Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Trung Quốc-Pakistan siết chặt tay đối phó Ấn Độ

Trung Quốc-Pakistan siết chặt tay đối phó Ấn Độ

(Tin tức 24h) - Trung Quốc-Pakistan vừa cam kết thúc đẩy những nỗ lực chung nhằm xây dựng một hành lang kinh tế song phương.

Theo Tân Hoa xã, hai nước đã ký kết một kế hoạch dự thảo dài hạn về dự án nói trên tại Bắc Kinh ngày 8/11.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Pakistan Muhammad Nawaz Sharif đang ở thăm Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký kết sau khi hội đàm.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là một dự án trọng điểm để tăng cường kết nối giữa hai nước láng giềng này, qua đó thiết lập khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif được chào đón tại sân bay Bắc Kinh
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif được chào đón tại sân bay Bắc Kinh
Về phần mình, Thủ tướng Pakistan Muhammad Nawaz Sharif khẳng định Islamabad sẵn sàng hợp tác để xây dựng thành công hành lang kinh tế.
Ông cũng hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan và cam kết bảo đảm an toàn cho người dân và các tổ chức của Trung Quốc tại nước này.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan kết nối khu vực Khách Thập thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc với cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan.
Việc xây dựng hành lang kinh tế này được nêu trong một thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 5/2013.
Cùng ngày 8/11, hai bên cũng ký kết hơn 20 văn kiện hợp tác khác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ, năng lượng, tài chính, khu công nghiệp và truyền thông.
Lâu nay, Pakistan coi quan hệ với Bắc Kinh giúp nước này làm vô hiệu hóa sức mạnh quân sự vốn trội hơn hẳn của New Delhi. Trong khi đó, Trung Quốc cũng coi Islamabad là một đối trọng chiến lược quan trọng so với đối thủ lâu đời, Ấn Độ, và là một hàng rào chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ trên khắp khu vực. Bắc Kinh còn muốn dùng Pakistan làm cửa ngõ để tiếp cận thế giới Hồi giáo và cần sự trợ giúp của Islamabab để chiến đấu với các phần tử ly khai Hồi giáo tại Tân Cương trên biên giới chung giữa 2 nước.
Trung Quốc là nhà cung cấp chính các vũ khí quân sự cho Pakistan và cũng là một nhà đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực như viễn thông, hải cảng và cơ cở hạ tầng.
Trung Quốc thúc đẩy mối quan với Pakistan trong bối cảnh quan hệ Trung-Ấn đang nóng lên bởi ngày 22/10, tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập trái phép khu vực hồ Pangong, gần vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát, đồng thời triển khai quân đội vào sâu khoảng 5 km trên đất liền.
Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) đã chặn tàu thuyền Trung Quốc tại đường kiểm soát thực tế (LAC) nằm trong hồ Pangong. Nhóm binh sĩ Trung Quốc cưỡi xe địa hình cố gắng vượt qua LAC trên bộ cũng bị ITBP chặn lại.
Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu thuyền và binh sĩ Trung Quốc buộc phải rút lui sau khi ITBP kiên quyết không nhượng bộ.
Ấn Độ cũng đang có dự định xây 54 tiền đồn tại khu vực biên giới Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc cho rằng bao gồm cả biên giới vẫn còn tranh chấp ở miền Đông hai nước.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000 km2 lãnh thổ tại bang Arunachal Pradesh mà Bắc Kinh gọi là miền nam Tây Tạng. Trong khi đó Ấn Độ tuyên bố chủ quyền đối với 38.000 km2 lãnh thổ hiện do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Aksai Chin ở phía tây, cũng như hơn 5.000 km2 đất tại Kashimir mà Pakistan chuyển cho Trung Quốc theo thỏa thuận biên giới 1963.
Khải An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét