Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Trung Quốc phạm điều cấm kỵ ở Tân Cương

Trung Quốc phạm điều cấm kỵ ở Tân Cương?

 Ngày 11/12, chính quyền thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương (TQ), thông qua lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt để ngăn chặn nguy cơ cực đoan.

Theo Tân Hoa xã, Hội đồng Lập pháp Urumqi bỏ phiếu thông qua lệnh cấm mặc loại trang phục truyền thống Hồi giáo có mạng che mặt dầy ở các địa điểm công cộng trong thành phố.
Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc cũng mở các chiến dịch gây sức ép buộc phụ nữ người Uighur theo đạo Hồi không đeo các loại mạng che mặt.
Một chiến dịch mang tên "Vẻ đẹp lan tỏa" được tổ chức ở thành phố Kashga tại Tân Cương để buộc phụ nữ Uighur không mặc trang phục Hồi giáo truyền thống và đeo  mạng che mặt.
Không chỉ cấm đeo mạng che mặt, cách đây không lâu một thành phố ở Tân Cương ra lệnh cấm đàn ông râu rậm, quai nón hoặc mặc quần áo Đạo Hồi đi xe buýt do lo ngại dính đến khủng bố.
Phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ đứng chờ xe bus ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, Trung Quốc
Phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ đứng chờ xe bus ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, Trung Quốc
Phản ứng lại, ông Dilxat Raxit, phát ngôn viên của tổ chức Người Duy Ngô Nhĩ thế giới (WUC), (tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong ở nước ngoài) chỉ trích, những lệnh cấm trên mang "tính phân biệt đối xử" và sẽ chỉ khiến tình hình giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương thêm căng thẳng.
Ông Dilxat Raxit cũng cáo buộc, chính sách phân biệt đối xử, kìm kẹp tự do tôn giáo, tự do văn hóa và đàn áp người Ngô Duy Nhĩ của chính quyền Bắc Kinh dẫn tới làn sóng bạo loạn, bất ổn tại Tân Cương.
Một số chuyên gia nhận định, những lệnh cấm như vậy có thể phản tác dụng ở vào thời điểm mà nhiều người Duy Ngô Nhĩ cho là văn hóa của họ đang bị tấn công.
Ông James Leibold, một chuyên gia thuộc Đại học La Trobe ở Melbourne, Australia, nói với hãng tin Reuters rằng, với lệnh cấm này, Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra một sự liên hệ trực tiếp giữa những kiểu trang phục nhất định của người Hồi giáo với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Theo truyền thống đạo Hồi thì việc đeo mạng che mặt là điều bắt buộc với quan niệm rằng sự tôn trọng gia đình nằm ở hành động của người phụ nữ đó. Danh dự của người phụ nữ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và dòng họ; và danh dự người phụ nữ phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của mình.
Nếu người phụ nữ vi phạm những điều cấm đó thì người đàn ông trong gia đình có thể bị coi là yếu ớt, hèn nhát và có thể bị xã hội tẩy chay. Do vậy, để được đàn ông coi trọng và bảo vệ thì người phụ nữ không được để mọi người thấy mặt nơi công cộng.
Ngoài ra, việc đeo mạng là hình thức mang lại tự do cho phái yếu, vì họ sẽ yên tâm hòa mình vào đời sống cộng đồng.
Quang Hưng (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét