Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Mỹ có vì đồng minh mà gây chiến với Trung Quốc

Mỹ có vì đồng minh mà gây chiến với Trung Quốc?

“Tái cân bằng”, “xoay trục”…, những thuật ngữ này có thể hiện quyết tâm của Mỹ bảo vệ đồng minh tới cùng trước hoạt động quân sự của Trung Quốc?

Trung Quốc muốn hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-Thái Bình Dương
Một Trung Quốc ngày một quyết đoán, độc lập hơn trong vấn đề quốc tế và một nước Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương, liệu hai yếu tố này có dẫn đến một cuộc xung đột giữa hai cường quốc này hay không?
Đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp báo tại Moscow vào đầu tuần trước, ông Aleksey Pushkov cho biết: Về mặt chính sách ngoại giao, Trung Quốc ngày một đưa ra yêu cầu mang tính độc lập cao hơn, ngạo mạn hơn và phớt lờ mọi lợi ích của Mỹ.
Rất nhiều người cho rằng, với những chính sách này của Bắc Kinh, sau một thời gian nữa, giữa hai ông lớn này sẽ không thể tránh khỏi một trường đối kháng về mặt chính trị hay những xung đột tiềm năng xuất phát từ những va chạm không đáng có.
Sự thật về “Thoả thuận phòng ngừa xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc” diễn ra tại Bắc Kinh vừa qua cho thấy, quan hệ giữa hai nước cũng đang có những bất đồng và căng thẳng, chính vì thế hai bên buộc phải ngồi lại để tìm kiếm biện pháp nhằm giảm bớt sự căng thẳng này.
Theo ông Pushkov xung đột là điều có thể xảy ra, hay nói một cách chính xác hơn là rất dễ xảy ra, vì máy bay trinh sát của Mỹ luôn bay gần không phận của Trung Quốc, mà Bắc Kinh lại không hề nhượng bộ trong vấn đề này. Họ sẵn sàng tung chiến đấu cơ lên xua đuổi mỗi khi máy bay Mỹ bay sát không phận.
Ngoài P-8A, EP-3E bị máy bay Trung Quốc uy hiếp, tuần dương hạm CG-63 USS Cowpens của Mỹ cũng đã từng bị chiến hạm Trung Quốc dọa đâm
Ngoài P-8A, EP-3E bị máy bay Trung Quốc uy hiếp, tuần dương hạm CG-63 USS Cowpens của Mỹ cũng đã từng bị chiến hạm Trung Quốc dọa đâm
Điển hình là cách đây không lâu, vào tháng 8-2014 vừa qua, một chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát, uy hiếp máy bay chống ngầm P-8A Poseidon của hải quân Mỹ trên không phận khu vực biển Hoa Đông gây ra một cơn “sóng gió ngoại giao” giữa 2 nước.
Khi chiếc máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon, được cho là đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do thám nội tình Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông, một chiến đấu cơ J-11BH của không quân PLA đã có những động thái “dằn mặt” chiếc máy bay trinh sát của Mỹ.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc, chiếc máy bay Trung Quốc đã áp sát chiếc P-8 của hải quân Mỹ ở khoảng cách hết sức nguy hiểm, chỉ khoảng 15 mét và sau đó thực hiện một cú nhào lộn ngay trên đầu chiếc máy bay của Mỹ, động thái được xem như đe dọa đối phương.
Xa hơn nữa, vào tháng 4-2001, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra giữa chiến đấu cơ của hai nước. Máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc cũng đã áp sát một chiếc máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ ở khu vực biển gần đảo Hải Nam trên Biển Đông.
Một vụ va chạm đáng tiếc đã xảy ra, Thiếu tá phi công Vương Vĩ phía Trung Quốc - người điều khiển chiếc J-8 đã thiệt mạng, rất may là phi công máy bay trinh sát Mỹ đã xử lý tình huống tốt, nhưng sau đó đã bị ép phải hạ cánh khẩn cấp xuống một căn cứ không quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Trong vụ việc này, 24 thành viên phi hành đoàn của máy bay EP-3E đã bị giữ lại suốt 11 ngày trên đất Trung Quốc cho đến khi chính quyền Washington dưới thời Tổng thống George W. Bush lên tiếng xin lỗi về vụ việc, phía Bắc Kinh mới hạ nhiệt và giải quyết ổn thoả sự cố này.
Chiếc EP-3E của Mỹ bị bắt ép hạ cánh xuống đảo Hải Nam
Chiếc EP-3E của Mỹ bị bắt ép hạ cánh xuống đảo Hải Nam
Hiện nay, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng hình tượng một “cường quốc có trách nhiệm”, ra rả tuyên bố về một sự “trỗi dậy hòa bình”. Tham vọng của Trung Quốc là hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực này, trở thành “thủ lĩnh” của châu Á, có khả năng buộc các nước phải đi theo quỹ đạo của mình.
Không có quyền lực mềm để các nước nể phục, không có đủ kiên nhẫn gây uy tín để nước khác tin tưởng nên để đạt được mục đích này, Trung Quốc buộc phải sử dụng đến quyền lực cứng quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh nhằm trấn áp các quốc gia trong khu vực, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ.
Mục tiêu nỗ lực phấn đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là có khả năng đối chọi được với lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, trong thời gian qua, nước này đã phát triển năng lực tác chiến xuyên phá qua “Chuỗi đảo thứ nhất”, mở rộng hoạt động trong phạm vi “Chuỗi đảo thứ 2”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự, hiện Bắc Kinh đã có thể tiêu diệt lực lượng đồn trú của Washington ở khu vực này, trong đòn tấn công phủ đầu mãnh liệt. Tất cả các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí là đảo Guam nằm giữa Thái Bình Dương đều nằm trong phạm vi tấn công của các trang bị, vũ khí Trung Quốc.
Vì vậy, Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược quân sự, triển khai chiến lược “Tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” với sự điều chuyển 60% chiến hạm của lực lượng hải quân và 60% lực lượng không quân ở hải ngoại về tây Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc, biến khu vực này thành “điểm nóng” của thế giới trong tương lai.
Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ bị J-11BH Trung Quốc đe dọ
Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ bị J-11BH Trung Quốc đe dọa
Mỹ có vì đồng minh mà gây chiến với Trung Quốc?
Trong thời gian qua, Washington và Bắc Kinh lại có những căng thẳng về vấn đề Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông, vi phạm nghiêm trọng “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC) ký với ASEAN năm 2002 và các quy định quốc tế khác.
Ngay từ đầu năm nay, các tàu vận tải Trung Quốc âm thầm chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ráo riết xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở Gạc Ma và cải tạo địa chất ở đảo Chữ Thập, xây dựng các căn cứ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch.
Trung Quốc đang tiến hành hút cát, cải tạo đất nhằm xây dựng trái phép đảo nhân tạo khổng lồ ở Gạc Ma. Đây sẽ là khu căn cứ quân sự tổng hợp quy mô lớn trên biển Đông với diện tích 30 ha và có thể đón các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn và đường băng dài 1,6 km, đủ cất, hạ cánh các máy bay chiến đấu có tầm hoạt động hàng ngàn km.
Ngoài ra, một nguồn tin cho rằng, chính quyền trung ương Trung Quốc đã phê duyệt bản đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo tại bãi đá ngầm Chữ thập, có diện tích lớn gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở giữa Ấn Độ Dương, bao gồm đường băng và cảng biển, với ý đồ áp đặt hiệu quả hơn sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Một khi được hoàn thành, đây sẽ là bàn đạp để Bắc Kinh lập “Vùng nhận dạng phòng không”, phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp các quốc gia đông nam Á có tranh chấp chủ quyền trên biển như Việt Nam, Philippines, Indonessia, Malayssia, Brunei…, độc chiếm biển Đông, khống chế eo Malacca, mở đường sang Ấn Độ Dương.
Mô hình căn cứ tác chiến không-hải nhất thể Trung Quôc sẽ xây dựng trên đảo Gạc Ma và Chữ Thập
Mô hình căn cứ tác chiến không-hải nhất thể Trung Quôc sẽ xây dựng trên đảo Gạc Ma và Chữ Thập
Là đồng minh lâu năm của Philippines, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc nên tiến hành các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực với các nước trong khu vực, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tiến tới xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông” (COC) làm nguyên tắc giải quyết tranh chấp.
Vài ngày sau khi IHS Jane’s công bố thông tin về hành động thay đổi hiện trạng mới của Trung Quốc trên biển Đông, trung tá Jeffrey Pool, người phát ngôn của quân đội Mỹ hôm 21-11 cho biết, Hoa Kỳ đã đề nghị Trung Quốc ngừng những hoạt động cải tạo đất, xây dựng ở biển Đông.
Mỹ và cộng đồng quốc tế coi việc Trung Quốc mở rộng diện tích để xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - làm căn cứ quân sự là trái với luật lệ quốc tế, đe dọa đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Đáp trả lại tuyên bố của Mỹ, vào ngày 24-11, cựu thiếu trướng La Viện của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cảnh báo Mỹ “tránh xa” việc nước này xây đảo nhân tạo này và tuyên bố “Trung Quốc sẽ chống lại áp lực quốc tế và tiếp tục xây dựng, bởi vì điều này hoàn toàn hợp pháp”.
Những bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phát tín hiệu Bắc Kinh sẽ gạt tất cả những đề xuất của Mỹ. Bà Hoa Xuân Oánh nói hôm 24-11: “Tôi nghĩ bất kỳ ai thuộc thế giới bên ngoài đều không có quyền có những bình luận vô trách nhiệm về những hoạt động của Trung Quốc”.
Bản đồ các đảo bị Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa
Bản đồ các đảo bị Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa
Trong chiến lược bành trướng biển xa, từ năm 2015-2020, Trung Quốc sẽ xây dựng được một lực lượng chấp pháp biển khổng lồ và một lực lượng không-hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới. Đây sẽ là giai đoạn quyết định để Bắc Kinh độc chiếm vùng trời/vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong thời gian tới, lực lượng quân sự Mỹ sẽ ồ ạt đổ về châu Á-Thái Bình Dương, còn lực lượng tác chiến không-hải của Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi hoạt động. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho các phương tiện trinh sát, do thám hoạt động của quân đội Trung Quốc và PLA cũng sẽ không ngần ngại hành xử cứng rắn.
Quyền lợi của đồng minh, sự cạnh tranh về vị thế lãnh đạo và cái “tôi” của những ông lớn sẽ khiến những va chạm trên không, trên biển ngày càng nhiều. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thời gian qua, những va chạm thường xuyên sẽ rất dễ phát sinh các xung đột không đáng có.
Tuy nhiên, cần khẳng định là Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng Washington và Hoa Kỳ cũng không muốn đối đầu quân sự với Trung Quốc. Vì vậy, trong tình huống này, Mỹ sẽ chọn cách cư xử nhún nhường. Đây sẽ là bài toán khó đối với lực lượng quân đội của họ đang đồn trú ở châu Á - Thái Bình Dương.
Khi đó, thách thức lớn nhất mà cường quốc số 1 thế giới phải giải quyết là làm thế nào để thực hiện đúng cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh của mình mà vẫn không làm tổn hại đến quan hệ Mỹ - Trung, khi nhúng tay can dự vào các vấn đề tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. 
Có thể khẳng định là Washington sẽ không vì đồng minh mà chủ động gây chiến với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền, trừ khi Trung Quốc chủ động tấn công Mỹ. Vì vậy, các nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải phải chủ động dựa vào khả năng của mình để đối phó với Trung Quốc.
Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét