Những tướng Trung Quốc 'ngã ngựa' vì tiền
Chiến
dịch 'đả hổ diệt ruồi' của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang truy
quét mạnh trong quân đội, với việc bắt hoặc truy tố nhiều sĩ quan cấp
tướng từng lừng lẫy một thời nay bị nghi ăn hối lộ.
Cốc Tuấn Sơn
![]() |
Ông Cốc Tuấn Sơn. Ảnh: mwr.gov.cn
|
Xinhua hôm 31/3 đưa tin, trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó
chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã
bị tòa án quân sự khởi tố với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, lạm
dụng công quỹ và chức quyền. Vụ việc đã gây chấn động dư luận Trung
Quốc thời điểm đó bởi khối tàn sản thu giữ được từ nhà riêng của ông quá
lớn.
20 sĩ quan bán quân sự được huy động để tịch thu các vật dụng ở nhà Cốc. Trong số đó, có
một bức tượng cố chủ tịch Mao Trạch Đông bằng vàng ròng, một chậu rửa,
một mô hình thuyền bằng vàng, cùng nhiều thùng rượu Mao Đài, loại rượu
đắt tiền ở Trung Quốc. Tổng lượng hàng xa xỉ đủ chất đầy 4 xe tải.
Hai ngôi nhà bên cạnh biệt thự gia đình do hai người anh em của
Cốc sở hữu. Ba ngôi nhà kết nối với nhau bằng một căn hầm dài hơn 30 m,
chứa nhiều loại rượu đắt tiền. Phần lớn các chai rượu vẫn còn nguyên vẹn
vì ông Cốc không sống ở đây trong nhiều năm, tạp chí Caixin cho biết.
Cốc từng chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng và nhà đất cho quân
đội trước khi trở thành phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ông bị tạm giữ
ngày 19/1/2012 để điều tra cáo buộc "sai phạm kinh tế", cụm từ ám chỉ
hành vi tham nhũng. Tên ông được xóa bỏ khỏi website Tổng cục Hậu cần
một tháng sau đó.
Ông Cốc sở hữu nhiều bất động sản quan trọng và hàng chục căn hộ,
với diện tích gần 200 mét vuông mỗi căn, trên đường vành đai hai, ở khu
vực nội thành thủ đô Bắc Kinh. Cựu tướng hậu cần quân đội từng nói với
nhà điều tra rằng, ông dự định sử dụng chúng làm quà biếu.
Một phi vụ làm ăn nổi tiếng của Cốc là lô đất biệt thự số 7 thuộc khu
Điếu Ngư Đài, trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Lô đất này vốn thuộc một doanh
nghiệp nhà nước, nhưng bị quân đội trưng dụng với lý do phục vụ công tác
nghiên cứu khoa học. Năm 2007, lô đất lại được chuyển nhượng cho Tập
đoàn Trung Hách, để chuyển đổi chức năng thành khu chung cư cao cấp, với
mức giá niêm yết là 300.000 nhân dân tệ một mét vuông, tương đương
37.500 USD vào thời điểm đó.
Từ Tài Hậu
![]() |
Tướng Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc. Ảnh: Reuters
|
Xinhua hồi cuối tháng 6 đưa tin thượng tướng Từ Tài Hậu,
nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, bị buộc tội nhận hối
lộ, khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và tước bỏ chức vụ trong quân
đội.
Theo điều tra, ông Từ đã "lợi dụng chức quyền, giúp những người khác
thăng chức và nhận hối lộ trực tiếp hoặc thông qua gia đình, lợi dụng vị
trí của mình để gây ảnh hưởng đến người khác nhằm trục lợi". Cựu ủy
viên Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ được bàn giao cho một tòa án quân sự xét
xử.
Hôm 28/10, một công tố viên quân đội cho biết ông Từ Tài Hậu chính thức
thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Công tố viên đã hoàn tất quá trình điều
tra và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ liên quan đến vụ việc.
Trong suốt sự nghiệp, ông Từ thăng quan tiến chức qua nhiều cấp bậc
trong quân đội và đảng. Ông nhập ngũ vào năm 1963 và vào đảng năm 1971.
Một năm sau, ông trở thành thư ký kiêm phó chủ nhiệm ủy ban chính trị
của tư lệnh quân đội ở tỉnh đông bắc Cát Lâm. Ông được bổ nhiệm vào
những chức vụ cấp cao trong quân ủy trung ương vào những năm 1990.
Ông nghỉ hưu ở Quân ủy Trung ương năm ngoái và rời khỏi Bộ Chính trị
năm 2012. Ông là một trong những quan chức quân đội cấp cao nhất từng bị
hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình.
Phoenix Weekly hôm qua cho hay hồi tháng ba, các công tố
viên đã khám xét ngôi biệt thự sang trọng của ông Từ ở Bắc Kinh và phát
hiện dưới tầng hầm hơn một tấn đôla Mỹ, euro và nhân dân tệ.
Cựu ủy viên Bộ Chính trị này cũng tích trữ vô số đá quý và ngọc bích
đắt tiền cũng như các đồ cổ quý hiếm, tạp chí cho biết thêm, trích dẫn
một nguồn thông thạo vấn đề và thân cận với các quan chức quân sự cấp
cao. Cơ quan chức năng phải điều động hơn 10 xe tải quân sự để vận
chuyển số tài sản được "chất cao như núi", tạp chí tiết lộ.
Diệp Vạn Dũng, Vệ Tấn
![]() |
Ông Diệp Vạn Dũng. Ảnh: SCMP
|
South China Morning Post hôm 26/6 cho biết, hai vị
tướng quan trọng trong quân đội Trung Quốc, có nhiều mối liên hệ với
tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt giữ. Đây được xem như một phần của cuộc điều tra
sâu rộng hơn của chính phủ nhằm vào những hành vi tham nhũng trong hệ
thống quân đội.
Một trong hai quan chức quân đội bị bắt giữ là ông Diệp Vạn Dũng, ngoài
60 tuổi, cựu chính ủy quân khu Tứ Xuyên. Hôm 25/6, ông bị bãi bỏ tư
cách thành viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc
(CPPCC), cơ quan cố vấn chính trị cấp cao nhất ở nước này. Nhiều nguồn
tin cho hay, nhà riêng của tướng Diệp Vạn Dũng cũng đã bị cơ quan chức
năng lục soát.
![]() |
Ông Vệ Tấn. Ảnh: Molihua
|
Người còn lại là thiếu tướng Vệ Tấn, 55 tuổi, phó Chính ủy quân khu Tây
Tạng. Ông Vệ từng nắm giữ nhiều vị trí trọng yếu trong quân đội ở tỉnh
Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, trong đó có cương vị sĩ quan tuyên huấn
cấp cao ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Dương Kim Sơn
SCMP ngày 18/7 đưa tin, trung tướng Dương Kim Sơn, 60 tuổi,
phó tư lệnh quân khu Thành Đô, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng
Cộng sản Trung Quốc bị bắt trong một vụ án chống tham nhũng. Ông Dương
bị áp giải đến Bắc Kinh trong khi các thành viên trong gia đình cùng thư
ký của ông bị tạm giữ. Động thái này được cho là có liên quan tới cuộc
điều tra án tham nhũng của tướng Từ Tài Hậu.
![]() |
Ông Dương Kim Sơn. Ảnh: China News
|
Ngoài các tướng trong quân đội, hôm 29/7, cơ quan thông tin của đảng
Cộng sản Trung Quốc cũng ra thông báo, ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên
thường vụ Bộ Chính trị chính thức bị điều tra do nghi ngờ "vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng". Cụm từ này thường được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ
hành vi tham nhũng.
Đây là một bước đi táo bạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đánh giá của
các nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc. Tuyên bố này chấm dứt một
luật bất thành văn lâu nay về việc các lãnh đạo cấp cao có chân trong
Thường vụ Bộ Chính trị được miễn trừ kỷ luật và là bất khả xâm phạm
trước các cơ quan thực thi pháp luật.
Vũ Hoàng (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét