốc cũng luôn nói rằng nước này khó có thể giúp được nhiều trong cuộc chiến chống IS bởi “khả năng quốc tế của chúng tôi có giới hạn” - theo như lời ông đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming.
Hôm thứ tư vừa qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu cùng với các thành viên khác của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, về một nghị quyết, yêu cầu chính phủ các nước “ngăn chặn việc tuyển quân, thành lập, vận chuyển, hỗ trợ trang thiết bị” và hỗ trợ tài chính cho “các tay súng khủng bố nước ngoài”.
Nhưng chiến đấu cơ Trung Quốc không thể xuất kích do nước này không có căn cứ không quân nào gần khu vực và cũng không có tàu sân bay nào đang thực sự hoạt động. Ý tưởng đưa quân tới hỗ trợ quân đội Iraq cũng là điều không thể nghĩ tới.
Viễn cảnh đó “ở xa tưởng tượng”, ông Hua cho biết, bởi Trung Quốc chưa bao giờ đưa quân tới khu vực và bởi ngay cả chính phủ Mỹ cũng loại trừ khả năng đưa bộ binh vào Iraq hay Syria.
Không giống như Nga, chỉ trích các cuộc không kích vào Syria, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tuần này chỉ nhấn mạnh hi vọng hoạt động quân sự không gây thương vong cho thường dân và cho rằng chúng “phải tuân thủ theo mục đích và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.
“Trung Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay. “Trung Quốc trước sau như một phản đối tất cả các loại hình khủng bố”.
Song cho tới thời điểm này, tất cả những gì thế giới có thể trông chờ từ Bắc Kinh là những lời nói hoa mỹ.
Vũ Quý
Theo CSM

1 nước 2 chế độ sẽ là mô hình "tốt nhất" cho Đài Loan

Tập Cận Bình: 1 nước 2 chế độ sẽ là mô hình "tốt nhất" cho Đài Loan


(GDVN) - Chính quyền Đài Loan duy trì nguyên tắc 3 không: Không độc lập, không thống nhất, không sử dụng vũ lực.

Ông Tập Cận Bình tiếp phái đoàn Đài Loan ủng hộ thống nhất.
Bưu điện Hoa Nam ngày 27/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đã khơi lại ý tưởng Đài Loan và Trung Quốc thống nhất theo công thức của Đặng Tiểu Bình, 1 nước 2 chế độ. Ông Bình cũng khẳng định sẽ không có chuyện Bắc Kinh chấp nhận kéo dài thời gian thống nhất 2 bờ eo biển.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu lập tức bác bỏ thẳng thừng ý tưởng này vì cho rằng nó không thể chấp nhận, xóa bỏ chủ quyền của Đài Loan. Trong khi công thức này cũng đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có ở Hồng Kông khi Bắc Kinh quyết định sẽ can thiệp vào tiến trình bầu cử người đứng đầu đặc khu này từ năm 2017.
Khi tiếp một phái đoàn Đài Loan gồm hơn 20 thành viên các đảng phái ủng hộ thống nhất 2 bờ eo biển sang thăm Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng Đài Loan phải làm việc với đại lục để hạn chế mọi động thái cản trở giấc mơ thống nhất.
"Thống nhất đất nước qua hai bờ eo biển từ lâu đã là lập trường vững chắc của chúng tôi. Nó cũng là thực tế không thể thay đổi là cả Đài Loan và đại lục cùng thuộc một nước Trung Quốc", Tập Cận Bình nói.
Trong khi nhấn mạnh công thức 1 nước 2 chế độ là cách tốt nhất cho Đài Loan, Tập Cận Bình nói rằng trước khi áp dụng, Bắc Kinh sẽ xem xét đầy đủ tình hình thực tế và nguyện vọng từ các thành phần xã hội khác nhau 2 bờ eo biển Đài Loan để đảm bảo, "sắp xếp lợi ích" cho người dân Đài Loan khi thống nhất.
Vài giờ sau đó, Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc, quốc gia có chủ quyền với 103 năm. Chính quyền Đài Loan duy trì nguyên tắc 3 không: Không độc lập, không thống nhất, không sử dụng vũ lực.
Đồng thời, Mã Anh Cửu nhắc lại rằng "nhận thức chung 1992" về nguyên tắc "một Trung Quốc", mỗi bên có quyền duy trì các giải thích của mình. Bắc Kinh gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Bắc xưng tên Trung Hoa Dân quốc.
Wang Kao-cheng, một giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược đại học Đạm Giang, Đài Bắc bình luận, Tập Cận Bình hy vọng sẽ cung cấp cho người khác ý tưởng rõ ràng hơn về những gì họ gọi là 1 nước 2 chế độ.
Ông Bình cũng muốn thể hiện rằng sẽ có sự linh hoạt hơn trong mô hình này và sẵn sàng thảo luận về nó. Giới phân tích cho rằng diễn biến gần đây tại Hồng Kông và Đài Loan đã cảnh báo về sự mất niềm tin của công chúng vào mô hình 1 nước 2 chế độ.
Hàng ngàn người Hồng Kông gần đây đã xuống đường biểu tình phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào tiến trình bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính, vi phạm lời hứa của chính mình là sẽ dành 50 năm tự chủ cho Hồng Kông sau khi trở về với Trung Quốc.

Tàu hộ vệ Type 056 TQ có khả năng “lục soát” tàu ngầm Mỹ

Tàu hộ vệ Type 056 TQ có khả năng “lục soát” tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông?


Đông Bình

(GDVN) - Bài báo cho rằng, Hải quân Trung Quốc bắt đầu trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động, tăng cường khả năng săn ngầm đối phó Mỹ ở Biển Đông.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)
Tờ "Bắc Kinh buổi sớm" (morningpost.com.cn) dẫn các nguồn tin cho biết, cách đây không lâu, thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình USS Michigan lớp Ohio, Benjamin Pearson đã công khai nói với phóng viên rằng: "Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ ở biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Philippines. 
Những khu vực này giống như ‘sân sau lớn’ của chúng tôi. Ngoài Singapore, chúng tôi cũng đã đến thăm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, những điều này đã cho thấy sứ mệnh và hành trình của chúng tôi cực kỳ rộng lớn".
Theo đáp trả của bài báo TQ, trong thời điểm tình hình biển Hoa Đông, Biển Đông căng thẳng (nhưng Trung Quốc cứ nói là cơ bản ổn định), Benjamin Pearson phát biểu như vậy là "nói năng lỗ mãng", "tùy tiện". 
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ có tính năng chạy êm tốt nhất thế giới, trong khi đó, công nghệ săn ngầm của Hải quân Trung Quốc còn tương đối lạc hậu, vẫn chưa xây dựng được hệ thống săn ngầm, phòng thủ tàu ngầm có hiệu quả.
Nhưng, theo bài báo, tình hình nhanh chóng thay đổi, gần đây, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 thứ 16 của Trung Quốc đã sơn số hiệu 594, sắp đưa vào hoạt động. 
Khác với các tàu hộ vệ Type 056 trước đó, đuôi tàu 594 đã tăng thêm một lỗ hình chữ nhật có kích thước lớn, từ hình ảnh có thể thấy trong lỗ này còn lắp một bộ thiết bị thu - thả, điều này có nghĩa là tàu 594 đã trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo chủ động/bị động, khả năng săn ngầm sẽ được tăng cường.
Thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động là loại thiết bị định vị thủy âm mới nhất xuất hiện những năm gần đây. Nó hoạt động ở tần số thấp, có cự ly dò tìm xa, có thể đối phó hiệu quả với tàu ngầm chạy êm.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Trung Quốc 
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nước đã đầu tư nhiều nguồn lực cho khả năng chạy êm của tàu ngầm và đã giành được một loạt đột phá, trong đó có cải thiện thiết kế động cơ và hình dáng tàu ngầm, sử dụng vật liệu hấp thu âm thanh, bề mặt tàu ngầm đặt gạch giảm âm, sử dụng công nghệ đẩy điện và bơm, đã làm giảm hiệu quả tiếng ồn của tàu ngầm.
Thông qua sử dụng các biện pháp trên, tàu ngầm chạy êm hiện đại đã giảm mạnh tiếng ồn so với tàu ngầm truyền thống, ở một số băng tần đã đạt hoặc tiếp cận tiếng ồn của biển, từ đó đã giảm mạnh hiệu quả dò tìm của thiết bị định vị thủy âm. 
Hiện nay, chỉ dựa vào thiết bị định vị thủy âm bị động đã khó có thể dò được tàu ngầm chạy êm hiện đại, ở khu vực biển có bối cảnh phức tạp như vùng nước nông và duyên hải càng là như vậy.
Sau thập niên 90 của thế kỷ trước, Hải quân Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu coi trọng đối phó tàu ngầm thông thường chạy êm hiện đại trong điều kiện bối cảnh phức tạp của duyên hải, sự phát triển của thiết bị định vị thủy âm tần số thấp được các nước phổ biến coi trọng. 
Sở dĩ coi trọng thiết bị định vị thủy âm chủ động tần số thấp là do công nghệ chạy êm của tàu ngầm hiện  nay có hiệu quả tương đối tốt, nhưng còn tương đối có hạn về khả năng ngăn chặn tiếng ồn ở tần số thấp.
Hiện nay, một biện pháp giảm tiếng ồn tương đối quan trọng của tàu ngầm chính là đặt gạch giảm âm, nhưng việc ngăn chặn và loại bỏ tiếng ồn chủ yếu tập trung ở băng tần trung và cao, hiệu quả đối với băng tần thấp hoàn toàn không lý tưởng, sóng âm tần số thấp có thể xuyên qua gạch giảm âm của tàu ngầm, xâm nhập vỏ chịu áp của tàu ngầm, như vậy có thể dò được tàu ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)
Ngoài ra, sự tản xạ tần số thấp của vỏ trong và sườn tàu ngầm cùng với tiếng dội kèm theo sẽ làm tăng cường độ tín hiệu của tàu ngầm, từ đó tăng khả năng dò tìm của thiết bị định vị thủy âm, do vị trí và hình dáng vỏ trong, sườn tàu ngầm khác nhau, nếu dò được những đặc điểm này thì có thể giúp nhận dạng mục tiêu.
Trong tình hình này, sự phối hợp giữa thiết bị định vị thủy âm chủ động/bị động sẽ là trang bị chính để đối phó tàu ngầm chạy êm trong thế kỷ mới.
Anh là quốc gia đầu tiên nghiên cứu chế tạo thiết bị định vị thủy âm kéo chủ động hiện nay, vào đầu thập niên 1990 đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị định vị thủy âm chủ động ATAS, sử dụng cho tàu chiến mặt nước. 
Trong tình hình gió biển cấp 6, tốc độ kéo 20 hải lý/giờ, cự ly dò tìm chủ động điển hình của ATAS còn có thể đạt khoảng 15 hải lý.
Sau ATAS, các nước phương Tây khác cũng đã phát triển hệ thống thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động để nâng cao khả năng dò tìm tàu ngầm chạy êm mới cho tàu chiến mặt nước, chúng phần lớn áp dụng kết cấu tương tự ATAS.
Công nghệ săn ngầm của TQ lạc hậu so với tàu ngầm Mỹ, Nhật
Từ thập niên 1990 đến nay, cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, môi trường quốc tế của Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản, mối đe dọa dưới biển có xu thế tăng nhanh. Nhìn vào môi trường xung quanh, Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất hiện nay.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu ngầm thông thường thế hệ mới lấy lớp Soryu làm đại diện đã áp dụng công nghệ AIP, có thể tuần tra dưới biển thời gian dài, đã sử dụng một loạt công nghệ như gạch giảm âm, tính năng chạy êm tốt, trang bị thiết bị định vị thủy âm tổng hợp, tính năng dò tìm tốt, trang bị các vũ khí như ngư lôi, tên lửa chống hạm tiên tiến, có khả năng tấn công tương đối mạnh.
Điều cần đặc biệt chỉ ra là, vùng biển gần (duyên hải) không còn là độc quyền của tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới mà đại diện là tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia có khả năng “biển gần” tương đối tốt, so với tàu ngầm thông thường, khả năng lặn liên tục, khả năng dò tìm và khả năng tấn công của nó mạnh hơn, vì vậy càng khó đối phó.
Theo tuyên truyền của bài báo, trong tình hình săn ngầm nghiêm trọng, Hải quân Trung Quốc bắt đầu ra sức nỗ lực trên phương diện săn ngầm, nhất là hệ thống dò tìm thế hệ mới với đại diện là thiết bị định vị thủy âm kéo bị động tần số thấp H/SJG-206, cải thiện rõ rệt khả năng săn ngầm của Hải quân Trung Quốc.
Nhưng, do sự tiến bộ đáng kể của công nghệ giảm tiếng ồn, tiếng ồn khi chạy tốc độ thấp của tàu ngầm thông thường tiên tiến hiện đại, tàu ngầm hạt nhân phần lớn có băng tần đã đạt hoặc tiếp cận được tiếng ồn của biển, thiết bị định vị thủy âm kéo bị động tần số thấp cũng khó dò tìm có hiệu quả các tàu ngầm như lớp Soryu, lớp Virginia.
Khả năng tác chiến săn ngầm của tàu hộ vệ Type 054 trang bị thiết bị định vị thủy âm H/SJG-206 khi vừa đưa vào hoạt động đã lạc hậu. Trên thực tế, thiết bị định vị thủy âm kéo bị động tần số thấp H/SJG-206 cũng là trang bị tìm kiếm tàu ngầm chính của tàu khu trục Type 052B, 052C của Quân đội Trung Quốc.
Sự phát triển thiết bị săn ngầm trước đây của Hải quân Trung Quốc không theo kịp mức độ giảm tiếng ồn của tàu ngầm tiên tiến Mỹ-Nhật, đây chính là nguyên nhân thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân Quân đội Mỹ cho rằng biển Hoa Đông, Biển Đông như “sân sau lớn”.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo - "lỗ đen đại dương" (ảnh tư liệu minh họa)
Theo bài báo, trải qua nỗ lực nhiều năm, hiện nay, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 mới nhất Trung Quốc đã trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động, đánh dấu trình độ công nghệ săn ngầm của Hải quân Trung Quốc đuổi kịp trình độ tiên tiến quốc tế, có lợi cho cải thiện tình hình săn ngầm nghiêm trọng.
Đặc biệt là trên hướng Biển Đông, cùng với việc tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược Type 094 Trung Quốc bắt đầu trực ban sẵn sàng chiến đấu, vì vậy, bảo vệ những tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược này là nhiệm vụ tác chiến quan trọng của Quân đội Trung Quốc trong đó có Hải quân, có thể bảo đảm cho bảo vệ  cho cái mà Bắc King vẫn cố gọi là “an ninh và quyền lợi quốc gia” của Trung Quốc.
Hiện nay, tàu ngầm hạt nhân tấn công tiên tiến của Quân đội Mỹ là mối đe dọa chủ yếu của tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược của Trung Quốc. Vì vậy, đối với Hải quân Trung Quốc, một là phải bảo đảm an toàn dưới biển cho đường đi của tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược và căn cứ tàu ngầm hạt nhân, từ căn cứ tàu ngầm Á Long, Tam Á còn phải trải qua khoảng 200 km mới có thể xâm nhập vùng nước sâu ở lòng chảo giữa Biển Đông.
Hai là kiểm soát tuyến đường quan trọng, then chốt, có thể kịp thời phát hiện và đánh chặn tàu ngầm hạt nhân tấn công đối phương xâm nhập Biển Đông. Nếu tàu ngầm hạt nhân tấn công đối phương xuất phát từ Guam, xâm nhập Biển Đông thì eo biển Bashi là tuyến đường quan trọng, then chốt.
Tàu hộ vệ Vận Thành số hiệu 571 Type 054 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)
Nhìn vào tác chiến tàu ngầm thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thông thường nếu đối phương áp dụng hành động săn ngầm mang tính tấn công, sẽ cử một tàu ngầm hạt nhân tấn công tiến hành theo dõi xung quanh tàu ngầm đối phương, tiến hành theo dõi và bám theo tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược của đối phương khi nó xuất phát và quay trở về; ngoài ra một chiếc triển khai thiết bị định vị thủy âm kéo ở khu vực có cự ly 100-150 hải lý để dò tìm, tiến hành thăm dò và đánh chặn tiếp theo đối với tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược.
Đối với tàu ngầm hạt nhân tấn công chạy êm tiên tiến, dựa vào thiết bị định vị thủy âm ở vỏ tàu thông thường đã khó mà có được khả năng dò tìm khả quan, cần thiết bị định vị thủy âm kéo, thậm chí thiết bị định vị kéo chủ/bị động mới có thể có được hiệu quả tương đối tốt.
Sau khi tàu hộ vệ Type 056 Hải quân Trung Quốc trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo tần số thấp chủ/bị động, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nó ở Biển Đông là tiến hành theo dõi định kỳ xung quanh tuyến đường của tàu ngầm tên lửa chiến lược Trung Quốc, nếu phát hiện mục tiêu lạ dưới biển thì lập tức tiến hành theo dõi và xua đuổi.
Ngoài ra còn có hình ảnh cho thấy, ít nhất 1 tàu hộ vệ Type 054 bắt đầu lắp thiết bị định vị thủy âm tần số thấp chủ/bị động, cũng tăng thêm lỗ hình chữ nhật ở đuôi tàu như tàu 594. 
Điều này cho thấy Hải quân Trung Quốc đang đẩy nhanh nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm, có thể dự kiến, thiết bị định vị thủy âm kéo tần số thấp chủ/bị động cũng sẽ nhanh chóng trang bị cho tàu khu trục Type 052.
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)
Cuối cùng, theo báo Trung Quốc, săn ngầm là một công trình hệ thống mang tính tổng hợp, cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất của hải quân hiện đại, trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động chỉ là một khâu tương đối quan trọng. 
Đối với Hải quân Trung Quốc, muốn nâng cao toàn diện khả năng dò tìm săn ngầm, còn cần bố trí các thiết bị định vị thủy âm đáy biển, nâng cao khả năng theo dõi lâu dài mục tiêu ngầm, đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng săn ngầm tiên tiến hơn.

TQ sẽ đặt trái phép "tàu sân bay chế biến cá" ở Trường Sa

TQ sẽ đặt trái phép "tàu sân bay chế biến cá" 200 ngàn tấn ở Trường Sa


(GDVN) - Trung Quốc sẽ triển khai 1 "hạm đội tàu sân bay chế biến cá" ở Biển Đông và Hoa Đông trong tương lai dưới sự bảo vệ của hải quân nước này.

Công trình nhà nổi quân sự kiên cố Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ngoài đá Vành Khăn, trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tờ Vượng Báo Đài Loan ngày 27/9 đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch triển khai (bất hợp pháp) một nhà máy chế biến cá di động ra đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đá Vành Khăn cùng 6 bãi đá khác đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp - PV).
Tờ nhật báo Khoa học Bắc Kinh đã công bố thông tin này chỉ hơn 1 tháng sau khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã dẫn đến căng thẳng leo thang, quan hệ Việt - Trung suy giảm nghiêm trọng.
Bài viết nói rằng đã đến lúc Trung Quốc cần chú ý hơn đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông. Nhà máy chế biến cá di động này được báo Trung Quốc gọi là "tàu sân bay chế biến cá" là thủ đoạn giúp Bắc Kinh củng cố yêu sách (vô lý và phi pháp) của họ ở Trường Sa.
Lôi Tế Lâm, một nhà nghiên cứu thủy sản thuộc Viện Khoa học thủy sản Trung Quốc nói với tờ báo này rằng bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền quốc gia không phải là nhiệm vụ duy nhất của lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Lâm cho rằng giới chức Bắc Kinh còn phải biết làm thế nào để khai thác (vơ vét, tranh cướp) tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông "đúng cách". Viện Khoa học thủy sản Trung Quốc có kế hoạch mua tàu chở dầu 200 ngàn tấn và biến nó thành một "tàu sân bay chế biến cá".
Cái gọi là tàu sân bay chế biến cá ấy sẽ trở thành cơ sở sản xuất, chế biến hải sản di động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó sẽ trở thành căn cứu cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho ngư dân, tàu cá và kể cả tàu quân sự Trung Quốc hoạt động (bất hợp pháp) trong khu vực.
Nếu kế hoạch đặt nhà máy chế biến cá di động ở đá Vành Khăn thành công, Trung Quốc sẽ triển khai 1 "hạm đội tàu sân bay chế biến cá" ở Biển Đông và Hoa Đông trong tương lai dưới sự bảo vệ của hải quân nước này.

“Một quốc gia, hai chế độ” với Đài Loan

Ông Tập chìa cành oliu “một quốc gia, hai chế độ” với Đài Loan

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất công thức “một quốc gia, hai chế độ” với Đài Loan và cho rằng tái thống nhất Đại lục và Đài Loan là nhằm chấm dứt phản kháng chính trị chứ không chỉ xây dựng lại lãnh thổ và chủ quyền.

Ông Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Tân Đảng của Đài Loan Yok Mu-ming.

Ông Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Tân Đảng của Đài Loan Yok Mu-ming.
Bình luận của lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra đối với phái đoàn ủng hộ tái thống nhất đến từ Đài Loan và được báo chí nhà nước Trung Quốc đăng tải vào ngày hôm qua 26/9.
“Tái thống nhất một cách hòa bình và một quốc gia, hai chế độ là nguyên tắc chỉ dẫn của chúng ta trong giải quyết vấn đề Đài Loan” và là “cách tốt nhất để hiện thực hóa tái thống nhất dân tộc”, ông Tập cho biết trong cuộc gặp với phái đoàn do chủ tịch Tân Đảng, ủng hộ tái thống nhất, Yok Mu-ming.
Đây được cho là lần đầu tiên ông Tập công khai đề xuất công thức “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Bắc Kinh đã áp dụng “công thức” trên với Hồng Kông và đây cũng là điều Trung Quốc muốn thực hiện kể từ khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lần đầu đưa ra ý tưởng vào những năm 1980.
Tuy nhiên, theo tờ Want China Times của Đài Loan, phần lớn người dân Đài Loan không ủng hộ ý tưởng tái thống nhất với Bắc Kinh hay các “công thức” như “một quốc gia, hai chế độ”.
Ông Tập cho rằng khi áp dụng “công thức” sẽ “xem xét kỹ lưỡng tình hình thực tế ở Đài Loan và lắng nghe các ý kiến, gợi ý từ cả hai bờ eo biển Đài Loan, cũng như sẽ là một sắp xếp được dựa trên lợi ích của những người yêu chuộng Đài Loan”.
Không tha thứ cho kẻ chủ trương ly khai
Ông Tập cũng nhấn mạnh với những vấn đề lớn liên quan đến tái thống nhất và phát triển lâu dài của người Trung Quốc, “quan điểm của chúng tôi là vững chắc và sẽ không có thỏa hiệp hay dao động”. Sự thật hai bờ eo biển thuộc về cùng một Trung Quốc “không bao giờ thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi” – ông tuyên bố.
Ông Tập cũng tuyên bố “những kẻ chủ trương ly khai sẽ không được tha thứ” và lịch sử đã và sẽ chứng minh độc lập của Đài Loan sẽ không thành công.
“Thống nhất dân tộc mà chúng tôi ủng hộ không chỉ là thống nhất về hình thức, mà điều quan trọng hơn, là kết nối về tâm hồn giữa hai bên”, báo chí nhà nước dẫn lời ông Tập cho hay.
Tờ Want China Times cho biết sau cuộc gặp với ông Tập, ông Yok đã không đưa ra quan điểm về bình luận của ông Tập và cho biết ông Tập không đề cập đến cuộc gặp có khả năng diễn ra với lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hay cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 29/11 tới.
Ông Mã đã hi vọng sẽ gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã bị chia cắt sau khi lực lượng của Tưởng Giới Thạch bị đánh bại và chạy tới hòn đảo này vào cuối cuộc nội chiến ở Trung Quốc năm 1949. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và chưa bao giờ loại bỏ khả năng dùng vũ lực để tái thống nhất.
Mặc dù quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã cải thiện đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu, một người theo chủ trương thân thiện với Trung Quốc Đại lục, lên nắm quyền ở Đài Loan vào năm 2008, với hàng loạt thỏa thuận thương mại và du lịch được ký kết. Tuy nhiên chưa có tiến bộ nào đạt được trong hòa giải chính trị và giảm sự nghi kỵ về quân sự giữa hai bên.

Trung Anh

Theo AP, SCMP

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Một tiệm ăn Trung Quốc bỏ thuốc phiện vào mỳ


Một tiệm ăn Trung Quốc bỏ thuốc phiện vào mỳ để giữ khách


(GDVN) - Theo hãng tin BBC, chủ một quán ăn ở Trung Quốc đã bị bắt giữ sau khi bị cho là đã bỏ thuốc phiện vào đồ ăn để khách hàng nghiện và luôn quay trở lại quán.



Người chủ họ Zhang của quán mỳ Yan'an thừa nhận đã mua gần 2kg nụ anh túc có chứa hạt hoa bên trong hồi tháng 8 vừa rồi. Sau đó, Zhang đã nghiền những nụ hoa này thành bột rồi trộn vào các loại đồ ăn phục vụ cho khách.

Cảnh sát phát hiện ra sự việc sau khi một khách hàng của quán mỳ tên là Liu Juyou có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy trong một cuộc thanh tra giao thông định kỳ. 

Cảnh sát đã giữ Juyou lại trong 15 ngày cho tới khi anh ta nhờ người thân đến quán mỳ ăn thử. Sau khi các thành viên trong gia đình cũng có kết quả xét nghiệm dương tính, cảnh sát đã lập tức mở cuộc điều tra. Chủ quán Zhang đã bị tạm giam được 10 ngày.

Hạt hoa anh túc chưa được xử lý từng là một nguyên liệu nổi tiếng trong chế biến đồ ăn tại Trung Quốc, nhưng giờ việc sử dụng hạt này đã bị cấm. 

Một cảnh sát phòng chống ma túy cho biết, những chất hóa học từ hoa anh túc có thể tích tụ lại trong cơ thể và dẫn đến kết quả dương tính với ma túy khi xét nghiệm. Ăn đồ ăn có chứa thuốc phiện lâu ngày cũng có thể gây nghiện.

Các quan chức ở Trung Quốc cho biết tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở quốc gia này vẫn rất đáng lo ngại bất chấp hàng loạt chiến dịch được lập ra sau nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến vụ sữa nhiễm khuẩn hồi năm 2013 khiến 6 trẻ em thiệt mạng và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của gần 300.000 trẻ khác.

Hàng nghìn người Âu đầu quân cho IS

Con số gây sốc: hàng nghìn người Âu đầu quân cho IS

Lượng người châu Âu gia nhập các chiến binh Hồi giáo ở Syria và Iraq hiện nay đã tăng lên mức hơn 3.000 người - đó là con số mà quan chức phụ trách chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra.

Trò chuyện với BBC, ông Gilles de Kerchove còn cảnh báo rằng các cuộc không kích của phương Tây sẽ làm tăng nguy cơ tấn công trả đũa ở châu Âu.
Hiện liên minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện gần 200 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq kể từ tháng 9 và đêm ngày 22/9, chiến dịch này chuyển sang miền bắc Syria. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính quân số của IS có thể lên tới 31.000 chiến binh, cả ở Iraq và Syria.
Mỹ, Hồi giáo, cực đoan, Syria, chiến binh IS
Các chiến binh IS đang kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria.
Theo ông Kerchove, con số 3.000 kể trên bao gồm tất cả những người đã có mặt tại khu vực, trong đó có những người đã trở về hoặc đã thiệt mạng ở đó. Quan chức này cho rằng, việc IS tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo trong tháng 6 có thể là một yếu tố làm tăng sự ủng hộ từ châu Âu cho tổ chức cực đoan này.
"Nếu bạn tin thì có thể bạn sẽ muốn là một phần của nhà nước đó càng sớm càng tốt", ông Kerchove bình luận và cảnh báo chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh làm tăng nguy cơ về một phản ứng bạo lực của phiến quân Hồi giáo nhằm vào các mục tiêu châu Âu.
"Tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận là như vậy. Điều đó đã rõ với Pháp, bởi vì cách đây 3 ngày, IS đã ra một thông điệp thề trả đũa liên minh. Một người Pháp bị bắt cóc ở Algeria và ông ấy đã bị chặt đầu. Chúng đã làm những gì chúng tuyên bố".
Cũng theo ông de Kerchove, các nhóm cạnh tranh với IS, chẳng hạn như al-Qaeda, có thể sẽ âm mưu tấn công ở châu Âu để duy trì vị thế của mình. "Sự lớn mạnh của IS có thể khiến al-Qaeda làm điều gì đó chứng tỏ mình không kém cạnh", quan chức này nhận định.
Trong khi đó, theo nhận định của một tư lệnh cấp cao Mỹ thì có khoảng 1.000 chiến binh IS là người châu Á, đến từ một vùng rộng lớn từ Ấn Độ tới Thái Bình Dương.
Ngoài ra còn có hàng chục người Mỹ đầu quân cho IS và Giám đốc FBI James Comey cho rằng khoảng 12 công dân Mỹ hiện đang chiến đấu ở Syria.
Thanh Hảo

Cha đẻ “sức mạnh mềm” ngạc nhiên vì hành xử của TQ

Cha đẻ “sức mạnh mềm” ngạc nhiên vì hành xử của TQ

Gs Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết “sức mạnh mềm” nổi tiếng ngạc nhiên khi “Trung Quốc hi sinh ảnh hưởng to lớn ở khu vực vì những bãi đá hoang” ở biển Đông. 

Mặc dù dưới những bãi đá hoang này là nhiều nguồn lợi, như dầu khí, song cái giá Trung Quốc phải trả đắt đỏ hơn nhiều. Chính nước này đã đẩy nhiều nước trong khu vực vào vòng tay của Mỹ.
LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu nội dung trong Hội nghị Diễn đàn Toàn cầu Boston tại Harvard Faculty Club bàn về xây dựng giải pháp cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương tổ chức ngày 17/09 vừa qua. Từ Hội nghị này, Diễn đàn Toàn cầu Boston sẽ xây dựng phác thảo Sáng kiến và tiếp tục thảo luận với các học giả, các nhà lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó đưa ra thảo luận tại Hội nghị vào ngày 5/11/2014 , sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện để chính thức công bố Sáng kiến về Nền tảng cho Hoà bình và An ninh ở Thái Bình Dương vào ngày 12/12/2014.
Hội nghị trực tuyến xây dựng nền tảng cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương là một hoạt động quan trọng của Diễn đàn Toàn cầu Boston, quy tụ các học giả nổi tiếng của Harvard, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp, kết nối từ Boston tới Washington, Tokyo, Hà Nội và Bonn.
Hội nghị do Gs Michael Dukakis, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston dẫn dắt. Tham dự hội nghị có ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ; Cha đẻ thuyết quyền lực mềm GS Joshep Nye, Cựu Thủ tướng Úc – Kevin Rudd, Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Hiệu trưởng trường Luật và Quan hệ quốc tế Fletcher , Stephen Bosworth, –Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, Giáo sư JD Bindenagel , Cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ Ichiro Fujisaki ...

Sai lầm đắt giá của Bắc Kinh
Phát biểu tại Hội nghị, Gs Joseph Nye cho rằng trên thực tế, Trung Quốc đã nhận ra rằng nếu cứ dựa vào sức mạnh cứng như quân sự, kinh tế, những thứ nước này đều có thì sẽ gây ra nguy cơ đẩy những chủ thể bị đe dọa thành lập liên minh chống lại mình. Nhưng nếu Bắc Kinh có thể kết hợp sức mạnh mềm và sức mạnh cứng để lôi cuốn các nước khác thì có thể ngăn chặn sự hình thành liên minh như trên.
Năm 2007, tại Đại hội Đảng lần thứ 17, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tăng cường sức mạnh mềm. Kể từ đó, nước này đã không tiếc tiền của đầu tư vào các công cụ khuếch trương ảnh hưởng như CCTV.
GS Joshep Nye (ngoài cùng) trao đổi với Cựu Ứng viên Tổng thống Michael Dukakis. Ảnh: BGF
GS Joshep Nye (ngoài cùng) trao đổi với Cựu Ứng viên Tổng thống Michael Dukakis. Ảnh: BGF

Tuy nhiên, theo GS Joseph Nye, khi Bắc Kinh sử dụng sức mạnh cứng để răn đe các nước trong khu vực, như trường hợp họ sử dụng sức mạnh cưỡng bức đe dọa đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scaborough, hay hành xử khiêu khích gần đây ở Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn phản tác dụng. “Trung Quốc không những không lôi cuốn được các nước khác, mà ngược lại, tinh thần phản đối Trung Quốc thậm chí còn dâng cao mạnh mẽ ở nhiều nước”.
Như vậy, thay vì ngăn chặn sự hình thành của một liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc thì sai lầm chiến lược mà Bắc Kinh phạm phải đã đẩy các nước vào vòng tay của Mỹ.

Tìm nền tảng cho Hòa bình và An ninh Thái Bình Dương
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd nhận định quan hệ Mỹ - Trung, trục quan hệ mang tính rường cột đối với ổn định khu vực hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ.
Theo ông Rudd, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay là mối quan hệ điển hình giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc nguyên trạng, dẫn đến nảy sinh hai khuynh hướng: cường quốc mới nổi có những hành động chống lại cường quốc hiện tại, hay cường quốc hiện tại tìm mọi cách cản trở sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi. Cả hai xu hướng này đều dẫn tới nguy cơ hai nước mất lòng tin chiến lược với nhau, dẫn tới kịch bản nguy hiểm và bất ổn cho cả thế giới.
“Trung Quốc là một nền văn hóa lâu đời và đã nhiều lần trong lịch sử tìm cách trở thành cường quốc không chỉ trong khu vực mà ở phạm vi toàn cầu. Từ 10 năm nay, họ đã liên tục tuyên truyền về quyền của mình. Vấn đề là làm sao để những đòi hỏi của Trung Quốc đi kèm với những hành xử đúng mực”, cựu Thủ tướng Úc nhấn mạnh.
Chia sẻ với quan điểm của nhà cựu lãnh đạo Úc, ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề đa phương cho rằng những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang ngày càng gia tăng ở mức độ phức tạp hơn, đe dọa đến hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hội nghị tại Harvard Faculty Club. Ảnh: BGF
Hội nghị tại Harvard Faculty Club. Ảnh: BGF
Vị quan chức ngoại giao Mỹ tái khẳng định chính sách can dự tích cực của Mỹ nhằm tìm kiếm và xác lập một khuôn khổ cho phép giải quyết tranh chấp trên biển Thái Bình Dương bằng các biện pháp hòa bình. Theo ông Fuchs, một yếu tố thiết yếu của khuôn khổ này là các mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với một số nước trong khu vực. Mỹ sẽ nỗ lực củng cố các mối đồng minh này bởi đây là trụ cột cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực trong suốt mấy thập niên vừa qua.
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng nêu bật vai trò trung tâm của các thể chế đa phương trong khu vực. Mặc dù mức độ trưởng thành về thể chế của ASEAN và các định chế trong ASEAN, APEC… chưa thể so sánh được với các tổ chức khác như Liên Minh châu Âu, song đây vẫn là nơi thích hợp nhất để bàn thảo và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp.
“Những cơ chế này không chỉ đơn thuần là nơi để các nhà lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao… bàn về những quy định mới và thương lượng với nhau, mà còn là nơi phát hiện những vấn đề hiện hữu và định hướng giải pháp cho các thách thức chính trong khu vực. Do đó, tôi cho rằng, một trong những việc đầu tiên mà Mỹ tập trung làm là xây dựng các thể chế khu vực và củng cố khả năng thực thi và duy trì luật pháp và quy tắc quốc tế; tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng và những thách thức nghiêm trọng nổi lên của chúng. Đó là nhiệm vụ hàng đầu trước khi bàn đến xây dựng khuôn khổ dài hạn nhằm đảm bảo ổn định khu vực”.

Tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết bằng thể chế đa phương
Liên quan đến tranh chấp Biển Đông, ông Fuchs tin rằng vấn đề này phù hợp giải quyết bằng các thể chế đa phương.
“Đây là tình huống bao gồm nhiều bên tranh chấp với nhau, và việc theo đuổi yêu sách của một số bên đôi khi không diễn ra hòa bình, thậm chí còn rất khiêu khích và đáng quan ngại với nhau cũng như đối với khu vực và kèm theo đó là nguy cơ gây bất ổn và gia tăng căng thẳng và các sự cố có thể dẫn tới xung đột”.
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “cho dù một giải pháp có thể chưa sớm đạt được thì các thể chế đã phương này sẽ vẫn là nơi để các bên bàn bạc các vấn đề và giải pháp, bởi thực tế, không hề có một nơi gặp gỡ nàokhác cho các bên ngồi lại với nhau để bàn cách giải quyết vấn đề. Do vậy, đây là nơi chúng ta cần cố gắng trao quyền để gỡ rối thách thức”.
Theo Anh Minh
Vietnamnet

Radar Trung Quốc có thể vô hiệu hóa máy bay tàng hình Mỹ

Radar Trung Quốc có thể vô hiệu hóa máy bay tàng hình Mỹ

(Dân trí) - Sự phát triển trong công nghệ chống tàng hình của Trung Quốc có thể sớm làm vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu F-22 (Mỹ) và máy bay không người lái tàng hình Neuron (châu Âu), Huanqiu, trang web của tờ Thời báo Hoàn Cầu, khẳng định.
Radar thụ động DWL002 của Trung Quốc.
Radar thụ động DWL002 của Trung Quốc.
Được trưng bài tại Triển lãm điện tử quốc phòng quốc tế Trung Quốc lần thứ 9 tại Bắc Kinh hồi tháng 5 là radar thụ động DWLOO2 của Trung Quốc, được cho là có tầm hoạt động 500 km và có thể bao phủ toàn bộ không phận.
"Radar sẽ được sử dụng chủ yếu cho phòng thủ và trinh sát ven biểu trong các môi trường điện từ phức tạp, với khả năng phát hiện, định vị, theo dõi bức xạ trên mặt đất, trên không và trên biển trong tầm hoạt động của nó", Huanqiu viết.
Ấn tượng hơn là sự phát triển trong công nghệ chống tàng hình của Trung Quốc đồng nghĩa với các radar thụ động có thể theo dõi tất cả các loại máy bay thông qua sóng vô tuyến tầm thấp mà phi công không hay biết là họ đang bị theo dõi. Điều này khác với các radar thông thường, vốn phát đi tín hiệu ở tần số cao.
Điều đó đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc có thể theo dõi mọi máy bay thông qua tín hiệu từ các nguồn điện như máy phát tín hiệu được sử dụng cho truyền hình, sóng phát thanh và điện thoại di động.
Ngoài radar thụ động, radar dẫn đường và trinh sát trên không thông thường JY-27A của Trung Quốc cũng được cho là một radar giám sát trên không tầm xa, có khả năng phát hiện tên lửa dẫn đường và máy bay tàng hình.
Theo Huanqiu, Trung Quốc đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ chống tàng hình là nhờ Mỹ, vốn đã gây áp lực lên quân đội Trung Quốc sau khi các máy bay tàng hình B-2 của Mỹ ném bom sứ quán Trung Quốc tại in Belgrade trong chiến dịch ném bom Yugoslavia của NATO năm 1999. Mỹ sau đó đã triển khai bổ sung các máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-22 tới căn cứ hải quân ở Guam, buộc Trung Quốc phải đối phó với mối đe dọa.
Quyết tâm của Trung Quốc càng được củng cố sau khi Mỹ thành công trong việc ngăn chặn hãng chế tạo radar của Cộng hòa Czech ERA bán 10 thiết bị định vị vô tuyến thụ động cho Bắc Kinh vào năm 2004.
Thỏa thuận trị giá 55,7 triệu USD được cho là đã được giới chức Czech phê chuẩn nhưng bị hủy vào phú chót, sau khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell gửi thư phản đối tới người đồng cấp Czech Cyril Svoboda.
An BìnhTheo Want China Times

Máy bay Hải quân VN bắt đầu hiện diện trên biển

 Máy bay Hải quân bắt đầu hiện diện trên biển miền Bắc


Từ quý 4 năm 2014, các máy bay Hải quân Việt Nam sẽ luân phiên hoạt động trên bầu trời miền Bắc, kể cả trực thăng săn ngầm.

Sau một thời gian chuẩn bị, vừa qua lực lượng Không quân Hải quân gồm Trực thăng EC-225 số hiệu VNT 769 và Thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 đã cất cánh từ Sân bay quân sự Kiến An, Hải Phòng bay đến các vùng biển, đảo, các đơn vị Hải quân ở Hải Phòng, Quảng Ninh, mở ra thời kỳ mới về sự hiện diện của lực lượng Không quân Hải quân ở các vùng biển, đảo, bầu trời miền Bắc Tổ quốc. 
Vượt qua vạn sự khởi đầu nan
Để những chiếc máy bay mang số hiệu của lực lượng Không quân Hải quân xuất hiện trên bầu trời miền Bắc thu hút được sự quan tâm đặc biệt của quân dân miền Bắc là một câu chuyện dài từ sự trăn trở, mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ hải quân đến sự chỉ đạo quyết liệt của thủ trưởng Bộ Tư lệnh; sự quyết tâm cao của cơ quan Quân chủng, trực tiếp là Phòng Không quân Hải quân, Phi đội EC-225 và DHC-6, Lữ đoàn 954. Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân cho biết: Để các máy bay hải quân bay trên bầu trời miền Bắc, chúng ta phải giải quyết một loạt “bài toán” khó, đó là hiệp đồng với các đơn vị kiểm soát không lưu như Hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân; phối hợp với các sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng, Kiến An để hoạt động; hiệp đồng với các quân khu có bầu trời máy bay đi qua và hạ cánh; phối hợp với các đơn vị để xác định vị trí hạ cánh, làm sạch mặt nước (đối với thủy phi cơ DHC-6)… Đặc biệt là lần đầu tiên bay chuyển sân có chiều dài bay xa, chưa quen đường bay mới, vị trí hạ cánh ở Sở chỉ huy Quân chủng, Đoàn 22 Hạ Long có những khó khăn riêng, tuy nhiên với quyết tâm cao của toàn lực lượng, chúng ta đã tổ chức để 2 loại máy bay mới, hiện đại của hải quân bay dọc, ngang biển, đảo miền Bắc, mở ra thời kỳ mới về một lực lượng đặc biệt của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 nạp điện khởi động trước khi cất cánh. 
Ngay sau khi 2 máy bay có mặt ở Sân bay quân sự Kiến An, Quân chủng đã tổ chức cho gần 400 cán bộ, chiến sĩ đến tham quan, giao lưu với 2 Phi đội. Niềm vui, niềm tự hào thể hiện rõ trên gương mặt các đại biểu đến tham quan, giao lưu. Ai cũng háo hức được lên máy bay, được chụp ảnh lưu niệm để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Đại úy Hoàng Văn Thuyên, Phi đội trưởng Phi đội EC-225, đồng thời là MC của Phi đội khi đón đoàn tham quan chia sẻ: Chúng tôi tự hào lắm anh ạ! Không ngờ thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng quan tâm, dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với lực lượng Không quân Hải quân như thế.
Đặc biệt, dù đang bận rất nhiều công việc, nhưng Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân cùng thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các cơ quan Quân chủng đã trực tiếp đến thăm, động viên các phi công và kỹ thuật viên của 2 phi đội tại sân bay Kiến An và trực tiếp bay cùng máy bay EC-225 và hạ cánh tại Sở chỉ huy Quân chủng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân đã biểu dương, khen ngợi lực lượng Không quân Hải quân, trực tiếp là 2 Phi đội đã đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao, tìm ra nhiều giải pháp về huấn luyện, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại; đồng thời cũng lưu ý cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật Không quân Hải quân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, thực hiện nền nếp chính quy, kỷ luật hàng không, huấn luyện sát yêu cầu, nhiệm vụ, sẵn sàng bay trong mọi tình huống, xứng đáng là binh chủng chiến đấu quan trọng trên hướng biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
Dọc ngang biển, trời miền Bắc
Đối với trực thăng EC-225, mặc dù lần đầu bay khu vực miền Bắc, đường bay mới, các địa điểm hạ cánh như Sở chỉ huy Quân chủng, Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ; Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long, Bãi Cháy Quảng Ninh… nhưng Cơ trưởng, Phi đội trưởng, Đại úy Hoàng Văn Thuyên và các đồng đội đều thực hiện các chuyến bay đúng kế hoạch, bảo đảm thời gian đã định, an toàn về mọi mặt. Với độ cao trung bình 300-500m, tốc độ 180-250km/giờ, máy bay EC-225 đã cất, hạ cánh 10 lần ở Sở chỉ huy Quân chủng, Lữ đoàn 147; 6 lần ở Đoàn 22. Khó nhất là hạ cánh ở Sở chỉ huy Quân chủng, bởi ở khu vực này có nhiều nhà cao tầng, địa hình phức tạp, hôm hạ cánh gió khá lớn nhưng các kíp bay đều thực hiện thành công. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân và người dân thành phố Hải Phòng nô nức đến xem EC-225 cất, hạ cánh, nhiều người xin được bay cùng.
Đối với thủy phi cơ DHC-6, dù là lần đầu bay ở khu vực miền Bắc, các vị trí hạ cánh trên mặt nước đều khá phức tạp như khu vực biển Tuần Châu, Quảng Ninh; sông Giá, Hải Phòng, song do phối hợp tốt với Lữ đoàn 170, Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân làm sạch mặt nước nên kíp bay do Thiếu tá Vương Đăng Nam, Phi đội trưởng làm cơ trưởng đã thực hiện thành công. Với tốc độ trung bình 200 km/giờ, độ cao từ 4.000 m xuống thấp dần 300 m, 200 m, thủy phi cơ DHC- 6 đã thực hiện 12 lần cất, hạ cánh trên mặt nước tại Tuần Châu; 8 lần tại Sông Giá bảo đảm các yêu cầu đề ra. Tại vị trí chỉ huy bay ở Tuần Châu, Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Ân, Phó tham mưu trưởng Hải quân cùng chỉ huy Phi đội phối hợp tốt với các đơn vị làm sạch mặt biển, chỉ huy bay bảo đảm các chuyến bay diễn ra đúng kế hoạch, an toàn về mọi mặt.
Đại tá Vũ Thanh Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 170, đơn vị phối hợp làm sạch ở khu vực biển Tuần Châu khẳng định: Sự xuất hiện của lực lượng Không quân Hải quân ở bầu trời miền Bắc sẽ nâng cao khả năng hiệp đồng huấn luyện giữa tàu mặt nước với lực lượng không quân vốn có lợi thế trinh sát, tuần thám biển, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ đường không...
Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân khẳng định, từ quý 4 này, các máy bay Hải quân sẽ luân phiên hoạt động trên bầu trời miền Bắc, kể cả Ka-28 săn ngầm. Khi đủ điều kiện, chúng ta sẽ kết hợp quốc phòng với kinh tế, khai thác lợi thế các máy bay hiện đại để phục vụ thương mại, du lịch biển, tạo nguồn thu để tiếp tục đầu tư, mua sắm thêm phương tiện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đồng chí Phó tư lệnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rút kinh nghiệm kịp thời, làm tốt và tỉ mỉ hơn kế hoạch bay, công tác bảo đảm và phối hợp hiệp đồng, tuyên truyền, thi đua khen thưởng trong đợt bay đầu tiên này để tổ chức các đợt bay lần sau tốt hơn. Nhân dịp này, Quân chủng đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ đợt bay này.
Theo QĐND

Indonesia mua radar Trung Quốc canh biển

Indonesia muốn mua radar Trung Quốc để canh biển


(Kiến Thức) - Dù chưa biết hiệu quả của hệ thống radar trinh sát hàng hải OTH SLR-66 đến đâu, nhưng Indonesia vẫn khao khát muốn sở hữu mẫu radar này.
 
Theo tờ Antara News đưa tin hôm 23/9, Indonesia đang đàm phán với Trung Quốc nhằm mua hệ thống radar trinh sát hàng hải OTH SLR-66. Được biết Indonesia muốn mua hệ thống radar trên để tăng cường khả năng giám sát các tuyến đường biển thuộc các quần đảo của nước này.
Bộ trưởng quốc phòng Indonesia urnomo Yusgiantoro trong một cuộc phỏng vấn với Antara hôm 23/9 tại Bắc Kinh cho biết rằng, hiện tại cả hai bên chỉ mới dừng lại ở giai đoạn tham khảo tài chính cho hợp đồng mua sắm hệ thống radar trên. Tuy nhiên ông này còn nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới cả Indonesia và Trung Quốc sẽ xem xét nghiêm túc mọi thủ tục liên quan để có thể triển khai hợp đồng này sớm nhất.
Ông Purnomo cho biết, Indonesia cũng đang đánh giá cân nhắc các thông số kỹ thuật của OTH SLR-66, để có thể chắc chắn mẫu radar trinh sát hàng hải này phù hợp với địa hình của các quần đảo của Indonesia. Cũng như khả năng tương thích của OTH SLR-66 với các tàu tuần tra ven bờ của nước này.
 Hệ thống radar giám sát biển SLR-66.
Hiện tại các tuyến đường biển của Indonesia đều được giám sát bằng lực lượng tàu tuần tra và máy bay tuần tra thuộc Hải quân Indonesia. Tất nhiên lực lượng này không thể đảm nhiệm hết hoàn toàn vai trò bảo vệ lãnh hải rộng lớn của Indonesia và hệ thống radar trinh sát hàng hải OTH SLR-66 là một giải pháp thích hợp, ông Purnomo phân tích.
Vì vậy, trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc, Bộ trưởng Purnomo cũng đã đến thăm văn phòng trưng bày mô hình và thiết bị xuất khẩu thuộc Tập đoàn xuất nhập khẩu quốc gia Trung Quốc(CEIEC) - đối tác chính trong hợp đồng mua sắm các hệ thống radar OTH SLR-66 cho Indonesia.
CEIEC cũng là công ty chuyên sản xuất các thiết bị trinh sát đường không hoặc thiết bị bay không người lái và radar trinh sát dưới nước cho Quân đội Trung Quốc.
Đại diện của phía CEIEC cũng giới thiệu khả năng hoạt động của OTH SLR-66 cho ông Purnomo. Theo đó hệ thống radar trên có thể hoạt động ở nhiều chế độ khác nhau, với chế độ hoạt động tích cực OTH SLR-66 có phạm vi hoạt động tầm 280km và ở chế độ thụ động là khoảng 500km. Radar OTH SLR-66 có thể được triển khai cố định hoặc di động và nó có thể được đặt dọc theo các tuyến hàng hải chiến lược của Indonesia.
Trà Khánh

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

IS lên kế hoạch tấn công Paris và Mỹ

"IS lên kế hoạch tấn công Paris và Mỹ"

Iraq cho biết các phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) đang lên kế hoạch tấn công khủng bố vào các hệ thống tàu điện ngầm của Mỹ và Paris, Pháp.  

IS, Nhà nước Hồi giáo, Iraq
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Ảnh: Reuters
RT dẫn lời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tiết lộ âm mưu này, theo nguồn tin mà ông này cho là ‘đáng tin cậy’.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ lại bác bỏ thông tin này, nói rằng không có chứng cứ cho thấy các âm mưu khủng bố.
Trong cuộc gặp với báo chí bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, ông Abadi cho biết: “Hôm nay, trong khi tôi đang ở đây, tôi nhận được báo cáo chính xác từ Baghdad – nơi vừa bắt giữ một số phần tử, và tại Iraq hiện có các mạng lưới đang lên kế hoạch tấn công”.
“Họ dự định tấn công các tàu điện ngầm ở Paris và Mỹ. Từ các chi tiết mà tôi nhận được thì thông tin này có vẻ đáng tin” – ông Abadi nói.
Thủ tướng Iraq nói thêm là hiện chưa rõ các cuộc tấn công này có sắp tiến hành hay không, và tin này thu được từ các phiến quân IS bị bắt tại Iraq.
BBC cũng dẫn lời một quan chức khác của Iraq tại UN nói rằng các tay súng IS bị bắt đều khai với cơ quan tình báo nước này rằng những phiến quân mới tuyển dụng tại Pháp và Mỹ có ‘kế hoạch sắp tới’ để tấn công tàu điện tại Paris, sau đó sẽ là Mỹ, nhưng không nói rõ thành phố nào.
Reuters cho biết thông tin này Baghdad đã chuyển thông tin về các mối đe dọa cho ‘các nhà chức trách về an ninh của các đối tác” , còn lực lượng an ninh vẫn đang thẩm tra tính xác thực của thông tin này.
Nhưng chỉ ngay sau khi thông tin này được đưa ra, Mỹ nhanh chóng bác bỏ và cho rằng không có bằng chứng nào về mối đe dọa hiện tại nhằm vào Pháp cũng như Mỹ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden nói rằng chính phủ Mỹ không có thông tin gì liên quan tới tuyên bố của Iraq.
“Chúng tôi chưa xác nhận được một âm mưu nào như vậy, và sẽ xem xét mọi thông tin mà đối tác Iraq gửi sang trước khi có quyết định nào thêm. Chúng tôi xem xét mọi mối đe dọa một cách nghiêm túc, và luôn làm mọi cách để xác thực thông tin nhận được từ các đối tác” – bà Hayden nói.
Sở Cảnh sát New York cho biết họ đã ‘biết’ về cảnh báo trên, và đang đánh giá mối đe dọa.
Lê Thu

Hong Kong bất ổn, Bắc Kinh "triệu tập" các tỷ phú

Hong Kong bất ổn, Bắc Kinh "triệu tập" các tỷ phú

Khi căng thẳng chính trị tại trung tâm tài chính nam Trung Quốc lên đến đỉnh điểm trong vòng nhiều năm, lãnh đạo nước này đã triệu tập hàng chục tỷ phú Hongkong.

Hong Kong, bất ổn, Bắc Kinh, triệu tập,  tỷ phú
Theo Reuters, chuyến đi hiếm hoi tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của đoàn lãnh đạo kinh doanh Hong Kong diễn ra hồi đầu tuần này.
"Tôi đã thấy hầu hết những người bạn cũ của tôi", Chủ tịch Tập Cận Bình mỉm cười nói khi ngồi xuống họp với 70 người giàu có và quyền lực nhất Hong Kong.
Ngồi kế bên ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân là doanh nhân tỷ phú Li Ka-shing, người giàu nhất châu Á - nhân vật được ông Tập bắt tay hai lần. Ngồi giữa họ là ông Đổng Kiến Hoa, con trai của ông trùm vận tải đường biển, người mà Trung Quốc bổ nhiệm làm lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong sau khi nhận quyền kiểm soát khu vực này từ Anh vào năm 1997. Một số tỷ phú Hong Kong khác trong các lĩnh vực bất động sản, truyền thông, ngân hàng, tài chính, sòng bạc, cũng có mặt.
Bắc Kinh đã từ lâu "quý mến" các ông trùm này, những người tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người, vì ảnh hưởng của họ đối với Hong Kong.
Cuộc gặp diễn ra vào đúng thời điểm một cuộc biểu tình bùng phát ở Hong Kong, theo đó, hàng nghìn sinh viên biểu tình phản đối Bắc Kinh từ chối cho người dân Hong Kong có tiếng nói lớn hơn trong việc tự bầu chọn lãnh đạo. Ngoài ra, nó cũng diễn ra trước thềm một cuộc tuần hành của các nhà hoạt động, nhằm phong tỏa trung tâm tài chính này vào đầu tuần tới.
Cuộc gặp giữa các tỷ phú và Chủ tịch Trung Quốc hôm 22/9 là cuộc gặp đầu tiên kiểu này tại Bắc Kinh từ 2003. Vào 2003, một phái đoàn tương tự cũng tới Bắc Kinh sau khi hơn nửa triệu người xuống đường biểu tình một dự luật.
Hầu hết các nhà tài phiệt Hong Kong là chủ doanh nghiệp tư nhân, tự lập công ty của mình.
  • Hoài Linh

Mỹ tiêu tốn 7,5 triệu USD/ngày không kích IS

Mỹ tiêu tốn 7,5 triệu USD/ngày không kích nhà nước Hồi giáo


(Kiến Thức) - Mỹ bỏ ra 87 USD mỗi giây, hơn 7,5 triệu USD/ngày cho các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. 
 
Thông tin này được kênh truyền hình Al Arabiya đăng tải ngày 25/9. Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào IS đang tiêu tốn của nước này 312.000 USD mỗi giờ và chi phí này dự kiến sẽ tăng lên nếu Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn hơn.
Ảnh minh họa. 
Trong chiến dịch không kích hôm 23/9, Mỹ đã phóng 47 tên lửa Tomahawk với trị giá khoảng 1,59 triệu USD mỗi chiếc từ tàu khu trục USS Arleigh Burke và USS Philippine Sea hoạt động tại Biển Đỏ và Vịnh Bắc Arab.
Bên cạnh đó, Mỹ còn sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor với chi phí bảo trì ước tính ít nhất là 67.000 USD mỗi giờ.
Cũng trong ngày 25/9, Mỹ và các nước đồng minh như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã không kích vào 12 nhà máy lọc dầu ở miền đông Syria. Những nhà máy lọc dầu này đang nằm trong sự kiểm soát của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Thông tin này được phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby đưa ra ngày 25/9.
Theo ông John Kirby, lực lượng không quân Mỹ tấn công 12 nhà máy lọc dầu của IS ở các tỉnh của Syria như Al-Mayadin, Al-Hasakah và Abu Kamal.
Hiệu quả của các cuộc không kích vẫn đang trong quá trình đánh giá nhưng ông Kirby tin rằng, Mỹ đã thành công trong các cuộc không kích của mình. Ông này cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc không kích vào IS ở Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/9 đưa ra chiến lược nhằm đánh bại nhóm IS bao gồm việc thành lập một liên minh quốc tế chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan này.
Nhóm IS (tiền thân là nhóm ISIL) đã chiến đấu chống lại chính phủ Syria từ năm 2012. Tháng 6/2014, nhóm IS mở rộng vùng hoạt động sang cả Iraq.
Mỗi ngày IS kiếm được 2 triệu USD từ hoạt động bán dầu bất hợp pháp. Nhóm khủng bố này còn sản xuất khoảng 300-500 thùng xăng dầu hàng ngày.

Nhà tiên tri Vanga: Thế giới 'tồn tại' nếu Syria không 'bị sụp đổ'

Nhà tiên tri Vanga: Thế giới 'tồn tại' nếu Syria không 'bị sụp đổ'

Trước khi qua đời vào năm 1996, nhà tiên tri nổi tiếng thế giới Baba Vanga đã dự báo rằng: Thế giới vẫn sẽ tiếp tục "tồn tại" nếu Syria không "bị sụp đổ". Hôm nay, hậu thế mới bắt đầu hiểu những lời này của bà.

Vào năm 1994, trong một buổi phỏng vấn khi được hỏi về "ngày sụp đổ của thế giới", nhà tiên tri đã khẳng định, Syria là chìa khóa của vấn đề này. Bà nói: "Mọi người đều hỏi tôi khi nào ngày tận thế sẽ xảy ra? Tôi đã trả lời: Sẽ không sớm xảy ra nếu Syria vẫn chưa "sụp đổ". Bà Vanga còn nói rằng: "Và một lần nữa, cuộc chiến tranh cho dù sẽ bắt đầu ở phía Đông nhưng sẽ dẫn tới cuộc chiến thế giới lần thứ ba. Chiến tranh xảy ra ở phía Đông, nhưng sự phá hủy của nó lại xảy ra tại phương Tây do vũ khí hóa học gây ra. Và điều đó khiến châu Âu trở nên "trống rỗng".
Khi đưa ra câu hỏi, vấn đề gì sẽ xảy ra sau khi có chiến tranh thế giới thứ III? - Vanga trả lời: Quỷ dữ sẽ thoát ra khỏi mặt đất và tiêu diệt tất cả mọi thứ. Chỉ còn nước Nga tồn tại.
Như vậy, điều mà bà Vanga dự báo hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO)- phương Tây không phải là người chiến thắng trong cuộc chiến tranh Syria mà là người khác. Và điều quan trọng nhất là, tàn phá Syria sẽ dẫn tới sự hỗn loạn không phải ở Nga mà ở châu Âu.
Nhà tiên tri Vanga: Thế giới 'tồn tại' nếu Syria không 'bị sụp đổ' - Ảnh 1
Nhà tiên tri người Bulgaria Vanga.
Theo giới phân tích, Washington đã tạo ra một kịch bản "tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học" để lấy cớ mở một cuộc tấn công vào Syria. Sự khiêu khích này rất giống với những gì Hitler đã từng làm trước khi đem quân xâm lược Ba Lan. Kết quả ngoạn mục này đã dẫn tới việc quân đội Phát xít vượt qua biên giới Nga như "đi vào nhà trống" và mở màn cho Thế chiến II.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào năm 1939, bộ máy tuyên truyền quốc tế đã từng đề cử Hitler vào danh sách những người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. May thay, tấm huy chương vàng trên chưa kịp trao thì Hitler đã lộ nguyên hình là con quỷ khát máu và bắt đầu nhấn chìm nhân loại trong một cuộc "tắm máu" ghê rợn nhất từ trước tới nay trong lịch sử loài người.
Còn nay, Tổng thống Mỹ Obama từ một cựu luật sư khiêm tốn, bằng tài năng đã trở thành Tổng thống của một cường quốc hùng mạnh nhất hiện nay. Tổng thống Obama may mắn hơn Hitler vì đã trở thành người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2009. Như vậy, nếu chiến tranh ở Syria nổ ra, người dân của quốc gia độc lập và có chủ quyền này phải chiến đấu với người từng nhận giải Nobel Hòa bình.
Theo các chuyên gia phân tích, trong quá khứ không xa, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị nhận định là xương sống của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và Mỹ cùng đồng minh của mình đã thiệt hại rất nhiều người và tiền bạc ở chiến trường Afghanistan nhằm "nạo sạch ung nhọt này". Giờ đây, cũng là al-Qaeda nhưng lại có sứ mệnh khác- tiên phong trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống hợp hiến của Syria, Assad, cùng với sự giúp đỡ hào phóng của Mỹ và phương Tây. Sự thay đổi trong cách dùng người này của NATO đã khiến cho Omran al-Zoubi, Bộ trưởng Thông tin Syria "đúc rút ra các kết quả" như sau: Nếu cuộc chiến chống khủng bố không thành công thì cuộc tấn công nhắm vào Syria không phải là một cuộc dạo chơi trên sa mạc và nếu "cố đấm ăn xôi"- tấn công Damascu - toàn bộ Trung Đông sẽ chìm trong biển lửa.
Trong suốt thời gian qua, Nga đã làm mọi việc cần thiết để "câu giờ" và "thức tỉnh ý thức của nhân loại" được xem như là cố gắng tận cùng "vào một đêm trước khi thảm họa xung đột của thế giới xảy ra" bằng cách hỗ trợ Syria càng nhiều càng tốt và "lật tẩy" mọi mưu mô thủ đoạn muốn chớp cơ hội "bóp cò súng" tại Trung Đông.
Vì sao Moskva lại "lao tâm khổ tứ như vậy"? Xét về thực tiễn, các chuyên gia quốc tế cho rằng: Mỹ hy vọng rằng, sự hỗn loạn ở Trung Đông sẽ lan tỏa sang Nga. Và vì Nga là "thành trì" cân bằng trật tự thế giới nên "bức tường cuối cùng" này sụp đổ thì thế giới sẽ chỉ có "một cực".
Triển vọng thuận lợi cho Nga trong cuộc chiến tại Syria do bà Vanga dự báo không phải là liều thuốc an thần cho Moskva. "Trời chỉ giúp ai khi người đó biết tự giúp mình và giúp người khác". Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực và chớp nhoáng vào Liên Xô, Hitler thậm chí không bận tâm đến các "kịch bản khiêu khích" sau khi đã bày trò và "nuốt sống được Ba Lan". Moskva có lẽ đang phải chuẩn bị để đối phó với một kịch bản như vậy vì họ biết bài học đắt giá mà cha ông để lại: Quên quá khứ nghĩa là bắn vào tương lai
Minh Nguyễn (CAND Online)

Lời tiên tri đáng sợ về Thế chiến III

Lời tiên tri đáng sợ về Thế chiến III và năm 2014

Mặc dù chiến tranh thế giới đã lùi xa gần 70 năm, nhân loại vẫn chưa thể lơ là cảnh giác với một trận thế chiến thứ 3 khi mà các nhà tiên tri nổi tiếng nhất đều đưa ra tiên đoán về một trận chiến thứ 3 rất khốc liệt.

Lời tiên tri cách đây 5 thế kỷ
Nostradamus – người sống ở thế kỷ 16 được coi là nhà tiên tri nổi tiếng nhất thế giới. Ông từng tiên đoán trúng phóc nhiều sự việc trong đó có cả việc biết trước ngày chết của mình là 2/7/1566 và việc tàu con thoi của Mỹ bị nổ tung sau thời ông sống mấy thế kỷ.
Theo cuốn Thế giới kỳ bí của Nxb Thanh Hóa: “Ông sinh ra và lớn lên ở xứ sở rượu vang và từ nhỏ đã bộc lộ tài năng trời phú nhất là ở bộ môn toán học, thiên văn và chiêm tinh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành một bác sĩ. Nhưng một trận dịch hạch đã cướp đi mạng sống của tất cả thành viên gia đình ông.
Chán nản, Nostradamus rời bỏ quê hương đi lang thang khắp nước Pháp và Italia. Mang tâm trạng u uất, ông đã đến với niềm đam mê mới trong ngành khoa học huyền bí.
Năm 1550, ông xuất bản cuốn sách tiên tri đầu tiên của mình. Sau đó ông tiếp tục sự nghiệp với hơn 1000 bài thơ tứ tuyệt mà sau này người ta gom lại thành một tập “Sấm ký”.
Lời tiên tri đáng sợ về Thế chiến III và năm 2014 - Ảnh 1

Nhà tiên tri Nostradamus.

Tuy nhiên, các bài thơ này được viết bằng nhiều thứ tiếng như: Hy Lạp, Latin, Do Thái và Ả Rập để tránh con mắt xăm soi của chính quyền đương thời. Nhiều lời tiên tri của Nostradamus đã được thực tế chứng minh là đúng. Ví dụ tiên tri cái chết của vua Henry đệ nhị và việc Napoleon bại trận ở Nga.
Tương truyền, một quý tộc đương thời muốn thử tài ông bằng cách chỉ cho ông hai con heo và hỏi tương lai của chúng. Nostradamus suy nghĩ một hồi lâu rồi nói: “Con heo lông xám trắng sẽ bị chó sói ăn còn con heo lông đen thì ngài và quan khách sẽ ăn thịt nó”.
Để làm sai lời đoán, nhà quý tộc ấy đã sai gia nhân giết heo trắng đãi khách. Nhưng sau khi đã giết heo, đầu bếp mải lo nấu các món khác, bất ngờ có một con chó sói lên tha con heo đã làm thịt. Người nhà la lên đánh đuổi sói nhưng nó đã kéo chạy mất buộc lòng phải làm luôn con heo lông đen”.
Một điều đặc biệt trong di sản tiên tri của Nostradamus là lời tiên đoán về thế chiến thứ 3 mặc dù không nói cụ thể thời gian. Ông nói rằng thế giới sẽ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 kéo dài 30 năm. Lúc đó Pháp là quốc gia bị thiệt hại nặng nề. Trước đó là sự xích lại gần nhau của hai siêu cường Nga – Mỹ. Sau cuộc chiến tàn khốc đó, những ai còn sống sót sẽ được sống một thời gian dài thái bình an lạc. Nhà tiên tri này cũng dự đoán ngày tận thế là năm 3979. Trước đó, sa mạc Gobi sẽ biến thành biển.
Năm 2010 bắt đầu Thế chiến III
Sau Nostradamus 4 thế kỷ, bà Vanga người Bungary là một nhà tiên tri nổi tiếng thế giới. Bà sinh ngày 31/1/1911, mất ngày 11/8/1996. Suốt cuộc đời bà sống ẩn dật ở vùng làng quê hẻo lánh Kozhuth thuộc Petrich, Bungary.
Khi 12 tuổi, bà Vanga bị mất đi thị lực sau khi bị cuốn bởi một cơn lốc lớn. Người ta tìm thấy bà trong tình trạng chỉ còn thoi thóp hơi thở nằm vùi lấp giữa bụi và đá, hai hốc mắt chứa đầy cát. Vanga làm bạn với bóng tối từ đó.
Nhưng cũng từ đó bà bắt đầu phát triển năng lực tiên tri. Lần đầu tiên bà tiên tri là năm bà 16 tuổi để tìm lại bầy cừu bị mất trộm bằng cách mô tả chính xác về cái sân nơi bọn trộm cất giấu đàn gia súc.
Tuy nhiên, khả năng tiên tri của Vanga chỉ thực sự đạt đến độ chín năm 30 tuổi. Nhiều người tìm đến bà để xin những lời tiên tri. Trong đó có cả trùm phát xít Adolf Hitler. Người ta nói rằng Hitler từng ghé thăm nhà Vanga và rời đi với gương mặt nặng trĩu.
Không phải tất cả tiên tri của bà đều đúng hết. Nhưng có nhiều lời tiên tri của bà đã thành sự thật. Đó là tiên tri tàu ngầm Krusk chìm, vụ tháp đôi ở Mỹ bị tấn công khủng bố và sự hồi sinh của nước Nga.
Lời tiên tri đáng sợ về Thế chiến III và năm 2014 - Ảnh 2

Nhà tiên tri Vanga.

Vào năm 1980, Vanga đã tiên tri rằng: "Cuối thế kỷ này, vào tháng 8/1999 hoặc 2000, Kursk sẽ chìm dưới nước, và cả thế giới sẽ than khóc vì nó". Ngày đó, không một ai quan tâm đến lời tiên tri buồn cười này. Nhưng rồi người ta mới biết rằng Kursk bà nói không phải là về thành phố mang tên Kursk. Con tàu ngầm nguyên tử của Nga được đặt tên theo thành phố này đã gặp sự cố khủng khiếp và mãi mãi chìm dưới đáy đại dương. Cả thế giới đều luyến tiếc và rơi lệ cho những nạn nhân mắc kẹt trong tai nạn này.
Năm 1989, bà Vanga tiên đoán về sự kiện 11/9 khủng bố tấn công nước Mỹ: “Đáng sợ! Đáng sợ! Những người anh em sinh đôi của Mỹ sẽ ngã xuống sau khi bị những con chim sắt tấn công. Những con sói sẽ gầm rú trong lùm cây và máu của những người vô tội sẽ chảy”. Đến sự kiện 11/9 khi tòa tháp đôi bị tấn công thì người ta mới kinh ngạc với lời tiên đoán của bà.
Về chủ đề Thế chiến thứ 3, nhà tiên tri Vanga từng tiên tri năm 2010 sẽ nổ ra chiến tranh thế giới thứ 3. Bà nói rằng: Năm 2010 sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ 3. Cuộc chiến tranh này sẽ bắt đầu vào tháng 11/2010 và kết thúc vào tháng 10/2014. Ban đầu, cuộc chiến tranh diễn ra bình thường, tiếp đó sẽ xuất hiện hàng loạt vũ khí hạt nhân và cuối cùng là vũ khí hóa học. Tuy nhiên thực tế đã cho kết luận lời tiên tri này không chính xác.
Mặc dù các vụ xung đột vẫn diễn ra trên khắp thế giới nhưng xu hướng hòa bình vẫn là chủ đạo trong quan hệ quốc tế hiện tại.
Ngoài ra, bà Vanga cũng đưa ra lời tiên đoán cho năm 2014 là năm mà phần lớn loài người sẽ mắc chứng bệnh mưng mủi, ung thư da và các loại bệnh khác do hậu quả của chiến tranh hóa học. Có lẽ xuất phát từ dự đoán rằng năm 2010 là chiến tranh hóa học cho nên đã đưa đến dự đoán năm 2014 nhân loại bị các bệnh tật do hậu quả của chiến tranh hóa học.
Cho đến nay nhân loại đã trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới khiến hàng chục triệu người chết và để lại hậu quả lâu dài về nhiều mặt. Mặc dù hiện tại, xu hướng hòa bình là chủ đạo trong quan hệ quốc tế, nhân loại vẫn cần cảnh giác với chiến tranh bởi lẽ khắp nơi, xung đột vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ.
Trần Vũ

Ấn Độ muốn có tàu sân bay để vươn sang Thái Bình Dương

Ấn Độ muốn có tàu sân bay để vươn sang Thái Bình Dương?

Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ đóng 3 tàu sân bay để không chỉ hoạt động giới hạn trong khu vực Ấn Độ Dương.

Hải quân Ấn Độ đang mơ có tàu sân bay hạt nhân. Về khả năng nước này sẽ sở hữu tàu sân bay hạt nhân thứ hai chế tạo nội địa thì các phóng viên đã nghe thông báo của Phó Đô đốc Atul Saxena Giám đốc Cục Thiết kế Hải quân. Tuy nhiên, quyết định dứt khoát còn chưa được thông qua. Tàu sân bay mới, mặc dù đã nhận tên gọi là Vishal, hiện vẫn còn nằm trên các bản vẽ thiết kế.
Bây giờ các chuyên viên đóng tàu của Ấn Độ đang lo chế tạo tàu sân bay đầu tiên của đất nước - INS Vikrant Cochin. Dự kiến là đứa con đầu lòng này ​​sẽ ra phục vụ vào cuối năm 2018. Và sẽ thay thế cho tàu sân bay INS Viraat do Anh đóng đã quá lỗi thời. Thời điểm hiện tại, soái hạm của Hải quân Ấn Độ là tàu sân bay được xây dựng ở Nga - INS Vikramaditya.
Ấn Độ muốn có tàu sân bay để vươn sang Thái Bình Dương? - Ảnh 1

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Ban lãnh đạo hải quân Ấn Độ dự kiến thành lập ba nhóm tàu sân bay - ở hướng phía đông và phía tây, và nhóm dự bị. Yêu cầu có hiện diện tàu sân bay hạt nhân trong trang bị của Hải quân chủ yếu phân định bởi những nhiệm vụ chiến lược đặt ra trước hạm đội, - như nhận xét của ông Konstantin Sivkov Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa chính trị Nga.
"Nếu xây dựng tàu sân bay với máy hạt nhân, thì điều đó cho thấy rằng con tàu như vậy sẽ hoạt động ở rất xa căn cứ của khu vực đại dương thế giới. Nếu New Delhi sửa soạn thi hành chính sách hải quân bên ngoài phạm vi Ấn Độ Dương - ở Thái Bình Dương hoặc là Đại Tây Dương – thì phải cần đến loại tàu như vậy. Còn nếu nhiệm vụ của hạm đội chỉ giới hạn ở vùng Ấn Độ Dương, thì tàu nguyên tử là thừa. Ngoài ra, cần nhớ rằng trong trường hợp bị hư hại trong chiến sự, những con tàu hạt nhân có thể là mối nguy hiểm to lớn đối với thủy thủ đoàn cũng như cho môi trường xung quanh”.
Trước khi quyết định chiếc tàu sân bay thứ ba của Ấn Độ sẽ có cấu tạo như thế nào - tuabin khí, động cơ diesel-điện hay là hạt nhân - các chuyên gia nước này đang chăm chú nghiên cứu kinh nghiệm của những quốc gia khác. Trước hết là Pháp và Anh. Hiện nay Hoa Kỳ có tàu nổi hạt nhân. Còn Pháp đã trang bị trạm hạt nhân cho tàu sân bay Charles de Gaulle. Thế nhưng Anh thì lại từ chối lắp đặt lò phản ứng hạt nhân trên tàu sân bay Queen Elizabeth-2, vì công việc này đòi hỏi tốn phí quá cao.
Giới chuyên viên quân sự khẳng định rằng các quốc gia hạt nhân thoạt đầu chế tạo máy hạt nhân dành cho hạm đội tàu ngầm, rồi sau đó là cho tàu nổi. Ấn Độ hiện giờ đang theo đuổi thực tế tương tự. Tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân mang tên Bhabha đã thiết kế và tạo lập lò phản ứng nước nhẹ cỡ nhỏ dành cho chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ INS Arihant. Hiện tại chiếc tàu ngầm này đang trong giai đoạn hoàn tất chu trình thử nghiệm trên biển.
Theo Tiếng nói nước Nga

Bắn tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc sẽ hứng đòn hạt nhân


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là nhận định của Robert Farley, Phó Giáo sư Trường ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, Đại học Kentucky (Mỹ) được đề cập trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest (trụ sở tại Washington).
Theo chuyên gia này, tên lửa đạn đạo chống hạm phải mất ít nhất 15 phút để vươn tới mục tiêu nên tàu sân bay có đủ thời gian để tránh cuộc tấn công đó trong những vùng biển rộng. Farley nói rằng tên lửa này đòi hỏi dẫn đường ở pha cuối nên nó cần kiểm tra lại quỹ đạo bay sau khi tái nhập khí quyển. Tên lửa cần được điều khiển từ xa hoặc cần có khả năng tự xác định tàu sân bay mục tiêu.
Phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào các tàu sân bay của mình, Hải quân Mỹ hiện đang làm việc cật lực để phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu.
Tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D.
Tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D.
“Sự phát triển của tên lửa DF-21D có thể đã góp phần vào quyết định của Hải quân Mỹ trong việc chú trọng vào các tàu chiến phòng không như Arleigh Burke Flight III với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo” Farley nói. Đồng thời, Hải quân Mỹ cũng đang tìm kiếm những cách thức phá hủy bệ phóng của tên lửa DF-21D bằng các tên lửa hành trình siêu thanh trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Farley tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo DF-21D có khả năng đánh chìm một tàu sân bay của Mỹ và làm chết 6.000 nhân viên Mỹ trên tàu. Cũng giống như bất kì tên lửa đạn đạo tầm trung nào khác, DF-21 có thể mang đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên Trung Quốc phải tính toán kĩ lưỡng về phản ứng của Washington trong vòng 15 phút kể từ khi phóng tên lửa đến khi nó chạm mục tiêu, bởi một động thái như vậy có thể dẫn tới một cấp độ leo thang mà bản thân Trung Quốc chưa từng nghĩ tới.
Trong những trường hợp cực kì cấp bách, theo Farley, có thể khiến Mỹ đi đến quyết định tiến hành một cuộc đáp trả toàn diện bằng hạt nhân. Khi không có được một khả năng tấn công hạt nhân hiệu quả thứ hai trước Mỹ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một tình hình bất ổn hơn nhiều. Tác giả kết luận rằng tên lửa DF-21 không thể ngăn chặn Hải quân Mỹ phá hủy các tàu chiến của Trung Quốc, mà chỉ làm thay đổi cách thức lực lượng của Mỹ thực hiện điều đó mà thôi.
(Theo Đại Lộ)

Giấc mộng Trung Hoa trên “con đường tơ lụa” mới


Nhưng ông Tập Cận Bình sẽ đi ngược lại những bước chân của nhà thám hiểm Marco Polo – Người đã khám phá ra một con đường thông thương nối phương Tây với Trung Á?
Giấc mộng Trung Hoa trên "con đường tơ lụa" mới?

Vẫn là cơn khát dầu…
Xưa kia, nhiều đoàn thương gia băng qua sa mạc Taklimakan trên con đường tơ lụa thường dừng lại nghỉ ngơi ở các ốc đảo. Đi xuyên qua sa mạc đầy cát lớn thứ 2 trên trái đất trong thời hiện đại vẫn để lại cho người ta một cảm giác rùng rợn vì bị tách biệt khỏi thế giới văn minh.
Ngày nay, dọc hai bên con đường sắp mở có rất nhiều mỏ dầu mà người ta có thể phóng dọc, hoặc đảo ngang tầm mắt sẽ nhìn thấy trên một vùng đất cát rộng mênh mông, giàn khoan dầu hoạt động không ngừng nghỉ, chuyển động lên xuống theo nhịp quay. Nhìn kỹ hơn sẽ thấy những vũng dầu đen chảy tràn trên cát. Dầu đặc quánh đến nỗi bạn có thể viết tên mình lên trên đó.
Trong một chuyến công du đến Trung Á trong năm, ông Tập Cận Bình đã đề nghị các quốc gia trong khu vực cùng chung tay xây dựng “Vành đai kinh tếCon đường tơ lụa” với nhiều đoạn nối giữa châu Á với châu Âu gồm cả đường sắt và hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt.
“Con đường tơ lụa mới – tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc và châu Âu.
“Con đường tơ lụa mới – tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc và châu Âu.
Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ tài chính và tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao, an ninh và hợp tác năng lượng với các nước: Turkmenistan, Kazakstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Tầm nhìn của ông Tập Cận Bình được nhắc lại tại Hội nghị G-20 ở Saint Peterburg và Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Bishkekik Kyrgyzstan vào năm ngoái.
“Con đường tơ lụa mới” này là tuyến đường bộ duy nhất – lớn nhất nối từ Trung Quốc đến Trung Á trên đường tiến vào châu Âu. Bằng cách làm như vậy, ông Tập Cận Bình hy vọng nhắm đến đích tăng cường phát triển kinh tế đồng thời làm nguội phong trào ly khai ở Tân Cương, bảo vệ tài nguyên môi trường với các nước láng giềng (?) và giảm phụ thuộc xuất, nhập khẩu hàng hóa dựa vào đường biển.
Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia nằm ven con đường Tơ lụa mới chiếm hơn 1 ngàn tỉ USD tức ¼ giao dịch ngoại thương của nước này. Hơn 10 năm qua, khối lượng thương mại thường niên giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Á tăng 19%. Năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 10 ngàn tỉ USD hàng hóa, đầu tư nước ngoài sẽ hơn 500 tỉ USD, số lượng du khách ra nước ngoài đi du lịch, nghỉ dưỡng sẽ lên đến 500 triệu người, các nước láng giềng và các nước dọc con đường tơ lụa mới sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Con đường tơ lụa mới dường như là một dấu hiệu thịnh vượng cho một số người, nhưng đối với một số người khác nó còn hơn một “lời nguyền”. “Dầu có thể là nguyên nhân cho mọi bất ổn ở Tân Cương. Trước khi có dầu, chúng tôi sống ở đây trong bình yên. Ngày nay cuộc sống đó đã bị đảo lộn”, anh Orkesh, một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ cho biết.
Theo một số báo cáo, Chính sách phát triển kinh tế của chính phủ Trung Quốc ở khu vực Tân Cương chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác năng lượng. Mặc dù có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, Tân Cương vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của nước này.
Tình trạng bất ổn chính trị tràn lan, các nhóm tôn giáo, dân tộc thiểu số ngày càng đối đầu quyết liệt với chính quyền Bắc Kinh. Công nhân người Hán đổ nhào đến Tân Cương như một phần “chính sách hòa hợp” dân tộc của Chính phủ Trung Quốc đã khiến những thành phần cực đoan người Duy Ngô Nhĩ quyết sống chết phản đối trong nhiều năm.
“Quả thật rất tham vọng nhưng người Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, ông Raffaello Pantucci, một nhà phân tích an ninh – chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc nhận xét. Thách thức trước mắt: Tạo ra sự phát triển kinh tế với ý định bình ổn khu vực Tân Cương đầy biến động.
“Thậm chí ngay cả khi các chiến lược mà Chính phủ Trung Quốc đang cố thực hiện, họ sẽ mất rất nhiều năm để ứng dụng vào thực tiễn. Điều này có nghĩa tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn kể từ khi người dân không nhìn thấy lợi ích trực tiếp, trong khi dòng người lao động nhập cư sẽ tiếp tục tăng lên”.
Người dân tộc thiểu số cảm thấy bị phân biệt đối xử trong thị trường lao động và hướng nghiệp. Nhiều người dân, gồm cả người Hán và người Duy Ngô Nhĩ khẳng định: Có một công việc ổn định, lương cao trong các doanh nghiệp năng lượng do nhà nước quản lý là việc hầu như không thể đối với người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là phụ nữ.
Giáo sư John Lagerkvist, một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang giảng dạy tại Học viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cả “củ cà rốt cà chiếc gậy” đến nay cần phải sử dụng để ổn định Tân Cương. “Khó khăn ở chỗ là củ cà rốt cùng chiếc gậy đã bị biến đổi bởi những tác động mang tính địa phương mà giới lãnh đạo ở Bắc Kinh khó có thể kiểm sóat. Quả vậy, chiếc gậy thọc quá mạnh và củ cà rốt chưa đến được với cộng đồng dân chúng bản địa”, ông giải thích bằng ngôn từ đầy tính ẩn dụ.
Khai mạc hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, 2013.
Khai mạc hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, 2013.
“Con đường tơ lụa” thế kỷ XXI của Trung Quốc thật mong manh
Theo báo cáo của Công ty thông tin tình báo Trafort: Bạo lực sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới vì sự di cư của người dân tộc Hán, công nghiệp hóa cùng thị trường bất động sản tăng nhanh sẽ kích động căng thẳng sắc tộc. Một khó khăn khác có liên quan đến các nước láng giềng. Nỗ lực nhằm phát triển những tuyến đường bộ xuyên Trung Á có thể bị khoảng cách địa lý, địa hình, bất ổn chính trị và an ninh gây ảnh hưởng. Chẳng hạn, hành lang thương mại nối giữa Kashgar ở Tân Cương và Gwadar ở Tây Nam Pakistan “sẽ là mục tiêu dễ dàng cho các phần tử ly khai hoặc thánh chiến ngăn cản.
Ông Kerry Brown, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc – Đại học Sydney Australia cũng cảnh báo các quốc gia Trung Á rằng, nên đặt ra nghi vấn nghiêm túc về mặt đối ngoại đành cho Trung Quốc trong những năm tới, mặc dù các bên có mối quan hệ thương mại đang phát triển.
“Đối với Bắc Kinh, sự bất tin tưởng kéo dài thường được tìm thấy ở các đồng minh mới ở họ. Các quốc gia Trung Á đều đang bị các vấn đề quản lý nhà nước và tham nhũng bủa vây, nhiều quốc gia chưa thực hiện chu đáo quy định về luật và quyền con người. Do đó, tình trạng bất ổn trong tương lai đang đến gần” – ông Brown viết trong một bản phân tích về tình hình Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc – châu Âu sẽ dễ bị tổn thương nhất vì sự thay đổi trong quan hệ của Nga với các quốc gia dọc con đường tơ lụa mới. Điều này có thể khiến Trung Quốc bị “ảnh hưởng gián tiếp”.
Cũng giống như đại họa dịch hạch mang tên Thần chết mặc áo choàng đen (Black Death) lấy từ châu Âu sang Trung Quốc qua con đường tơ lụa cổ xưa, thì ngày hôm nay, những “phần tử bất mãn” cùng các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng. Cũng theo báo cáo từ Strafort, vì hàng loạt tuyến đường nối Tân Cương với khu vực Trung Á ngày càng tăng, nên rất có thể mức độ buôn lậu vũ khí và ma túy do tội phạm có tổ chức và “mạng lưới nổi loạn” cầm đầu ở Trung Quốc gia tăng”.
Cũng giống như việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, con đường tơ lụa mới sẽ là một bài toán cực khó khiến giới lãnh đạo Trung Quốc đau đầu. Nói chung, các tuyến đường thương mại mới có thể ẩn chứa cả sự sôi động lẫn nguy hiểm. “Con đường tơ lụa mới có thể sẽ là điểm đến của chủ nghĩa thực dụng hẹp hòi chứ không đẹp lãng mạn trong thập kỷ tới, và tham vọng phát triển kinh tế quá nhanh, quá xa sẽ là điều mà Trung Quốc cần phải thận trọng”, ông Brown cảnh báo chính quyền Bắc Kinh.
(Theo An Ninh Thế Giới)