Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

TQ phải phát triển vú khí vì bị...uy hiếp

Chuyên gia TQ: 'Phải phát triển ICBM vì bị...uy hiếp'

  Các chuyên gia quân sự TQ đã “đăng đàn” giải thích lí do nước này phải phát triển tên lửa đạn đạo, đầu đạn hạt nhân là do “bị uy hiếp”

Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các ICBM mới
Phương tiện truyền thông Nga gần đây cho biết, ba tháng trở lại đây, lực lượng “Pháo binh 2” Trung Quốc đã ít nhất hai lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “Đông Phong 31B” (DF-31B). Theo nguyên tắc quy định, loại tên lửa này sẽ phải tiến hành bắn thử nhiều lần trước khi đưa vào biên chế sử dụng chính thức.
Theo mạng “Tin tức tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga” đưa tin, ngày 25-09, Trung Quốc đã bắn thử nghiệm lần đầu tiên thành công ICBM dạng cơ động mang phiên hiệu “Đông Phong 31B”, là phiên bản nâng cấp của Đông Phong 31A.
Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng, Trung Quốc trở thành nước thứ hai trên thế giới - sau Nga, có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động trên mặt đất, sử dụng nhiên liệu rắn, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng.
Hiện nay, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc chủ yếu trang bị các tên lửa liên lục địa Đông Phong 31 và Đông Phong 31A, tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 21 và Đông Phong 26 (toàn bộ là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn) và tên lửa liên lục địa nhiên liệu lỏng phóng từ silo (hầm phóng ngầm dưới mặt đất).
Được biết, tên lửa Đông Phong 31 dài 13m, đường kính thân 2,25m, trọng lượng phóng 42 tấn, tầm bắn khoảng 8.000-11.700km. Phiên bản cải tiến Đông Phong 31A sử dụng kết cấu 3 tầng dài hơn nên chiều dài thân tăng lên 18,4m, tầm bắn hơn 10.000km.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 31B của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 31B của Trung Quốc
Việc sử dụng các xe phóng cơ động kiểu mới là một trong những mục tiêu phát triển tên lửa liên lục địa cơ động trên mặt đất của Trung Quốc. Mục tiêu khác là đột phá công nghệ đầu đạn hạt nhân phân hướng lắp trên tên lửa và khả năng ứng phó hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Việc triển khai, bố trí các tên lửa này sẽ dẫn đến tăng số lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo phóng trên mặt đất, đương nhiên sẽ làm tăng tiềm lực hạt nhân của Bắc Kinh. Ngoài Nga và Trung Quốc, trên thế giới chưa có quốc gia nào có loại vũ khí này. 
Trang mạng “Thế giới quốc phòng” của Mỹ gần đây cũng cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, Đông Phong 31B đã giúp Bắc Kinh có khả năng đánh bại hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga về lĩnh vực trang bị vũ khí hạt nhân.
Đánh giá về thực trạng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc hiện nay, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long nhận xét, Đông Phong 31B là vũ khí răn đe và tấn công chiến lược trên mặt đất của Trung Quốc, có khả năng phá hủy và áp chế nhất định các mục tiêu chính trị trọng yếu, kinh tế, văn hóa của các đối thủ chiến lược chính trên thế giới.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, về lĩnh vực tên lửa đạn đạo liên lục địa mặt đất, Trung Quốc xếp thứ 3 hoặc thứ 4 trên thế giới, thuộc về nhóm thứ 2. Thế hệ Đông Phong 31 so với tên lửa Topol hay Yars của Nga tương đương nhau về trình độ công nghệ, vị trí đứng đầu thuộc về hệ thống tên lửa Minuteman của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2UTTKh Topol-M (SS-27
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2UTTKh Topol-M (SS-27 "Sickle B) của Nga
Về công nghệ đầu đạn tên lửa phân hướng, số lượng tên lửa và công nghệ đầu đạn mẹ mang theo nhiều đầu đạn con có khả năng tấn công một hay nhiều mục tiêu của Trung Quốc vẫn còn non kém, hiện đang phải đuổi theo Nga và Mỹ, nhưng cũng đang tiếp cận đến trình độ công nghệ tiên tiến nhất.
Ông Đỗ Văn Long cho rằng, đa đầu đạn phân hướng thuộc về dạng công nghệ đỉnh cao của thế giới, khó khăn hiện nay trong công nghệ chế tạo tên lửa của Trung Quốc chính là thu nhỏ kích thước đầu đạn và điều khiển phân hướng. “Hai công nghệ này vẫn còn gây khó khăn đối với chúng tôi nhưng khó không có nghĩa là không thể” - vị chuyên gia này cho biết.
Ông cũng chỉ ra rằng, tên lửa liên lục địa thời kỳ đầu của Trung Quốc đều sử dụng nhiên liệu lỏng, còn công nghệ gia công, nén thể tích và đốt nhiên liệu rắn trước đây vẫn chưa thể đạt được những yêu cầu tiêu chuẩn đúng nghĩa một tên lửa liên lục địa, nhưng hiện nay Trung Quốc đã đột phá được công nghệ này.
Thời gian chuẩn bị phóng của tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn ngắn hơn rất nhiều so với ICBM nhiên liệu lỏng, tốc độ phóng cũng nhanh hơn, công việc dự trữ, bảo quản và phóng cũng đơn giản hơn rất nhiều
Trung Quốc phát triển Lực lượng hạt nhân chiến lược do bị Mỹ “o ép”
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cũng “đăng đàn” cho biết, hiện có rất nhiều báo cáo liên quan đến việc thử nghiệm phương tiện bay tốc độ siêu âm và thử nghiệm tên lửa đánh chặn tầm trung của Trung Quốc.
Nếu kết hợp hàng loạt hành động Trung Quốc tăng cường “lá chắn hạt nhân” chiến lược, liên kết các báo cáo trong hai năm gần đây với nhau, mọi người sẽ đặt ra câu hỏi: Việc Trung Quốc đang phát triển lực lượng chiến lược có ý nghĩa như thế nào? Bối cảnh ra sao và mục đích là gì?
Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman của Mỹ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman của Mỹ
Ông này cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt và không thể né tránh hàng loạt thách thức đối với “lá chắn hạt nhân” chiến lược của nước này. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà Trung Quốc sở hữu là ít nhất.
Hiện nay “lá chắn hạt nhân” chiến lược Trung Quốc đang phải đối mặt hai thách thức lớn như sau:
Thách thức thứ nhất là Hoa Kỳ đã tập trung toàn lực thúc đẩy sự phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa và đã bước vào giai đoạn triển khai chiến đấu. Thời kỳ đầu là hệ thống phòng thủ quốc gia (National Missile Defense - NMD), tiếp theo là hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, hiện nay Mỹ đang tích cực xây dựng và triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hành động này đã làm thay đổi cán cân lực lượng chiến lược trong phạm vi toàn cầu. Xu thế phát triển tiếp theo này có khả năng phá vỡ cán cân lực lượng chiến lược giữa các nước lớn, duy trì từ thời chiến tranh lạnh cho đến nay.
Thách thức nghiêm trọng thứ hai là sự phổ biến công nghệ hạt nhân đã trở thành mối đe dọa mới đối với lá chắn hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nước này bắt buộc phải nhanh chóng gia cố lá chắn hạt nhân chiến lược của mình.
Có hai phương thức hiệu quả để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ: Một là gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân, thông qua tăng số lượng tên lửa mới có thể gây bão hòa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, giúp cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc bảo đảm tin cậy và hiệu quả.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2 của Trung Quốc
Biện pháp thứ 2 là áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường khả năng xuyên phá cho tên lửa, giúp lực lượng tấn công chiến lược của Trung Quốc có đủ khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Xét trên một góc độ khác, để đối phó với sự phổ biến công nghệ hạt nhân trên thế giới, đồng thời cũng để đối phó với những thách thức từ việc Mỹ phá vỡ cán cân lực lượng tấn công chiến lược, Trung Quốc tất yếu phải phát triển công nghệ đánh chặn và các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trong bối cảnh đó, rất dễ lý giải nguyên nhân Trung Quốc cần phải phát triển tên lửa hạt nhân chiến lược, vì sao phải nâng cao công nghệ tên lửa và tại sao phải nghiên cứu, phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc luôn duy trì được tính tin cậy, hiệu quả và quy mô thích hợp. Trạng thái này sẽ không có sự biến đổi trong một thời gian tương đối dài, nhưng tùy thuộc vào sự thay đổi của môi trường bên ngoài bản chất của những yếu tố trên cũng sẽ phát sinh những thay đổi tương ứng với những biến động đó.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, hàng loạt nỗ lực của Bắc Kinh đưa ra trong vài năm gần đây là hoàn toàn bị động, Trung Quốc chỉ là “người bị khiêu chiến thách thức” nên các hành động của Bắc Kinh trong thời gian qua chỉ là để “đối phó với âm mưu của Hoa Kỳ muốn phá vỡ thế cân bằng lực lượng chiến lược trên toàn cầu”.
  • Tuệ Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét