Hàng loạt DN nước ngoài 'lắc đầu' vì Trung Quốc chèn ép
(PLO) - Một nguồn
tin hành lang kinh tế hôm qua (3-9) dẫn lại kết quả khảo sát liên quan
vấn đề thắt chặt điều tra chống độc quyền của Chính quyền Bắc Kinh cho
thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang chịu những áp lực to lớn từ phía
nhà quản lý.
Từ năm 2008, Luật chống độc quyền của
Trung Quốc được siết chặt bất chấp những khiếu nại từ phía doanh nghiệp
nước ngoài rằng Trung Quốc đang tạo ra một sân chơi thương mại thiếu sự
công bằng (so với các doanh nghiệp nội địa).
Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung (USCBC)
cho hay nhiều công ty dưới sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh đã bị gò
ép, gây áp lực quá mức, bị ép buộc phải thừa nhận những hành vi sai
trái, bị lập biên bản mà không được thông báo bất kỳ một cuộc điều tra
minh bạch, cụ thể và xác đáng nào.
"Những hành động nói trên đang đi trái
lại với chính tinh thần và những cam kết của Trung Quốc trong việc nỗ
lực cải thiện luật pháp và thủ tục hành chính. Đồng thời Chính phủ Trung
Quốc cũng đang "lệch pha" với những thông lệ chung của quốc tế", đại
diện USCBC phát biểu trên báo chí.
USCBC dẫn hàng loạt những báo cáo từ
Phòng Thương mại Mỹ, và Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc; Phòng Thương
mại Mỹ tại Washington, cho thấy sự báo động trong nhận thức của doanh
nghiệp nước ngoài về tính thiếu công bằng trong chính sách cạnh tranh mà
Bắc Kinh ban hành.
Điều dễ dàng được chứng minh khi qua một
cuộc khảo sát của USCBC, có đến 86% số người tham gia khảo sát cho biết
họ rất lo ngại đến việc nỗ lực thực thi luật chống độc quyền của chính
phủ Trung Quốc. Đặc biệt là trong những tháng gần đây khi các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra "đặc biệt" nhiều hơn vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Microsoft đã bị chính phủ điều tra và phải chi những khoản tiền phạt không nhỏ
Ngày
càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ cảm thấy không được chào đón ở Trung
Quốc, trong bối cảnh những căng thẳng Mỹ-Trung ảnh hưởng xấu đến các
công ty đa quốc gia.
Một cuộc khảo sát mới đây do Phòng
Thương mại Mỹ thực hiện ở Trung Quốc cho thấy 60% các công ty Mỹ cảm
thấy không được chào đón ở đất nước này, trong khi con số này chỉ là 41%
vào cuối năm 2013.
Gần một nửa số người được hỏi cũng tin
rằng các công ty nước ngoài đang bị chèn ép và trở thành mục tiêu của
chiến dịch chống tham nhũng do Bắc Kinh tiến hành.
"Nếu môi trường đầu tư xấu đi rõ rệt,
mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ bị tổn
thương nghiêm trọng," Gregory Gilligan, chủ tịch nhóm khảo sát cho
biết.
Các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ
và xe hơi đã trở thành mục tiêu của chính quyền trung ương Trung Quốc
vài tháng gần đây do cáo buộc tham nhũng, bán phá giá hoặc gây lũng đoạn
thị trường.
Các công ty kể trên bao gồm BMW,
Volkswagen, Qualcomm, Microsoft, Apple và Chrysler đã bị chính phủ điều
tra và phải chi những khoản tiền phạt không nhỏ.
Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh chỉ cần thắt chặt giám sát cũng đủ để gây thiệt hại cho lợi nhuận của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên công ty nước ngoài không phải
là những đối tượng duy nhất đang bị chính phủ điều tra. Chính quyền
trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu theo dõi một số doanh nghiệp nhà
nước trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của nước này.
Tuy nhiên, phía Chính quyền Bắc Kinh đã
lên tiếng bác bỏ các khiếu nại về luật chống độc quyền, và khẳng định
rằng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Thương mại và Cục
Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại (SAIC) đang thực thi theo
đúng pháp luật quy định.
Người đứng đầu Cục chống độc quyền
NDRC Xu Kunlin cho rằng "đúng là có một số cuộc điều tra về vấn đề độc
quyền do NDRC tổ chức có liên quan đến các công ty đa quốc gia, nhưng
điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang nhắm vào họ. Chúng tôi đối xứ
với doanh nghiệp nước ngoài và nội địa là như nhau để đảm bảo tính công
bằng".
Đại Thắng - Duy Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét