Lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn gì ở biển Đông?

Trung Quốc cũng đã có hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay Liêu Ninh được tu sửa lại từ một tàu sân bay cũ của Nga
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên
nắm chức Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11
năm 2012, thế giới liên tục chứng kiến những hành động được coi là gây
hấn và chưa từng có từ trước tới nay của nước này ở biển Đông. Các học
giả quốc tế có những nhận định khác nhau về những diễn biến này liên
quan đến chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới. Việt Hà có bài tổng
hợp và tường trình.
Những hành động gần đây của Trung Quốc
trên biển Đông đang khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về đường lối chiến
lược của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới Tập Cận Bình, mặc dù trước đó đã
có không ít những lạc quan về một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong khu vực,
ít nhất cũng là so với thời gian trước năm 2012 với những nhà lãnh đạo
cũ của Trung Quốc.
Lạc quan ngắn ngủi
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch
Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cho thế giới và nhất là những nước láng
giềng châu Á nhỏ bé hơn mình thấy thiện chí muốn tăng cường hợp tác trên
nhiều lĩnh vực, thể hiện qua các chuyến viếng thăm của ông và Thủ tướng
Trung Quốc Lý Kế Cường tới các nước ASEAN bao gồm các nước như Việt
Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhận xét về cử chỉ này từ các lãnh
đạo mới của Trung Quốc, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên
cứu Chiến lược Ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói:
Chúng tôi chưa bao giờ thấy trước đó, chỉ trong vòng một năm nhậm chức lãnh đạo, cả Chủ tịch và Thủ Tướng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm chính thức đến 10 nước ASEAN. Đây là một diễn tiến mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó
TS Hoàng Anh Tuấn
Hoàng Anh Tuấn: khi chúng tôi thấy
các lãnh đạo mới của Trung Quốc nhậm chức vào cuối năm 2012 và đầu năm
2013 với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Kế Cường, chúng tôi đã có
hy vọng và thậm chí có nhiều hy vọng hơn trong khu vực về một mối quan
hệ tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian dài. Chúng tôi
chưa bao giờ thấy trước đó, chỉ trong vòng một năm nhậm chức lãnh đạo,
cả Chủ tịch và Thủ Tướng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm chính thức
đến 10 nước ASEAN. Đây là một diễn tiến mà chúng tôi chưa từng thấy
trước đó.
Trong chuyến thăm Indonesia vào
tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng ông hy vọng thương
mại hai chiều Trung Quốc ASEAN sẽ đạt mức 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2020,
tức là tăng hơn 2 lần rưỡi so với con số 400 tỷ đô là vào năm trước đó.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng
Lý Kế Cường đến Việt Nam vào tháng 10 năm 2013, lãnh đạo hai nước đã
đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi hợp tác trên biển theo 3 nguyên tắc dễ làm
trước, khó làm sau và từng bước. Hai bên thiết lập một nhóm làm việc về
hợp tác và phát triển trên biển theo cơ cấu làm việc cấp chính phủ hiện
có. Cả hai bên cũng cam kết sẽ sử dụng đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại
giao và Bộ Nông nghiệp. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch Việt
Nam Trương Tấn Sang đến Trung Quốc vào tháng 6 cùng năm, lãnh đạo hai
nước cũng đã nhất chí phải kiềm chế các hành động để không làm phức tạp
thêm vấn đề tại biển Đông.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN)-Trung Quốc:Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ông Surapong
Towichukchaikul (trái) và người đồng cấp Trung Quốc của ông Bộ trưởng
Wang tham dự một cuộc họp báo sau cuộc họp đầu tiên của họ tại Diaoyutai
State Guesthouse ở Bắc Kinh ngày 29 tháng 8 , năm 2013.
Hành động của Trung Quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng mặt khác thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước
TS Hoàng Anh Tuấn
Tuy nhiên, Việt nam và các nước trong
khu vực đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động đặt giàn khoan dầu HD 981
của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước vào
đầu tháng 5 vừa qua, và việc Trung Quốc huy động hàng trăm tàu các loại
bao gồm tàu chiến để bảo vệ giàn khoan ngay trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nói:
Hoàng Anh Tuấn: hành động của
Trung Quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương
lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng mặt khác thật
bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không
một ai đoán trước.
Trong hội thảo về biển Đông tại
Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC vào hai
ngày 10 và 11 tháng 7 vừa qua, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ
nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam cáo buộc Trung
Quốc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền bằng cách làm phức tạp thêm vấn đề
tại biển Đông bằng nhiều hình thức.
Trần Trường Thủy: Trung Quốc
đang gia tăng các đòi hỏi chủ quyền của mình qua phạm vi và bằng các
biện pháp làm phức tạp thêm tình hình ngay tai hiện trường, qua chính
sách ngoại giao và nội địa.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy cáo buộc
Trung Quốc đang chuẩn bị các bước cần thiết để mở một vùng nhận dạng
phòng không tại biển Đông tương tự như vùng nhận dạng phòng không ở biển
Hoa Đông mà Trung Quốc thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó
Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách chia rẽ ASEAN như đã làm trước kia
bằng cách đưa ra các lời hứa và cam kết hợp tác về kinh tế với các nước
trong ASEAN vốn không có những tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại
biển Đông. Theo tiến sĩ Trần Trường Thủy, những hành động gần đây của
Trung Quốc cho thấy nước này đã chuyển từ chiến thuật gây hấn do phản
ứng lại sang chủ động gây hấn.
Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình
Có một số ý kiến được các học giả
quốc tế đưa ra về mối liên quan giữa những hành động gần đây của Trung
Quốc và chính sách của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình. Đáng chú ý là ý
kiến của học giả Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm
nghiên cứu Stimson, Hoa Kỳ. Phát biểu trong một hội thảo gần đây về biển
Đông, học giả Yun Sun nhận định:
Để cải thiện vị trí của mình trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai, Trung Quốc đã phải thay đổi quan niệm về hiện trạng không thân thiện của Trung Quốc… ở mức rộng và cao hơn, Trung Quốc đã có chiến lược quốc gia từ nhiều năm trước về xây dựng một cường quốc biển.
Học giả Yun Sun
Yun Sun: Trung Quốc thấy là sự kiềm
chế hành động của Trung Quốc trong quá khứ đã không cải thiện được vị
thế của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền một chút nào và việc Trung
Quốc không hành động đã dẫn đến việc các nước khác gia tăng sự hiện diện
và đòi hỏi chủ quyền của họ tại biển Đông. Vì vậy để cải thiện vị trí
của mình trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai, Trung Quốc đã
phải thay đổi quan niệm về hiện trạng không thân thiện của Trung Quốc… ở
mức rộng và cao hơn, Trung Quốc đã có chiến lược quốc gia từ nhiều năm
trước về xây dựng một cường quốc biển. Trong khi sự mở rộng của hải quân
Trung Quốc gặp nhiều trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật bản và
xuống tới Philippines. Biển Đông cho hải quân Trung Quốc một khu vực dễ
dàng hoạt động hơn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia
quốc tế, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biển
Đông hiện không có khả năng cạnh tranh về mặt trang bị quân sự với Trung
Quốc. Trong khi đó, các nước ASEAN vẫn tiếp tục chia rẽ về cách tiếp
cận với Trung Quốc trong vấn đề này.
Học giả về Trung Quốc thuộc Trung
tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, ông Christopher Johnson, cho rằng,
những hành động chưa từng có trước đây của Trung Quốc ở biển Đông thực
ra đã nằm trong một chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Tuy nhiên ông
thừa nhận, Chủ tịch Tập Cận Bình có cái nhìn về Trung quốc khác với
những người tiền nhiệm.
Christopher Johnson: Ông Tập Cận
Bình có cái nhìn mang tính tư tưởng hơn so với những người tiền nhiệm
trước đó về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới…
Trong nhiều bài báo và phân tích gần
đây trên thế giới, các học giả cũng nói đến học thuyết mới của ông Tập
Cận Bình về cái mà ông gọi là ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Trong bài diễn văn
đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc vào ngày 19 tháng 8 năm
2013, ông Tập Cận Bình đã nói ‘việc thực hiện Giấc mộng Trung Hoa về sự
phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước
thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh
phúc’. Học thuyết mới này theo đánh giá của các học giả quốc tế xuất
phát từ việc nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khôi phục lại hình ảnh của một
đất nước Trung Hoa vĩ đại trong quá khứ, và điều này có ảnh hưởng nhất
định đến chính sách ngoại giao của nước này.
Ông Tập Cận Bình có cái nhìn mang tính tư tưởng hơn so với những người tiền nhiệm trước đó về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới
Christopher Johnson
Để thực hiện những mục tiêu mà mình đưa
ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện thâu tóm việc kiểm soát các hoạt
động liên quan đến các hoạt động đòi và bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc
trên biển Đông. Học giả Christopher Johnson cho rằng, những gì đã xảy ra
gần đây trên biển Đông đều có sự đồng ý và chỉ đạo từ ông Tập Cận Bình.
Điều này khác với những gì diễn ra dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, người bị
chỉ trích là đã mất kiểm soát với các cơ quan phụ trách vấn đề chủ quyền
của Trung Quốc ở biển Đông.
Học Giả Christopher Johnson cũng cho
rằng ông Tập Cận Bình là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn so với
những các lãnh đạo Trung Quốc trước đó. Điều này kết hợp với việc thâu
tóm quyền lực của ông Tập Cận Bình, học giả Johnson cho rằng sẽ rất khó
để đoán biết được những hành động trong tương lai của ông ở các khu vực
tranh chấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét