Thách thức đại chiến lược Trung Quốc: Xây đảo trên Biển Đông
Tác giả: Alexander Vuving,
“China’s Grand-Strategy Challenge: Creating Its Own Islands in the South China Sea”, The National Interest, 8/12/2014.
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Quang Khải
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh được tờ tạp chí tình báo quốc phòng
IHS Jane’s phân tích cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trên Đá Chữ Thập
thuộc quần đảo Trường Sa một doi đất mang hình dáng sân bay dài 3.000m
và một hải cảng đủ lớn cho các tàu chở dầu và tàu chiến lớn neo đậu. Đây
không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm vậy, đảo này là hòn đảo mới
nhất được Trung Quốc xây dựng trong chuỗi hành động xây đảo lấn biển mà
nước này đang tiến hành ở cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên biển
Đông.
Trung Quốc xây đảo để làm gì? Mục đích tối thượng của những dự án này
là gì? Lăng kính thông thường chúng ta sử dụng để giải mã các động thái
chiến lược trên trường quốc tế không phù hợp để trả lời những câu hỏi
ấy. Lăng kính thông thường nhìn trò chơi giữa các quốc gia dưới góc độ
cờ vua, nhưng ở biển Đông, Trung Quốc lại đang chơi cờ vây.
Cờ vây (weiqi) là loại cờ cổ xưa nhất Trung Hoa (được biết đến ở
phương Tây qua tên gọi của người Nhật là go), mang nhiều điểm tương đồng
với một dòng tư duy chiến lược truyền thống có nhiều ảnh hưởng của
Trung Hoa. Trong khi cờ vua là trò chơi chiếu tướng thì cờ vây, như tên
gọi của nó, lại là trò bao vây. Trong cờ vây, không có vua, hậu hay tốt
mà chỉ có những quân cờ giống nhau, quyền lực của chúng phụ thuộc vào vị
trí của chúng trong tương quan rộng lớn hơn trên bàn cờ. Nếu như cờ vua
là cuộc chiến giữa hai đội quân thì cờ vây là cuộc chiến của những tính
toán định hình bàn cờ. Người chơi cờ vua giỏi nhắm đến việc đập tan sức
mạnh cứng của đối phương, người chơi cờ vây giỏi nhắm đến việc kiểm
soát các vị trí chiến lược, từ đó lan tỏa sức mạnh dựa trên vị trí.
Nếu coi biển Đông là một bàn cờ vua thì những động thái của Trung
Quốc ở đó hầu như chỉ là vặt vãnh. Hầu như chỉ có tốt tiến quân, trong
khi những quân cờ quyền lực hơn không có mấy động thái. Có lẽ vị trí
đáng gờm nhất trên bàn cờ là căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Du Lâm phía nam
đảo Hải Nam. Tuy nhiên, căn cứ này không nằm trong vùng biển tranh chấp.
Quân đội hiếm khi là lực lượng chính tham gia vào tranh chấp biển Đông,
mà chủ yếu là tàu đánh bắt cá và tàu hải giám. Và tâm điểm tranh chấp
lại là những đá nhỏ, không thể cư ngụ và thường chìm.
Thoạt nhìn trò chơi này dưới góc độ cờ vua, một nhà ngoại giao kỳ cựu
của Mỹ từng nói “các cường quốc không gây chiến với nhau chỉ vì những
hòn đá” và một học giả hàng đầu về hàng hải Trung Quốc kết luận “những
căng thẳng giữa một cường quốc mới nổi và các nước láng giềng là tự
nhiên và không cấu thành mối đe dọa đáng kể nào đối với cân bằng quyền
lực toàn cầu cũng như hoạt động bình thường của hệ thống quốc tế.”
Nhưng dưới con mắt của người chơi cờ vây, những gì mà Trung Quốc làm ở
biển Đông là ví dụ kinh điển cho thấy nước này đã chơi môn cờ vây tài
tình thế nào. Mục đích tối thượng là nhằm kiểm soát khu vực. Chiến lược
để đạt được mục đích này dựa vào việc lấn dần, chứ không phải những trận
giao tranh lớn. Lấn dần (creeping expansion – hay tằm ăn dâu – NBT) là
một chiến lược đã được thực hiện trong suốt nhiều thập kỷ. Song song với
chiến lược này là chiến lược cắt lát salami và ngoại giao gậy nhỏ
(small-stick diplomacy – tức đe dọa ở mức độ vừa phải – NBT). Logic ẩn
dưới đó là dần dần biến chuyển tình hình theo hướng có lợi cho sự bành
trướng của Trung Quốc bằng cách khéo léo dùng thủ đoạn thay đổi thế
chiến lược trong khu vực.
Chiến lược này đòi hỏi một số bước đi cần thiết, thực hiện tuần tự.
Đầu tiên là hết sức tránh các cuộc xung đột vũ trang công khai; có thể
khởi phát xung đột nhỏ, nhưng việc ấy chỉ được thực hiện nhằm lợi dụng
tình hình vốn đã có lợi cho Trung Quốc. Bước thứ hai là kiểm soát những
điểm chiến lược nhất trên biển; nếu không kiểm soát từ trước thì có thể
lén lút chiếm, thậm chí có thể có xung đột nhỏ nếu cần. Bước thứ ba là
phát triển những điểm đó thành điểm kiểm soát mạnh, tích cực xây dựng
các trung tâm hậu cần và căn cứ hiệu quả để phô trương sức mạnh. Lịch sử
can dự của Trung Quốc ở xung đột biển Đông cho thấy nước này đã theo
sát những đường đi nước bước kể trên.
Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng lao vào đối đầu quân sự, nhưng nước này
vẫn thường tránh viện đến các cuộc chiến vũ trang lớn để mở rộng không
gian kiểm soát. Trong suốt sáu mươi năm qua, chỉ có hai lần Bắc Kinh
xung đột quân sự để chiếm đảo. Lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 1974 với
Việt Nam Cộng hòa, kết thúc với việc Trung Quốc chiếm nửa phía Tây của
quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Lưỡi Liềm. Lần thứ hai là một xung đột nhỏ
hơn nhiều, nhưng cũng không kém phần đẫm máu với nước Việt Nam thống
nhất tại Đá Gạc Ma hồi tháng Ba năm 1988.
Điểm đáng chú ý ở hai lần đối đầu này là chúng đều xảy ra khi trong
khu vực này xuất hiện một khoảng trống quyền lực lớn. Lần thứ nhất, Mỹ
đang rút quân khỏi khu vực này, và lần thứ hai là khi Liên Xô rút dần sự
hiện diện. Trong cả hai lần, Trung Quốc đều được hưởng lợi từ cái gật
đầu ngầm của Mỹ, nhân tố quyền lực nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
mở rộng. Vì thế, những cuộc xung đột quân sự ấy không gây ra nhiều hệ
lụy về mặt ngoại giao (cho Trung Quốc).
Bước đi thứ hai được phản ánh rất rõ trong cách Bắc Kinh chọn các địa
điểm chiếm đóng trong khu vực đang tranh chấp. Khi Trung Quốc và Việt
Nam tranh giành vị thế ở quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã chọn
chất lượng bù số lượng. Trung Quốc chiếm 6 đảo trong khi Việt Nam chiếm
11 đảo. Nhưng năm trong số sáu đảo đó là những vị trí chiến lược nhất
trong quần đảo.
Lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là Đá Chữ Thập,
một trong những đảo tốt nhất trong quần đảo xét về vị trí và khả năng
mở rộng. Rạn san hô này án ngữ vị trí lý tưởng cửa ngõ phía Tây của quần
đảo Trường Sa và là một trong số ít các địa vật trong quần đảo này gần
các tuyến hải hành xuyên đại dương đi qua biển Đông. Đá Chữ Thập không
quá gần cũng không quá xa các nhóm đảo khác, lợi thế giúp giảm khả năng
bị tấn công đồng thời mở rộng không gian ảnh hưởng.
Ngoài ra, Đá Chữ Thập còn chiếm một khu vực rộng 110 km vuông, một
trong những địa vật lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Bốn trong số năm
địa vật còn lại là đá Subi, đá Gaven, đá Gạc Ma và đá Châu Viên nằm ở
rìa bốn nhóm đảo khác nhau, từ đó có thể kiểm soát một vùng biển rộng
lớn và những tuyến hải hành chủ chốt ở quần đảo Trường Sa. Sau này Trung
Quốc còn chiếm thêm hai địa vật nữa cũng có giá trị chiến lược vô cùng
to lớn.
Đá Vành Khăn mà Trung Quốc lén lút chiếm của Philippines hồi cuối năm
1994, đầu năm 1995 nằm ngay trung tâm cánh phía đông của quần đảo
Trường Sa và rất gần các tuyến hải hành trọng điểm dọc phía đông biển
Đông. Bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm năm 2012 với chiến lược
ngoại giao gậy nhỏ và “ngoại giao lật lọng” (double-dealing
diplomacy)[1] bao quát góc đông bắc biển Đông và là chốt canh lý tưởng
nhằm kiểm soát các tuyến hải hành chính qua khu vực này.
Với việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarbourough và các đảo
nhân tạo chiến lược khác trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có lợi
thế hơn bất cứ nước nào khác trong việc kiểm soát cái mà Robert Kaplan
gọi là “yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu”. Chẳng hạn, đảo Phú
Lâm (đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa), Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và
bãi cạn Scarborough tạo thành một chòm sao bốn điểm với bán kính chỉ
250 hải lý từ đó có thể kiểm soát chặt chẽ toàn bộ biển Đông.
Điều đó có nghĩa là để trở thành lãnh chúa trên biển Đông, Trung Quốc
chỉ cần phát triển những tài sản ấy thành nền tảng vững chắc có thể
cung cấp hậu cần cho một mạng lưới tàu đánh cá, tàu hải giám, tàu ngầm
và máy bay nhằm thống trị bầu trời và vùng nước khu vực này, cũng như
một số vùng đất để thiết lập những khu kinh tế và an ninh rộng.
Đó chính xác là những gì Bắc Kinh đang tiến hành. Sáu mươi năm trước
đảo Phú Lâm chỉ là một bãi cát không người ở, nay đã có gần 1.000 người,
cả dân lẫn binh lính. Cơ sở vật chất lưỡng dụng bao gồm một sân bay với
một đường băng 2.700m và một đường dẫn máy bay song song, có sức chứa
hơn tám máy bay thế hệ thứ tư như tiêm kích SU-30MKK và máy bay đánh bom
JH-7, một cảng nước sâu 1.000m có thể cho phép tàu tải trọng 5.000 tấn
neo đậu.
Từ năm 2013, Trung Quốc cũng tiến hành các dự án xây dựng khổng lồ ở
phía nam quần đảo Trường Sa hòng biến những đá mà nước này chiếm được
thành đảo. Theo một quan chức tình báo cấp cao của Đài Loan tên là Lý
Tường Trụ (Lee Hsiang-chou), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông
qua kế hoạch mở rộng đảo lấn biển để xây dựng các cơ sở quân sự trên năm
đảo nhỏ trong vùng biển này, trong đó có Đá Châu Viên, Đá Gạc Ma, Đá
Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Chữ Thập.
Trong số những dự án xây đảo ấy, gây nhiều tác động nhất phải kể đến
dự án Đá Chữ Thập. Từ một rạn san hô chìm, Đá Chữ Thập sẽ sớm trở thành
đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Sau khi lấn biển, với diện tích
đất dự kiến đạt 2km vuông, Đá Chữ Thập sẽ lớn gấp bốn lần đảo tự nhiên
lớn nhất trong quần đảo là Ba Bình hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng. Khu
vực mở rộng này cho phép Đá Chữ Thập chứa được một sân bay với đường
băng 3.000m, một cảng nước sâu, các trạm radar, vài tên lửa tầm trung và
tầm xa, kho bãi và cơ sở vật chất cung cấp dịch vụ khác đủ khả năng hỗ
trợ hàng trăm tàu cá, tàu hải giám, tàu chiến và máy bay.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai gần đến trung hạn Bắc
Kinh tiếp tục xây đường băng sân bay và cảng nước sâu ở Subi, Đá Vành
Khăn và bãi cạn Scarborough và thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở
biển Đông.
Với các đảo được mở rộng và xây mới ở các vị trí chiến lược, Trung
Quốc có nhiều khả năng hơn tất cả các cường quốc khác trong việc giành
thế thống trị trên không và trên biển ở biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh vẫn
còn cả một con đường dài phía trước, nhưng trong vòng hai mươi năm nữa
viễn cảnh một biển Đông la liệt các căn cứ của Trung Quốc trải dài từ
quần đảo Hoàng Sa ở tây bắc tới Đá Vành Khăn ở đông nam, từ bãi cạn
Scarborough ở đông bắc đến Đá Chữ Thập ở tây nam sẽ chẳng có gì là quá
khó tưởng tượng.
Liệu quá trình lấn dần này có phải là không thể ngăn chặn? Mặc dù
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và
các nước ASEAN ký năm 2002 không tạo nhiều cơ sở để phong tỏa các điểm
xây dựng lại, nhưng các nước muốn duy trì nguyên trạng vẫn có thể gửi
các quan sát viên quốc tế tới để giám sát xây dựng và gây sức ép ngoại
giao nhằm thuyết phục Trung Quốc dừng hành động.
Một cách nữa để thách thức chiến lược cờ vây của Trung Quốc là dùng
chính chiến thuật mà nước này sử dụng. Ví dụ, bước đầu tiên, Việt Nam có
thể cho phép Ấn Độ sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh và cho Mỹ sử
dụng căn cứ không quân ở Đà Nẵng. Đây là hai địa điểm chiến lược nhất
của Việt Nam dọc bờ biển Đông. Nếu Trung Quốc không để ý tới thông điệp
này, Việt Nam có thể tăng cường động thái ngăn chặn bằng cách cho phép
quân đội Mỹ và Nhật Bản vào Cam Ranh và Đà Nẵng, từ đó hai nước có thể
tuần tra biển Đông. Trên hết, nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm biến biển
Đông thành ao nhà của mình thì các nước Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật
và Ấn Độ cần hình thành một liên minh mạnh mẽ hòng đảo ngược lại trạng
thái mất cân bằng quyền lực ấy.
Đại chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông là một kế hoạch khôn khéo
tận dụng những điểm yếu của các chiến lược dựa trên các trận đánh lớn mà
điển hình là Chiến lược tác chiến không-hải mà Mỹ đưa ra nhằm vô hiệu
hóa năng lực Chống tiếp cận – phong tỏa khu vực (A2AD) của Trung Quốc và
Chiến lược kiểm soát tầm xa (Offshore Control), lựa chọn thay thế chủ
chốt của chiến lược A2AD. Nhưng chiến lược lấn dần này không phải là
hoàn hảo. Nó có thể bị ngăn chặn nếu Mỹ, Việt Nam và các cường quốc khu
vực khác chơi cờ vây điêu luyện như Trung Quốc.
Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) là phó giáo sư tại Trung tâm
Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu. Quan điểm trong
bài viết này là của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm nơi tác
giả công tác.
——————-
[1] Trong cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarborough, sau khi Mỹ đứng ra
làm trung gian hòa giải, Philippines nghĩ rằng Trung Quốc đã đồng ý cả
hai bên rút tàu về nhưng sau khi Philippines rút về thi Trung Quốc vẫn
không hề rút và rốt cuộc đã chiếm Scarborough trên thực tế (ghi chú của
người biên tập dựa trên trao đổi với tác giả bài viết).
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế