Tờ
Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiết lộ hôm
25/5 là Bắc Kinh đang cho xây dựng một đảo nhân tạo tại đảo đá ngầm Gạc
Ma.
Hòn đảo nhân tạo sẽ do Viện Nghiên cứu và Thiết kế đóng tàu số 9
(NDRI), có trụ sở ở Thượng Hải triển khai. Vị trí hòn đảo nhân tạo dự
kiến ở quanh bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá
này bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Trung Quốc đang xây dựng căn cứ ở Gạc Ma.
Tờ báo cho biết Trung Quốc dự kiến xây dựng các cơ sở quân sự, bao
gồm một căn cứ không quân và cảng hải quân, trên hòn đảo nhân tạo. Hòn
đảo sẽ được sử dụng với mục đích chính là tăng khả năng phản ứng nhanh
cho các chiến hạm và lực lượng an ninh hàng hải của Trung Quốc nếu có sự
cố xảy ra trong khu vực.

Mô hình đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở Gạc Ma (Ảnh: gywb.cn)
Đảo đá ngầm Gạc Ma (tên anh ngữ là Johnson Reef) là một rạn san hô
thuộc cụm Sinh Tồn. Đá Gạc Ma nằm cách đảo đá Cô Lin hơn 3 km về phía
Đông Nam và đánh dấu điểm cuối ở phía Tây Nam của cụm đảo và bãi đá ngầm
Sinh Tồn. Đặc điểm của Gạc Ma là rạn đá màu nâu và được bao quanh bởi
vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển còn phần
lớn chìm dưới nước.
Hiện thực hóa “đường chín đoạn”
Đường chín đoạn (hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”) đuợc cho là của
Trịnh Tư Ước, nguyên là quan chức phụ trách Vụ Nội chính (chính phủ
Trung Hoa Dân Quốc) tiện tay vẽ vào.
Đường chín đoạn được hình thành dựa trên cơ sở “đường mười một đoạn”
của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Đường mười một đoạn là đường quốc giới
trên biển Đông do mười một đoạn liên tục tạo thành, xuất hiện công khai
lần đầu tiên vào tháng 2/1948 trong phụ đồ “Bản đồ vị trí các đảo Nam
Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Phương
vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành.
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương
vực trên biển Đông theo “đường mười một đoạn” của Trung Hoa Dân Quốc.
Đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành “đường chín
đoạn”.
Đường chín đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển
Đông là quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi
Macclesfield với khoảng 80% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ còn
lại khoảng 20% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei,
Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 4% (!)
Việc xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma, ý đồ của Bắc Kinh là tăng cường khả
năng kiểm soát thực tế đối với vùng biển phía nam của “đường chín
đoạn”. Trên cơ sở đó thực hiện ý đồ thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông,
biến nó thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Ngoài ra, đảo nhân tạo còn có vai trò như một trạm hậu cần tiếp tế
cho các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Đảo này có thể
cũng sẽ có nhà tập thể, tòa nhà hành chính, sân thể thao và nông trại.
Thực hiện chiến lược chống tiếp cận
Hiện nay, Trung Quốc được cho là đang hoàn thiện chiến lược chống
tiếp cận/phong tỏa khu vực (viết tắt là A2/AD), với mục đích nâng cao
năng lực phòng thủ – tấn công ở các vùng biển quanh mình, nhằm ngăn chặn
hạm đội Mỹ áp sát để tấn công Trung Quốc hoặc hỗ trợ đồng minh.
Qua đó, Trung Quốc có thể duy trì thế mạnh so với các nước khác trong
những vùng biển gần, và đẩy khu vực hoạt động của lực lượng Mỹ ra xa.
Để triển khai hiệu quả học thuyết của mình, Trung Quốc tập trung xây
dựng lực lượng phòng thủ ven bờ, tăng cường năng lực tàu ngầm, cải thiện
khả năng phòng không, chiến tranh điện tử và phát triển tên lửa chống
tàu, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo DF-21D.

Sơ đồ mô tả chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc.
Trung Quốc định vị các vành đai phòng thủ này bằng các chuỗi đảo
(first and second island chain). Chính vì vậy, tham vọng của Trung Quốc
không chỉ nhắm đến các đảo nằm trong tranh chấp mà còn vươn tầm ngắm đến
các đảo không hề có tranh chấp gì với Trung Quốc (nghĩa là hoàn toàn
thuộc chủ quyền của nước khác)!
Việc xây dựng căn cứ trên đảo đá Gạc Ma cũng nằm trong ý đồ thực hiện
chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc. Căn cứ này cho phép Trung
Quốc nâng cao khả năng đe dọa đối với hạm đội 7 của Mỹ. Nó cũng giúp
Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc kiểm soát eo biển Malaca, gián tiếp uy
hiếp Nhật Bản từ xa.
Việc xây căn cứ Gạc Ma thể hiện việc Trung Quốc muốn củng cố một lối
ra Thái Bình Dương, chống lại sự bao vây của Hoa Kỳ. Đồng thời cũng nhằm
ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông, khi có tình huống
xung đột xảy ra.
Khống chế Trường Sa, uy hiếp Cam Ranh
Trong âm mưu lâu dài của Trung Quốc, họ sẽ tìm cách chiếm quần đảo
Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm việc này Bắc Kinh có một số
vấn đề. Các đảo ở Trường Sa phần lớn có diện tích nhỏ, dễ chiếm nhưng
khó giữ. Giả định Trung Quốc chiếm được thì họ phải duy trì một lực
lượng lớn hải quân, không quân và các lực lượng mặt đất để bảo vệ. Đây
là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc. Nhưng
nếu họ xây được căn cứ lớn tại Gạc Ma thì cơ bản giải quyết được vấn đề
nêu trên.
Trong tình hình đó, Việt Nam sẽ gặp những bất lợi. Vì căn cứ hải –
không quân Trung Quốc đặt tại Gạc Ma, tức ở ngay tại Trường Sa. Trong
khi đó, khoảng cách từ căn cứ Cam Ranh ra Trường Sa khoảng từ 400 đến
600km. Ngoài ra, không quân Trung Quốc còn có thể chi viện cho Trường Sa
bằng căn cứ trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Nếu Việt – Nhật – Phi liên minh với nhau, không quân Nhật Bản với các
chiến đấu cơ tàng hình F-35 mua của Hoa Kỳ, có thể bố trí trên các căn
cứ của Philippines gần quần đảo Trường Sa. Trong tình huống xảy ra chiến
sự, không quân Việt – Nhật – Phi có thể phối hợp tạo thế “ba mũi giáp
công”, thì mới có thể chiếm ưu thế trước không quân Trung Quốc.
Vì vậy, trong tình huống xảy ra xung đột, nếu chỉ một mình độc lập
tác chiến, hải quân và không quân Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Điều đó cho thấy, sự thay đổi trong công tác hoạch định chiến lược quân
sự của Việt Nam là điều không thể không xét đến.