Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Nga - Trung Quốc sát cánh giấc mơ

Nga - Trung Quốc sát cánh giấc mơ?

Tổng thống Nga không có kế hoạch gặp gỡ Tổng thống Mỹ trong khuôn khổ APEC, nhưng đã ký liền lúc 17 văn kiện hợp tác với Chủ tịch Tập Cận Bình

Hãng tin RT ngày 9/11 đưa thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp tại Thủ đô Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC.
Họ gặp nhau ở nhà khách Điếu Ngư Đài, sau những cái bắt tay nồng nhiệt, 17 văn kiện hợp tác được ký kết, hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau những lời nói đầy tình cảm về mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Quan hệ Nga - Trung Quốc như một cái cây. Mùa thu đã bắt đầu, và đã đến thời điểm thu hoạch. Đã tới lúc hái quả!"
Ông Tập nói: "Vũ đài thế giới đang thay đổi từng ngày, nhưng dù thế nào, thì chúng ta vẫn nên kiên trì con đường đã chọn nhằm mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, và đưa lợi ích đó lên cao nhất."
Về phần mình, ông Putin đánh giá: "Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, để thế giới ổn định và dễ đoán định hơn."
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi gặp mặt ở Điếu Ngư Đài
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi gặp mặt ở Điếu Ngư Đài
Sau cuộc gặp gỡ này, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã có 10% cổ phần trong dự án năng lượng khổng lồ ở vùng Siberia của tập đoàn Rosneft. CNPC đạt thêm các thỏa thuận về cung cấp khí đốt và tuyến vận chuyển khí đốt.
Ngoài ra, 17 văn kiện hợp tác ấy còn bao gồm nhiều linh vực trao đổi khoa học kỹ thuật, phối hợp xây dựng hạ tầng - vốn là điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đang thực sự rất mặn nồng. Nhưng cái bắt tay giữa hai cường quốc trong thời điểm này có rất nhiều ẩn ý. Trước hết, cần chú ý tới nhà khách Điếu Ngư Đài. Cái tên đó gợi cho người ta nhớ đến nhiều hình ảnh không vui giữa quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Senkaku/Điếu Ngư vẫn đặt hai quốc gia này trong hoàn cảnh căng thẳng.
Đặc biệt, Nhật Bản và Mỹ vừa tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ với quân số lên tới 40.000 người cùng nhiều khí tài vũ khí hiện đại của cả hai nước hôm 22/10. Tất nhiên, sự hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ là một điều có tính truyền thống. Nó chỉ mới ở chỗ Mỹ tuyên bố bảo vệ Nhật Bản dù đối phương là ai, và điều này không phải không có liên quan tới Bắc Kinh.
Mỹ - Nhật Bản tập trận
Mỹ - Nhật Bản tập trận
Senkaku/Điếu Ngư vẫn là điểm nóng ở biển Hoa Đông, một phần của điểm nóng đó do Trung Quốc khẳng định quần đảo này là của họ và chưa có bất kỳ cuộc đối thoại cởi mở nào giữa hai quốc gia châu Á về điểm nóng này.
Một điều đáng chú ý khác, bên lề APEC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội bàn với nhau về một số vấn đề trên thế giới, nổi cộm là vấn đề Ukraine. Tương tự như Senkaku/Điếu Ngư, Ukraine đang khiến mối quan hệ Nga, Mỹ xấu đi trầm trọng.
Nhưng Tổng thống Nga có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc, nhưng lại không có kế hoạch để gặp Tổng thống Mỹ. Dường như, những nhà ngoại giao có thể dành cho nhau những lời lẽ ấn tượng, tốt đẹp, nhưng các nguyên thủ, người cầm cân nảy mực cho mọi vấn đề lại không còn gì để nói với nhau.
Trong khi đó, hiện Nga đang bị Mỹ dẫn đầu phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. Nga cần tìm lối thoát cho nền kinh tế từ những nguồn đầu tư từ nước ngoài, và Trung Quốc là một cái tên lý tưởng.
Tập Cận Bình nói về giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương với sắc màu Trung Hoa ở APEC
Tập Cận Bình nói về giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương với sắc màu Trung Hoa ở APEC
Còn về phía Bắc Kinh, họ cần Nga trong nhiều vấn đề. Năng lượng, vũ khí, ảnh hưởng quốc tế. Trong tham vọng về một Đại Trung Hoa của mình, Trung Quốc dường như đang độc đạo, và đi ngược lại với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng may mắn sao, họ bỗng gặp Nga trên con đường đó.
Sau khi sáp nhập Crimea của Ukraine vào với lãnh thổ Nga, Tổng thống Nga đã khẳng định thế giới giờ đã kết thúc thế đơn cực do Mỹ dẫn dắt. Và ông Putin có nói về một nước Nga hùng cường, với vai trò chính trị to lớn trên thế giới.
Còn vừa qua, bên trong khuôn khổ Diễn đàn APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình có nói đến một giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương với vai trò dẫn dắt của Trung Quốc. Điều này làm người ta gợi nhớ đến giấc mơ Trung Hoa mà chính ông ta đề ra và theo đuổi.
Giấc mơ Trung Hoa, phục hưng nước Nga... Hai khái niệm đó đang vô tình đi trên cùng một con đường. Và tất nhiên, Nga và Trung Quốc đang cần có nhau.
Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét