Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Mỹ: Trung Quốc đang xây sân bay ở Biển Đông

Mỹ: Trung Quốc đang xây sân bay ở Biển Đông

 Quân đội Mỹ cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một đảo lớn ở Biển Đông để có thể thiết lập một sân bay trong khu vực.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung Tá Jeffrey Poole, ngày 21/11 cho biết Trung Quốc đang xây dựng một đảo lớn ở Biển Đông có thể chứa một sân bay tại khu vực mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 1988.
Theo Trung tá Poole, dự án cải tạo đất quy mô lớn tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là một trong vài dự án mà Trung Quốc đang thực hiện, nhưng là đảo đầu tiên có thể đủ chỗ để xây dựng một đường băng.
“Dường như đó là điều mà họ đang hướng đến”, ông Pool nói.
Một cảng đủ lớn cho các tàu chở dầu và tàu chiến hải quân cũng đã được xây dựng ở phía đông của bãi Chữ Thập.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt dự án và các kêu gọi chính phủ các nước khác ngừng các nỗ lực tương tự.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/11 cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất tại bãi Đá Chữ Thập.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/11 cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất tại bãi Đá Chữ Thập.
“Chúng tôi hối thúc Trung Quốc chấm dứt chương trình cải tạo đất và tham gia vào các sáng kiến ngoại giao để khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm trong các hành động như vậy”, ông Pool nói.
Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11 đã thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết mang mã số H.Res-714, do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhất trí thông qua.
Nghị quyết đã lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Nghị quyết H.Res-714 cũng hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế, hối thúc nước này không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á-Thái Bình Dương.
Nghị quyết kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chuyên gia cảnh báo việc lập ADIZ tại Biển Đông của Trung Quốc
Trong một diễn biến có liên quan, tại hội thảo với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại Đà Nẵng vừa qua, giáo sư Robert Beckman, giám đốc Trung tâm Luật quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng quan ngại chính ở Đông Nam Á là sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông.
Theo giáo sư Beckman, các bài phát biểu của giới quan chức và các nhà bình luận Trung Quốc gần đây ám chỉ Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ ở biển Đông vào thời điểm thích hợp trong tương lai.
Nếu như vậy, câu hỏi là ở đâu? Trung Quốc có căn cứ hải quân chính ở đảo Hải Nam và các điểm hỗ trợ dọc bờ biển nam tỉnh Quảng Đông.
Máy bay Trung Quốc ngang nhiên trinh thám trái phép trong vùng không phận của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014. Ảnh Tuổi Trẻ.
Máy bay Trung Quốc ngang nhiên trinh thám trái phép trong vùng không phận của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014. Ảnh Tuổi Trẻ.
“Trung Quốc có cách lý giải về lợi ích an ninh quốc gia để tuyên bố ADIZ ở bờ biển phía nam kéo dài khoảng 100 hải lý từ đường cơ sở ở vịnh Bắc bộ. Nếu như ADIZ được mở rộng hơn về phía nam khoảng 150 hải lý hoặc hơn, nó sẽ bao gồm các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ bao gồm Hoàng Sa thì hành động này sẽ lại gây căng thẳng cho quan hệ hai nước” - giáo sư Beckman bình luận.
Giáo sư Beckman đánh giá “bất cứ tuyên bố ADIZ nào bao gồm các đảo của quốc gia khác sẽ chắc chắn gây ra quan ngại trong các quốc gia ASEAN, được cho là hành động hiếu chiến và khiêu khích của Trung Quốc”.
Cũng theo ông, tuyên bố ADIZ nằm sâu trong biển Đông sẽ bị Mỹ và các nước khác ngoài khu vực phản đối. “Các quốc gia này sẽ xem việc thiết lập ADIZ là đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông” - giáo sư Beckman nói.
Cùng quan điểm với giáo sư Beckman, các học giả tham dự hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc lập ADIZ để khẳng định yêu sách của mình không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.
Tuyết Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét