Báo Trung Quốc: Ấn Độ ‘giả vờ’ đối thoại để chiếm biên giới
Ấn Độ đang giả vờ quan tâm tới các cuộc đối thoại
ngoại giao nhằm che giấu mục đích thực sự tăng cường sự hiện diện quân
sự và củng cố quyền kiểm soát các vùng tranh chấp với Trung Quốc.
Theo tạp chí Xinmin Weekly tại Thượng
Hải, giới bình luận chính trị Trung Quốc lâu nay cho rằng trong nhiều
năm qua, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực
Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 2.000 km - ranh giới tạm thời chạy
dọc dãy núi Himalayas giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Đây được xem là một phần trong “hành
động chiến lược” nhằm giúp New Delhi giành thêm lợi thế trong các cuộc
đàm phán phân chia biên giới với Trung Quốc. Trên thực tế, một số ý kiến
cho rằng các cuộc đàm phán còn là chiến thuật trì hoãn giúp Ấn Độ tiếp
tục tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng kiểm soát các khu vực đang
xảy ra tranh chấp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới New Delhi hôm 17/9. |
Một trong những bằng chứng được tạp chí
Xinmin Weekly trích dẫn là cuộc họp lần thứ 13 về vấn đề biên giới giữa
hai nước được tổ chức tại New Delhi từ ngày 7 – 8/8. Cuộc họp này được
đánh giá là khá thành công khi hai bên đồng thuận thiết lập đường dây
nóng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Ấn Độ đã thông
báo kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu nằm dọc
đường biên giới nước này với Trung Quốc đồng thời triển khai một đoàn xe
tăng tới vùng biên giới trọng điểm Arunachal Pradesh, khu vực chính
thức trở thành một bang của Ấn Độ vào tháng 2/1987. Trong khi đó, Trung
Quốc coi bang Arunachal Pradesh là một vùng chiến lược quan trọng của
quận Tawang thuộc Tây Tạng.
Trong hơn một thế kỷ qua, mối quan hệ
Trung - Ấn đã không ít lần trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề phân
chia biên giới. Điển hình, khu vực biên giới giữa hai nước từng xảy ra
chiến tranh vào năm 1962.
Tổng diện tích vùng tranh chấp giữa
Trung - Ấn vào khoảng 125.000 km2 và chia thành 3 khu vực. Một nửa khu
vực miền đông Arunachal Pradesh rộng khoảng 90.000 km2. Một nửa khu vực
còn lại nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ rộng 2.000 km2. Và khu vực phía
tây thuộc quận Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát thuộc một phần khu tự
trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương rộng 33.000 km2.
Suốt 50 năm qua, Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng
cường sự hiện diện quân sự tại Arunachal Pradesh mà theo giới bình luận
Trung Quốc, New Delhi đã huy động 1/3 lực lượng quân đội tới khu vực
này tương đương 100.000 binh sĩ. Ngoài ra, Ấn Độ còn triển khai các
chiến đấu cơ thế hệ thứ tư Su-30 cùng xe tăng T-72 cũng như buộc một số
sân bay trong vùng Arunachal Pradesh trao quyền kiểm soát cho quân đội.
Song, mới đây, quan chức Trung - Ấn đã
ra thông báo về hàng loạt biện pháp nhằm giảm thiểu tình hình căng thẳng
tại khu vực biên giới như thiết lập đường dây nóng đối thoại và tiến
hành “các cuộc họp thường xuyên” giữa sở chỉ huy quân sự, các đơn vị
chiến đấu gần biên giới và lực lượng biên phòng hai nước. Thậm chí, hai
bên còn dự định tổ chức các cuộc họp ngay tại khu vực biên giới tranh
chấp và lắp sẵn hệ thống viễn thông giữa phòng tuyến đầu biên giới hai
nước.
Một động thái khác thể hiện thiện chí
giữa hai nước là khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông cáo rằng cuối
tháng trước, Bắc Kinh và New Delhi “đã đồng loạt rút quân nhằm tái
thiết nền hòa bình” tại khu vực biên giới tranh chấp. Ngoài ra, Trung
Quốc và Ấn Độ cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố vào
giữa tháng 11 tới.
Binh sĩ Trung - Ấn tại LAC. |
Những biện pháp mới trên được đưa ra sau
khi hàng ngàn binh sĩ Trung - Ấn cùng xuất hiện tại vùng biên giới
tranh chấp. Hai hai bên còn không ngừng đổ lỗi cho nhau xây dựng đường
xá cũng như đài quan sát tại khu vực này.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh còn bày tỏ mối
quan ngại trước kế hoạch xây dựng 2.000 km đường trị giá 400 tỷ rupee
(6,5 tỷ USD) tại Arunachal Pradesh. Đây được xem là dự án cơ sở hạ tầng
lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử Ấn Độ.
Giới bình luận chính trị Trung Quốc đã
lên tiếng phản đối cho rằng Ấn Độ đang xâm chiếm trái phép lãnh thổ
Trung Quốc trong 50 năm qua. Các nhà bình luận nhận định những nỗ lực
tăng cường sự hiện diện quân sự của Ấn Độ sẽ chỉ “hoàn toàn vô ích” và
khẳng định Bắc Kinh đã giành thắng lợi trong cuộc chiến Trung - Ấn năm
1962. Ngoài ra, việc Trung Quốc rút quân cũng như đơn phương tuyên bố
ngừng bắn là hành động mang tính “nhân nhượng” với Ấn Độ.
Nội dung được thực hiện qua tham
khảo nguồn tin từ Xinmin Weekly, tạp chí xuất bản tại Thượng Hải thuộc
quản lý của Wenhui-xinmin United Press Group. Số ra đầu tiên vào tháng
1/1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét