Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Nhật hối thúc Mỹ gia tăng kiểm soát Trung Quốc

Nhật hối thúc Mỹ gia tăng kiểm soát Trung Quốc

  Trước thềm cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11, Nhật Bản vẫn hối thúc Mỹ phối hợp đương đầu với Trung Quốc

"Nhật và Mỹ “phải giữ vai trò chính”, và nỗ lực tái cân bằng lực lượng của quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nên nhằm vào việc đương đầu với sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực"
Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật (GSDF) Kiyofumi Iwata đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp thường niên do lục quân Mỹ tổ chức ở Washington, trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ đầu tuần này, theo Kyodo News ngày 16/10.
Tại cuộc họp trên, ông Iwata nói “có một số nước muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực” và nhấn mạnh “đây là một thực tế mà hai nước phải đối mặt”.
Người đứng đầu GSDF sau đó đã nói thẳng ra quốc gia mà ông muốn nhắc đến khi đề cập đến việc Trung Quốc năm ngoái đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Máy bay vận tải MV-22 Osprey Mỹ triển khai ở Nhật Bản
Máy bay vận tải MV-22 Osprey Mỹ triển khai ở Nhật Bản
Trung Quốc khi đó đã cảnh báo sẽ dùng “các biện pháp khẩn cấp” để ngăn chặn các máy bay nước ngoài bay qua ADIZ này mà không khai báo với Bắc Kinh. Ông Iwata cho rằng Nhật và Mỹ cần phối hợp đề ra “những biện pháp đối phó các cuộc tấn công tiềm tàng” nhằm vào các đảo của Nhật, cũng như lậê kế hoạch “tái chiếm những đảo này một khi bị đối phương xâm chiếm”.
Tướng Iwata cũng ca ngợi Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ là “tài sản vô giá” để hai nước cùng nhau phòng thủ trước kẻ gây hấn. Hiệp ước này được củng cố bằng việc nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 12/2013 đã thông qua “Chiến lược An ninh quốc gia” đầu tiên của Nhật nhằm dỡ bỏ những hạn chế của hiến pháp thời hậu chiến.
Chiến lược khẳng định Nhật phải “cảnh giác với các hoạt động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế”.
Ông Iwata cũng coi việc chính quyền Abe quyết định thay đổi cách diễn dịch hiến pháp hồi tháng 7 nhằm cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể là một bước ngoặt quan trọng, đồng thời bày tỏ quyết tâm thúc đẩy các cải cách sâu rộng trong GSDF, theo Jiji Press.
Theo kế hoạch, GSDF đang xem xét thành lập một lực lượng với chức năng tương tự thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 2018 nhằm tăng cường năng lực bảo vệ đảo xa.
Những tuyên bố này từ phía quân đội của Nhật Bản được phát đi khi Thủ tướng Shinzo Abe sắp tới Bắc Kinh để thực hiện cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về những bước đi nhằm phá băng mối quan hệ giữa hai nước.
Quân đội Nhật Bản đang từng bước hiện đại hóa và ngày càng thiện chiến
Quân đội Nhật Bản đang từng bước hiện đại hóa và ngày càng thiện chiến
Tokyo và Bắc Kinh đều đánh giá sự căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ khiến cả hai quốc gia đang bó buộc lẫn nhau trong việc hợp tác kinh tế, và điều này là rất đáng tiếc trong hoàn cảnh cả hai quốc gia đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hai nhà lãnh đạo đã quyết định gặp gỡ với nhau, sau một loạt nỗ lực đề nghị hội đàm từ phía Nhật Bản nhưng không được Trung Quốc đáp trả.
Dù cuộc gặp vào tháng 11/2014 này có nhiệm vụ quan trọng như những bước đi đầu tiên để "phá băng" mối quan hệ giữa hai nước, và cần phải có sự hợp tác tích cực trong cách xử sự của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, những gì mà giới quân sự Nhật Bản tuyên bố cho thấy sẽ không có thay đổi gì về quan điểm của Tokyo với quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc.
Mặt khác, ngày 16/10/2014, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn gửi lễ vật tới đền chiến tranh Yasukuni, điều này khiến Bắc Kinh thực sự tức giận.
Những hành động từ phía Tokyo đã ngầm khẳng định rằng hợp tác kinh tế với Nhật Bản sẽ mang lại lợi nhuận cho cả hai bên, nhưng đừng hi vọng vào đó để có thể áp đảo Tokyo trong những vấn đề chính trị, địa chính trị.
Đỗ Phong (Tổng hợp TNO, ĐVO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét