Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Giàn khoan bất hòa

Giàn khoan bất hòa

TTCT - Cuối tháng 7-2014, trên cổng thông tin soyuz.by (của Liên bang Nga và Belarus), nhà phân tích cao cấp Gleb Shutov đã đăng bài “Giàn khoan bất hòa” (1) phân tích các động thái của Trung Quốc trên biển Đông, phản ứng của các bên liên quan và lộ trình hành động đề xuất cho phía Nga.
Được sự đồng ý của tác giả, TTCT lược dịch để độc giả có thêm một góc nhìn chuyên gia từ phía Nga - Belarus về vấn đề biển Đông.


Nghị quyết 412 được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 13-7-2014 khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển Đông - Ảnh: beta.congress.gov
Cuối cùng thì giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cũng đã rút đi sau hai tháng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nó đã rời khỏi vùng đảo Hoàng Sa... trên nền những tuyên bố gay gắt của Mỹ và sau khi Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết 412, nhấn mạnh rằng “là một cường quốc khu vực, Hoa Kỳ quan tâm đến tự do hàng hải trong khu vực”.
Nghị quyết cũng yêu cầu Bắc Kinh phải phục hồi nguyên trạng vùng biển Đông. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc dời giàn khoan về phía đảo Hải Nam “không liên quan đến các tác nhân bên ngoài”, nhưng muốn hiểu rõ nguyên nhân rút giàn khoan, sẽ đơn giản hơn nếu xem xét các nguyên nhân khiến Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Có thể liệt kê năm nguyên nhân chính:
1) Kinh tế
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vùng quần đảo Hoàng Sa không có các mỏ dầu khí lớn, và theo các dữ liệu địa chất thì vùng này không có tiềm năng lớn cho việc khai thác dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, tổng kết công việc khoan thăm dò mới rồi, đại diện Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tuyên bố gần vùng quần đảo Hoàng Sa “phát hiện có dấu hiệu của mỏ dầu và khí đốt” (2).
2) Địa chiến lược
Biển Đông nối Đông Bắc Á và phía tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Cận Đông và châu Âu. Năm trong số mười tuyến đường hàng hải lớn của thế giới có nối kết với biển Đông. Các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc phần lớn lệ thuộc vào các hải trình đi ngang biển Đông. Trong 16 tuyến đường biển chiến lược gắn với biển Đông thì có tới bốn eo biển ở biển Đông là Malacca, Lombok, Sunda và Ombai Wetar.
Eo biển Malacca là băng thông thứ hai sau eo biển Hormuz. Số tàu chở dầu qua kênh này nhiều hơn ba lần số tàu chở dầu qua kênh Suez và nhiều hơn năm lần qua kênh Panama. 80% lượng dầu cung cấp cho Trung Quốc đi qua eo biển Malacca.
Vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho phép kiểm soát các tuyến đường biển trong khu vực, thiết lập các đài rađa, trạm thông tin liên lạc và điểm tiếp nhiên liệu. Trung Quốc lại nhận phần lớn nhiên liệu qua đường biển. Mong muốn của Bắc Kinh kiểm soát vùng biển này được giải thích bởi nỗi lo Mỹ có thể phong tỏa biển đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, toan tính của Trung Quốc không chỉ có tính phòng thủ mà còn tấn công.
Nhà nghiên cứu chiến lược Trung Quốc Li Guang Quan (Lý Quang Toàn) mô tả kế hoạch của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã viết: “...mục tiêu của chiến lược Trung Quốc là phòng thủ xa bờ... Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có một hạm đội có thể thực hiện thành công các nhiệm vụ trải dài đến tận “tuyến quần đảo thứ hai” với ranh giới kéo dài ít nhất 900 dặm về phía đông Đài Loan.
Và đến năm 2050 Trung Quốc sẽ thành lập một hạm đội đại dương với tầm hoạt động vươn tới tận đảo Guam, nơi được gọi là “tuyến quần đảo thứ ba” (3)”.
Như vậy hoạt động tích cực gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là một phần của chiến lược biển tổng thể của Trung Quốc, theo đó đến năm 2050 hải quân Trung Quốc sẽ vươn tới tận hải giới của Mỹ.
3) Kiểm tra sự sẵn sàng của Mỹ hỗ trợ các đồng minh trong khu vực
...Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã được đưa tới vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Obama vừa kết thúc chuyến thăm châu Á, khiến có thể giả định Trung Quốc muốn chứng tỏ sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Nó cũng là một thông điệp Trung Quốc gửi tới các đồng minh tiềm năng của Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc...
4) Trung Quốc và Nga không phải là anh em vĩnh viễn
Xung đột trên biển Đông cũng diễn ra ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga V. Putin. Có thể giả định đây cũng là một thông điệp gửi tới Matxcơva. Trung Quốc muốn chứng minh họ có thể đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải nhập khí đốt vào Trung Quốc, một điều hết sức quan trọng trên nền việc ký kết hợp đồng khí đốt 30 năm giữa Trung Quốc và Nga.
Rõ ràng các nhà xuất khẩu dầu khí Nga đã đặt giá bán dầu khí cao cho Trung Quốc vì có tính đến nguy cơ các tuyến đường vận tải biển này bị phong tỏa. Khi Trung Quốc đã chỉ cho Nga thấy nguy cơ tổn thương này không cao, đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến hợp đồng dầu khí trên được ký kết trong những điều kiện có lợi cho Trung Quốc. Cần lưu ý là Bắc Kinh có thái độ rất tiêu cực đối với quan hệ đối tác chiến lược của Nga với Việt Nam.
Gần đây, Nga đã bắt đầu chính sách “trở lại châu Á” gây phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Năm 2012, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đăng bài chỉ trích các kế hoạch của Nga củng cố vị thế ở châu Á - Thái Bình Dương: “Chống trả một cách tuyệt vọng sự trở lại Đông Nam Á của Nga là không thể, nhưng cũng không được để cho tiến trình này tự nhiên diễn ra...
Nếu Nga vượt qua biên giới các lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á, chẳng hạn như khai thác dầu khí trong vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với riêng rẽ từng nước Đông Nam Á thì Trung Quốc sẽ mạnh mẽ tuyên bố quan điểm của mình để tránh những đánh giá không chính xác của Matxcơva về quan hệ Nga - Trung trong bối cảnh các vấn đề của biển Nam Trung Hoa (biển Đông)”.
Tháng 4-2013, Trung Quốc đã chỉ trích việc Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam và thương lượng về việc sử dụng vịnh Cam Ranh.
Và vào tháng 5 năm nay, với việc đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Nga, có thể Bắc Kinh muốn đặt ông Putin trước sự chọn lựa phức tạp giữa việc đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc và phát triển quan hệ đối tác Việt Nam - Nga.
Cho đến nay, khác với Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga khá kiềm chế khi nhận định tình hình ở biển Đông...
5) Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Có những giả thiết rằng xung đột lãnh thổ với các láng giềng chính là hậu quả cuộc đấu tranh giữa các phe phái lãnh đạo Trung Quốc. Chẳng hạn như lập luận rằng năm 2012, cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc với Philippines năm 2012 về dải đá ngầm Scarborough bùng lên là do đấu đá giữa các phe phái Trung Quốc.
Vì sao có giả thiết cuộc chiến trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam? Có thể dựa vào những yếu tố sau:
- Cuộc chiến giữa các bè phái và gia tộc là yếu tố cấu thành của văn hóa chính trị Trung Quốc, đặc trưng cho Trung Quốc thời phong kiến lẫn hiện đại.
- Như M. B. Zhasayev (4) nhận xét, “đời sống chính trị của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông đến nay... luôn phải tìm kiếm một điểm quân bình nào đó giữa các phe nhóm... Ý nghĩa đặc biệt trong cuộc chiến này là mũi tên chống tham nhũng, nó đã trở thành phương tiện yêu thích để loại bỏ các đối thủ chính trị”.
- Có thể thấy sau đại hội đảng lần thứ 18 của Trung Quốc, trong bản giao hưởng của chính sách đối nội và đối ngoại ngày càng thường xuyên vang lên các nốt Pháp gia (*). Điều này cũng thể hiện cả trong quan hệ với các nước láng giềng cũng như trong xu hướng ngày càng nhiều quyền lực tập trung vào tay Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình tuyên bố nguyên tắc không khoan nhượng với tham nhũng, tấn công vào cả “ruồi lẫn hổ”. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình được gọi là lớn nhất từ thời Mao Trạch Đông.
- Dự kiến vào đêm trước của đại hội đảng 19, việc phân bổ cuối cùng các lực lượng trong ban lãnh đạo đảng sẽ được đẩy mạnh, đại diện các phe nhóm cạnh tranh sẽ sử dụng các loại công cụ khác nhau, bao gồm cả xung đột với các láng giềng, để củng cố vị thế.

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã được đưa tới vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Obama vừa kết thúc chuyến thăm châu Á và trước khi Tổng thống Nga thăm Trung Quốc. Trong ảnh: Tổng thống Obama tại Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á tháng 4-2014
Ít khả năng xung đột vũ trang
Tuy vậy, ít có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc - Việt Nam trên biển Đông, ít ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Vì sao?
Có thể thấy nếu nổ ra chiến tranh thì không chỉ Việt Nam, mà cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không có lợi... Từ phía Trung Quốc, nhiều khả năng xung đột sẽ dẫn đến việc phong tỏa một phần hay toàn phần eo biển Malacca, gây trở ngại cho việc vận chuyển dầu: 80% dầu nhập vào Trung Quốc đi qua eo biển này. Chính vì vậy mà Mỹ đang thảo luận học thuyết “bóp nghẹt” Trung Quốc bằng cách phong tỏa đường biển.
Việc xây dựng những tuyến đường vận chuyển mới đòi hỏi một thời gian nhất định mặc dù việc này đang được Trung Quốc ráo riết tiến hành. Chưa kể thực lực hải quân Trung Quốc hiện vẫn còn thua sút Mỹ. Nếu Mỹ có tới 11 tàu sân bay thì Trung Quốc chỉ có được năm hàng không mẫu hạm vào năm 2025.
Về phía Mỹ, một cuộc chiến tranh trên biển Đông cũng không có lợi trong tình hình hiện nay. Có thể thấy qua việc thay đổi học thuyết phòng vệ Mỹ: Việc thành lập hệ thống an ninh tập thể ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Mỹ chuyển bớt gánh nặng quân sự lên các vệ tinh, nhưng hệ thống này hiện vẫn chưa hoàn thiện, nên sẽ thiếu khôn ngoan nếu Mỹ bước vào một cuộc chiến với Trung Quốc trong tình hình này.
Xung đột biển Đông và tiến trình hội nhập kinh tế khu vực
Liệu xung đột trên biển Đông có tác động thế nào đến các tiến trình hội nhập kinh tế trong khu vực? Một trong những kế hoạch bảo vệ vai trò thống lĩnh của Mỹ ở khu vực là việc thành lập Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton từng nói về “kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” như sau: “Khuyến khích sự tăng trưởng và năng động của châu Á là lợi ích trung tâm và chiến lược của Mỹ. Những thị trường mới mở sẽ tạo cho Mỹ những cơ hội chưa từng có để đầu tư, buôn bán và tiếp cận công nghệ mới. Sự hồi phục kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc xuất khẩu và năng lực của các công ty Mỹ tiếp cận thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển này của châu Á”.
Cho đến nay, Trung Quốc là đối tác khá hấp dẫn của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, thế nhưng những lo ngại về “mối đe dọa Trung Quốc” không phải là không có cơ sở, được xác tín thêm bởi những hành động xâm lược của Bắc Kinh đối với láng giềng, đã vô hình trung đẩy các quốc gia này về phía hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ TPP.
Ngoài Việt Nam, các thành viên được đề nghị vào TPP còn có một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, trong số này có Nhật, Malaysia. Có thể giả định rằng trong trường hợp Nhật và ASEAN tham gia TPP, việc hạn chế buôn bán với các nước này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc, bởi sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào các nước ASEAN và Nhật là khá lớn.
Như cố vấn của Đại sứ quán Belarus tại Nhật, ông Sergey Terentyev, chỉ ra: “Những nghiên cứu tiến hành trong năm 2009 cho thấy, nói riêng, để xuất khẩu 100 đơn vị sản phẩm, Trung Quốc phải nhập 60 đơn vị các linh kiện tính theo giá trị. Gần 2/3 số hàng nhập khẩu của Trung Quốc sau khi xử lý được xuất khẩu và chỉ 1/3 dùng cho thị trường nội địa.
Như vậy tính ra trong hình ảnh Trung Quốc như một nhà sản xuất toàn cầu hàng tiêu dùng, hết 2/3 là nhờ sự đóng góp của Nhật và ASEAN. Đó là chưa tính sự tham gia của Nhật và các nước khác trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư và công nghệ”.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) trong chuyến thăm Thượng Hải tháng 5-2014 - Ảnh: Getty Images
“Bản đồ lộ trình” cho nước Nga
Từ những phân tích trên, có thể giả định:
1) Mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc khiến Nga có nguy cơ mất đi đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, đẩy họ đến với Mỹ. Nếu Mỹ có thể thực hiện thành công kế hoạch khống chế sự bành trướng của Trung Quốc về phía nam, thì có thể dự đoán sự mở rộng của Trung Quốc sẽ chuyển hướng về các lãnh thổ Nga.
2) Đồng thời có thể nhận thấy rằng trong trường hợp quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, việc thực hiện các lợi ích của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lệ thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh. Nhiều khả năng Nga sẽ chỉ được (Trung Quốc) cho đến những vùng nào ở châu Á - Thái Bình Dương có lợi cho Trung Quốc.
Trên thực tế, đó là một hạn chế đáng kể sự tiếp cận chính trị của Nga đối với khu vực quan trọng về chiến lược, như được nêu trong “Các quan điểm chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, khu vực đang trở thành một trung tâm quyền lực kinh tế và chính trị thế giới mới.
3) Để tránh bị bỏ qua bên lề, Liên bang Nga cần nhanh chóng sử dụng hiệu quả tối đa tình thế chính trị đối ngoại hiện nay để thực hiện các bước đi có lợi cho quốc gia. Không nên hi sinh nhiệm vụ củng cố các vị thế của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương cho quan hệ đối tác Nga - Trung.
Tăng cường vị thế của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một “lực lượng thứ ba” trong khu vực này, Nga có thể chiếm một vị trí xứng đáng trên vũ đài quốc tế, vượt qua Mỹ và Trung Quốc.
GLEB SHUTOV
(Trung tâm nghiên cứu chính sách và chiến lược quốc tế Belarus)
DUY VĂN lược dịch
(*): Pháp gia là một trong bốn trường phái triết lý thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Pháp gia ở đây mang ý nghĩa “triết lý chính trị tán thành sự cai trị của pháp luật“. Tuy nhiên, quyền lựa chọn luật pháp để mang ra thi hành chỉ nằm trong tay hoàng đế. Đa số các nhà triết học và tư tưởng chính trị Trung Quốc có cái nhìn rất tiêu cực đối với Pháp gia, buộc tội nó tạo ra một xã hội chuyên chế.

Trung Quốc lên tiếng sau vụ chính quyền Bắc Kinh bị lăng mạ

Bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng sau vụ chính quyền Bắc Kinh bị lăng mạ

Ông Tần Cương lên tiếng chuyện ông Palmer chỉ trích Bắc Kinh
Ông Tần Cương lên tiếng chuyện ông Palmer chỉ trích Bắc Kinh

Dư luận Trung Quốc, Úc và thế giới đang rất quan tâm sau vụ nghị sĩ - tỉ phú Clive Palmer người Úc lên tiếng lăng mạ chính quyền Trung Quốc bằng những từ rất khó nghe như: mongrels (một loại chó cảnh) hay bastards (lũ con hoang). Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về vụ này.
"Cách nói của Palmer về Trung Quốc những ngày gần đây là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi mạnh mẽ lên án điều này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang chủ của bộ này cuối ngày thứ Tư.

Tuy nhiên, ông Tần cũng lưu ý các nhà lãnh đạo chính trị của Úc, trong đó có Thủ tướng  Tony Abbott, đã chỉ trích hành động của Palmer, nói rằng lập trường của vị tỉ phú này đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng Úc. 

Trước khi ông Tần Cương đưa ra tuyên bố, Hoàn Cầu thời báo - phụ san của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã đòi "dạy" Úc một bài học. 
 
"Trung Quốc không thể tha cho hắn ta (Palmer) chỉ vì chính phủ Úc đã chỉ trích hắn", một bài xã luận ở cả phiên bản tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của Hoàn cầu viết. "Trung Quốc phải lưu ý rằng hành động này sẽ thành biểu tượng góp phần khiến xã hội Úc có một thái độ không thân thiện đối với Trung Quốc".
 
Hãng tin Tân Hoa Xã lên án chuyện này nhẹ nhàng hơn, gọi Palmer là "một quả táo thối" không được phép làm hỏng mối quan hệ giữa hai nước. Tân Hoa Xã lưu ý rằng Đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được email từ người dân Úc, nói rằng Palmer làm họ xấu hổ. 

Về phía mình, Palmer cho biết ý kiến ​​của ông không có ý định đề cập đến người dân Trung Quốc. Vào thứ Tư, ông tuyên bố mình là một "người ủng hộ quan trọng cho Trung Quốc" trong một thời gian dài. 

Tuy nhiên, ông không thay đổi thái độ với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. 
 
"Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cho rằng việc lạm dụng hệ thống pháp lý để chiếm lợi ích trong chiến lược kiểm soát các nguồn tài nguyên toàn cầu là không thể chấp nhận được", Palmer nói. 
Reuters cho biết ông Palmer đang vướng mắc chuyện làm ăn với CITIC Pacific, một công ty nhà nước của Trung Quốc.
Anh Tú (theo Reuters)

Lấy cớ "sợ" VN tấn công, máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận gần Vịnh Bắc Bộ

Lấy cớ "sợ" VN tấn công, máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận gần Vịnh Bắc Bộ

Lấy cớ "sợ" VN tấn công, máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận gần Vịnh Bắc Bộ

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận ở vùng biển Đông gần Việt Nam, mô phỏng một kịch bản một giàn khoan dầu đã bị bao quanh bởi các tàu đánh cá nước ngoài.
Cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển gần Vịnh Bắc Bộ liên quan đến hàng chục tàu gồm 10 tàu quân sự và các tàu dân sự, cũng như một số máy bay của hải quân thuộc Hạm đội Nam Hải. Đây là thông tin được đăng hôm qua trên trang web của Quân đội nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Cuộc tập trận được tổ chức trong một thời gian vào hè này nhưng thông báo không đưa ra  ngày chính xác.
Báo trên cho biết: đó là phản ứng với sự xâm nhập của "một tàu đánh cá vũ trang đáng ngờ" vào vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Các tàu Hải quân Trung Quốc đã ngăn chặn các tàu đánh cá và bắt giữ 20 thuyền viên và một phóng viên.
"Đó là một cuộc diễn tập trên biển hiếm hoi nhằm mục đích huấn luyện cho tất cả các loại tàu tuần tra gần đó để tiếp ứng hiệu quả trong trường hợp có một cuộc tấn công bất ngờ từ Việt Nam trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông", chuyên gia hải quân của Bắc Kinh, Li Jie nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng và cho biết thêm rằng quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trận kiểu tương tự trong tương lai.
"Các cuộc tập trận sẽ giúp các nhà chức trách có thể kiểm tra khả năng phản công mạnh mẽ cũng như đe dọa các nước có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, nói với họ rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tốt để đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công chống lại giàn khoan dầu của mình".
Vào ngày 2.5, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan tới vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tiến hành thăm dò phi pháp. Dù đã rút giàn khoan vào giữa tháng 7 nhưng Bắc Kinh vẫn đe dọa sẽ đưa trở lại. Có thể thấy việc tổ chức tập trận ở Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc một lần nữa cho thấy tham vọng bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Anh Tú (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Lầu Năm Góc có kế hoạch đánh phủ đầu nếu chiến tranh với TQ

Lầu Năm Góc có kế hoạch đánh phủ đầu nếu chiến tranh với TQ


Trang The Week có bài phân tích về quốc phòng hai nước. Một Thế Giới trích dịch:
Lầu Năm Góc lo lắng trước TQ
Lần đầu tiên kể từ khi TQ phát triển như một cường quốc quân sự khu vực, quan chức ở Bắc Kinh tin rằng quân đội TQ có thể tiến đánh vào Đài Loan hay tấn công một hòn đảo đang tranh chấp mà có thể ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ từ các căn cứ ở Thái Bình Dương. 
Nói cách khác, các nhà hoạch định quân sự hàng đầu TQ hiện nay tin rằng họ có thể đánh bại Mỹ. Và một số nhà chuyên gia Mỹ cũng lo lắng đến viễn cảnh này.
"Quân đội Mỹ trong khu vực đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước TQ", David Gompert, cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ từng nhận xét hồi đầu năm. "Điều này tạo ra viễn cảnh bất ổn trong khu vực, giảm ảnh hưởng của Mỹ và đẩy cao mối đe dọa xung đột," Gompert cảnh báo.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc có thể thay đổi để giành lấy chủ động có lợi cho Mỹ, Gompert nói. Ông cho rằng Mỹ sẽ ít bị tổn thương nếu điều phối tốt các tàu ngầm, máy bay ném bom tầm xa, tên lửa và nhiều máy bay chiến đấu nhỏ.
Ý tưởng của Gompert là khi tiến hành các cuộc tấn công từ xa bên ngoài hệ thống phòng thủ của TQ, Mỹ cần có nhiều mũi nhọn khiến phân tán sự chú ý của Bắc Kinh và họ không thể phát hiện ra đâu là cú đấm thật sự có thể gây knock-out. 
Tin tốt cho Washington rằng quân đội đã luyện tập rất tích cực nên khả năng điều phối của họ rất tốt.
Tàu ngầm đi trước, máy bay đi sau
Mỹ đang có chiến lược xây dựng vũ khí và lực lượng phục vụ cho chiến trận trên không và trên biển. Gompert cho rằng đây là chiến lược phù hợp nhất để đánh bại của tên lửa, máy bay và tàu đông đảo của TQ.
Trong năm 2012, hải quân đảo ngược sự trì trệ lâu nay bằng cách đặt hàng hai tàu ngầm chỉ trong một năm với chi phí hơn 4 tỉ USD. Theo kế hoạch, mỗi năm hải quân Mỹ sẽ nhận thêm hai tàu ngầm hiện đại để duy trì "vị thế lãnh đạo của Mỹ".
Hải quân được dự báo sẽ có khoảng từ 60 đến 70 tàu ngầm hạt nhân trong hai thập kỷ tiếp theo. Không có quốc gia nào có được sức mạnh dưới lòng biển bằng một nửa so với Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh có thể với TQ, tàu ngầm Mỹ là vũ khí đầu tiên được sử dụng và nhiệm vụ chủ yếu là để phá vỡ hệ thống phòng thủ của TQ, cho phép các lực lượng khác - máy bay ném bom và tàu chiến - tiếp cận mục tiêu một cách an toàn.
Sau khi chọc thủng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc bằng tàu ngầm, máy bay từ tàu sân bay và các căn cứ không quân sẽ thực hiện đánh các mục tiêu tiếp theo. Không quân đang phát triển dài hạn cho máy bay ném bom tấn công mới sẵn sàng hoạt động hiệu quả bắt đầu từ thập kỷ tới
Hiện căn cứ không quân chính của Mỹ ở Thái Bình Dương đặt trên đảo Guam đã tăng tới 100 các máy bay ném bom - trong đó có 20 máy bay ném bom tàng hình B-2. Điều đó phù hợp với quan điểm của Gompert giúp Mỹ có tư thế ít bị tổn thương khi đối đầu với với TQ.
Thậm chí theo kịch bản lạc quan nhất, trong năm 2030 Không quân sẽ phải chi 500 tỉ USD trong hơn 30 năm để có được 1.763 máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike, 182 F-22 Raptor và 1.945 máy bay chiến đấu các loại khác.
Gompert nhấn mạnh rằng khi có nhiều máy bay, lực lượng ở Thái Bình Dương của Mỹ có thể phân tán ra chứ không tập trung như bây giờ. Khi đó, TQ muốn tấn công phủ đầu cũng khó vì họ không thể đánh một lúc nhiều mục tiêu.

Anh Tú (theoThe Week)

Thách thức lớn nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông

"Thách thức nào lớn nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông?"

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng thách thức lớn nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay là làm sao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước luật biển, những thỏa thuận khu vực, trong đó có DOC, được thực hiện trên thực tế.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói về Biển Đông trong Hội nghị ASEAN

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN vừa qua ở Myanmar.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam ngày 22/8 đã có cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 tại Nay Pyi Taw, thủ đô Myanmar từ 8-10/8 vừa qua.
Xin ông cho biết tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) tại Myammar, vấn đề Biển Đông đã được ASEAN bàn thảo như thế nào và đã đạt được kết quả gì?
Chúng ta đều biết Hội nghị AMM vừa rồi họp trong bối cảnh hòa bình và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp và có những mối đe dọa đòi hỏi các ngoại trưởng phải xem xét rất kỹ. Thứ nhất là các ngoại trưởng đánh giá như thế nào về tình hình hiện nay. Thứ hai là ASEAN cần phải làm gì. Và thứ ba là ASEAN cần có những biện pháp cụ thể gì sắp tới. Những điều này đã được các ngoại trưởng ASEAN bàn rất kỹ trong các phiên họp hẹp.
Chúng ta có thể thấy thông qua các văn kiện, những trao đổi và phát biểu của các ngoại trưởng nổi lên một điểm là ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình phức tạp vừa qua, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải của khu vực cũng như môi trường hòa bình và hợp tác chung.
Ngoài ra, hơn bao giờ hết ASEAN thấy rằng cần phải nhấn mạnh các nguyên tắc đã có của ASEAN cũng như được các nước ủng hộ, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về luật biển và các thỏa thuận khu vực, trong đó có DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông được ký kết năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc).
Để đảm bảo được môi trường hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải khu vực, trước hết là phải đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ DOC, đặc biệt là điều 5, quy định các bên phải thể hiện hành động kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình.
Các ngoại trưởng cho rằng cần phải cụ thể hóa những quy định của DOC về kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình, nhất là xây dựng được danh sách cụ thể về những việc cần phải làm, và những việc không được làm mà sắp tới ASEAN sẽ phải bàn bạc.
Ngoài ra, cần phải xây dựng được cơ chế để giám sát việc thực thi được đầy đủ và hiệu quả tuyên bố DOC, trong đó có điều 5.
Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc sớm có COC, bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông, mà trong bộ quy tắc ứng xử này, nội bộ ASEAN đã bàn rất nhiều, phải có giá trị ràng buộc về pháp lý; quy định các hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông; tạo dựng được các cơ chế ngăn ngừa và kiểm soát xung đột; tạo dựng được các cơ chế để bảo đảm những quy định của COC trong tương lai được thực hiện một cách nghiêm túc trên thực tế.
Trong các cuộc họp các ngoại trưởng thấy cần cùng đảm bảo DOC, đẩy nhanh COC, sớm có nhiều biện pháp có thể triển khai được ngay mà người ta gọi là những biện pháp “thu hoạch sớm” , như xây dựng đường dây nóng để khi có những sự cố, có tranh chấp, có thể liên lạc với nhau để có biện pháp kìm chế…
Lần này có lẽ là lần rất hiếm hoi các ngoại trưởng ASEAN đã chỉ đạo rất cụ thể, đặc biệt là điều 5 của DOC.
Việt Nam đã đưa ra sáng kiến nào để các nước ASEAN tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông?
Chúng ta đã phản ánh được một quá trình dài về những diễn biến phức tạp gần đây và nguy cơ không chỉ với các nước liên quan mà còn đối với những nước ở ngoài khu vực về đảm bảo hòa bình, an ninh an toàn hàng hải.
Thứ hai ta có tham vấn rất sâu rộng với các nước trong và ngoài ASEAN mà đặc biệt dựa vào các nguyên tắc, lợi ích song trùng đã được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN và các đối tác.
Thứ ba, trước những thách thức mới nảy sinh trong những tháng vừa rồi, chúng ta đã đề xuất rất trúng, là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC. Chính chúng ta là nước đề xuất điều 5. Trong khi thực hiện tất cả 10 điều khoản của DOC, thì tình hình đòi hỏi lúc này trước tiên phải giảm căng thẳng và không làm phức tạp thêm tình hình. Vì vậy điều 5 là phù hợp nhất.
Chúng ta đưa ra đề xuất cụ thể hóa những việc cần phải làm và không được làm với tư cách là phải thể hiện được kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và phải có dàn xếp, cơ chế đảm bảo thực thi điều trên.
Nếu đưa được ra danh mục cụ thể cộng với cơ chế thực thi trên thực tế đối với điều 5 thì đây sẽ là kinh nghiệm rất tốt để thực hiện tất cả những điều khoản khác trên thực tế chứ không phải là những cam kết chính trị.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Myanmar vừa qua có một loạt sáng kiến đóng góp, như đóng băng hoạt động gây mất ổn định của Mỹ hay Philippines. Xin ông cho biết ASEAN đã có phản ứng như thế nào đối với những đề xuất này?
Mỹ, Philippines, hay các nước khác trong nội bộ lẫn bên ngoài ASEAN đã đưa ra nhiều đề xuất tại hội nghị. Chẳng hạn như Indonesia đưa ra sáng kiến 3+1, trong đó đảm bảo xây dựng lòng tin, cơ chế ngăn ngừa rủi ro xung đột và những cơ chế nếu có tranh chấp xảy ra thì kiểm soát tranh chấp để tranh chấp không trở thành xung đột. Hay Nhật có đề xuất về thực hiện các quy định luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp ở khu vực này.
Về đề xuất của Philippines, văn kiện của ASEAN ghi nhận đề xuất của họ và sẽ xem xét sau. Bất kỳ sáng kiến nào được nêu ra nhằm đảm bảo hòa bình ổn định chắc chắn sẽ được ASEAN xem xét. Nhưng những đề xuất trong đó có phù hợp với quan điểm của ASEAN hay không thì cần phải tham luận tiếp.
Quan trọng nhất lúc này là phải xây dựng được COC và bảo đảm thực hiện tốt DOC, không chỉ trên luật pháp quốc tế, công ước luật biển, giải quyết hòa bình tranh chấp và cụ thể hóa điều 5 của DOC.

Trong hội nghị các ngoại trưởng vừa rồi, ASEAN đối mặt với thách thức nào lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp trên biển?
Nhìn chung, khuôn khổ luật pháp quốc tế, khuôn khổ công ước quốc tế về luật biển, khuôn khổ DOC, đã có rất nhiều quy định thiết thực đối với đảm bảo môi trường hòa bình ở Biển Đông. Thách thức lớn nhất là làm sao đảm bảo thực hiện được những điều này trên thực tế. Chính vì vậy mà bản thân ASEAN đã phải trao đổi rất nhiều, đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc, với khu vực như ARF, ASEAN+1, hay Cấp cao Đông Á.
ASEAN phải hướng tới COC, để làm sao có thỏa thuận khu vực có thể bổ khuyết cho những gì còn đang khiếm khuyết của DOC nhưng lại thừa kế được những mặt tích cực của DOC.
Xin ông có thể đánh giá về tiến trình hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC hiện nay?
Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN và các nước có liên quan đều ủng hộ phải có COC, và đều ủng hộ bộ quy tắc COC này thừa kế được DOC và phát huy đảm bảo tốt hơn hòa bình, an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông. Nhưng quá trình đi đến COC chắc chắn còn phức tạp.
Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã có những bước phát triển, nhưng chưa đủ mạnh. ASEAN-Trung Quốc đã tham vấn không chính thức vào năm 2012, rồi bắt đầu chính thức đi vào tham vấn vào năm 2013. Đến hội nghị AMM vừa rồi, ASEAN đã chia sẻ với Trung Quốc phải đi vào tham vấn ngay để chia sẻ một cách thực chất về mục tiêu, cấu trúc và các thành tố của COC. Đồng thời, hai bên nhất trí với nhau sẽ tăng tần suất tham vấn.
Dự kiến vào tháng 9 tới sẽ có SOM ASEAN-Trung Quốc đặc biệt, tháng 10 SOM ASEAN-Trung Quốc định kỳ, tiếp tục bàn về DOC, COC. Tôi cho rằng dù quá trình này chậm, nhưng đã có những bước phát triển.
Nhưng quan điểm của ASEAN là phải đi vào đàm phán thực chất ngay để sớm có COC, bởi vì tình hình đòi hỏi phải có một khuôn khổ thỏa thuận khu vực để có thể ứng phó tốt hơn với những diễn biến phức tạp đang diễn ra.
Trong quá trình trao đổi điều quan trọng nhất cá nhân tôi ngẫm được là phải bám lấy những vấn đề nguyên tắc và lợi ích song trùng. Ngoài ra, khi có vấn đề nảy sinh chắc chắn có những khác biệt, điều đó là điều bình thường, nhưng người ta phải chia sẻ với nhau, để tìm tiếng nói chung dựa trên nguyên tắc và mỗi một quốc gia của ASEAN phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm với tư cách là một thành viên của hiệp hội. Có những lúc những điều này không cân đối với nhau nhưng qua tham vấn sâu rộng trong ASEAN, các nước chia sẻ với nhau, mỗi một nước đều thấy mình có lợi ích trong chia sẻ chung đó. Đấy là con đường của ASEAN.
Thùy Trang

Dấu hiệu Trung Quốc sắp leo thang gây hấn hơn nữa ở Biển Đông

Dấu hiệu Trung Quốc sắp leo thang gây hấn hơn nữa ở Biển Đông


(GDVN) - Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ.

J-11 Trung Quốc, hình minh họa.
Business Insider ngày 23/8 bình luận, báo cáo trong tuần này về một cuộc chạm trán cự ly quá gần giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông (không phải Hoa Đông như bản tin đầu tiên của Washington Free Beacon ngày hôm qua) đã chứng minh rằng Trung Quốc không ngại hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông, bất chấp nguy cơ phải đối đầu với quân đội mạnh nhất thế giới - Hoa Kỳ.
1 chiếc J-11B (phiên bản nội địa Trung Quốc của mẫu Su-27 Nga) đã tiếp cận một cách nguy hiểm với chiếc P-8 của Mỹ đang có mặt để giám sát hoạt động tập trận quân sự "chưa từng có" của Trung Quốc gần đây đang tổ chức đồng thời ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Địa điểm xảy ra vụ chạm trán cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông hôm 19/8. Động thái này một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, có lúc chiếc J-11B của Trung Quốc cách chiếc P-8 của Mỹ chỉ 6,1 mét. Trong khoảng cách hết sức nguy hiểm đó, chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhào lộn, phơi bụng để lộ những vũ khí nó mang theo hòng uy hiếp chiếc máy bay của Mỹ. Washington đánh giá, đây là một hành động "thiếu chuyên nghiệp và thừa nguy hiểm".

Kirby cho biết, sở dĩ Lầu Năm Góc 3 ngày sau vụ việc mới công bố là vì muốn gửi kháng nghị tới Trung Quốc qua đường ngoại giao xem Trung Quốc giải thích thế nào về hành vi nguy hiểm này, tuy nhiên Bắc Kinh đã không có bất kỳ phản ứng nào về vụ việc.
Nan Li, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại đại học Chiến tranh hải quân nói với Business Insider, Trung Quốc rất nhạy cảm với máy bay do thám Mỹ, nhưng Bắc Kinh có cách giải thích khá hạn chế về luật pháp quốc tế áp dụng trong khu vực xảy ra vụ chạm trán.
Thời gian gần đây tình hình Biển Đông trở nên đáng lo ngại hơn trên thế giới không chỉ bởi tranh chấp lãnh hải, tài nguyên mà còn là bởi sự lo lắng trong khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với lịch sử cua sự nghi ngờ và thù địch giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang tìm kiếm chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đó là sự sẵn sàng để "khẳng định mình" theo những cách có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa 2 cường quốc, hoặc dẫn đến một cuộc đối đầu không lường trước được

TQ bất ngờ tổ chức hội thảo quốc tế về vụ kiện trọng tài Biển Đông

TQ bất ngờ tổ chức hội thảo quốc tế về vụ kiện trọng tài Biển Đông


(GDVN) - Hội thảo có hơn 40 chuyên gia, học giả tham gia, tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.

“Hội thảo nghiên cứu quốc tế trọng tài Biển Đông Trung Quốc-Philippines”
Ngày 21 thang 8, tại Bắc Kinh, Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc và Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc đồng tổ chức “Hội thảo nghiên cứu quốc tế trọng tài Biển Đông Trung Quốc-Philippines". 
Có hơn 40 chuyên gia, học giả đến từ các nước, khu vực, tổ chức quốc tế như Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Canada, Australia, Hàn Quốc, Singapore và Tòa án Luật biển quốc tế.
Lần này, hội thảo diễn ra trong 2 ngày, hội thảo tiến hành thảo luận sâu nhiều chủ đề (được chế ra để hướng dư luận theo hướng có lợi cho TQ-pv) như “Nguồn gốc và phát triển của tranh chấp Biển Đông”, “Thẩm quyền và vấn đề khả năng thụ lý của vụ kiện trọng tài Biển Đông Trung Quốc-Philippines”, “Căn cứ pháp lý Trung Quốc không tham gia trọng tài trong cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, “Đường đứt đoạn Biển Đông và chủ trương lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc”, “Địa vị pháp lý của đảo, đá ngầm”, “Đòi hỏi quyền lợi của Philippines đối với Biển Đông và hoạt động chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển (bất hợp pháp) của Trung Quốc”, “Vai trò của tư pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp quốc tế” và “Ảnh hưởng của vụ kiện trọng tài Biển Đông”.
Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn, Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc đã có bài phát biểu chính tại lễ khai mạc. Theo Ngô Sĩ Tồn, “tranh chấp Biển Đông” (do Trung Quốc xâm lược, khiêu khích gây ra) đã có từ lâu, tình hình hiện nay rất phức tạp, nhạy cảm, trong ngắn hạn không thể giải quyết tranh chấp hoàn toàn.
Ngô Sĩ Tồn dự đoán là: “Lịch sử cho chúng ta biết, có thể cần vài chục năm, thậm chí trên trăm năm mới có thể giải quyết những tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền quản lý biển. 
Huống hồ, tranh chấp Biển Đông liên quan đến 6 nước 7 bên (Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan)”, chủ trương và lợi ích của các bên chồng lên nhau.
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc
Ông Tồn cho rằng, các bên ở Biển Đông cần tăng cường đối thoại (thực tế TQ đã đối thoại bằng cách nào? những gì TQ đã làm trong thời gian vừa qua có thể hiện điều mà Bắc Kinh luôn ra ra phát ra từ miệng?-pv), giao lưu, tìm kiếm và mở rộng đồng thuận, thông qua hợp tác tăng cường lòng tin, đồng thời lý giải và áp dụng đúng đắn quyền lợi theo “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, thiện chí thực hiện nghĩa vụ, “không làm những việc làm mở rộng và phức tạp hóa tranh chấp Biển Đông”.
Hiện nay, tranh chấp Biển Đông đang có xu thế quốc tế hóa và tư pháp hóa, cạnh tranh địa-chính trị và chạy đua vũ trang không ngừng trầm trọng hơn, “rất không có lợi” cho (Trung Quốc) quản lý, kiểm soát (bất hợp pháp) và “giải quyết tranh chấp Biển Đông”. Vì vậy, xây dựng cơ chế hiệu quả quản lý, kiểm soát khủng hoảng và giải quyết tranh chấp rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với vấn đề này, ông Ngô Sĩ Tồn đưa ra 3 đề nghị về cách thức bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông trước khi giải quyết cuối cùng tranh chấp, xin trích đăng để độc giả và các nhà phân tích tham khảo để thấy được những gì TQ đang "ưu tiên hàng đầu" nhưng vẫn không che được bản chất tham lam, dụ dỗ trong lúc cả thế giới lên án hành động của Bắc Kinh.
1. “Gác lại tranh chấp, cùng khai thác” là phương thức hiệu quả nhất để hóa giải mâu thuẫn, tìm kiếm đồng thuận, tăng cường lòng tin.
2. “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) là nền tảng quan trọng quản lý khủng hoảng khu vực Biển Đông.
3. Trung Quốc và các nước ASEAN từng bước đi sâu và mở rộng hợp tác thiết thực trên biển.
Vừa qua, Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng DOC và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Bối cảnh
Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines gửi công hàm và thông báo cho Trung Quốc về việc đưa vấn đề Biển Đông lên trọng tài quốc tế. Ngày 19 tháng 2, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận vụ kiện của Philippines và trả lại công hàm cũng như thông báo của Philippines.
Một trong những lý do từ chối là, Chính phủ Trung Quốc năm 2006 đã đưa ra tuyên bố theo quy định của Điều 298 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, đặt các tranh chấp như liên quan đến phân định ranh giới biển ra ngoài trình tự giải quyết tranh chấp cưỡng chế, trong đó có trọng tài.
Philippines có ý định căn cứ vào Điều 287 và Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, đề nghị tòa án trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, phán quyết cưỡng chế cách làm “dùng ‘đường chín đoạn’ vạch ra chủ quyền” của Trung Quốc – vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, yêu cầu Trung Quốc sửa đổi lập trường “đường chín đoạn” Biển Đông.
Ngày 25 tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez cho biết, về đề nghị trọng tài quốc tế Biển Đông của Philippines, chánh án Tòa án luật biển quốc tế, ông Shunji Yanai người Nhật đã được bổ nhiệm làm trọng tài viên, như vậy đã có đủ 5 trọng tài để xem xét vụ kiện của Philippines.
Căn cứ vào quy định của Tòa án luật biển quốc tế, một khi tổ 5 trọng tài được thành lập, trình tự trọng tài vấn đề Biển Đông lập tức chính thức khởi động, tiếp theo sẽ lựa chọn thời điểm mở phiên thảo luận khả năng thụ lý đối với vụ kiện này, nhưng hoàn toàn không có thời gian biểu rõ ràng.
Ngày 30 tháng 3 năm 2014, Philippines chính thức gửi báo cáo giải trình nội dung vụ kiện cho Tòa án luật biển quốc tế, yêu cầu tòa án tiến hành trọng tài đối với vấn đề “có liên quan đến Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines”.
Trong quá trình xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc cho phát ngôn viên ngoại giao, cho các quan chức cả quân sự và dân sự, cho truyền thông mặc sức tuyên truyền xuyên tạc sự thật, đòi đánh lừa nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Nhưng bản chất xâm lược, bành trướng, thực dân, khủng bố của họ đã bị dư luận Việt Nam và quốc tế vạch trần. Trong hình là đông đảo tàu Trung Quốc xông vào hoành hành, hung hăng, hăm dọa Việt Nam khi Trung quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.
Như vậy, vụ kiện trọng tài Biển Đông - với việc tham gia của bên đi kiện và không tham gia của bên bị kiện cùng vấn đề pháp lý cần giải quyết – sẽ là một vụ kiện mang tính cột mốc. Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, lập trường không chấp nhận, không tham gia trọng tài Biển Đông do Philippines đưa ra của Trung Quốc là không thay đổi.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài báo của Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc tổ chức ra hội thảo này nhằm nhiều ý định khác nhau, trong đó có một ý đồ là biện hộ cho yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông. Ý đồ này chắc chắn sẽ không thực hiện được, yêu sách bất hợp pháp của họ chắc chắn sẽ bị bác bỏ.
Ông Ngô Sĩ Tồn giả ngây giả ngô kêu gọi đối thoại, giao lưu, tăng lòng tin, theo đuổi quyền lợi dựa vào Công ước, không làm phức tạp hóa... nhưng chính Trung Quốc thông qua các hành động khiêu khích liên tiếp của họ đang làm mất lòng tin, chính Trung Quốc đã từ chối mọi đối thoại khi họ đang hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 (từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014), chính họ đã dùng thực lực tìm mọi cách ăn cướp lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và nước khác trên Biển Đông, làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông.
Chính mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang làm chạy đua vũ trang trên Biển Đông và trong khu vực, chính các thủ đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm cho tình hình trở nên nóng bỏng và có thể mất kiểm soát.
Ông Tồn cũng như một số lời kêu gọi trên truyền thông Trung Quốc gần đây về cái gọi là "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng Trung Quốc sẽ không lừa được ai, vì để thực hiện điều này, Trung Quốc luôn đặt điều kiện "chủ quyền của tôi (Trung Quốc)". Trung Quốc không bao giờ có quyền đưa ra tiền đề này và sẽ mãi mãi không bao giờ thực hiện được cuồng vọng chủ quyền "đường lưỡi bò" bất hợp pháp.
Trung Quốc nói họ có chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính chuyên gia của họ nói cơ sở pháp lý cho tuyên bố này rất yếu, Trung Quốc cũng chẳng có bằng chứng pháp lý nào tin cậy. Trung Quốc tuyên bố họ tuân thủ luật pháp quốc tế, họ lại là nước lớn, nhưng chính họ từ chối luật pháp quốc tế, không tham gia vụ kiện của Philippines. 
Trung Quốc nói họ "trỗi dậy hòa bình", không có "gen xâm lược/bành trướng", nhưng chính họ dùng vũ lực cướp quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chính họ cho tàu chiến, máy bay quân sự (vũ lực) hung hăng vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đe dọa Việt Nam...
Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao, chuyên gia, học giả, báo chí... hay diễn đàn, hội thảo gì đi nữa, nói gì thì nói..., họ cũng sẽ không thể được các "nước nhỏ" coi trọng, thậm chí bị họ "chẳng coi ra gì", chứ đừng nói đến "nước lớn" - nếu như họ tiếp tục tham vọng biến Biển Đông thành "ao nhà" của họ.
Trung Quốc phải nhớ rằng, "cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác". Trung Quốc hãy học lại lời dạy của cha ông họ, biết tôn trọng chính mình và tôn trọng nước khác, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực sự đi con đường chính đạo - phát triển hòa bình, không được để "gen bành trướng/xâm lược" phát tác. 
Trung Quốc đừng bao giờ coi thường ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình!

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đông Nam Á trước “cơn bão” Nhà nước Hồi giáo

Đông Nam Á trước “cơn bão” Nhà nước Hồi giáo

TT - Nhiều vụ bắt giữ trong những tháng qua ở cả Indonesia và Malaysia, bối cảnh ngày càng nhiều công dân ở khu vực bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chiêu dụ.
 
IS bắt giữ hàng chục binh sĩ Iraq ở tỉnh Salaheddin và sau đó hành quyết số tù binh này - Ảnh: AFP

Một quan chức chống khủng bố ở Malaysia hôm đầu tuần cho biết cảnh sát nước này đã phá vỡ các kế hoạch đánh bom do một nhóm chiến binh Hồi giáo cấp tiến bị ảnh hưởng bởi IS. Suốt từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Malaysia đã bắt 19 nghi phạm như vậy.
Huấn luyện ở Afghanistan
Những nghi can này lên kế hoạch đánh bom vũ trường, quán rượu và một nhà máy của Hãng bia Đan Mạch Carlsberg.
Phó đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Malaysia Ayob Khan Mydin cho biết nhóm này có tư tưởng muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo cứng rắn ở Đông Nam Á, trải rộng khắp Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Singapore. Những nghi can này cũng lên kế hoạch sang Syria để học tập kinh nghiệm từ IS và kêu gọi quyên góp tiền cho chuyến đi trên Facebook dưới cái tên “lao động nhân đạo”.
Qua quá trình thẩm vấn, những nghi can này đã hé lộ thêm về lý tưởng của IS, trong đó có việc giết người vô tội và kể cả những người Hồi giáo không theo nhóm của họ. Những nghi can này còn tính tạo một mạng lưới với các phần tử IS trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo Bloomberg, sự tham gia của công dân ở Đông Nam Á vào các cuộc xung đột ở Trung Đông để lộ ra những nguy cơ đối với những nước trong khu vực. Như nhóm khủng bố Jamaah Islamiyah (JI) ở Indonesia, họ có thể đưa các công dân Indonesia, Malaysia, Singapore sang Afghanistan huấn luyện rồi những chiến binh này có thể quay về nước, sử dụng những gì học được để thực thi các chiến dịch khủng bố.
Tuyên thệ sau song sắt
Theo thông tin từ Tổ chức Soufan ở New York (Mỹ) chuyên cung cấp thông tin phân tích chiến lược cho các chính phủ, có khoảng 200 người Indonesia và 30 người Malaysia đã rời khỏi Đông Nam Á để gia nhập IS. Malaysia thì nói có tới 40 công dân nước họ đến với IS.
Theo AFP, trong các vụ bắt giữ ở Malaysia vừa qua, có những trường hợp bị bắt ngay tại sân bay khi đang chuẩn bị sang Syria. Giới quan sát bình luận rằng con số này hiện tại có thể là nhỏ nhưng cũng không quên nhắc lại các vụ đánh bom ở Bali năm 2002 và 2005 do JI thực hiện.
Lãnh đạo tinh thần và tư tưởng cho JI là Abu Bakar Ba’asyir (hiện đang ngồi tù) mới đây đã tuyên thệ trung thành với IS và gia nhập phong trào này. Ba’asyir tuyên thệ cùng 23 phạm nhân khác trong phòng cầu nguyện của nhà tù Pasir Putih ở Trung Java, nơi có an ninh cực kỳ nghiêm ngặt.
Quan chức thuộc Bộ Pháp lý và nhân quyền Handoyo Sudrajat nói mặc dù an ninh nhà tù được tăng cường nhưng điều này đã xảy ra ngoài dự đoán. Ông nói thêm rằng danh sách những người Hồi giáo Indonesia ủng hộ IS hiện đang tăng lên.
Không chỉ Indonesia và Malaysia, Philippines hồi đầu tháng này đã phải báo động vì số công dân nước này sang Iraq và Syria huấn luyện, chiến đấu cùng IS tăng lên. Nhật báo Inquirer dẫn một báo cáo được chia sẻ với Văn phòng tổng thống Philippines và các tổ chức khác như Interpol nói có gần 200 người nước này tham gia IS. Manila cũng cực kỳ quan ngại việc những người này quay về nước và áp dụng những gì học được từ IS.
Lo ngại và ngăn chặn
Trong bối cảnh IS đang cố giành thêm sự ủng hộ ở Indonesia thì người dân nước này cũng tỏ ra lo lắng không kém về phong trào thánh chiến đang tăng dần ảnh hưởng tại đây. Trong thời gian qua, theo The Jakarta Globe, chính quyền Trung Java đã phát hiện một chi nhánh địa phương của IS hoạt động tích cực tại Malang với cái tên Ansharul Khilafah, sử dụng một đền thờ trong vùng làm trụ sở.
Người dân ở Malang lo ngại rằng IS, với hình ảnh bạo lực và không ngại ngần giết một ai, sẽ đem lại bạo lực cho nơi họ đang sinh sống. Một số trang tin tại Trung Java nói nhiều người ở Surakarta đã tuyên thệ trung thành với IS. Ảnh hưởng của nhóm này cũng lan rộng ra nhiều vùng khác ở Trung Java.
Jakarta gần đây tuyên bố chính thức cấm cửa IS và ngăn chặn mọi hành động tuyên truyền, quảng bá về nhóm này, chặn các trang web ủng hộ IS.
Chính phủ Indonesia cũng theo dõi công dân nước này dự định đi du lịch đến những nước ở Trung Đông và Nam Á, nhất là những khu vực đang có xung đột vũ trang, để đảm bảo họ không có sự liên lạc với IS. Theo Bloomberg, Singapore cũng bắt giữ những công dân nước này bị nghi có ý đồ sang Syria chiến đấu cùng các nhóm nổi dậy.
VIỆT PHƯƠNG

Lại tấn công bằng dao ở Trung Quốc

Lại tấn công bằng dao ở Trung Quốc, 8 người bị thương

TTO - Tám người bị thương trong vụ tấn công bằng dao xảy ra đêm qua 21-8 ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công bằng dao ở Trung Quốc. Cảnh sát Trung Quốc cũng đã được tập huấn chống khủng bố tấn công bằng dao - Ảnh: Reuters


Tân Hoa Xã đưa tin nghi can họ Fan 32 tuổi, ngụ thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Cảnh sát nói nghi phạm đã tấn công 8 người bằng con dao làm bếp.

Vụ việc xảy ra trên đường Lanyuan và Lanyuan New, thành phố Quảng Châu. Cảnh sát cho biết họ nhận được tin báo lúc 19g28 và đã bắt giữ kẻ tấn công với sự trợ giúp của người dân ở hiện trường. Bản thân hắn cũng bị thương.

Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công. Luo Xianggui - chồng của một người bị thương, nói Fan sống trên đường phố và trong tiếp xúc hàng ngày không cho thấy có biểu hiện bất thường. Trong khi đó, người nhà Fan nói anh ta có tiền sử bệnh thần kinh.

Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công bằng dao ở Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, một người đàn ông đã điên cuồng dùng dao đâm loạn xạ các học sinh ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Hồ Bắc làm 8 học sinh bị thương.
MINH ANH

Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh Thái Bình Dương

Báo Mỹ: "Mỹ làm tốt chuẩn bị cho chiến tranh Thái Bình Dương"


(GDVN) - Hiện nay, không chỉ lực lượng đột kích Seals, mà còn đặc nhiệm của Thủy quân lục chiến và Lục quân đều đang tham gia huấn luyện thực hiện chiến dịch trên biển.
Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh minh họa)
Trang mạng "Strategy Page" Mỹ ngày 14 tháng 8 đăng bài viết nhan đề "Làm tốt chuẩn bị cho chiến tranh Thái Bình Dương" cho rằng, trước đây, Quân đội Mỹ phát động tập kích trên biển và thực hiện các hành động đặc biệt khác hầu như hoàn toàn do lực lượng đột kích "báo biển" Hải quân (Navy Seals) thực hiện.
Nhưng, hiện nay, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Thủy quân lục chiến (MARSOC) và lực lượng đặc biệt/đặc nhiệm Lục quân Mỹ (bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt Delta - Delta Force) cũng đang tiến hành huấn luyện phát động chiến dịch trên biển.
Lực lượng Navy Seals có thể sẽ tiếp tục "độc quyền" các hành động tác chiến mang theo thiết bị/máy thở dưới nước, bởi vì họ đã trải qua rất nhiều huấn luyện trên lĩnh vực riêng này.
Nhưng, do Mỹ đã chuyển sự tập trung chú ý tới Thái Bình Dương, trong tương lai, khả năng phát động các chiến dịch/hành động trên biển ngày càng lớn, nhiều đơn vị đột kích hơn của Mỹ cần tiếp nhận huấn luyện như vậy.
Theo bài báo, để hỗ trợ cho nhu cầu gia tăng của các hành động đột kích trên biển, Hải quân Mỹ đang chế tạo tàu chi viện đột kích riêng và triển khai nhiều tàu chiến mặt nước hơn để tiến hành chuẩn bị cho hỗ trợ các hành động đột kích.
Lực lượng đặc nhiệm đột kích Seals Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện nhảy dù (ảnh minh họa)
Công tác chuẩn bị như vậy ngày càng cần nhiều hơn lực lượng đột kích Seals, MARSOC và lực lượng đặc biệt Lục quân tiến hành huấn luyện.
Có thể thông qua tàu vận tải cỡ nhỏ để vận chuyển tới tàu sân bay, rồi tiếp tục thông qua máy bay trực thăng đưa họ tới tàu cỡ nhỏ (tàu khu trục, phương tiện vận chuyển đổ bộ hoặc tàu tuần duyên mới) để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể (thông qua tàu cỡ nhỏ đến bờ biển).
Đơn vị đột kích còn tập luyện thông qua máy bay trực thăng bay thấp để xâm nhập địa điểm thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đột kích Seals thì tập luyện sử dụng tàu ngầm mini riêng để đổ bộ.
Theo bài báo, mấy năm trước, Hải quân và Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt đã bắt đầu tính toán đến sự thay đổi này, trong đó bao gồm chế tạo một số tàu chi viện riêng cho lực lượng đột kích.
Cuối năm 2013, Hải quân bắt đầu cải tạo một tàu container 30.000 tấn thành căn cứ trên biển của lực lượng đột kích tác chiến đặc biệt và lực lượng chi viện, đã cấp trên 100 triệu USD cho công tác cải tạo này. Điều thú vị là điều này hoàn toàn không phải là ý tưởng mới.
Theo bài báo, ngay từ năm 2004, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt đã yêu cầu Hải quân nghiên cứu kế hoạch cải tạo tàu container thành căn cứ trên biển của lực lượng tác chiến đặc biệt. Nguồn cảm hứng của kế hoạch này rõ ràng đến từ kinh nghiệm 10 năm qua khi lực lượng tác chiến đặc biệt dùng tạm tàu chiến hải quân làm căn cứ.
Binh sĩ lực lượng Navy Seals
Năm 1996, ở vùng biển Haiti, năm 2001 ở Afghanistan, Hải quân đều đã cung cấp tàu sân bay, nhưng đã rút đi phần lớn lực lượng không quân. Tuy cách làm này đã chứng minh tính linh hoạt to lớn của Hải quân, nhưng đây hoàn toàn không phải là kế lâu dài, bởi vì điều này đã chiếm dụng một phần tài sản quý báu nhất của Hải quân (tàu sân bay và nhân viên trên tàu).
Sau đó, vào năm 2001, Hải quân bắt đầu cải tạo 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo để mang theo 154 quả tên lửa hành trình và lực lượng đột kích tác chiến đặc biệt (đến nay chủ yếu là lực lượng đột kích Seals). Ở đây bao gồm trang bị của lực lượng đột kích và hỗ trợ tàu đặc nhiệm đổ bộ.
So với cách làm truyền thống chế tạo tàu chiến mới, cải tạo có vài ưu thế chính. Tàu dân dụng, cho dù là tàu cỡ lớn có quy mô tương đương tàu sân bay (tàu chở dầu cỡ lớn và tàu container), thì tàu cần đến thường ít hơn 50 người, trong khi đó, tàu chiến có quy mô tương tự cần đến trên nghìn thậm chí vài nghìn người.
Tàu container cỡ lớn dùng cho mục đích quân sự cần không đến 100 thủy thủ, trong khi đó tàu tấn công đổ bộ cần 1.100 người, tàu sân bay lớp Nimitz cần tới 3.200 người. Ngoài ra, loại tàu này cũng dễ nâng cấp hơn, khoang tàu có thể được gỡ bỏ hoặc thay thế.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh minh họa)
Những tàu này sẽ thuộc về Bộ tư lệnh vận tải đường biển Hải quân và sử dụng các thuyền viên không thuộc quân đội. Hải quân sẽ giữ 1 – 2 chiếc đợi lệnh bất cứ lúc nào.
Chương trình tàu chi viện trên biển hiện nay sử dụng tàu container cỡ khá nhỏ (30.000 tấn), sẽ vận chuyển vài trăm nhân viên tác chiến đặc biệt và lực lượng chi viện, không đến 12 máy bay trực thăng cộng thêm một số tàu cỡ nhỏ dành cho lực lượng đột kích.

Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình

Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình, chính sách với láng giềng không đổi


(GDVN) - Thời gian xảy ra vụ giàn khoan 981, truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình đã đến thăm 1 đơn vị quân đội, thúc giục binh lính phải "sẵn sàng chiến đấu".

Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc chưa đủ sức làm lãnh đạo thế giới, nhưng phải bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia". Chính Đặng Tiểu Bình là người đã quyết định xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.
Bưu điện Hoa Nam ngày 22/8 bình luận, các nguyên tắc do Đặng Tiểu Bình đặt ra vẫn phát huy ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Trung Quốc hôm nay. Nỗ lực của Tập Cận Bình để gây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc trên vũ đài chính trị quốc tế là học theo Đặng Tiểu Bình, người được Bắc Kinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh vào hôm nay.
Khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Tập Cận Bình đã bắt đầu phô diễn sức mạnh quân sự và khẳng định sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề khu vực. Nhiều nhà phân tích tự hỏi liệu có phải ông đã phá vỡ lời khuyên của Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc cần "giấu mình chờ thời", tránh đối đầu trong các vấn đề quốc tế để tập trung vào các vấn đề trong nước?

Tuy nhiên các nhà phân tích và quan sát Trung Quốc cho biết, các triết lý của Đặng Tiểu Bình vẫn còn đang định hướng các hoạt động đối ngoại của Bắc Kinh ngày hôm nay, ngay cả khi các nước láng giềng xem hoạt động "thúc đẩy lợi ích" của Trung Quốc là những hành vi bắt nạt. Thật vậy, phong cách của Tập Cận Bình theo lưu ý của một số nhà quan sát là bản sao của Đặng Tiểu Bình.
Mặc dù Trung Quốc đang tìm mọi cách kiểm soát (bành trướng, độc chiếm) toàn bộ Biển Đông, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng để trở thành 1 nhà lãnh đạo toàn cầu trong vấn đề an ninh bởi chi phí cho điều này quá cao.
Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ bình luận: "Trung Quốc đã sẵn sàng chủ động hơn trong việc đạt được một cái gì đó họ muốn, chẳng hạn như bảo vệ yêu sách (vô lý, phi pháp) trong tranh chấp lãnh thổ như những gì chúng ta đang thấy hôm nay".
Đặng Tiểu Bình quay sang bắt tay với Mỹ trong những năm 1970.
Tuy nhiên mong muốn để thống trị của Bắc Kinh cũng có giới hạn, Taylor bình luận: "Lãnh đạo quốc tế rất tốn kém. Và bạn chỉ có thể dẫn dắt quốc tế nếu bạn muốn trả chi phí cho điều đó. Trung Quốc không sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế. Họ có ý kiến của riêng mình, nhưng họ không sẵn sàng để đóng vai trò như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong giải quyết vấn đề quốc tế".
Chiến lược ngoại giao của Đặng Tiểu Bình xuất hiện vào đầu những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô, trong lúc Trung Quốc cố gắng để ổn định tình hình trong nước sau cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989. Đối mặt với áp lực quốc tế, Đặng Tiểu Bình tập trung vào phát triển kinh tế quốc gia. 2 quan chức đi sau là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều tái khẳng định các chủ trương của Đặng Tiểu Bình.

"Một số nước trong thế giới thứ 3 muốn Trung Quốc làm nhà lãnh đạo, nhưng chúng ta không nên. Và đây là chính ách cơ bản của đất nước chúng ta", Đặng Tiểu Bình phát biểu trong cuộc nói chuyện với các quan chức tháng 12/1990. "Chúng ta không thể là người lãnh đạo. Chúng ta không đủ sức mạnh".
Trung Quốc đã đưa ra một loạt cải cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Năm 2001, 4 năm sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, họ đã trở thành thành viên của WTO và bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài. Trung Quốc đã cho Hungary vay 1 tỉ euro vào năm 2011.
Tháng này Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết viện trợ tín dụng cho châu Phi hơn 12 tỉ USD để phát triển đường sắt cao tốc. Số tiền trên nằm trong khoản vay 20 tỷ cho châu Phi giai đoạn 2013 - 2015 mà Tập Cận Bình đã hứa.
Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên tránh đi đầu trong chính trị quốc tế, nhưng phải bảo vệ cái Đặng gọi là "lợi ích cốt lõi" của mình đang bị đe dọa, Francois Godement, một quan chức phụ trách chính sách cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại châu Âu bình luận.
Đặng Tiểu Bình đang cố gắng đội chiếc mũ cao bồi trong chuyến thăm Mỹ năm 1979, ngay sau đó là tuyên bố xấc xược "dạy cho Việt Nam một bài học" rồi xua quân xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.
Ví dụ điển hình cho điều này là việc Đặng Tiểu Bình quyết định xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 chỉ vì Việt Nam đưa quân sang Campuchia (giúp nhân dân nước này xóa bỏ bọn diệt chủng tàn bạo) tiêu diệt Khmer Đỏ giết người do chính quyền Bắc Kinh dựng lên.
Cũng chính Đặng Tiểu Bình đã chủ trương chống Liên Xô, ngăn chặn Moscow viện trợ quốc phòng cho Việt Nam. Trung Quốc đã tập trung đông đảo lực lượng quân sự của mình trên biên giới với Liên Xô.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hành động khiêu khích láng giềng, điển hình như việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt (cái gọi là) vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông buộc các máy bay bay qua không phận quốc tế khu vực này phải xin phép, báo cáo chính phủ Trung Quốc.
Đáng lo ngại hơn đối với các nước láng giềng là việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động khẳng định yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ trên Biển Đông bất chấp (luật pháp quốc tế và) yêu sách của các nước khác. Philippines gần đây đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành 1 chương trình "nghị sự bành trướng" và bỏ qua các nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế.
Tập Cận Bình được cho là "bản sao" của Đặng Tiểu Bình trong quan hệ với láng giềng.
Trong tháng 5 Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối và các cuộc đụng độ, đối đầu trên biển giữa tàu cá Việt Nam và tàu cá Trung Quốc. Đáng lưu ý, thời gian xảy ra vụ giàn khoan 981, truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình đã đến thăm 1 đơn vị quân đội, thúc giục binh lính phải "sẵn sàng chiến đấu".
Kim Lạn Vinh, một giáo sư quan hệ quốc tế từ đại học Nhân Dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã làm tăng sự tự tin do đó Bắc Kinh trở nên quyết đoán (hung hăng) hơn trong "nhu cầu lãnh thổ" của mình và đảm bảo tiếng nói của họ phải được cộng đồng quốc tế "nghe theo".

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Trọng tài quốc tế là giải pháp cho Biển Đông

Thái Lan: Trọng tài quốc tế là giải pháp hòa bình cho Biển Đông


(GDVN) - Điều quan trọng là tất cả các bên cần kiềm chế, cam kết thực hiện các biện pháp hòa bình. Chúng ta thấy trọng tài là một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh

Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow.

GMA News ngày 19/7 đưa tin, hôm qua Philippines và Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và nhanh chóng đàm phán ký kết COC trước sự gia tăng nhanh chóng sự hiện diện quân sự - dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã có cuộc họp song phương tại Manila, nơi họ thảo luận tình hình hiện nay ở Thái Lan và căng thẳng trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo sau đó ông Sihasak nhấn mạnh rằng, giải quyết căng thẳng Biển Đông có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. "Chúng tôi muốn thấy căng thẳng được hạ nhiệt, chúng tôi muốn thấy tất cả các bên tham gia vào các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác nhiều hơn bất cứ khi nào có thể", Ngoại trưởng Thái Lan nói.
Căng thẳng Biển Đông tăng vọt một lần nữa khi Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mở rộng các hoạt động (bành trướng, trái phép) trên thực địa và cải tạo bất hợp pháp ít nhất 2 bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). 
"Điều quan trọng là tất cả các bên cần kiềm chế, cam kết thực hiện các biện pháp hòa bình. Chúng ta thấy trọng tài là một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp", Ngoại trưởng Sihasak nói.
Ngoại trưởng Thái Lan cho biết chính phủ nước ông hy vọng sớm kết thúc đàm phán bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC cũng như thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC.
DOC được ký kết năm 2002 giữa ASEAN với Trung Quốc, trong đó kêu gọi các bên kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động leo thang, thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc và không có chế tài nào đi kèm để xử lý các bên vi phạm.

Tập Cận Bình nói tại lễ sinh nhật Đặng Tiểu Bình

Ông Tập Cận Bình nói gì tại lễ sinh nhật Đặng Tiểu Bình?

Ezra Vogel

BizLIVE - Người Trung Quốc rất giỏi tổ chức các lễ lạt, dịp kỷ niệm là luôn dùng chúng để diễn giải lại lịch sử nhằm hỗ trợ cho các chính sách được chọn lọc cụ thể, Giáo sư Ezra Vogel thuộc đại học Harvard viết cho BBC.

Ông Tập Cận Bình nói gì tại lễ sinh nhật Đặng Tiểu Bình?
Bắc Kinh đang tiến hành các sự kiện rầm rộ kỷ niệm sinh nhật ông Đặng Tiểu Bình, người được coi là cha đẻ của công cuộc cải tổ Trung Quốc thời hiện đại. Ảnh Getty
Giáo sư Ezra Vogel , người từng viết cuốn sách "Deng Xiaoping and the Transformation of China" (2011) cho biết năm nay, Trung Quốc có hai đại lễ, 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/11/1949-2014), và 110 năm sinh nhật ông Đặng Tiểu Bình.
Ngày sinh nhật ông Đặng đang được dùng để ca ngợi những nét chính của công cuộc cải tổ, khai phóng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời để gắn hình ảnh của ông Tập Cận Bình với cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Hôm 20/8, tại một buổi lễ tụ tập đông đủ các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để kỷ niệm ngày sinh ông Đặng, Chủ tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn và nói:
“Kính chào Tiểu Bình. Tôi nhớ ông quá.” (Xiaoping, ni hao? Wo huainiannian).
Thực ra, ông hỉ nhắc lại lời của sinh viên Trung Quốc năm 1984, vào thời điểm uy tín của ông Đặng lên đỉnh cao.
Sau khi ông Tập kết thúc bài diễn văn, cử tọa đã vỗ tay không ngừng.
Sự nghiệp cải cách
Để mừng sinh nhật cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, truyền hình Trung Quốc còn tung ra phim 48 tập về sự nghiệp cải tổ Trung Quốc của ông.
Phim nhanh chóng trở thành tâm điểm của các cuộc trò chuyện tại Bắc Kinh trong giới quan tâm thời sự.
Diễn viên đóng vai ông Đặng nói giọng Tứ Xuyên nhưng theo một số sử gia của Đảng Cộng sản thì người này lại không đủ độ tự tin để diễn tả tầm vóc lãnh đạo của ông Đặng.
Thế nhưng bộ phim truyền hình đã nhắc giới trẻ Trung Quốc lớn lên sau 1978 về công cuộc cải tổ táo bạo do ông Đặng khởi xướng mà chỉ trong 14 năm đã thay đổi diện mạo đất nước.
Vì tập trung vào giai đoạn 1978-1984, phim đã né tránh các chủ đề nhạy cảm như vụ trấn áp năm 1989, đưa đến thảm kịch Thiên An Môn.
Tuy thế phim cũng là bước ngoặt cho công chúng nhìn thấy vai trò tích cực của ông Hoa Quốc Phong, nhà lãnh đạo giao thời từ 1976 đến 1978, và là người trên thực tế đã ủng hộ một số thay đổi sau khi Mao Trạch Đông chết.
Phim cũng nói tốt về ông Hồ Diệu Bang, vị tổng bí thư được dân mến mộ và là gương mặt nhân tính của tuyến đầu cải cách từ 1977 đến 1987.
Nhưng cách ca ngợi ông Đặng còn phản ánh quan niệm rộng rãi trong giới sử gia Trung Quốc và quan chức cao cấp trong những ngày đầu Khai phóng rằng nếu không có sự lãnh đạo vững vàng của ông Đặng thì Trung Quốc khó mà thành công như ngày nay.
Quả là không ai khác có được cả hai yếu tố kinh nghiệm và tính cách cho phép Đặng nắm quyền chắc chắn từ 1978 đến 1992.
Không chỉ tham gia cách mạng từ đầu thập niên 1920, ông còn sống năm năm bên Pháp, một năm ở Liên Xô và là làm tư lệnh quân sự trong suốt 12 năm Kháng Nhật và Nội chiến Quốc – Cộng.
Ông cũng từng làm tổng bí thư Đảng 10 năm, và hai năm trên thực tế là phụ trách ngoại giao.
Không chỉ là cánh tay phải của Mao và Chu Ân Lai và biết rất rõ chính sách của họ, ông cũng có khả năng kết nối, trao đổi dễ dàng với các lãnh đạo quốc tế và được họ công nhận là người luôn có cách giải quyết thực tiễn.
Đặng Tiểu Bình cũng có bản năng chính trị, sự tự tin và quan hệ riêng để giải quyết nhiều vấn đề tế nhị.
'Tìm đá qua sông'
Nhưng sự nghiệp của ông cũng ‘hết lên voi lại xuống chó’, và cuộc thanh trừng thời Cách mạng Văn hóa khiến ông suy tư nhiều về các vấn đề của chính hệ thống ông tham gia dựng lên, và suy nghĩ về các hướng đi tương lai, dù phải lần mò tìm lối.
Cách nhìn của Đặng về nhu cầu thay đổi Trung Quốc không có gì là độc đáo. Nhiều quan chức cao cấp từng bị hành hạ thời Cách mạng Văn hóa cũng ủng hộ nhu cầu phải làm sao thay đổi và đổi như thế nào.
Nhưng nhiều trí thức Trung Quốc và cả giới quan sát nước ngoài nay tin rằng Trung Quốc có thể đã mạnh hơn nếu Đặng cho phép tăng thêm dân chủ, thêm cơ chế quyền lực minh bạch, thêm yếu tố pháp quyền và thêm tự do cho các nhóm thiểu số.
Cùng lúc, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc lại tin rằng nếu không nhờ bàn tay rắn của ông Đặng, Trung Quốc có thể đã không giữ được sự thống nhất.
Nhưng dù người ta mong muốn gì thì không ai có thể quay lại chỉnh sửa lịch sử.
Đặng được coi là kiến trúc sư của cải cách, mở cửa nhưng thực ra ông chưa hề có một kế hoạch rõ rệt.
Ông phát triển dần một phương thức cầm quyền hiệu quả khi ông cho Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương phụ trách tuyến đầu và tham gia không ít cuộc họp cao cấp.
Nhưng bản thân ông mỗi ngày vẫn bỏ ra vài tiếng đọc các báo cáo và đề ra ý kiến chỉ đạo.
Đặng đã tạo ra một cơ chế mới, chuyển Đảng Cộng sản từ một đảng Cách mạng sang thành Đảng cầm quyền.
Ông cũng phá vỡ sự kìm kẹp của cấu trúc xã hội chủ nghĩa cứng nhắc, mở cửa thị trường, biến đổi Trung Quốc từ một quốc gia khép kín thành nước tham gia mạnh vào thương mại và chính trị quốc tế.
Tập Cận Bình ngày nay đang vận hành trong chính các chiều kích do Đặng định ra.
Ông Tập sẽ không thể nào thay đổi cơ bản và điều khiển được các thay đổi cơ bản như Đặng đã làm.
Nhưng nhập vào vai như người theo khuôn mẫu của Đặng, ông muốn tỏ ra là nhà lãnh đạo mạnh nhất sau Đặng.
Ông ra tay mạnh mẽ bằng chiến dịch chống tham nhũng và nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng ông có tiềm năng để quản trị Trung Quốc qua giai đoạn chuyển đổi khó khăn vì tăng trưởng tụt, và nỗ lực kiểm soát thông tin hạn chế giao lưu công nghệ, và những đòi hỏi có chế độ pháp quyền, và nhiều tự do hơn không hề giảm đi.
Trong và ngoài Trung Quốc, nhiều người hy vọng ông Tập sẽ giữ được quan hệ quốc tế hòa bình và tốt cùng với nhịp phát triển khiến Trung Quốc ngày một mạnh hơn, theo lời khuyên ‘Thao quang dưỡng hối’ của ông Đặng.
Nhưng cũng nhiều người Trung Quốc lại than phiền về tình trạng đất nước ngày nay và đổ mọi lỗi cho Đặng dù đa số họ sẽ không đổi cuộc sống hôm nay mà họ đang thụ hưởng để lấy cuộc sống cha mẹ họ chịu đựng trước tháng 12/1978.

Tác giả kế hoạch bành trướng của Trung Quốc

Tác giả kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ai?


(GDVN) - Chính Lưu Hoa Thanh là kẻ chủ mưu kế hoạch xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 với vai trò Tư lệnh Hải quân.

Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc giai đoạn 1982 - 1988, chủ mưu kế hoạch xâm lược 6 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và là cha đẻ của cuồng vọng bành trướng Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò đứng sau Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc trong một phiên họp năm 1993.
Gulf News ngày 21/8 bình luận, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thống trị các tuyến hàng hải trọng yếu một khi Mỹ không còn hứng thú, trong đó nhắc nhở các nước Vùng Vịnh phải có một chiến lược hải quân mới để duy trì các tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế luôn rộng mở cho khách hàng của họ ở Đông Á có thể qua lại dễ dàng.
Các vùng biển và đại dương sẽ là chiến trường trong thế kỷ 21, các cường quốc kinh tế cũ và mới sẽ đấu tranh để chiếm lĩnh các tuyến đường hàng hải nơi 90% giá trị hoạt động thương mại toàn cầu phải đi qua. Họ sẽ sử dụng lực lượng hải quân của mình để tới nơi họ tìm kiếm lợi ích chính trị hay quân sự, đồng thời họ cũng để mắt tới những tài nguyên thuộc những vùng biển này.

Trung Quốc đã cho thấy nhận thức rõ ràng rằng họ muốn kiểm soát các vùng biển và Bắc Kinh đã khởi động chiến lược vươn ra đại dương toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Với phần còn lại của thế giới, mối quan tâm đang đặt ra là liệu Hoa Kỳ có một sự đồng thuận tương tự hay chỉ đơn giản là cố gắng mở rộng sức mạnh hải quân sau Chiến tranh Lạnh để rồi đi vào một tương lai không chắc chắn?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đã tiết lộ suy nghĩ ngắn hạn của Washington khi cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo về cắt giảm ngân sách và các cuộc chiến lợi ích đặc biệt của Quốc hội Mỹ trong một cuốn sách của ông. Robert Gates không nói về bất kỳ nhiệm vụ nào để bảo vệ tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng.
Chiến lược vươn ra đại dương của Trung Quốc được xác định công khai gần đây nhất vào năm 2013 trong sách trắng quốc phòng. Theo Trung tâm Đông Tây, đây là lần đầu tiên cả đại hội đảng Cộng sản và Quốc hội Trung Quốc thể hiện rõ quan điểm "bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải", bảo vệ "quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài" là mục tiêu quan trọng đối với quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên chiến lược vươn ra đại dương được Trung Quốc xây dựng 1 khoảng thời gian dài trước đó. Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc giai đoạn 1982 - 1988 chính là tác giả của bản kế hoạch 3 giai đoạn rất rõ ràng để tăng cường quyền lực biển của Trung Quốc. Cũng xin lưu ý, chính Lưu Hoa Thanh là kẻ chủ mưu kế hoạch xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 với vai trò Tư lệnh Hải quân, trực tiếp phụ trách soạn thảo kế hoạch - PV.
Lưu Hoa Thanh (giữa) thị sát trái phép quần đảo Hoàng Sa tháng 3/1985 sau khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía tây quần đảo này của Việt Nam năm 1974.
Giai đoạn thứ nhất là để Trung Quốc có thể kiểm soát những gì họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" gần bờ biển của họ vào năm 2000. Sau đó là mục tiêu vươn tới "chuỗi đảo thứ 2" vào năm 2020, trong đó bao gồm hiện thực hóa (cuồng vọng, dã tâm) đường lưỡi bò nổi tiếng (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông, biến 90% vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc khiến các nước ven Biển Đông đặc biệt quan ngại.
Giai đoạn thứ 3 là Trung Quốc phát triển được một lực lượng hải quân "hải dương xanh" có khả năng thực hiện các nhiệm vụ gây ảnh hưởng toàn cầu vào năm 2050.
Sức mạnh hải quân Trung Quốc ngày một gia tăng trên Biển Đông và những hoạt động (bành trướng) của nó ngày hôm nay chính là kết quả giai đoạn 2 mà Lưu Hoa Thanh vạch ra để kiểm soát "chuỗi đảo thứ 2". Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã không ngừng gây hấn với các nước láng giềng trong đó có Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngày nay thậm chí cả Malaysia.

Chỉ trong tuần này Philippines đã phát hiện và phản đối việc Trung Quốc điều tàu tuần tra bất hợp pháp ngoài bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Philippines và Trung Quốc, Đài Loan đều yêu sách - PV). Trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế - PV). 
Không chỉ Trung Quốc lo lắng và tìm kiếm lợi ích ở Biển Đông, tuyến hàng hải trọng yếu này là nơi vận chuyển 2/3 nguồn cung cấp năng lượng cho Hàn Quốc, 60% cho Đài Loan và Nhật Bản cũng như 80% dầu thô mà Bắc Kinh phải nhập khẩu. Đó là lý do tại sao những gì đang xảy ra ở Biển Đông rất quan trọng với các quốc gia Vùng Vịnh. Hầu hết các khách hàng lâu dài của họ ở châu Âu và châu Mỹ đã bị mất và họ cần duy trì mối quan hệ làm ăn chặt chẽ với các khách hàng Đông Á.
Mặc dù Biển Đông có vai trò trọng yếu như vậy, nhưng Trung Quốc lại xây dựng 4 địa điểm để tiến vào Ấn Độ Dương có thể kiểm soát tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Vùng Vịnh về đại lục một cách dài hạn: cảng Chahbahar ở Iran, cảng Gwadar ở Pakistan, Trung Quốc cũng đã xây dựng 1 cảng lớn trên đảo Ramree ở Myanamar là điểm cuối của tuyến đường ống dẫn dầu, khí đốt về Côn Minh tỉnh Vân Nam. Và "cánh cổng" thứ 4 nằm ở Hambantota, Sri Lanka được Bắc Kinh mở cửa năm 2010.
Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc không dựa vào suy nghĩ Mỹ sẽ suy yếu trong việc giám sát các tuyến hàng hải trọng yếu quốc tế để tìm cách kiểm soát. Đến năm 2050, mục tiêu của Lưu Hoa Thanh đề ra là Trung Quốc có khả năng "thích làm gì thì làm" ở Biển Đông. Đây sẽ là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nhà cung cấp ở Vùng Vịnh, những nước cần chuẩn bị với mối đe dọa này, ngay cả khi Mỹ không hiện diện ở đây để giúp đỡ họ.