Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Triều Tiên công khai "xa lánh" Trung Quốc

Triều Tiên lần hai công khai "xa lánh" Trung Quốc

Triều Tiên không mời Trung Quốc dự lễ kỷ niệm ngày mất của Kim Jong Il. Đây được coi là dấu hiệu mới nhất của nước này muốn xa lánh Bắc Kinh.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin cho rằng Triều Tiên chưa gửi lời mời chính thức đến Chính phủ Trung Quốc và vì vậy, Bắc Kinh cũng không có ý định gửi đoàn đại diện đến tham dự buổi lễ này.
Thông tin trên xuất hiện giữa lúc có những tin đồn cho rằng Trung Quốc không còn ủng hộ Triều Tiên vô điều kiện nữa. Tướng về hưu Vương Hồng Quang gần đây nhận định: “Trung Quốc không phải là vị cứu tinh. Nếu Bình Nhưỡng sụp đổ thì ngay cả Bắc Kinh cũng không thể cứu được nước này”. Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc gần đây cũng đăng một loạt bài ám chỉ việc bỏ rơi Triều Tiên.
Sự việc trên đã nối dài thêm những nỗ lực của Triều Tiên nhằm xa lánh Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thanh trừng người dượng Jang Song Thaek vào tháng 12 năm ngoái. Jang Song Thaek được cho là cầu nối giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng và cái chết của ông báo hiệu nỗ lực lớn hơn nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Triển lãm nghệ thuật nhân 2 năm ngày mất của Kim Jong Il
Triển lãm nghệ thuật nhân 2 năm ngày mất của Kim Jong Il
Đầu năm nay đã xuất hiện những thông tin cho thấy khẩu hiệu chống Trung Quốc đang trở nên phổ biến hơn ở Bắc Triều Tiên. Ngoài ra Bình Nhưỡng đang tìm cách mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Indonesia và Mỹ càng làm cho mối quan hệ với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Gần đây nhất, truyền thông CHDCND Triều Tiên cũng không đăng tin bài về quan hệ với Trung Quốc nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 đồng minh truyền thống này (ngày 6/10).
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi lên nhậm chức cũng duy trì liên minh ở mức "không rõ ràng" với Kim Jong Un. Cho đến giờ, ông Tập Cận Bình vẫn chưa hề đến thăm viếng Triều Tiên trên tư cách người đứng đầu nhà nước Trung Quốc. Những gì gọi là sự quan tâm của ông Tập với Kim Jong Un chỉ là gửi điện mừng vào ngày Quốc khánh của Triều Tiên mỗi năm.
Không những vậy, ông Tập Cận Bình còn làm Triều Tiên cảm thấy phẫn nộ khi ghé thăm Hàn Quốc hồi tháng 7/2014 và có những phát biểu đầy "tình cảm" với Seoul.
Dù lạnh nhạt với Triều Tiên nhưng có lẽ Trung Quốc khó có thể buông tay Bình Nhưỡng.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng đặt giả thuyết, nếu Trung Quốc thực sự “buông tay” Triều Tiên, có thể dẫn đến 3 khả năng.
Thứ nhất, Triều Tiên cũng sẽ từ bỏ Trung Quốc để “ngả vào vòng tay của kẻ thứ ba”.
Thứ hai, Triều Tiên sẽ không chống đỡ nổi trước sự bao vây về chính trị, kinh tế, quân sự của các nước đối địch.
Khả năng thứ ba là động thái của Trung Quốc sẽ đẩy Triều Tiên đến ngõ cụt và buộc phải “tử chiến đến cùng”, dẫn đến chiến tranh bùng phát trở lại trên bán đảo liên Triều.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, dù là hậu quả nào trong 3 khả năng trên cũng đều bất lợi cho Trung Quốc, chưa tính tới khả năng các thế lực khác sẽ nhúng tay kiểm soát cả bán đảo Triều Tiên.
“Từ bỏ Triều Tiên” đồng nghĩa với việc Trung Quốc hai tay dâng tặng “lợi ích chiến lược” cho Mỹ – điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên – bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu kết luận.
Khải An (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét