Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Trung Quốc lén lút dời giàn khoan, thả ngư dân


Giàn khoan của Trung Quốc di chuyển trong đêm
Theo tướng Lê Mã Lương thì “Trung Quốc rút giàn khoan không phải vì cơn bão. Bởi lẽ giàn khoan này đã được thiết kế để chịu đựng “siêu bão”. Cho nên cơn bão chỉ là cái cớ để họ nói với thiên hạ. Hành động này cho thấy sự sai lầm về chiến lược của họ”. 

Đồng quan điểm trên, nhiều người cho rằng, việc Trung Quốc nửa đêm lén lút di chuyển giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam không phải để “chạy bão” mà có thể do họ đã thất bại trong phép thử lòng can đảm của Việt Nam và thăm dò phản ứng của các nước ASEAN, đặc biệt là Mỹ. Việc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển Việt Nam để “ném đá dò đường” của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và sự lên án của dư luận thế giới.

Ngay từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái và bước đi cứng rắn ở trên biển, quyết không để giàn khoan tiến sâu. Một mặt, tuyên bố với thế giới về việc Việt Nam quyết không chấp nhận thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Đồng thời chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ để tạo bước đệm vững chắc nhằm chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Mặt khác, Thủ tướng Việt Nam cũng mạnh tay ban hành các quyết sách lớn để hỗ trợ ngư dân bám biển, thành lập lực lượng kiểm ngư. Bên cạnh quyết tâm của Chính phủ thì lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cùng ngư dân của Việt Nam đã kiên trì và tỉnh táo để không bị mắc bẫy Trung Quốc. Và hơn cả chính là sự đoàn kết dân tộc thể hiện qua việc hàng triệu người Việt Nam xuống đường, ủng hộ, sát cánh cùng chính phủ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Ngay cả Philipines, Nhật Bản cũng đã lên tiếng ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Trong đó Philipines mời Việt Nam tập trận chung (đã từ chối) và Nhật Bản còn sẵn sàng ủng hộ tàu tuần tra của Việt Nam. Phía Mỹ, sau nhiều lần lên tiếng đã chính thức ra nghị quyết về Biển Đông và công khai yêu cầu Trung Quốc trả nguyên hiện trạng Biển Đông như trước khi họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam.

Giàn khoan đi, vấn đề vẫn còn đó
Ở một khía cạnh khác, Tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định “hành động rút giàn khoan 981 có thể nằm trong chiến lược, kế hoạch của Trung Quốc chứ  không phải do bão hay do Nghị quyết mới đây của Mỹ về yêu cầu trả nguyên hiện trạng Biển Đông như trước khi họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam”. Ông bày tỏ lo ngại: “giai đoạn tiếp theo mới là nguy hiểm vì họ sẽ kéo giàn khoan khác vào thế chỗ giàn khoan 981”. Còn TS Nguyễn Nhã thì cảnh báo “dù Trung Quốc rút giàn khoan nhưng chúng ta không được ngủ quên mà phải luôn đề cao cảnh giác, kịp thời đối phó với các âm mưu mới”.

Rõ ràng, giàn khoan 981 có ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng những vấn đề nó khơi lên vẫn còn ở đó, buộc chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong chiến lược lâu dài về kinh tế.
Vấn đề đầu tiên là tuyên bố rất sai trái của Trung Quốc khi công bố chuyện di chuyển giàn khoan. Theo Tân hoa xã, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho rằng đã phát hiện dấu hiệu dầu và khí đốt ở vùng họ khoan thăm dò nhưng tạm thời chưa cho khai thác vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này. Họ tuyên bố cứ như thể đấy là vùng biển của họ, muốn làm gì thì làm! Đồng thời cho thấy khả năng trong tương lai Trung Quốc cho giàn khoan trở lại hoạt động trong vùng biển của Việt Nam như họ từng làm trong hơn hai tháng qua là rất cao.

Do vậy đây là thời gian chúng ta gấp rút chuẩn bị các phương án đối phó, kể cả việc kiện Trung Quốc ra tòa như dự tính. Nói cách khác, việc Trung Quốc dời giàn khoan không làm thay đổi bản chất tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông của nước này và do đó, chúng ta phải tiếp tục cảnh giác như thời gian giàn khoan nằm sừng sững trên vùng biển nước ta.

Một trong những vấn đề quan trọng đó là cho dù giàn khoan 981 có ở đó hay rút về Hải Nam thì câu chuyện bất tương xứng trong quan hệ kinh tế Việt-Trung vẫn còn đó. Những nỗ lực để cân bằng trở lại mối quan hệ này vẫn cần đẩy mạnh chứ không hề lơi tay. Vì thế, nhắc nhở cho nhau về chuyện giàn khoan rút đi, các vấn đề vẫn còn đó là một nhắc nhở cần thiết. Lúc đó những nỗ lực đấu tranh của các lực lượng chấp hành pháp luật trên biển, trên mặt trận ngoại giao… mới không uổng phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét